Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Son Heung-min: Ác mộng nghĩa vụ quân sự và định mệnh Olympic Việt Nam

Son Heung-minỞ tuổi 26, Son Heung-min đang đứng trước cơ hội cuối cùng để thoát khỏi ác mộng có tên nghĩa vụ quân sự. Định mệnh buộc ngôi sao của Tottenham chạm trán Olympic Việt Nam.

Ngay từ khi Son Heung-min bắt đầu khẳng định được tài năng trên bầu trời châu Âu trong màu áo Hamburg và Bayer Leverkusen, người Hàn Quốc đã bắt đầu tính toán đến việc ngôi sao này sẽ phải làm gì để “né” trách nhiệm lớn nhất với thanh niên Hàn Quốc và cũng là ác mộng với cầu thủ chuyên nghiệp xứ sở kim chi: nghĩa vụ quân sự.

Tới giờ câu trả lời chỉ còn là khe cửa hẹp có tên ASIAD.

Son Heung-min: Anh cả của Olympic Hàn Quốc tại ASIAD Tiền đạo đang chơi bóng tại CLB Tottenham Hotspur (Ngoại hạng Anh) đang là thủ lĩnh không thể thay thế của Olympic Hàn Quốc trong hành trình chinh phục HCV ASIAD 2018.

Son Heung-min

Trong cuộc gặp gỡ với báo chí và người hâm mộ sau kỳ World Cup 2018 tại quê nhà, ĐT Hàn Quốc cúi đầu trước những người hâm mộ sau khi bị loại ngay từ vòng bảng bất chấp việc thắng nhà ĐKVĐ World Cup, ĐT Đức 2-0 ở lượt trận cuối cùng. Xung quanh tất cả những tiếng vỗ tay an ủi, sau cùng thì đánh bại Đức là một chiến tích lịch sử của “Những chiến binh Taeguk”.

Thế rồi, Son Heung-min, ngôi sao sáng nhất của Hàn Quốc bước lên. Cũng giống như các đồng đội, anh cúi đầu xin lỗi các cổ động viên. “Tôi xin lỗi vì chúng tôi đã không vào được vòng knock-out. Nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều thấy một chút hy vọng từ chiến thắng trước Đức. Chúng tôi sẽ không ngủ quên với chiến thắng đó. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa”.

Một khung cảnh thật khó có thể tưởng tượng diễn ra: Son Heung-min bị cổ động viên ném trứng thối. Chưa kết thúc, một chiếc gối in hình quốc kỳ Anh được ném lên. Giới hạn cao nhất của sự căm ghét cuối cùng cũng tới với cơn mưa kẹo cứng lên thảm đỏ.

Son Heung-min

Trong văn hóa Hàn Quốc, câu thành ngữ “Đi mà ăn kẹo đi” đồng nghĩa với “Hãy cút đi cho khuất mắt”. Cùng với trứng thối và một chiếc gối in hình quốc kỳ Anh, thông điệp được các cổ động viên (dù chỉ là số ít) đưa ra khá rõ ràng: “Mày chỉ là một quả trứng thối và hãy cút về Anh đi”.

Son Heung-min, người ghi 2 bàn cho ĐT Hàn Quốc tại World Cup, vì sao phải hứng chịu sự căm ghét tới mức đó? Nhiều người cho rằng thái độ cay nghiệt này tới vì những hình ảnh khóc như mưa của Son Heung-min sau chiến thắng trước ĐT Đức.

Sự đau đớn lẫn uất ức trong những giọt nước mắt đó của Son không giống với việc bị loại tại World Cup cho lắm (điều đã diễn ra 4/6 lần Hàn Quốc tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới). Nhiều người cho rằng ngôi sao của Tottenham khóc vì đã đánh mất đi cơ hội “né” nghĩa vụ quân sự một cách chính thức thông qua cánh cửa có tên World Cup.

Son Heung-min

Với thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 28, nghĩa vụ quân sự kéo dài 21 tháng là nhiệm vụ mang tính bắt buộc. Đây là thử thách tự hào đối với văn hóa Hàn Quốc và bất kỳ công dân nam nào có toan tính rằng sẽ trốn đi nghĩa vụ đều sẽ bị nhận lấy sự ghẻ lạnh, thậm chí tẩy chay từ đông đảo xã hội.

Xem thêm  Từ Vũ Văn Thanh đến 'trò bịp' chấn động bóng đá Việt Nam

Đã có không ít những nhân vật tiếng tăm của Hàn Quốc, phần lớn tới từ showbiz phức tạp của quốc gia này, dính điều tiếng. Người thì hốc hác vì stress (Park Hae-jin), kẻ hoàn toàn biến mất sau những lùm xùm trốn nghĩa vụ quân sự (Song Seung-hun, MC Mong).

Với cá nhân vận động viên mang tầm cỡ quốc tế như Son Heung-min, nghĩa vụ quân sự kéo dài 21 tháng đồng nghĩa với sự nghiệp đang lên tại Premier League gần như chấm dứt.

Chỉ có rất ít trường hợp được miễn trách nhiệm nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc. Đối với vận động viên thể thao, Hàn Quốc miễn nghĩa vụ cho các trường hợp sau. Một, có huy chương vàng ASIAD. Hai, có huy chương Olympic. Ba, tạo nên kỳ tích lịch sử tầm cỡ châu lục.

Son bằng rất nhiều cách khác nhau đều đã bỏ lỡ cơ hội để né trách nhiệm nghĩa vụ quân sự một cách đường hoàng. Tại World Cup 2010, Hàn Quốc vượt qua vòng bảng và tất cả các cầu thủ trong đội hình năm đó đều được miễn nghĩa vụ quân sự (giống với đội hình tạo nên chiến tích lịch sử tại World Cup 2002).

Song phải tới cuối năm 2010, Son mới được triệu tập lên đội tuyển.

Son Heung-min

Ở Olympic 2012, Hàn Quốc đá đầy quyết tâm trước Nhật Bản trong trận tranh huy chương đồng (điều hiếm, nếu muốn nói là không bao giờ thấy tại các giải đấu cỡ World Cup, Euro và Champions League thậm chí còn không tổ chức trận đấu vô nghĩa này). Toan tính của những cầu thủ Olympic Hàn Quốc khi đó rất rõ ràng: đá để không phải đi nghĩa vụ.

Đáng tiếc cho Son, giải đó anh lại quyết định ở lại Hamburg để khẳng định bản thân. Tại World Cup 2014, Hàn Quốc bị loại từ vòng bảng với thành tích thảm họa bét bảng. ASIAD 2014, Hàn Quốc giành chiếc huy chương vàng, nhưng Son lại không có mặt dù rất muốn.

Trước đó, tiền đạo sinh năm 1992 đã từ chối cơ hội gia nhập Borussia Dortmund vì cho rằng tại đội chủ sân Signal Iduna Park, anh sẽ không có cơ hội cạnh tranh với những Shinji Kagawa, Robert Lewandowski hay Marco Reus và quan trọng, là không có cơ hội tham dự… ASIAD.

Thay vì gật đầu với Dortmund, Son gia nhập Bayer Leverkusen. Người tính không bằng trời tính, đội chủ sân Bay Arena từ chối nhả anh cho đội Olympic Hàn Quốc để tham dự ASIAD.

Vậy là trong khi rất nhiều đồng đội cùng lứa tránh được cơ ác mộng có tên nghĩa vụ quân sự thì Son cứ mải miết đi tìm “chiếc hũ vàng dưới cầu vồng” để rồi thất bại tại Olympic 2016 và mới nhất chính là World Cup 2018.

Son Heung-min

Sau những thất bại liên hồi tại Olympic và World Cup, tất cả đều hiểu rằng cơ hội cuối cùng để Son tránh nghĩa vụ quân sự và giữ đà thăng tiến sự nghiệp chính là ASIAD 2018 (Son sẽ tròn 28 tuổi đúng hai tuần trước khi Olympic 2020 khởi tranh). Ngôi sao của Tottenham là một trong ba cầu thủ trên 23 tuổi của đội Olympic Hàn Quốc. Bản thân tiền đạo sinh năm 1992 đặt rất nhiều kỳ vọng vào sân chơi ở tầm khu vực này.

Anh quyết định xin lỗi CLB chủ quản Tottenham để trở về phục vụ quê hương. Son cũng dè dặt khẳng định Hàn Quốc hoàn toàn có thể trở thành ĐT Đức tại ASIAD, ám chỉ một thất bại thảm họa tại sân chơi mà người Hàn đang là ứng cử viên số một cho chiếc huy chương vàng.

Những lo lắng của Son không phải không có cơ sở. Olympic Hàn Quốc thua Malaysia trong lượt trận thứ hai và buộc phải thắng trận quyết định với Kyrgyzstan để tự quyết số phận. HLV Kim Hak-bum không còn cách nào khác phải sử dụng Son. Kết quả: tiền đạo sinh năm 1992 ghi bàn quyết định giúp Olympic Hàn Quốc thắng 1-0 để tiến vào vòng knock-out.

Xem thêm  Vì sao xem bóng đá giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc

Son Heung-min

Bất chấp việc Son không tỏa sáng trong trận chiến với Iran và không ghi bàn vào lưới Uzbekistan, không ai có thể thể gạt tiền đạo của Tottenham ra khỏi cuộc chơi khi đối đầu với Olympic Hàn Quốc. Mặt khác, có thể nói chính vì những đối thủ của Hàn Quốc đeo bám Son quá sát đã tạo điều kiện cho những đồng đội của anh như Lee Seung-woo hay Hwang Ui-jo tỏa sáng.

Sau cùng thì Son đã ghi bàn vào lưới Đức cũng như Mexico tại đấu trường World Cup, có tổng cộng 40 bàn tại Premier League và Champions League. Về lý thuyết khách quan, Son không cần tỏa sáng tại ASIAD để chứng tỏ mình là ai. Ngược lại, tất cả cầu thủ tại ASIAD đều phải biết Son.

Trở lại với câu chuyện nghĩa vụ quân sự, Son Heung-min luôn kiệm lời khi nói về trách nhiệm này với quốc gia. Với văn hóa của người Hàn Quốc cùng vị thế ngôi sao lớn nhất nền bóng đá xứ sở kim chi sau Park Ji-sung, Son hiểu trách nhiệm của mình trong những phát ngôn.

Không ai muốn đánh mất gần hai năm đỉnh cao trong sự nghiệp để đổi lại những ngày rèn luyện trong quân ngũ, dù rằng ở Hàn Quốc, đi nghĩa vụ “sướng” hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Son cũng vậy, song chỉ có một cách duy nhất để ngôi sao sinh năm 1992 đẩy lùi bóng ma này ra khỏi sự nghiệp, ấy là chiếc huy chương vàng ASIAD, và Son đang nỗ lực tột bậc để có được điều đó.

Son Heung-min

Được thừa nhận là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Hàn Quốc sau thời Park Ji-sung, Son hiểu rất rõ trách nhiệm của mình với quốc gia. Bản thân Son cũng là một cầu thủ sở hữu tham vọng lớn. Anh từng thừa nhận ước mơ của mình là giành Quả bóng Vàng châu Âu. HLV Tottenham, ông Mauricio Pochettino thì cho rằng Son có thể “vươn tầm ngôi sao và nổi tiếng hơn David Beckham tại châu Á”.

Trên một khía cạnh nào đó, mọi hi vọng vào tương lai sáng chói ấy với Son nằm cả vào trận chiến với Olympic Việt Nam tại bán kết ASIAD 2018. Nếu thắng, giấc mơ vàng ASIAD vẫn khả thi và Son vẫn có khả năng tránh được cơn ác mộng có tên nghĩa vụ quân sự.

Đồng thời anh đảm bảo được rằng mình có cơ hội để biến giấc mơ Quả bóng Vàng và “nổi tiếng hơn Beckham” thành sự thật. Ngược lại nếu thua, Son có thể mất tất cả khi anh chắc chắn sẽ mất hai năm trong quân ngũ cùng vô vàn những cơ hội để thăng tiến sự nghiệp.

Son Heung-min

Với Olympic Việt Nam, lọt vào tới bán kết ASIAD đã là một chiến tích lịch sử. Và dù có thất bại, có thể tin chắc chắn rằng những người dân Việt Nam vẫn sẽ đổ ra đường ăn mừng chào đón những cầu thủ về nước như khi U23 Việt Nam thất bại trước U23 Uzbekistan trong trận chung kết giải U23 châu Á tại Thường Châu hồi đầu năm.

Tâm lý của một đội tuyển vốn chỉ là đội chiếu dưới và tới từ nơi vẫn được coi là vùng trũng của bóng đá thế giới như Đông Nam Á giúp Olympic Việt Nam có được tâm thế an yên nhất định trước trận chiến tại bán kết.

Olympic Hàn Quốc thì ngược lại. Với vị thế của một trong những cường quốc bóng đá tại lục địa đông dân nhất thế giới, chỉ chiếc huy chương vàng Á vận hội mới có thể làm thỏa mãn những kỳ vọng tại xứ sở kim chi. Nói Olympic Việt Nam là định mệnh của Son và có thể là cả Olympic Hàn Quốc là vì lẽ đó.

Đối mặt với định mệnh, thần may mắn liệu có mỉm cười với Son, hay một lần nữa số phận sẽ nghiệt ngã với anh như từ trước tới nay phải vậy? Thời gian sẽ trả lời.

Son Heung-min

Theo zing

Link gốc