Thứ Năm, Tháng Tư 18
Shadow

Sách về Park Hang-seo (phần 2): Ông Park áp dụng tính thực dụng của bóng đá Hàn

Huấn luyện viên người Hàn yêu cầu học trò áp dụng linh hoạt chiến thuật, tránh lối đá rườm rà đặc trưng của Đông Nam Á. 

Sách về Park Hang-seo (phần 1): ‘Ông Park cấm cầu thủ biện minh cho thất bại’

Ngày Park Hang-seo nhậm chức, tôi có đọc được lời bình nổi tiếng của kênh Fox. Họ nhận xét Park sẽ mang lại sự tươi mới cho bóng đá Việt Nam nhờ áp dụng tính thực dụng của bóng đá Hàn Quốc. Quả thật vậy. Hàn Quốc luôn chọn những ưu thế nhất định để phát huy nhằm giành chiến thắng.

Park Hang-seo

Ông Park cùng các cầu thủ Olympic tại lễ vinh danh đoàn thể thao Việt Nam tham gia Asiad 2018 tại Indonesia vừa qua. Ảnh: Ngọc Thành.

Bất chấp những lời phê phán, bóng đá Hàn Quốc đã tận dụng lợi thế sân nhà để lập nên kỳ tích của bóng đá châu Á trong kỳ World Cup 2002. HLV Hàn Quốc rất thực dụng, họ không nói về bóng đá đẹp. Họ xây dựng chiến thuật cụ thể để chuẩn bị cho từng tình huống cụ thể và đối phó với con người cụ thể. Với họ, bóng đá phải có thành tích, không có thành tích coi như không hoàn thành công việc. Họ chuẩn bị cho từng trận đấu thay vì cho cả một kế hoạch mông lung. Bóng đá thực dụng là lấy mục tiêu làm đầu và tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu đó. Xuất thân từ hậu vệ, lối chơi thực dụng đã ngấm vào Park và nguyên tắc số một của ông là không để thua. Một lần, ông nhắc trước cả đội, khi để thua một bàn, muốn thắng, anh phải ghi hai bàn.

Lối chơi thực dụng được áp dụng theo từng trận đấu và từng thời điểm. Có khi đá 3–4–3, có khi lại đá 4–4–2, có khi lại đá 3–5–2, có khi lại đá 4–1–4–1 và chỉ cần ông ra dấu, các cầu thủ sẽ hiểu ngay và thay đổi đội hình khác. Có trận ông yêu cầu cầu thủ áp sát, có khi lại yêu cầu cầu thủ rút hết về rồi mới tổ chức phòng ngự, có những trận, ông tổ chức phòng ngự ngay sau khi mất bóng và vây rát đối phương. Hàng hậu vệ là điển hình của lối chơi thực dụng khi ông luôn yêu cầu cầu thủ chơi bóng nhưng bắt buộc phải kèm người rất rõ ràng, thậm chí chỉ cần kèm người chứ không cần bắt bóng.

HLV Park Hang-seo dặn cầu thủ hậu vệ, không thua chính là thắng, không nhất thiết phải xông vào theo kiểu “được ăn cả ngã về không”. Không thua trong mọi trường hợp, phá bóng ra, chờ đồng đội về hỗ trợ chính là ưu tiên đầu tiên của mọi cầu thủ. Nhiều trận, ông yêu cầu hai hậu vệ biên nghiêng hẳn sang một phía đối phương đang tấn công, bỏ hẳn người ngoài cánh để hỗ trợ đồng đội phía trong. Đại đa số trường hợp, ông đều yêu cầu hậu vệ đừng chăm chăm nhìn bóng, hãy nhìn người 50% và nhìn bóng 50%.

Park Hang-seo


Ở hàng tiền vệ và tiền đạo, ông chỉ đạo rất rõ vị trí chuyền bóng sau khi nghiên cứu. Thậm chí, cầu thủ đối phương có bóng và triển khai thì nên dồn họ sang chân thuận hoặc sang hướng cầu thủ mình đã chờ sẵn. Trong các buổi tập, ông sẵn sàng cắt còi nếu yêu cầu chơi bóng thực dụng kiểu đơn giản nhưng hiệu quả của mình không được thực hiện, có cầu thủ đã bị ông quát tới mấy lần.

Một trong những điều được phát hiện ra là 70% bàn thua của đội tuyển Việt Nam đều do bóng bổng và tập trung từ phút 70 trở đi do là khi thể lực đi xuống, độ tập trung của cầu thủ không còn. Để khắc phục điều này, câu mà ông nói nhiều nhất chính là: “Tập trung, tập trung đi chứ”. Quen thuộc đến nỗi bây giờ ông nói tiếng Hàn thì cầu thủ cũng hoàn toàn hiểu câu này.

Xem thêm  Lượng CĐV đòi “trảm” trọng tài xử ép U23 Việt Nam tăng chóng mặt ở Hàn Quốc

Hậu vệ Việt Nam khi chơi ở V-League đều có một thói quen vô cùng tệ hại là phạm lỗi bừa bãi. Yêu cầu đầu tiên là ông cấm các cầu thủ phạm lỗi ở phần sân của mình. Vì như thế, chẳng khác nào tạo điều kiện cho những cái đầu cao kều của đội bạn ghi bàn. Điều này đã được chứng minh trong bàn thua thứ hai ở trận giao hữu với Ulsan Hyundai hồi cuối năm 2017 và cả bàn thua thứ hai ở trận với Hàn Quốc ở giải U23 châu Á.

Nhiều lần, các trung vệ Việt Nam vào bóng phạm lỗi, dẫn đến phạt 11 mét. Mặc dù ông đã nhắc nhở rất kỹ, không dưới ba lần, chúng ta vẫn phạm lỗi ở giải U23 châu Á. Tất nhiên, nhiều trọng tài chỉ chờ trung vệ Việt Nam chạm vào cầu thủ đối phương là thổi còi. Lối chơi có chiều hướng ngây thơ này chính là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho đội. Vẫn biết khó thay đổi lối chơi cá nhân, nhưng ông luôn căn dặn hậu vệ: an toàn là giải pháp số một. Chỉ cắt bóng quyết liệt khi chắc chắn 100%, còn nếu không thì cứ rà bóng, bám và không cho họ chuyền bóng hay di chuyển, không cho họ sút chân trái hay phối hợp, vậy là đã thành công.

Rối rắm chính là một trong những lối chơi điển hình của cầu thủ Việt Nam. Thường khi bị vây ráp, cầu thủ chúng ta tỏ ra rất chậm chạp dẫn đến bị mất bóng, lập tức bị phản công. Nhiều trường hợp chỉ cần phát bóng dài là xong, nhưng cầu thủ ta dáo dác tìm người và bị bắt bài. Trong những buổi tập, ông cắt còi và nhắc nhở, thậm chí quát mắng liên tục những cầu thủ nào xử lý bóng rối rắm, không dứt khoát. Một trong những yêu cầu triệt để của HLV Park Hang-seo chính là chuyền vào chỗ trống. Xưa nay, với lối chơi điển hình là chuyền sệt dính chân, các cầu thủ Việt khi bị đối phương bắt bài thường thua nhiều. Từ ngày chỉ đạo U23, ông dặn các cầu thủ phải chuyền vào khoảng trống để chạy nhằm kéo dịch đội hình của đội bạn.

Cầu thủ Việt thường chạm bóng bước một sai, và sau khi sai thì phải khống chế thêm một nhịp mới có thể chuyền bóng, đó là lý do tại sao gặp các đội áp sát, chúng ta hay thua. Để giải quyết điều này, HLV Park Hang-seo yêu cầu các cầu thủ mở người trước khi nhận bóng, tư thế mở người giúp cầu thủ quan sát rất nhanh và chuyền bóng rất chính xác. Ông dặn các cầu thủ phải hết sức quả cảm khi có bóng ở trên sân đối phương, chỉ cần một sự quả cảm và tự tin thì bàn thắng sẽ đến. Nếu có bóng hãy mạnh dạn sút, nếu có khoảng trống thì phải xông vào và khi tấn công thì hãy cứ triển khai theo những gì mình cảm thấy tự tin nhất. Đó là lý do tất cả cầu thủ chúng ta khi tấn công đều rất nhanh, hiệu quả.

Một yêu cầu nữa là ngẩng đầu lên, vì khi nhận bóng, khi chuyền bóng các cầu thủ của ta thường có thói quen cúi gầm mặt và nhìn xuống dưới chân. Để thay đổi dần, kể cả khi tập bóng với các cột, ông luôn yêu cầu các cầu thủ ngẩng đầu, ai cúi thấp đều lập tức bị nhắc nhở. Trợ lý Lee nhiều khi quát lên: “Bỏ cái kiểu chơi bóng rối rắm của Đông Nam Á ấy đi”.

Xem thêm  Nhã Phương khóc trên sân khấu nhận giải Cánh diều Vàng

Nếu hỏi rằng tại sao ở giải U23, cầu thủ Việt Nam thể lực bền bỉ thế, có người nói đó là công của người này người nọ, nhưng ông phủ nhận: “Không thể trong thời gian ngắn mà nâng thể lực cầu thủ lên như vậy được”. Vậy lý do từ đâu ra? Đó chính là ông biết đặt áp lực lên từng cầu thủ. Con người chỉ thành công khi có áp lực theo đuổi, chơi bóng thoải mái, tâm lý nhẹ nhàng chỉ là lối chơi của những đội bách chiến bách thắng và hàng đầu thế giới.

Vì thế, ông sẵn sàng thay Công Phượng ra giữa giờ, lời cảnh báo với Công Phượng rằng nếu không tích cực tham gia phòng ngự, cậu sẽ phải nhường chỗ cho người khác. Ai phạm lỗi, sai sót trên sân tập luôn bị ông chỉ ra và nhắc nhở với thái độ rất cương quyết. Bằng những câu nói đùa nhưng đầy ẩn ý, ông gửi một thông điệp cứng rắn đến cho từng cầu thủ khi anh ta tham gia trận đấu.

Các cầu thủ U23 biết HLV Park Hang-seo cũng là HLV trưởng đội tuyển nam quốc gia và họ không muốn mất suất trong mắt của ông. Trong mắt họ, ông là người quyết định mọi việc mà không ai dám can thiệp chuyên môn. Ông cũng biết cách tạo áp lực cho cầu thủ bằng cách giải thích cho họ hiểu trách nhiệm của mình, về sự chờ đợi của người dân, nghĩa vụ, sứ mệnh của một cầu thủ mang trên ngực ngôi sao quốc kỳ. Ông không nói loại ai và tuyển ai, nhưng mọi người rất hiểu điều ông mong muốn.

Khi chia tay, ông vẫn nhắc nhở các cầu thủ: “Các anh cứ về và tôi tiếp tục theo dõi các anh, các anh đừng nghĩ rằng vào đội tuyển U23 lần này là một lợi thế cho lần tập trung tiếp theo”. Khi thấy các cầu thủ bắt đầu say với những lời có cánh, ông nhắc họ: “Tôi cũng đã từng được mọi người yêu mến, nhưng cái đó qua nhanh lắm và nó chẳng giúp được gì đâu”. Với lời cảnh báo đầy áp lực đó, các cầu thủ có lẽ sẽ không bao giờ dám lơ là cho những chặng đường tiếp theo.

Trước mỗi trận đấu, với những cầu thủ mới hoặc thiếu sự tự tin do chấn thương hay lý do nào đó, ông gặp họ và hỏi họ có thi đấu được không. Nếu cầu thủ trả lời “OK”, họ có nghĩa vụ chứng minh bằng cách thi đấu tốt, bất chấp mọi lý do. Người Hàn Quốc giỏi tạo áp lực với người đồng hành và HLV Park cũng vậy, biết cách tạo cái uy và tạo áp lực nhất định. Ông nói về nghĩa vụ, về cơ hội, về quyết tâm, về sự tự tin cho cầu thủ. Ông căn dặn riêng từng người những điều mà họ phải làm, ông biết cách làm cho cầu thủ phải sợ cái uy, nhưng cũng sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.

Phần 1.

Còn tiếp…

(Trích “Phong cách quản trị Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc”, tác giả Lê Huy Khoa Kanata, NXB Tổng hợp TP HCM)

Theo VnExpress

Link gốc

Comments are closed.