Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Sự thật về nhan sắc của Từ Hi thời trẻ: Liệu có phải là mỹ nhân Tử Cấm Thành?

Ảnh minh họa.

Thông qua sự giúp sức của các công nghệ hiện đại, hậu thế ngày nay cuối cùng cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng dung nhan “huyền thoại” một thời của Từ Hi Thái hậu khi còn trẻ.

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Từ Hi Thái hậu được biết tới là một trong số ít những người phụ nữ có cơ hội nắm quyền.

Bà vừa là người đã nắm quyền lèo lái “con thuyền” của vương triều Đại Thanh trong gần nửa thế kỷ, cũng là người đã biến hai vị Hoàng đế trẻ là Đồng Trị và Quang Tự trở thành những nạn nhân trong trò chơi quyền lực của mình.

Thế nhưng điều khiến nhiều người thắc mắc nằm ở chỗ, làm thế nào mà Tây Thái hậu lại có thể tung hoành ngang dọc trên đỉnh cao của tầng lớp thống trị trong một xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ như thời bấy giờ?

Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, Từ Hi không mang huyết thống cao quý, không có gia thế hiển hách, thế nhưng vị Lão Phật gia này từng sở hữu một thứ “vũ khí” chưa bao giờ lỗi thời. Đó chính là sắc đẹp.

Đa số các tranh ảnh có chân dung của Tây Thái hậu mà hậu thế thường thấy ngày nay chủ yếu được chụp hoặc vẽ vào dịp sinh nhật 70 tuổi của bà. Trong đó, Từ Hi hiện lên trong dáng vẻ của một người phụ nữ lớn tuổi với gương mặt đã không còn trẻ trung, xuân sắc.

Tuy nhiên mới đây thông qua các công nghệ hiện đại, người ta đã phục dựng lại nhan sắc thời trẻ của Từ Hi nhờ vào chính những tranh ảnh chân dung của bà khi về già. Và kết quả phục dựng đã chứng minh rằng, nhan sắc thật của vị Thái hậu khét tiếng Thanh triều vốn không phải “hữu danh vô thực” như nhiều người vẫn nghĩ.

Sự thật về dung nhan lúc trẻ Từ Hi – nhan sắc huyền thoại một thời của Tử Cấm Thành

Chân dung Từ Hi Thái hậu – vị “Lão Phật gia” khét tiếng một thời của vương triều Mãn Thanh.

Từ Hi Thái hậu (1835 – 1908), là một nhà cầm quyền nổi tiếng vào cuối thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa. Bà xuất thân từ một phi tần của Hàm Phong đế, sau trở thành mẹ ruột thân sinh ra vua Đồng Trị và cũng là bác của vua Quang Tự sau này.

Năm xưa trong kỳ tuyển tú ngặt nghèo của Thanh cung, Từ Hi với tư chất diễm lệ và nhan sắc xuất chúng đã trở thành một trong những “người thắng cuộc” để đường đường chính chính nhập cung làm phi tần của Hoàng đế Hàm Phong.

Khi tự đánh giá về nhan sắc của bản thân, vị Lão Phật gia ấy đã từng rất tự hào và nói: “Cung nhân lấy ta làm chuẩn mực của cái đẹp”, ý là dung mạo và khí chất của bà xuất thần tới mức khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Tuy nhiên thông qua nhiều tranh ảnh được truyền lại cho tới ngày hôm nay, đa số các ý kiến đều cho rằng, nhan sắc của Từ Hi miễn cưỡng chỉ có thể xem là đoan trang chứ hoàn toàn không phù hợp với các tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện đại.

Thế nhưng sự thực là huyền thoại về nhan sắc của Từ Hi đã từng được rất nhiều người ca tụng. Trong số đó phải kể tới hai người phụ nữ gắn bó nhất với bà trong những năm về già. Đó là nữ quan Đức Linh và nữ họa sĩ ngoại quốc Cathleen Carl.

Xem thêm  Bí mật chưa kể về Xích Thố, chiến mã nổi tiếng của Lã Bố và Quan Vân Trường

Năm xưa Đức Linh nhờ có tài thông hiểu ngoại văn mà trở thanh nữ quan đệ nhất bên cạnh Tây Thái hậu. Trong cuốn hồi ký về những ngày tháng hầu hạ Từ Hi, vị nữ quan này từng chia sẻ:

“Thái hậu khi còn trẻ quả thực là một thiếu nữ phong tư thướt tha, rực rỡ tươi sáng, thường xuyên được người trong cung ca ngợi. Sau này dù tuổi tác lớn dần, nhưng dung nhan khi về già của bà vẫn giữ được mấy phần sắc đẹp lay động lòng người như lúc còn thanh xuân…”.

Đối với những dòng hồi ký này của Đức Linh, không ít người tỏ thái độ nghi ngờ. Bởi bà dẫu sao đã từng là một cận thần bên cạnh Từ Hi và nhận được không ít bổng lộc, do đó không ngoại trừ khả năng Đức Linh sẽ vì cảm tính chủ quan mà dành nhiều lời tâng bốc cho nữ chủ nhân mà mình từng phụng sự.

Những tranh ảnh phục dựng lại dung nhan hồi trẻ của Từ Hi đều cho thấy vị Thái hậu khét tiếng này xứng đáng là một “huyền thoại nhan sắc” bên trong Tử Cấm Thành.

Tuy nhiên dung nhan của Từ Hi còn nhận được sự thừa nhận và tán tụng đến từ một họa sĩ nước ngoài. .

Trong cuốn sách mang tên “Từ Hi tả chiếu ký” của Cathleen Carl, vị nữ họa sĩ này từng viết:

“Vị Thái hậu trước mắt ta chính là một phu nhân vô cùng xinh đẹp, vô cùng hiền hòa. Khi đoán tuổi tác, ta nghĩ bà mới chỉ ngoài 40 (thực chất Từ Hi khi đó tuổi đã gần 70), hơn nữa dung mạo và khí chất còn xuất chúng tới nỗi khiến người ta vừa nhìn thấy đã nảy sinh sự vui vẻ từ trong đáy lòng”.

Vì được ở bên Từ Hi trong gần 1 năm trời để vẽ chân dung, Cathleen Carl đã có nhiều cơ hội để quan sát kỹ từng đường nét của vị Lão Phật gia này. Bà còn viết thêm:

“Những bộ phận cơ thể của Từ Hi Thái hậu đều vô cùng cân xứng, đường nét gương mặt hài hòa, đôi tay mềm mại, nõn nà, vóc người thon thả, mái tóc đen nhánh. 

Quả thực những thứ hài hòa nhất đều hội tụ cả trên người bà, khiến bà càng trở nên xuất chúng. Thái hậu chỉ cần điềm nhiên cười một tiếng, khí chất tỏa ra sẽ khiến người ta tự nhiên cảm thấy hân hoan, ngây ngất”.

Ngày nay khi dùng công nghệ phục dựng lại dung nhan thời trẻ của Lão Phật gia, có không ít chuyên gia đã cho rằng, mặc dù Từ Hi sở hữu nhiều đường nét không phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện đại, nhưng dung nhan của bà vào thời bấy giờ cũng xứng đáng được xếp vào hàng xuất chúng.

Sự thật phía sau những tranh ảnh từng bị hậu thế chê cười của Từ Hi Thái hậu

Từ Hi lúc sinh thời nổi tiếng là một người phụ nữ thích chưng diện và sống xa xỉ.

Trong quan niệm của Từ Hi Thái hậu, một người phụ nữ nếu muốn trở nên xinh đẹp thì ắt không thể ăn vận quê mùa.

Vì vậy mà tẩm cung của bà ở Di Hòa viên từng có một gian phòng ở phía đông nam đựng đủ mọi thứ đồ trang điểm tinh xảo, đa số đều do các nơi tiến công hoặc được đích thân Từ Hi nghiên cứu, chế tạo.

Có nhiều khi rảnh rỗi, Lão Phật gia vẫn thường cất công chỉ dạy cho các cung nữ làm thế nào để chọn ra những cánh hoa hồng tươi nhất, sau đó dùng chúng làm nguyên liệu để chế tạo ra các loại phấn.

Xem thêm  3 câu chuyện thú vị về nhà triết học Socrates: Đọc để thấy cuộc đời đơn giản hơn bạn tưởng

Quá trình làm đẹp và bảo dưỡng nhan sắc của vị Thái hậu khét tiếng này còn cầu kỳ tới nỗi cần tới một nguyên liệu đặc biệt. Đó chính là sữa mẹ.

Có giai thoại còn truyền lại rằng, Từ Hi mỗi ngày đều phải uống một cốc sữa mẹ để làm đẹp da. Thói quen ấy đã được bà duy trì hơn một thập kỷ. Để đảm bảo chất lượng nguồn sữa, Từ Hi thậm chí còn nuôi nhiều bà vú trong tẩm cung nhằm phục vụ cho công cuộc làm đẹp của mình.

Bên cạnh việc dưỡng da, trang điểm, Từ Hi cũng vô cùng chú trọng cách phối hợp trang sức, quần áo. Từng họa tiết trên trang phục của bà đều do họa sĩ ngự dụng ở Như Ý quán vẽ phác thảo, sau đó sửa đổi nhiều lần cho tới khi Thái hậu hài lòng thì mới đưa tới Giang Nam để chế tác.

Sinh thời, Tây Thái hậu sở hữu vóc người thon nhỏ. Bởi vậy mà mỗi khi mặc triều phục, lễ phục, những đôi hài bà mang thường có chiều cao lên tới 10 phân. Không chỉ vậy, Từ Hi còn đặc biệt thích thiết kế các họa tiết thêu hình trúc, cá chép, hồ điệp lên đôi hài của mình.

Khi còn tại thế, vị Thái hậu này luôn mang trên người hai đôi bông tai. Trong đó có một đôi bà không bao giờ tháo xuống, tương truyền là vật được Hàm Phong Hoàng đế thân tặng khi mới nhập cung. Còn đôi hoa tai thứ hai thường xuyên đã Lão Phật gia thay đổi cho phù hợp với xu thế và sở thích.

Những bức ảnh bị hậu thế ngày nay chê là kém sắc thực chất từng khiến vị Thái hậu này tốn rất nhiều tâm tư chuẩn bị.

Khi đã ở tuổi gần đất xa trời, Tây Thái hậu càng yêu thích việc phái các họa sĩ và thợ chụp ảnh Tây phương vào cung để vẽ hoặc chụp lại chân dung của mình.

Trước mỗi lần tiến hành chụp ảnh, bà thường cất công xem ngày giờ, chọn địa điểm và bài trí bối cảnh sao cho thật trang trọng, xa hoa, sau khi chụp xong thì cho người phóng to và treo ở các cung để ngự lãm.

Đối với các bức tranh chân dung vẽ mình, yêu cầu của Từ Hi thậm chí còn cầu kỳ tới mức khó có thể tin nổi.

Bà thậm chí đã bắt các họa sĩ phải tỉ mẩn xóa đi từng vết thâm ở mắt và cánh mũi, đồng thời yêu cầu họ phải chỉnh sửa kỹ tới từng chi tiết, ví dụ như mắt phải vẽ to hơn, môi cần tô cho đầy đặn, khóe miệng hướng lên, lông mày cân xứng…

Cũng bởi vậy mà Hubert Vos, một họa sĩ Hà Lan từng có dịp đến Trung Quốc vẽ chân dung Từ Hi, đã phải viết thư về cố quốc và than thở: “Tóm lại, Thái hậu không cho tranh chân dung được phép có vết thâm, càng không được có nếp nhăn”.

Mặc dù những yêu cầu “khó như lên trời” từng khiến không ít họa sĩ vẽ tranh không khỏi ngán ngẩm. Thế nhưng có lẽ chính sự khắt khe và cầu kỳ ấy có lẽ mới thực sự phù hợp với Từ Hi – một vị Thái hậu đã từng để lại phát ngôn thể hiện đúng con người của mình:

“Phụ nữ mà không để tâm tới lối ăn mặc của bản thân thì cuộc sống còn gì là ý vị”.

>>Tác dụng không ngờ của vỏ cam, từ chưng thành nước để uống đến dùng ngâm với nước, ai cũng nên biết!!!

Theo Trí thức trẻ soha

Link