Tết Trung thu 2020, trên địa bàn Hà Nội, thị trường bánh trung thu nhộn nhịp từ khá sớm. Năm nay, bên cạnh những sản phẩm bánh mới lạ, độc đáo của các thương hiệu lớn được tung ra thị trường, bánh trung thu truyền thống vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự báo nhu cầu tiêu thụ bánh trung thu năm nay giảm hơn mọi năm. Tuy nhiên nếu lơ là quản lý, nguy cơ về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng là rất lớn.
Để kiểm soát thị trường bánh trung thu, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020.
Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2020 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, Hà Nội tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh, nhân bánh, bao bì đựng bánh trung thu… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận Tây Hồ. Qua kiểm tra 3 cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu (Cơ sở kinh doanh bánh trung thu Anh Hòa tại số 429 Âu Cơ; Cơ sở sản xuất bánh Tuyết Lan tại 167 Thuỵ Khuê; Cơ sở sản xuất bánh Hương Trà tại số nhà 18 ngõ 167 Thụy Khuê) cho thấy, phần lớn các cơ sở đều đáp ứng được yêu cầu trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống COVID-19. Riêng tại cơ sở sản xuất bánh Hương Trà vẫn còn một số tồn tại như: Cơ sở vật chất còn hạn chế, sắp xếp đồ dùng chưa khoa học, nhân viên không sử dụng găng tay hoặc có sử dụng nhưng không đúng cách.
Đại diện quận Tây Hồ cho biết, quận Tây Hồ hiện có 20 cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở này còn gặp một số khó khăn. Đặc biệt, một số cơ sở có thái độ chống đối với đoàn kiểm tra như đóng cửa, không cho đoàn kiểm tra tiếp cập với khu vực kinh doanh…
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đã yêu cầu quận Tây Hồ xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép hoạt động và đóng cửa đối với một số cơ sở có thái độ chống đối đoàn kiểm tra. Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý, ngoài vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, năm nay 4 đoàn kiểm tra của thành phố còn tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, như bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc…
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2020 tại địa bàn quận Đống Đa đã phát hiện một số vi phạm cần chấn chỉnh. Đơn cử, tại hộ kinh doanh bánh trung thu Bà Dần (số 126 ngõ 554, đường Trường Chinh, Khương Thượng) sản xuất bánh dẻo, bánh nướng, một số nguyên liệu, sản phẩm đã chế biến được đặt dưới nền nhà chưa gọn gàng. Cơ sở tuy có trang bị hệ thống lưới chắn côn trùng nhưng không bảo đảm, sử dụng bếp than cùng trong khu chế biến thực phẩm…
Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ đã lưu ý cơ sở một số điều kiện bảo quản, nguyên liệu đưa vào chế biến phải được đặt trong thùng có tem, nhãn, mác. Trong điều kiện diện tích chật hẹp, các nguyên liệu, thực phẩm đang sơ chế phải được đặt trên giá kệ, tránh để dưới nền nhà. Ngoài ra, cơ sở cần bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ các nguyên liệu nhập về; có đầy đủ nhãn mác bao bì sản phẩm theo quy định. Riêng việc cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe cho người lao động, Đoàn kiểm tra đề nghị và giao cho quận Đống Đa xử lý, xử phạt hành chính cơ sở theo quy định.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 174 về việc bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2020. Trong đó, Hà Nội tập trung vào việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng cũng như điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo, tập trung vào mặt hàng bánh trung thu. Qua kiểm tra cho thấy các quận đã vào cuộc, ban hành kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức triển khai đến phường, thông tin rộng rãi và tiến hành rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.
Ông Trần Văn Chung cho biết thêm, trong quá trình kiểm tra, các đoàn cũng lấy mẫu một số nguyên liệu làm bánh để xét nghiệm nhanh ngay trên xe kiểm nghiệm lưu động. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, cơ quan chức năng sẽ lập tức cho dừng lưu thông, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý, người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm bánh trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát…
Trong dịp này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. Trong đó, tập trung kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu để kịp thời ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng; công bố tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng.