Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Siết chặt Uber, Grab…

Phải gửi hóa đơn điện tử từng chuyến xe đến cơ quan thuế, đơn vị cung cấp ứng dụng phải có giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…

uber, grab, siết chặt

Tới đây Uber, Grab có thể sẽ bị quản lý với nhiều điểm giống taxi. Trong ảnh: một xe Uber đón khách ở TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô với các quy định như trên.

 

Theo các chuyên gia, như vậy việc quản lý các đơn vị cung ứng dịch vụ như Uber, Grab được siết hơn, họ không dễ dùng pháp nhân ở nước ngoài kinh doanh tại VN nữa…

Phải đáp ứng 10 điều kiện

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dự thảo nghị định đã bổ sung điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua các phần mềm như Uber, Grab…

Điều này để đảm bảo cân bằng với các điều kiện của taxi, đồng thời phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế. Nội dung này có tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị taxi, các hiệp hội vận tải.

Thay vì những quy định sơ sài như kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, mà Bộ GTVT đang thực hiện 2 năm qua, dự thảo còn quy định nhiều điều kiện cụ thể của cả đơn vị cung cấp ứng dụng hợp đồng điện tử lẫn đơn vị vận tải sử dụng hợp đồng điện tử.

Theo đó, các đơn vị cung cấp các ứng dụng phải đáp ứng 10 điều kiện.

Xem thêm  Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab

Các quy định mới như: phải được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và được Bộ Công thương xác nhận rằng ứng dụng đã hoàn thành thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công thương (hiện nay Uber, Grab chưa đáp ứng các quy định về thương mại điện tử của Bộ Công thương).

Đặc biệt, đơn vị cung cấp cũng phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải (đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô) với các điều khoản cụ thể, thay vì thỏa thuận hợp tác như hiện nay.

Hãng cũng phải có biểu trưng (logo) của đơn vị mình với kích thước tối thiểu 90mm x 80mm. Logo này được cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải để niêm yết trên kính phía trước và kính phía sau xe (hiện nay chưa bắt buộc).

Để đảm bảo việc thu thuế, thay vì những quy định thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính như hiện nay, dự thảo nghị định nêu rõ: đơn vị cung cấp phần mềm phải phối hợp với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm để cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi theo quy định; hóa đơn điện tử của chuyến đi không chỉ gửi tới tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách mà gửi đến cả Tổng cục Thuế theo quy định của bộ trưởng Bộ Tài chính.

11 điều kiện cho doanh nghiệp vận tải

Với các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng vận tải điện tử, dự thảo nghị định quy định cũng đưa ra 11 điều kiện.

Trong đó có các quy định mới như: chỉ được sử dụng phần mềm của các đơn vị cung cấp đã đăng ký và được Bộ Công thương xác nhận theo quy định; phải gửi thông tin hóa đơn điện tử của chuyến đi tới Tổng cục Thuế; phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi theo quy định của bộ trưởng Bộ GTVT; thông báo trên giao diện của người thuê vận tải số điện thoại của đơn vị để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp…

Xem thêm  Grab tiếp tục gặp khó ở Đông Nam Á trong vụ mua lại Uber

Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định ôtô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái) phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm tính từ ngày sản xuất – giống như niên hạn đang áp dụng với taxi.

uber, grab, siết chặt

TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức)

Tạo công bằng giữa các hãng taxi

Tại VN, qua quá trình hoạt động của mình, Uber, Grab đã mang lại nhiều hiệu quả nhất định, giá rẻ hơn giúp giảm chi phí đi lại, hành khách không lo bị “chặt chém”, tài sản xã hội như xe nhàn rỗi cũng được tận dụng tốt hơn…

Tuy nhiên, Uber, Grab khai thác các kẽ hở pháp lý, lượng xe vượt quá quy hoạch gây ra những hệ lụy.

Bản chất Uber, Grab là một loại hình kinh doanh vận tải. Tòa án châu Âu đã khẳng định điều này.

Vì vậy, muốn kinh doanh tại VN, tôi đồng tình Uber, Grab phải lập cơ sở pháp nhân, phải đóng thuế theo quy định, đồng thời báo cáo hoạt động.

Ngoài ra, Uber, Grab phải đóng bảo hiểm cho lái xe, đào tạo lái xe.

TP cũng nên siết công tác quản lý, khống chế số lượng xe để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa taxi và Uber, Grab.

Theo Tuổi trẻ