Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Sự thật về thi thể không đầu của vua Ung Chính: Do ám sát hay bị đầu độc?

Ung Chính

Cái chết bất đắc kỳ tử của Hoàng đế Ung Chính và giai thoại về thi thể không đầu được an táng trong lăng mộ vị vua này đã trở thành một trong các bí ẩn nổi tiếng nhất Thanh triều.

Xem thêm  Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long

Ung Chính Hoàng đế tức Thanh Thế Tông, tên thật là Ái Tân Giác La Dận Chân. Ông là con trai thứ tư của Khang Hi đế và là vị Hoàng đế thứ 5 của vương triều Đại Thanh trong lịch sử Trung Hoa.

Suốt 13 năm tại vị của mình, Ung Chính đã chấn chính lại cơ cấu triều đình, đẩy mạnh bài trừ tham ô, đưa ra hàng loạt cải cách được người đời ca ngợi.

Dưới sự cống hiến của ông, các vấn đề còn tồn đọng từ thời Khang Hi đều được giải quyết ổn thỏa, quốc khố Đại Thanh cũng nhờ vậy trở nên dồi dào.

Có ý kiến cho rằng, những thành tựu dưới thời Ung Chính tại vị đã đặt cơ sở quan trọng cho giai đoạn “Khang – Càn thịnh thế” mà Càn Long vẫn thường tự hào cho rằng đó là thời kỳ cực thịnh của Thanh triều.

Thế nhưng ngoài những công lao kể trên, Ung Chính còn được xem là một vị Hoàng đế sở hữu nhiều bí mật chưa có lời giải nhất trong lịch sử Đại Thanh. Một trong số đó chính là nguyên nhân dẫn tới cái chết đột ngột và bất thường xảy ra vào năm 1735 của vị vua này.

Cái chết bất đắc kỳ tử đầy bí ẩn của cha ruột Càn Long

Ung Chính

Chính sử ghi lại, ngày 22 tháng 8 âm lịch năm Ung Chính thứ 13 (tức năm 1735), Ung Chính đang ở Viên Minh Viên thì bỗng nhiên cảm thấy cơ thể khó chịu. Ngày tiếp theo, tình trạng của Hoàng đế càng lúc càng không có chuyển biến tốt.

Bấy giờ, ông đã triệu Bảo Thân vương Hoằng Lịch, Hòa Thân vương Hoằng Trú cùng một số đại thần thân tín đến tẩm cung và tuyên bố truyền ngôi cho Hoằng Lịch (tức Càn Long sau này) rồi băng hà vào ngày 23 tháng 8 âm lịch năm 1735.

Tương truyền rằng sau khi qua đời một cách đột ngột ở Viên Minh Viên, do nơi này không có sẵn ngựa, thi thể của Hoàng đế buộc phải dùng lừa để chuyển về kinh thành.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, khoảng thời gian Ung Chính có dấu hiệu bất thường cho tới khi vị vua này qua đời chỉ vẻn vẹn chưa đầy 2 ngày.

Trước khi phát bệnh 1 ngày, tức ngày 21 tháng 8 âm lịch năm đó, Ung Chính vẫn tiếp kiến triều thần bình thường. Điều này chứng tỏ lúc bấy giờ thân thể của Hoàng đế không có dấu hiệu gì bất thường.

Vậy đâu là lý do khiến vị vua đang khỏe mạnh như Ung Chính đế lại chết bất đắc kỳ tử một cách đột ngột như trên?

Về vấn đề này, các tài liệu chính sử đều ghi chép chung chung giống với bố cáo của hoàng tộc nhà Thanh với thiên hạ bằng mấy chữ: Hoàng đế đột ngột qua đời.

Dù vậy, cái chết của Hoàng đế Ung Chính vẫn trở thành một trong những bí ẩn chưa có lời giải nổi tiếng nhất Thanh triều. Xung quanh sự ra đi đột ngột của vị Hoàng đế này cũng tồn tại rất nhiều giai thoại và giả thiết đáng quan tâm.

Giai thoại về xác chết không đầu và lưỡi đao rửa hận của hậu nhân nhà họ Lã

Ung Chính

Giai thoại về việc Lã Tứ Nương chặt đầu Ung Chính được rất nhiều người biết đến và tin tưởng. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Về cái chết của Ung Chính đế, có giai thoại truyền rằng ông bị trúng gió nên đột tử, có giả thiết khẳng định ông bị cung nữ và thái giám hạ sát.

Thậm chí còn có câu chuyện thêu dệt nên chuyện tình của ông với tình nhân của Tào Tuyết Cần (người được cho là nguyên mẫu của Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”), sau đó bị chính tác giả này và tình nhân liên thủ đầu độc đến chết.

Thế nhưng một trong số những giai thoại bài bản và được lưu truyền rộng rãi nhất về cái chết của Ung Chính phải kể tới giả thiết ông bị nữ thích khách Lã Tứ Nương chặt đầu.

Giai thoại này từng được đề cập trong hai tác phẩm dã sử là “Thanh Cung thập tam triều” và “Thanh cung dị văn”. Theo đó, lý do khiến Lã Tứ Nương hành thích Ung Chính bắt nguồn từ một bản án đẫm máu của gia tộc họ Lã.

Năm xưa, Lã Lưu Lương đã bị chém đầu vì án văn tư ngục (những bản án liên quan tới chữ nghĩa). Gia tộc họ Lã cũng không thoát khỏi liên can, toàn bộ nam giới từ 16 tuổi trở lên đều bị chém đầu, số còn lại hoặc bị giết, hoặc bị lưu đày và trở thành nô bộc, người hầu.

Bấy giờ, số người chịu liên lụy từ bản án chữ nghĩa của Lã Lưu Lương phải lên tới con số hàng trăm, duy chỉ có người cháu gái Lã Tứ Nương là may mắn trốn thoát.

Chứng kiến thảm cảnh máu chảy đầu rơi của cả dòng họ, Lã Tứ Nương đã cắt tay viết ra một bức huyết thư 8 chữ: “Không giết Ung Chính – chết không nhắm mắt”.

Sau đó, người cháu gái này của gia tộc họ Lã đã mai danh ẩn tích, bái sư học nghệ, đến khi trưởng thành thì trà trộn vào tẩm cung của Ung Chính ở Viên Minh Viên để nhân cơ hội chặt đầu Hoàng đế, khi chuyện đã thành thì đem theo thủ cấp rồi biến mất.

Để bưng bít cho vụ án trên, hoàng tộc nhà Thanh đã bí mật làm ra một chiếc đầu lâu bằng vàng nhằm an táng cùng thi thể không đầu của Ung Chính và chôn cất tại Thái Lăng.

Tuy nhiên theo các tài liệu chính sử liên quan tới Thanh cung, không có vụ án nào liên quan tới việc người nhà họ Lã chạy trốn.

Hơn nữa với sự canh phòng nghiêm ngặt của quân lính Thanh triều, một nữ thích khách như Lã Tứ Nương dù có cải trang giỏi tới đâu cũng khó trà trộn được vào tẩm cung chứ chưa nói đến việc có cơ hội tiếp cận và hành thích Hoàng đế.

Cho tới ngày nay, giai thoại Lã Tứ Nương chặt đầu Ung Chính vẫn chưa có chứng cứ xác thực. Vì vậy giả thiết này vẫn chỉ là câu chuyện được người đời kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu mà thôi.

Nghi vấn về “vết xe đổ” khiến Ung Chính mất mạng vì cả tin

Ung Chính
Bên cạnh giả thiết bị ám sát, có ý kiến cho rằng Ung Chính đã đi vào “vết xe đổ” của nhiều Hoàng đế đời trước: Đó chính là mù quáng tin tưởng vào “tiên đan”. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

 

Nếu không phải bị Lã Tứ Nương ám sát, vậy đâu là nguyên nhân khiến Ung Chính đế chết bất đắc kỳ tử chỉ sau 2 ngày lâm bệnh ngắn ngủi?

Theo ghi chép của các tài liệu chính sử liên quan tới Thanh cung, từ năm Ung Chính thứ 7 sau khi mắc một trận bạo bệnh, vị Hoàng đế này đã đưa ra một chỉ dụ cho các đại thần tâm phúc của mình để yêu cầu họ tiến cử một vài lương y và đạo sĩ cao tay.

Từ đạo mật chỉ này, có suy đoán cho rằng Ung Chính thực chất đã bắt đầu tìm kiếm các đạo sĩ, lương y khắp nơi để tiến hành luyện đan nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ, thậm chí trường sinh bất tử.

Bằng chứng rõ nhất là ông từng đặc biệt xây một đạo viện ở Viên Minh Viên dành riêng cho các đạo sĩ, hơn nữa còn từng vận chuyển hơn 2 tấn than, củi tới nơi này chỉ trong 1 tháng ngắn ngủi.

Ngoài ra, những thánh chỉ do chính tay Hoàng đế này chắp bút cũng từng đề cập đến việc ban thưởng đan dược cho các tướng quân. Đây là một điểm đáng lưu ý, bởi các vị vua thời xưa khi luyện đan, chế thuốc thường tiến hành rất bí mật, còn Ung Chính lại sẵn sàng ghi rõ trong chỉ dụ của mình.

Đặc biệt, Càn Long đế sau khi lên ngôi đã nhiều lần ban chiếu hạ lệnh đuổi toàn bộ các đạo sĩ ở Viên Minh Viên. Dựa vào việc một vị Hoàng đế mới đăng cơ vẫn còn bộn bề nhiều việc mà lại để tâm tới điều này đã cho thấy rất có thể cái chết của Ung Chính phần nào có liên quan tới những đạo sĩ nói trên.

Vào thời xưa, “tiên đan” mà cổ nhân luyện thành thực chất được bào chế từ nhiều loại độc dược nguy hiểm như thủy ngân, lưu huỳnh, thạch tín… Cho nên loại đan dược này vốn không có công dụng trường sinh bất lão hay kéo dài tuổi thọ mà thậm chí còn có thể khiến người dùng mất mạng.

Bởi vậy thông qua những bằng chứng trên đây, rất có khả năng Ung Chính vì ăn quá nhiều đan dược trong thời gian nên cơ thể tích tụ quá nhiều độc tố, từ đó trúng độc mà đột ngột băng hà. Thế nhưng suy cho cùng, giả thiết này cũng mới chỉ dừng lại ở suy đoán.

Trong lịch sử Trung Hoa, những đế vương vì “tiên đan” mà chết vốn không hề ít, có thể kể tới như Tấn Ai Đế, Đường Thái Tông, Minh Nhân Tông… Điểm đáng lưu tâm là nguyên nhân dẫn tới cái chết của những vị Hoàng đế nói trên đều được sử sách ghi lại rõ ràng, còn riêng Ung Chính đế lại được bố cáo chung chung.

Vì vậy không loại trừ khả năng cái chết của vị vua Thanh triều này vẫn còn ẩn chứa một bí mật mà hoàng tộc Ái Tân Giác La không muốn tiết lộ cho đời sau…

Xem thêm  Nhân vật cao tay nhất trong hậu cung Thanh triều dưới thời Ung Chính - Càn Long

Theo Thời Đại/Soha

Link