Thứ Năm, Tháng Tư 25
Shadow

‘Rừng Calais’ – trại người nhập cư chờ cơ hội vào Anh

Tại các trại tạm trú ngoại ô thành phố Calais, di dân sẵn sàng chi hàng nghìn euro cho kẻ buôn người hoặc tự mạo hiểm vượt biển sang Anh.

Khi thời hạn của thỏa thuận Brexit ngày càng gần, nhiều di dân càng bất chấp mạo hiểm bởi họ sợ rằng cánh cửa sang Anh sẽ hẹp dần. Tại các khu trại ở phía bắc nước Pháp, có khoảng 1.000 – 1.500 người tị nạn và di cư đang sống tạm bợ chờ sang Anh, trong đó có 600 người ở Calais, một thành phố nằm bên eo biển Manche nối sang Anh.

nhập cư

Khu trại của các di dân trái phép ở Calais, miền bắc Pháp. Ảnh: AFP

Một số người tị nạn đang chạy trốn xung đột ở các nước như Iran, Afghanistan và Eritrea. Số khác là di dân kinh tế. Họ đều khao khát vượt biển tới Anh để tìm một cuộc sống tốt hơn.

Một phóng viên ngầm của kênh truyền hình Anh ITV News đã trải qua nhiều tuần trong khu trại nằm ở những bãi đất hoang được gọi là “rừng Calais”, ăn ngủ với họ, tâm sự với họ và lắng nghe những câu chuyện của họ để có một cái nhìn cận cảnh về hành trình mạo hiểm của họ tới Anh.

Để giành được niềm tin của những người di cư này không phải là dễ dàng. Ban đầu, họ tỏ ra nghi ngờ khi nghe phóng viên ngầm cho biết anh muốn đưa cháu trai tới Anh cùng mình bằng thuyền.

“Lý do khiến một số người nghi ngờ là vì anh đến từ Anh và nhiều người từ Anh tới là nhà báo hoặc các nhân viên tình báo”, một người Iran giải thích.

Phóng viên trên đã cố gắng tìm một kẻ buôn người bằng thuyền nhưng chỉ tìm được những kẻ cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe tải, phương thức phổ biến nhất được dùng để vào Anh.

“Trong một tuần, tôi sẽ đưa anh đi, nếu anh không đi, tôi sẽ trả lại tiền cho anh”, một kẻ buôn người nói với nam phóng viên. “Nghe này, đưa tôi 3.000 euro và tôi sẽ giúp anh”.

Những di dân ở đây cho biết cách thức vượt biên bằng xe tải tốn kém nhưng chắc ăn hơn. Một người Afghanistan kể rằng “3 đêm trước, có người đã lên một xe tải và trả 12.000 euro”.

“Một người sao? 12.000 euro, nhiều tiền vậy sao? Họ đã làm giấy tờ giả cho anh ta à?”, phóng viên hỏi.

“Không, họ có một vị trí ẩn náu đặc biệt được thiết lập trong xe tải”, người trên đáp. “Thậm chí một con ruồi hay chó cũng không thể tìm ra, không có cách gì để tìm thấy vị trí đó”.

Khi phóng viên tiếp tục tìm kiếm những người tổ chức đi thuyền tới Anh, anh bắt gặp nhiều người lo ngại về việc Brexit sẽ hạn chế cơ hội vượt eo biển Manche của họ.

“Khi nào nó diễn ra?”, một người Iran hỏi.

“Vài tháng nữa”, nam phóng viên đáp.

“Ý Chúa, tôi sẽ đi trước thời điểm đó”, người này nói.

nhập cư

Vị trí của Calais (chấm đỏ), Pháp, nằm bên eo biển Dover, một phần của eo biển Manche, dẫn sang Anh. Đồ họa: Wikipedia

Các chuyến vượt biển bằng thuyền phần lớn do người Iran tổ chức và thực hiện. Đó là cơ hội mà nhiều người di cư thuộc các quốc tịch khác phải ghen tỵ. “Chúng tôi không đoàn kết, người Iran quyết định việc đó”, một người Afghanistan nói.

Sau vài ngày, nam phóng viên phát hiện ra rằng những người Iran định đi thuyền tới Anh phải tự thân vận động vì họ bị lừa.

“Anh biết bạn của tôi chứ? Anh ta có một người bạn tên là Rachmanov. Hắn ta là kẻ buôn người đã nuốt tiền của chúng tôi, 1.800 euro của bạn tôi, 1.100 euro của tôi và một anh chàng khác. Chúng tôi đã đưa tiền cho anh ta mua một con thuyền”.

Người đàn ông này cũng kể về lý do mình rời khỏi quê hương. Bố anh bị ung thư và anh đã mất 2 người anh em, một người chết trong bệnh viện vì gia đình không đủ khả năng trả viện phí, người kia chết do tai nạn.

“Mẹ tôi 80 tuổi rồi. Chúng tôi giữ mạng sống của mẹ bằng morphine. Tôi đến đây để làm việc và gửi tiền về nhà”, anh kể.

Những hành trình vượt biển của họ gặp nhiều trắc trở hơn là thành công. Một người kể có nhóm người chỉ còn cách cảng Dover của Anh một km thì bị bắt.

“Chúng tôi đã đợi giữa biển một giờ cho đến khi tàu Pháp đến và đưa chúng tôi trở lại”, người này kể.

Một người di cư khác cho biết dù đã cho lực lượng an ninh Pháp xem thông tin định vị GPS trên điện thoại và khẳng định họ đã sang đến lãnh thổ Anh, nhưng giới chức vẫn khẳng định họ đang ở trong vùng biển Pháp.

Những người di cư rất cẩn trọng trong việc che đậy dấu vết nếu họ vượt biên không thành công.

“Trên động cơ có một dãy số seri và phải xóa nó đi”, một người Iran nói. “Chỉ có 2 con ốc vít ở bên cạnh. Trước khi cảnh sát tới, tháo hai con ốc vít ra rất dễ và thả động cơ xuống nước nếu họ phát hiện ra bạn”.

Một người đã dẫn phóng viên đến bãi biển ở phía tây Calais, nơi họ có thể mua thuyền đi mà không cần giấy tờ.

“Lần đầu chúng tôi đi thuyền, gió mạnh đến nỗi nhấc cả thuyền lên khỏi mặt nước”, người này kể. “Vì thế chúng tôi phải chờ đợi, thời tiết bây giờ đang rất xấu. Ánh sáng duy nhất bạn nhìn thấy vào ban đêm là Dover”, anh nói, hướng về phía Anh.

Ít phút sau, hai cảnh sát Pháp tiến tới hỏi giấy tờ và bắt giam người Iran trên 12 ngày. Khi được thả ra, anh ta không để lãng phí thời gian. Chờ thời tiết thuận lợi, anh cùng 8 người bạn, gồm 7 Iran và một Afghanistan, hùn được 4.500 euro để mua một con thuyền bơm hơi và một động cơ gắn ngoài.

Họ thuê một tài xế đưa họ và con thuyền đến điểm xuất phát và dự định vượt biển vào khoảng nửa đêm đến 2h sáng. Tuy nhiên, kế hoạch của họ gặp trục trặc khi tài xế đến muộn hơn 4 tiếng, lúc 4h15. Họ vội vã bơm thuyền trong bóng tối, chỉ thi thoảng mạo hiểm bật đèn pin.

Nỗ lực đầu tiên của họ thất bại khi thuyền bị sóng nhấn chìm, khiến động cơ không hoạt động được. Một trong những người di cư đã bật khóc khi giấc mơ đến Anh vuột khỏi tay.

Tuy nhiên, sự thất bại này có thể là một điều may mắn với họ bởi có một tàu chiến Pháp đang neo lại ở vùng biển mà họ định đi tới. Họ phải chờ nhiều giờ để động cơ khô ráo và tàu chiến trên di chuyển về phía bắc cung đường của họ.

nhập cư

Ba di dân bị phát hiện khi đang vượt biển bằng thuyền bơm hơi từ Calais, Pháp, sang Anh hồi tháng 8. Ảnh: AFP

Bằng cách nào đó, nhóm người di cư đã khởi động động cơ thành công và xuất phát vào lúc 9h30 sáng. Vài giờ sau, sau khi từ chối chuyển sang một tàu tìm kiếm cứu hộ của lực lượng biên giới Anh, họ đã đến Dover, ở trên đất Anh.

Người di cư Afghanistan bị bắt với cáo buộc hỗ trợ nhập cảnh trái phép nhưng sau đó được thả ra và cuộc điều tra về cáo buộc vẫn tiếp tục, dù trong suốt các cuộc trò chuyện trước đó, nam phóng viên không hề thấy anh ta có vai trò gì như cáo buộc.

Cả 9 người di cư đều cho biết họ muốn xin tị nạn khi đến Anh. Không rõ số phận họ giờ ra sao. Một số người trong nhóm đã đóng dấu vân tay đầy đủ ở các nước mà họ đi qua trên đường tới Anh, bao gồm Đức, Italy và Pháp, nghĩa là họ có thể bị trục xuất về những nước này.

Anh Ngọc (Theo ITV News) VNEXPRESS

Xem thêm  VKS nói về tỉ lệ phân chia tài sản của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên: "Bên đóng góp nhiều hơn sẽ được nhiều hơn"