Bí quyết kiếm tiền của tôi rất đơn giản: Cái quan trọng để chọn việc không phải là mức lương ban đầu bao nhiêu mà công việc đó có mang lại cơ hội thăng tiến không, làm tốt có tăng lương không, mình sẽ học hỏi được gì từ đó.
Ba mẹ ly hôn, kinh tế gia đình khó khăn nên tôi đi làm từ lúc vào đại học chuyên ngành công nghệ thông tin. Từ thời sinh viên, tôi đã đi làm thêm bằng các công việc như làm gia sư, làm thêm ở quán cà phê. Mỗi tháng, tính ra cũng được 3-4 triệu đồng. Số tiền này tôi dùng đóng học phí (hơn 3 triệu/một kỳ), còn lại góp cho mẹ phụ nuôi em trai nhỏ.
Là con trai, nên việc ăn mặc của tôi khá đơn giản, tôi ít khi mua quần áo mới, tiền dư để dành, khi đủ là sắm một chỉ vàng. Cậu bạn thân của tôi nghe chuyện đàn ông con trai tích cóp tiền mua vàng, cứ cười cợt suốt, có lần cậu còn đem chuyện này ra làm trò cười giữa hội bạn thân. Nhưng, thú thật, tôi thấy việc đó rất bình thường. Mục tiêu của tôi là tiết kiệm và tôi chưa bao giờ xấu hổ về việc đó.
Công việc làm thêm ở quán cà phê buổi tối không quá bận nhưng tôi làm việc rất chỉn chu. Thấy tôi ngoan ngoãn, thật thà và chăm chỉ đọc sách mỗi khi có thời gian rảnh, một vị khách hay tới đây uống cà phê khi rảnh thường trò chuyện với tôi về những cuốn sách.
Cũng chính ông là người giới thiệu vào bán hàng cho một công ty thiết bị điện tử, gần với chuyên ngành tôi đang theo học. Công việc này mang tới cho tôi thu nhập tốt hơn việc làm part-time ở quán cà phê. Vậy là, ngoài nửa ngày học trên lớp, nửa ngày còn lại tôi đi bán hàng, buổi tối cách ngày đi làm gia sư. Ngày qua ngày của tôi tất bật trôi trong vòng quay bận rộn như thế.
Thú thật, tôi ít khi tụ tập ăn uống với bạn bè. Không phải tôi tiếc tiền, mà bởi tôi không có thời gian. Có lúc cô đơn, buồn bã, nhất là sau những ngày làm việc kiệt sức, đạp xe đạp về nhà, dọc đường trời mưa, câu hỏi cứ xoáy lên trong đầu “tại sao mình phải mình khổ như thế? Mình như bị trời đày”. Nhưng qua những phút yếu lòng như thế, tôi sốc lại tinh thần, tiếp tục làm việc và làm việc. Tôi luôn tự nhủ rằng: nỗ lực của hiện tại sẽ được tương lai đền đáp xứng đáng.
Thấm thoát đến ngày ra trường, tôi cầm tấm bằng loại khá, tự tay mua được chiếc xe máy làm phương tiện đi lại – kết quả không đến nỗi tệ. Đồng thời, tôi trở thành nhân viên chính thức của công ty thiết bị điện tử kia. Tuy nhiên, tại nơi làm việc, tôi là người trẻ nhất, nên bị điều ra đứng ở quầy khuất, ít khách ghé tới tham quan, thành tử mấy tháng đầu không đạt chỉ tiêu, lương lẹt đẹt vỏn vẹn 5 triệu.
Không chấp nhận bỏ cuộc, tôi cố gắng tìm cách cải thiện điểm yếu đang vướng phải. Tôi luôn đến sớm hơn 45 phút mỗi ca làm để bày biện góc bán hàng thật đẹp và nổi bật.
Dù công ty không yêu cầu, tôi cũng ghi lại số điện thoại của khách đã mua hàng rồi một tuần sau nhắn tin hỏi thăm việc dùng sản phẩm và hẹn họ qua tư vấn nếu cần. Ngoài ra, hôm nào chưa xong việc hoặc hết ca mà vẫn còn khách, tôi sẵn sàng ở lại 1-2 tiếng. Nhờ vậy, số lượng người mua tại quầy của tôi ngày càng đông vì nhiều khách cũ quay lại hoặc giới thiệu người thân, bạn bè tới. Dần dà, thu nhập của tôi tăng lên 10 triệu.
Năm 2016, biết có đợt tuyển tiếp viên hàng không, tôi dự thi và tự tin vào khả năng được chọn vì có đủ những điều họ cần: ngoài ngoại hình, giao tiếp là khả năng ứng xử, chăm sóc khách hàng, sự tận tâm… Tôi biết ơn thời gian làm nhân viên ở quán cà phê cho mình cơ hội gặp đủ kiểu khách và việc tôi tận dụng cứ thấy khách nước ngoài nào là chủ động ra nói chuyện bằng tiếng Anh. Ngoài ra, tôi đăng kí thêm các lớp học tiếng Anh giao tiếp vào buổi tối để nâng cao kỹ năng phát âm, kỹ năng nói. Nhờ đó, vốn tiếng Anh của tôi ngày càng được mở rộng. Vào hãng bay, thu nhập mỗi tháng của tôi trên dưới 40 triệu đồng, chưa kể các khoản công tác phí nếu chịu khó đi các vùng xa.
Trong công việc, tôi rất coi trọng mối quan hệ. Nếu mình muốn làm giàu, phải chọn nhóm ham kiếm tiền để chơi. Chơi với ai, tôi không quan tâm người đó giàu hay nghèo mà là họ có tử tế, cầu tiến không. Có những mối quan hệ từng gắn bó thời đại học, nhưng sau này ra đời, tôi đã khước từ giao tế, bởi những người bạn đó quá lười biếng, chỉ thích hưởng thụ và ăn sẵn. Tôi luôn nghĩ mình là con nhà nghèo, không được phép dừng lại, ngừng cố gắng. Cho nên, tôi mở rộng mối quan hệ, dần tìm được những tình bạn tốt khởi đầu từ quan hệ đối tác, làm ăn.
Cũng chính nhờ những mối quan hệ thiện lành này, tôi học hỏi được nhiều về đầu tư bất động sản, tiền ảo. Năm ngoái, tôi mua một mảnh đất 900 triệu đồng khi thấy khu vực này có tiềm năng phát triển. Sau vài tháng, thấy giá hời, tôi bán đi, được 1,5 tỷ đồng. Có tiền trong tay, tôi tiếp tục đầu tư vào đất cát.
Là đàn ông, nhưng tôi không ngại mua hàng giảm giá, thậm chí có thể coi là tín đồ. Quần áo basic giản dị, sống tối giản với những vật dụng thật sự cần thiết, tôi rất thoải mái. Dù có cơ hội bay tới nhiều đất nước, chiêm ngưỡng những thương hiệu thời trang lớn của thế giới, nhưng tôi không mê đồ hiệu. Tôi chỉ chọn các hãng bình dân và phù hợp với bản thân. Thường, trước khi mua bất cứ thứ gì, tôi đều lên chi tiết những thứ mình cần.
Thao tác của tôi rất đơn giản: Định mua gì, tôi sẽ tìm hiểu trên mạng rồi chọn cửa hàng có món phù hợp, sau đó đến chọn trực tiếp, nếu ưng thì lấy đúng món đó rồi ra về. Thỉnh thoảng, khi đầu tư thu lợi lớn hoặc đạt được mục tiêu nào đó. Nhưng khi đó, không phải phần thưởng là đôi giày hay tấm áo hiệu, mà là một cuộc nhậu với những người bạn tôi yêu quý – những người tôi luôn biết ơn đã cổ vũ, khích lệ tôi vượt khó.
Nguyên tắc chi tiêu của tôi trước sau đều thống nhất: Dù thu nhập tạm gọi là cao như hiện tại, hay ít ỏi như ngày xưa, nhưng cách chi tiêu không hề thay đổi: Khoản tiền tiêu sẽ được trích riêng một tài khoản, khi cần sẽ dùng đến…, tuyệt đối không bừa phứa, không hoang phí. Một trong những thứ tôi chi tiều không cần lăn tăn là phục vụ sức khỏe như mua thuốc bổ, ăn uống.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ quanh mình hay than phiền rằng thời nay rất khó tìm việc và vì có bằng đại học nên họ không thể chấp nhận làm những công việc lương thấp hay không liên quan tới chuyên môn. Tôi nghĩ hoàn toàn khác. Cái quan trọng để chọn việc không phải là mức lương ban đầu bao nhiêu mà công việc đó có mang lại cơ hội thăng tiến không, làm tốt có tăng lương không, mình sẽ học hỏi được gì từ đó.
Bởi thế, hiện tại tôi sống rất ổn.
Kết quả, sau 6 năm đi làm, tôi đã trả giúp mẹ món nợ hơn 300 triệu đồng và đang có trong tay hơn 2 tỷ. Số tiền này tôi đang gửi tiết kiệm và dự định sẽ mua một mảnh đất lớn, có tiềm năng phát triển tốt trong 10 năm tới. Tôi cũng trích ra một khoản tiền để lướt sóng tiền ảo, với mục tiêu đầu tư nhỏ để học hỏi là chính nên trong một năm chơi không bị lỗ nhiều. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Nói chung, từ thực tế bản thân, phương thức quản lý tài chính hiệu quả của tôi gồm các bước sau:
– Đặt mục tiêu
– Chọn công việc nhiều cơ hội. Biến khó khăn thành cơ hội
– Làm việc chăm chỉ và không ngừng sáng tạo.
– Giữ chi phí ở mức tối thiểu
– Trả nợ dần
– Đầu tư và không ngừng đầu tư
– Mở rộng quan hệ, cơ hội sẽ sinh ra từ đó.
Quang Toản
Theo Trí Thức Tr