Thứ Sáu, Tháng Ba 29
Shadow

Quy định về chiều cao giáo viên từ 1,5m: Bộ GDĐT nói gì?

giáo viên
Quy định về chiều cao đối với tuyển sinh ngành đạo tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đang gây nên những tranh luận trái chiều. Ảnh: HN

 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng quy định, tiêu chí tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Xem thêm  Vụ sếp ngân hàng cùng nữ giáo viên phê ma tuý: Các đối tượng đã nuốt 17,5 viên ma túy

Quy định thí sinh xét tuyển ngành đào tạo giáo viên cao từ 1,5m trong công bố chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong tuyển sinh năm 2019 của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đang tạo nên nhiều sự tranh luận.

Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng giáo viên cũng là một nghề nghiệp đặc thù, đặc biệt là liên quan tới đào tạo về con người.

Ngoại hình cũng đòi hỏi một số tiêu chuẩn nhất định như không được nói ngọng, nói lắp, một số quy định về ngoại hình. Những tiêu chuẩn nhất định tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn của mỗi trường, mỗi nền giáo dục.

“Chúng ta không nên quá nặng nề vì mỗi trường có những tiêu chuẩn tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu ra phù hợp. Không nên quá coi quy định về chiều cao của thí sinh là việc phân biệt hay kỳ thị họ”, ông Khuyến bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng để làm tốt công tác giáo dục ngoài năng lực về chuyên môn, phẩm chất đạo đức thì hình thể cũng liên quan tới hoạt động giáo dục rất nhiều.

Tuy vậy, cần quan tâm về các tật như nói ngọng, có những dị tật có thể ảnh hưởng tới hoạt động dạy học mà không khắc phục được. Chiều cao sẽ không phản ánh nhiều sự cần thiết của một giáo viên đứng lớp, ông Bình cho hay.

“Có những người có chiều cao khiêm tốn nhưng có năng lực sư phạm, kết quả giáo dục vẫn hiệu quả. Những điều đó còn đáng trân trọng hơn những người có ngoại hình tốt nhưng vào nghề không phải vì đam mê hay có năng khiếu sư phạm.

Tôi cho rằng, đối với nghề giáo viên, ngoại hình là cần thiết nhưng tiêu chí chiều cao chưa phải là 1 trong những tiêu chí phù hợp để đưa vào chọn giáo viên”, ông Nguyễn Quốc Bình cho hay.

Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn cũng cho rằng chúng ta phải nhìn nhận việc tuyển chọn thực chất hơn. Tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên cần thể hiện năng lực thông qua phỏng vấn như vào nghề vì mục đích gì, có đam mê, yêu thích hay không, có sở trường phù hợp hay không…

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay trong điều kiện tự chủ, Quy chế Tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.

“Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm… để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo.

Các quy định khác của trường do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu” của trường. Tuy nhiên, quy định này phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội”, Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Xem thêm  2 mẩu chuyện kinh điển về giáo dục, thiết nghĩ mọi bố mẹ và giáo viên Việt Nam đều nên đọc

Theo Huyền Nguyễn/Lao động

Link