Thứ bảy, Tháng Một 18
Shadow

Phụ nữ thông minh không phải lúc nào cũng còng lưng “nhẫn nhịn, hi sinh”

Phụ nữ có vô vàn những mối quan tâm trong cuộc đời mình: Công việc sự nghiệp, con cái, sở thích đam mê, anh chị em bạn bè, học tập… Niềm vui đâu chỉ đóng đinh ở thái độ, sự quan tâm của các ông chồng. Chẳng tội gì khi chồng bạn chỉ xem bạn là “một trong những” còn anh ta đối với bạn lại là “cả thế giới”.

Hồi học lớp 9, có một lần trưa đi học về muộn, tôi sang nhà bác ăn cơm. Vừa ngồi xuống mâm cơm, tôi đã thấy bác trai liên tục càu nhàu và tỏ ý không vừa lòng vì đĩa rau muống luộc màu không được xanh như ý muốn do bác gái chế biến.

Trái ngược với thái độ của bác trai, bác gái chỉ thở dài, chẳng nói chẳng rằng, chốc chốc lại đánh mắt nhìn chồng dò xét thái độ. Chả biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi mới vui mồm phán một câu xanh rờn:

– Hay là lần sau bác luộc rau đi ạ! Luộc rau mất có vài phút thôi mà. Một ván cờ của bác phải luộc được 1 thúng rau.

Vừa dứt câu bác trai lườm:

– Để tao cho bác mày lên bàn thờ ngồi. Có vợ để làm cái gì!

Tôi lại nhớ đến gia đình mình.

phụ nữ, thông minh

Mẹ tôi luôn là người làm việc nhiều nhất nhà. Ngày ngày mẹ đi làm, chiều về tranh thủ đi chợ. 5h30 chiều về tới nhà lại xông vào bếp leng keng với đống nồi niêu xoong chảo.

– Ơ, anh chưa cắm nồi cơm à?

– Cơm cắm lúc nào chả được, làm gì mà phải cuống lên!

Đó là 2 câu thoại quen thuộc của bố mẹ tôi mỗi khi tôi vừa đi học về tới cửa.

2 câu nói đủ để tôi nắm được: À, mẹ tôi vừa mới về, cơm chưa nấu và bố tôi sắp chuẩn bị đi tắm!

Quả thực, lần nào tôi cũng dự đoán như thần!

Tắm xong, ông ra phòng khách ngồi vắt chân xem tivi và rít vài điếu thuốc lào, chốc chốc tôi thấy ông gật gù ra vẻ tâm đắc sau làn khói thuốc mơ mơ ảo ảo. Đến mức đôi lúc tôi chẳng biết bố mình đang tỉnh hay vẫn đang “phê” nữa.

Cơm được dọn ra. Chưa bao giờ tôi thấy ông khen cơm mẹ tôi nấu ngon, lại vẫn chỉ toàn: “Muối hôm nay rẻ à”, “Quên không cho muối à?”, “Xào cái này phải để lửa to mới ngon được”, “Đã rụng răng đâu mà phải cẩn thận nấu kỹ thế?”…

Và lần nào cũng vậy, mẹ tôi cũng chỉ im lặng cho qua. Tôi có cảm tưởng, tất cả những gì bà cần, có lẽ chỉ gói gọn trong cái gật đầu, lắc đầu của chồng mình. Hạnh phúc của bà chắc có lẽ chỉ là một lần được nhìn thấy chồng ăn miếng cơm bà nấu với vẻ mặt hài lòng.

Khái niệm về “đàn ông” và “phụ nữ” hình thành trong tôi cũng chính là từ đó!

Tôi vẫn nhớ, mẹ từng nói với tôi rằng: “Con mà nấu ăn không ra gì sau này lấy chồng, nhà chồng họ đuổi về đấy con ạ!”.

Lúc đó, tôi lấy làm băn khoăn lắm. Tôi bảo mẹ:

– Chả có lẽ, con đẻ ra chỉ là để đi phục vụ đàn ông thôi à? Mẹ bảo con học giỏi mới kiếm được chồng tốt, cắm hoa, trang trí nhà cửa cũng là để giữ chồng, giờ nấu ăn cũng là để phục vụ gia đình chồng. Chả lẽ, cuộc đời con chỉ quanh quẩn bên chồng thôi? Chồng đi đâu theo đấy, chồng cười thì vui, khóc thì buồn, hắt hơi thì lo lắng mà quát mắng thì sợ sệt. Sống thế thì còn giá trị gì nữa?

Xem thêm  Nếu lười nhưng vẫn muốn ăn mặc thật xinh kỳ nghỉ lễ, bạn chỉ việc triển 4 kiểu mix đồ siêu nhàn nhưng nịnh mắt này

Mẹ lại bảo: “Hay cãi như thế thì kiểu gì cũng ế chồng!”

Hóa ra, nỗi lo lắng lớn nhất của bà khi đẻ con gái chỉ là gả cho nó một tấm chồng tốt. Thảo nào cứ mỗi lần thấy các chị con nhà bác ngồi túm năm tụm ba tám chuyện gia đình, tôi lại thấy các chị thều thào, ánh mắt xa xăm: “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”! Tôi thì chả hiểu sao thấy câu nói ấy cứ có gì đó sai sai!

Một ngày nọ, mẹ tôi trở về từ buổi tuyên truyền bình đẳng giới của hội phụ nữ xã. Gương mặt bà bừng sáng, tinh thần hăm hở như thể vừa được mặt trời chân lý chói qua tim. Bà “đình công” không nấu cơm, không đi chợ, không quét dọn, không giặt giũ suốt cả tuần liền. Thế rồi, đâu lại vào đó! Tất cả lại như chưa hề có cuộc cách mạng tư tưởng nào xảy ra cả! Tôi lại thấy bà cần mẫn như một chú ong thợ.

Rồi một lần nọ đang học bài, tôi giật bắn mình hốt hoảng vì mẹ tôi từ đâu chạy về máu me be bét. Tôi vội vã chạy lại xem vết thương cho bà nhưng bà bảo máu đó không phải của bà mà là của chị gái con nhà bác tôi. Chị ấy vừa bị chồng cầm chai bia ném vào mặt, rách cả một miếng bên má, phải vào viện khâu 7 mũi. Mẹ tôi vừa thay quần áo vừa thở dài:

– Đấy, con xem, lấy phải chồng không ra gì, khổ một đời! Giờ muốn ly hôn chẳng được. Nó bảo, cái K mà dám ly hôn, nó tẩm xăng đốt chết cả họ!

Tôi khi đó chỉ biết im lặng gật gù xen lẫn chút lo sợ. Cả họ? Rõ ràng là có tôi rồi, không sợ sao được!

– Cái tội cãi chồng là như thế đấy. Một điều nhịn là 9 điều lành con ạ.

– Nhưng, mẹ bảo con ế chồng cơ mà! Tôi cãi cố!

Bẵng đi một thời gian, tôi cũng lớn, cũng yêu đương điên cuồng. Lời tiên tri của mẹ tôi thế mà chẳng thể thành hiện thực. Tôi vẫn cãi chem chẻm như thế nhưng không ế chồng.

Chồng tôi ban đầu là một thanh niên mang dòng máu trưởng giả và quan cách nhưng sau vài lần cãi nhau tay đôi với tôi phải chịu thua thì đành xuống nước chấp nhận bình đẳng trong phát ngôn.

Tính tôi vốn thẳng thắn. Dù chẳng hiểu tại sao tôi lại yêu và lấy chồng mình nhưng lại luôn yêu cầu sự rành mạch, rõ ràng, dứt khoát, triệt để trong mọi vấn đề của đời sống hôn nhân. Không bao giờ tôi chấp nhận cho qua cái gì đó khi nó còn nhập nhằng trắng đen lẫn lộn. Hoặc là tôi đã tự hiểu hết sau đó buông hoặc cho qua. Hoặc tôi sẽ yêu cầu chồng mình cho một lời giải thích để tôi có thể hiểu tường tận ngọn ngành. Chứ không bao giờ có thể giả vờ hiểu khi không hiểu hay coi như không biết khi mắt thấy tai nghe. Đó cũng chính là lý do tại sao vợ chồng tôi sống với nhau rất thoải mái và mọi mâu thuẫn đều tìm được hướng giải quyết! Nếu không thể tìm được một giải pháp dung hòa, tôi chọn chia tay chứ không chịu nhẫn nhịn.

Xem thêm  Thư mẹ gửi con gái vừa ly hôn: 'Ly hôn nào phải là đường cùng, con ơi!'
phụ nữ, thông minh

Lần cãi nhau to nhất cách đây vài tháng, cơn tức giận bốc lên ngùn ngụt tôi gào lên với chồng rồi đặt trước mặt anh ta lá đơn ly hôn dài tới 5 trang do chính tay tôi viết. Chồng tôi không nói gì, chỉ lẳng lặng đọc hết và chủ động xin lỗi. Nhưng vào cái thời điểm mà tôi đã quyết buông rồi thì cả trăm ngàn lời xin lỗi cũng vô ích. Tôi yêu cầu anh phải “xỏ chân vào đôi giày” của tôi rồi hãy tự cảm nhận. Theo đó, anh phải ở nhà chăm sóc 2 đứa con và mỗi ngày viết chục trang nhật ký. Anh đồng ý. Nhưng chỉ được 2 ngày nhìn anh đã xác xơ, đầu bù tóc rối, tâm trạng hỗn loạn. Anh bảo:

-Anh chịu thôi, không thể trông nổi 2 đứa chứ nói gì đến viết chục trang nhật ký.

Tôi bảo:

– Vậy mà em vẫn hàng ngày phải làm vậy. Bởi vì em không có bất cứ sự lựa chọn nào khác. Không phải chục trang mà là hàng trăm nghìn trang. Không phải kể lể mà là sáng tạo. Theo anh em có mệt mỏi không? Có stress không?

Chồng tôi lặng lẽ gật đầu nhưng tôi chưa dừng ở đó:

– Thế nhưng, anh ngày nào cũng vậy. Chỉ cần về tới nhà là anh tỏ vẻ mệt mỏi như thể anh vừa đi cứu cả thế giới vậy. Anh gầm gừ mỗi khi em nhờ anh lấy giúp em cái bỉm, đun hộ em ấm nước hay trông con giúp em nửa tiếng. Như thể con là do em đẻ ra nên em tự mà nuôi lấy vậy. Còn sự nghiệp của em thì sao? Mỗi ngày anh ăn mặc tươm tất bước ra khỏi cửa đi làm, dù công việc có trục trặc, anh có đau đầu nhưng chỉ cần được bước ra cửa, không phải lo nghĩ đến hôm nay cho con ăn gì, uống gì, mặc gì, ốm đau thế nào đã là mơ ước của em rồi đấy! Anh cũng mệt, em cũng mệt. Chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải cùng vui lên. Khó khăn chắc chắn sẽ qua đi. Nếu cứ ủ rũ thế này, tình hình chỉ càng thêm tệ hại.

Sau lần đó, chúng tôi không ly hôn. Tôi thấy chồng thay đổi từng ngày. Hoàn toàn không còn tình trạng về tới nhà là mệt mỏi, uể oải hay cáu gắt với tôi nữa. Anh bắt đầu có trách nhiệm hơn với con cái, cùng chia sẻ với tôi công việc gia đình để tôi có thời gian phát triển sự nghiệp của riêng tôi.

Sẽ ra sao nếu như tôi cứ chấp nhận im lặng và nhẫn nhịn? Tôi vẫn sẽ phải nhìn bản mặt hằm hằm đó hàng ngày của chồng, vẫn phải đầu bù tóc rối 1 mình với hai con, vẫn chẳng có thời gian dành cho công việc… Đời tôi sẽ chẳng thể khá lên được.

Theo giadinhtiepthi