Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Quê nhà chuẩn bị đón cố Tổng bí thư Đỗ Mười

Nơi yên nghỉ của cố Tổng bí thư Đỗ Mười nằm cạnh con đường làng, nhìn ra dòng kênh nhỏ thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Xem thêm  Tiểu sử cố tổng bí thư Đỗ Mười

đỗ mười

Ngôi nhà năm gian của cố Tống bí thư Đỗ Mười ở thôn 3, xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Tất Định

Mấy ngày nay, ngôi nhà của cố Tổng bí thư Đỗ Mười ở thôn 3 (xã Đông Mỹ, Thanh Trì) đông hơn thường lệ. Khung bạt căng kín sân, bàn ghế xếp hàng dài để tiếp đón họ hàng, làng xóm đến chia buồn cùng gia đình.

Ngôi nhà năm gian lợp ngói xi măng rộng chừng 70 m2, nằm trên mảnh đất khoảng 200 m2 ở thôn 3 xã Đông Mỹ đã gắn bó với tuổi thơ của ông Đỗ Mười. Nhà xây bằng vôi cát, nhiều mảng tường bong tróc nên gia đình ốp nhựa cho sạch sẽ. Khoảng sân rộng trước nhà lát gạch đỏ, nhuốm màu rêu mốc.

Bàn thờ tổ tiên cùng bố mẹ cố Tổng bí thư Đỗ Mười đặt ở gian chính giữa, treo đôi câu đối của GS Vũ Khiêu. Câu đối có nội dung: “Quốc thái dân an lôi công đức/Phượng vũ long phi bái tiền đường”, với ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên. Gian bên trái treo tấm ảnh đen trắng chụp khi ông Đỗ Mười nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, cùng vài tấm ảnh chụp với con cháu.

đỗ mười

Bức ảnh ông Đỗ Mười chụp năm 1988 được treo ở tường nhà. Ảnh: Tất Định.

Thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên, bà Phạm Thị Chắn (76 tuổi), em họ của cố Tổng bí thư, kể lại những lần anh về thăm quê. Lúc giữ cương vị lãnh đạo cao nhất cho đến khi về hưu, trang phục ông Đỗ Mười thường mặc là sơ mi trắng, trời rét mặc áo đại cán, đi dép xăng đan, giày vải.

Mỗi dịp lễ Tết hoặc khi địa phương, họ hàng có công việc, ông thường về chốc lát, uống chén trà, hỏi thăm mọi người rồi đi, ít khi ở lại ăn cơm. “Anh hỏi han khắp lượt họ hàng có khỏe không, lũ trẻ học ra sao. Quà anh tặng thường là gói bánh quy hay gói chè. Thỉnh thoảng tới thăm, anh cố nài tôi cầm tiền, khi thì 50 nghìn, lúc 100 nghìn… Anh bảo tặng cô mấy đồng ăn quà”, bà Chắn kể.

Gặp nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười một lần vào năm 2015 tại lễ kỷ niệm thành lập Đảng bộ xã, ông Nguyễn Đức Trường (80 tuổi) vẫn nhớ: “Bác chống gậy bước vào hội trường. Mọi người ra đỡ, nhưng bác không đồng ý. Gần một trăm tuổi, giọng bác vẫn sang sảng”.

đỗ mười

Khu đất sẽ đặt mộ phần cố Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Tất Định

Cách đây 6 tháng, chính quyền xã Đông Mỹ nhận được thông tin về tâm nguyện của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười muốn yên nghỉ tại quê nhà sau khi qua đời. “Chúng tôi bàn bạc, thống nhất chọn khu đất ở thôn 1 làm nơi yên nghỉ của ông. Khu đất rộng 1.100 m2, đúng so với quy định”, ông Nguyễn Mạnh Chiến, Phó bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ, nói.

Khu đất đặt mộ phần cố Tổng bí thư Đỗ Mười nằm giữa vườn đào, sát ngã tư đường liên thôn và nhìn ra con mương. So với nền đất xung quanh, khu mộ đã được tôn cao khoảng một mét, lát tạm bằng gạch block đỏ. Nằm chính phần đất là huyệt mộ. Có một con đường bê tông dài khoảng 20 m nối từ đường liên thôn vào khu mộ, hai bên trồng sấu, hoa bụi màu tím.

Do đường bê tông dẫn vào mộ chỉ vừa đủ hai ôtô bốn chỗ tránh nhau, các công nhân đang gấp rút làm thêm con đường tạm để đoàn xe lễ tang di chuyển vào.

13h ngày 7/10, di hài cố Tổng bí thư Đỗ Mười sẽ trở về với đất mẹ.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần hồi 23h12 ngày 1/10, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 101 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Nguyên Tổng bí thư được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Tháng 9/1960, ông Đỗ Mười được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng. Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu vào Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban bí thư. Hai năm sau, Quốc hội bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII, ông Đỗ Mười được bầu vào Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng bí thư (6/1991-12/1997). Ông là đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII, IX và được trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Tất Định

Vnexpress

Link gốc