(Dành tặng bài viết này cho các mẹ đang bầu bí và sắp sinh em bé- Bài viết của blogger Phạm Thị Hoài Anh)
Trải qua hai lần sinh con và một khoảng thời gian nuôi dạy con cũng dài dài, cá nhân mình vẫn luôn cảm thấy quãng thời gian 1 tháng đầu, 3 tháng đầu, 6 tháng đầu sau sinh thật là đáng nhớ, hạnh phúc và kì diệu.
Mình vẫn cảm thấy nuối tiếc quãng thời gian ấy và luôn muốn có cơ hội được quay trở lại, để tận hưởng nó “tinh tế” hơn những lần đã qua.
Sau khi sinh con, sức khỏe và tâm lý của mình cũng xáo trộn như biết bao người mẹ khác. Mình coi những biến động tâm lý đó là bình thường và dễ hiểu. Tuy thế, không phải lúc nào mình cũng đủ tỉnh táo và bình tĩnh để giữ nó ở mức “bình thường” như mình nghĩ. Cũng có những lúc mình kiệt quệ, lo lắng, bứt rứt, tự trách móc bản thân, hoang mang tự hỏi liệu mình có đang làm điều tốt nhất cho con không, mình làm như vậy có sai không, vì sao mình đã làm đúng như sách A, sách B, lời khuyên của chuyên gia C mà con vẫn không hợp tác… Nhưng rồi từng chút một, những mệt mỏi ấy qua đi cùng với bao nhiêu là bận rộn yêu thương dành cho con những tháng đầu đời.
Mình chia sẻ một số điều nho nhỏ mà mình đã trải qua nhé. Hi vọng là sẽ lan tỏa được một xíu nào đó niềm vui, sự thư giãn, tự tin, lạc quan để các mẹ bước những bước đầu tiên trên hành trình làm mẹ của mình thật hạnh phúc.
1. Sinh con khi thật sự sẵn sàng
Sẵn sàng về tài chính, tâm thế và quan trọng nhất là sẵn sàng về TRI THỨC. Mình nghĩ rằng kết hôn và sinh con là hai việc cực kì không nên làm vì “đến tuổi rồi thì phải làm thôi” hay “bị giục nhiều quá thì phải làm thôi”, càng không nên vì “mình thích thì mình làm thôi”. Tất nhiên, không ai có thể trở thành một ông bố, bà mẹ hoàn hảo ngay từ đầu và mình sẽ không được phép mắc sai lầm, thế nhưng, việc mình thực sự sẵn sàng giúp cho mọi việc trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Mình nói kĩ về sẵn sàng tri thức. Thay vì miệt mài đọc sách dạy kĩ năng làm cha mẹ, dạy con phương pháp này kia, cái đó đọc sau, mình tập trung đọc sách khoa học và sức khỏe về mang thai, sinh nở và em bé. Những cuốn sách giúp mình hiểu rõ, hiểu đúng những gì mình sẽ trải qua. Khi hiểu rõ rồi, mình thấy mình đón nhận nó tự tin và bình tĩnh hơn.
2. Chuẩn bị trước các địa chỉ bác sĩ/ dịch vụ y tế tin cậy.
Chỉ đến lần sinh con thứ 2 mình mới thấm thía ý nghĩa của việc này, để đến lúc con ốm mới không tá hỏa đi hỏi khám bác sĩ nào, ở đâu, để không lo lắng phát sốt vì tiêm vaccine cho con như thế nào… Hơn nữa, khi có một bác sĩ, địa chỉ y tế tin cậy ngay từ đầu, việc theo dõi các chỉ số sức khỏe, “bắt bệnh” cho con cũng tốt hơn nữa. Ngay từ trước khi sinh mình “chốt” luôn là con ốm sẽ khám ở đâu, vaccine sẽ tiêm ở đâu, sẵn sàng số điện thoại, địa chỉ, cùng với tờ note các mốc kiểm tra định kỳ, tiêm vaccine…. Điều này khiến mình thư giãn và bớt lo lắng đi mấy phần.
3. Hạn chế vào facebook hay tham gia các hội nhóm
Hihi, thật lòng, ngay cả với một người mẹ (tự thấy là) đầy kinh nghiệm như mình, mà có những lúc vào mạng xong bị căng thẳng, băn khoăn khi thấy người nọ, người kia khoe con họ, cũng gần bằng con mình mà sao con mình lại không abc, xyz… như thế. Lo lắng cho con và tâm lý so sánh là điều không thể tránh khỏi khi vừa mới sinh, nên tốt nhất là hạn chế, vì thực ra, khi cần, facebook hay hội nhóm ít khi nào có thể giúp mình thư giãn lắm. Thay vào đó, mình chỉ tương tác, hỏi kinh nghiệm của một số người mình thực sự tin tưởng khi cần, thời gian mình dành để TƯƠNG TÁC THẬT với con (đi dạo, mát-xa, đọc sách,….), ngủ, làm việc mình thích… Mình thực sự cảm thấy nguồn năng lượng tích cực dồi dào hơn rất nhiều. Thay vì ngó nghiêng, mình tập trung vào con nhiều hơn, tin vào kiến thức khoa học mà mình đã tìm hiểu và những người thân xung quanh hơn là mạng xã hội.
4. Hãy để âm nhạc hàn gắn tâm hồn bạn
Âm nhạc, âm thanh của thiên nhiên thật là kì diệu. Cũng phải đến lần sinh con thứ 2 mình mới biết và tận hưởng trọn vẹn điều này. Những bản nhạc dịu dàng, du dương mà mình yêu thích luôn giúp mình dịu đi nhiều phần những lúc cặm cụi 1 mình chăm con những tháng đầu sau sinh. Mình nghe và ngâm nga hát cho con nghe, có lúc mình cũng hát ru con nữa, mỗi lúc như thế, bọn mình đều rất vui.
5. Vui sống trọn vẹn mỗi ngày
Mình nhớ mãi mỗi lần mình phấn khích 1 điều gì đó hay một cột mốc mới nào đó của con, chồng mình luôn bảo: Cứ vui hôm nay đi đã, mai chưa biết thế nào. Hồi đầu mình cũng tức, nhưng sau nhiều lần ngẫm nghĩ lại thấy cũng chí lí. Nhiều khi các bạn hay lo xa, tính xa quá nên đùng cái điều không như ý xảy ra là lại tụt mood rất nhanh. Mà tụi trẻ sơ sinh lại là thần mang đến những điều bất ngờ, kiểu vừa sáng còn hí hoét, chiều đã sốt đùng đùng, đi ngoài xì xoẹt, hay mẩn đỏ hết cả mặt…. Vì thế, cứ mỗi ngày trôi qua bình thường là vui rồi, không tô vẽ màu hồng gì hết. Khó khăn đến đâu ta khắc phục đến đó!
6. Hãy chia sẻ và tin tưởng
Mẹ nào vừa sinh con ra cũng cầu toàn, muốn mọi thứ phải như ý mình, phải đúng như “kịch bản” mà mình đã dự định…. thế nên rất dễ căng thẳng, cáu kỉnh, buồn rầu khi ai đó không làm đúng ý mình hoặc muốn ôm hết mọi việc liên qua đến con, muốn “tự mẹ làm” thì mới yên tâm. Mình cũng thế thôi, nhưng sớm tỉnh ngộ ra ràng, thả lỏng một chút chẳng chết ai Tháng đầu tiên sau sinh, bà nội giúp mình, bà không chịu được cháu khóc nên hay bế cháu ngủ, ngay khi có cảm giác khó chịu, mình tặc lưỡi, bà bế mà con ngủ ngon cũng tốt, miễn là bà vui và yên tâm, bà về mình xử lý sau. Hay hôm sinh xong trong viện, sau khi sinh mổ mình đề nghị bác sĩ không cho con bú sữa ngoài trong lúc chờ mẹ, từ lúc mình được ôm con và cho con bú mẹ, anh chàng bú liên tục nhiệt tình nhưng đến đêm thứ 2 trong viện thì khóc kinh khủng, mình xem xét mọi thứ đều ổn còn bà ngoại thì như ngồi trên đống lửa, căng thẳng vì lo cháu đói, bà khăng khăng phải cho thằng bé ăn thêm tí sữa. Mình suy nghĩ lắm, nhưng cuối cùng cũng đồng ý để bà làm như vậy. Uống xong tí sữa, anh chàng lăn ra ngủ tít. Bà ngoại thư giãn hẳn, mình cũng đỡ căng thẳng…. Là như thế, có những lúc thay vì cứ cố gồng mình lên để làm mọi thứ cho hoàn hảo, mình chia sẻ nó với người mà mình tin tưởng, làm điều mà mình tin tưởng, những áp lực và căng thẳng cũng dịu đi phần nào.
Ôi, hôm nay gõ bằng điện thoại nên mỏi gãy cả tay rồi. Mình tạm note ra mấy điều, có điều gì cần kĩ hơn hay chia sẻ thêm, bọn mình cùng bổ sung ở comment nhé.
Chúc các mẹ sẽ có những ngày sau sinh “căng thẳng” một cách hạnh phúc Đừng quên yêu thương trọn vẹn những ngày tháng đó, nhé!
Theo facebook Phạm Thị Hoài Anh