Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Sự thật về “vắc xin ngoại tiêm không sốt” khiến nhiều mẹ Việt chuộng hơn vắc xin nội

vắc xin

Với tâm lý vắc xin ngoại thường xịn hơn vắc xin nội vì vậy mà không ít bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng thường chọn vắc xin ngoại để tiêm cho con.

Hiệu quả phòng bệnh đều tương đương nhau

Chị Phạm Thị Thu Thúy (26 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ chị luôn ưu tiên chọn vắc xin ngoại nhập (sản xuất tại nước ngoài) để tiêm phòng bệnh cho con. Vì chị tin rằng các loại vắc xin nhập từ nước ngoài chất lượng sẽ được đảm bảo và ít có những phản ứng sau tiêm.

Cùng chung tâm trạng với chị Thúy đó là trường hợp của chị Nguyễn  Hồng Hà (29 tuổi, ở Hà Đông) chị Hà luôn lo lắng vắc xin trong nước sản xuất sẽ không đảm bảo khả năng phòng bệnh. Vì thế, chị Hà chỉ tin dùng các loại vắc xin ngoại nhập.

Không chỉ chị Thúy, chị Hà mà hiện nay rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế chỉ tin dùng vắc xin ngoại để tránh con không bị phản ứng sốt sau tiêm.

GS. TSKH Nguyễn Thu Vân (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho hay vắc xin ngoại nhập so với vắc xin trong nước sẽ tương đương nhau về mặt công hiệu. Vắc xin được sản xuất trong nước cũng rất an toàn và phát huy hiệu quả phòng bệnh rất cao.

Tuy nhiên, do tâm lý của người Việt Nam vẫn luôn chuộng vắc xin ngoại và vắc xin phối hợp 5in1 và 6in1 (con không phải tiêm nhiều mũi).

Theo GS. Vân phản ứng bị sốt của trẻ sau tiêm vắc xin rất bình thường khi đưa kháng nguyên vào cơ thể. Mỗi trẻ sẽ có phản ứng khác nhau, có trẻ chỉ bị sốt nhẹ nhưng cũng có trẻ rất nhạy cảm phản ứng rất mạnh (sốc phản vệ). Vì vậy, phản ứng sau tiêm không cơ thể nào giống cơ thể nào.

Xem thêm  Nước Mỹ coi loại quả này như “thần dược”: Bếp nào cũng có nhưng người Việt đang bỏ phí

GS. Vân cho hay hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được trên 10 loại vắc xin như: viêm gan B, viêm gan A, tả,viêm não Nhật Bản, bại liệt uống, sởi rubelle, Rota, bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, thương hàn, cúm.

Riêng vắc xin kết hợp 5in1 (ho gà vô bào) sau năm 2020 khả năng sẽ có.

“Các vắc xin trước khi đưa vào sử dụng sẽ phải qua thử nghiệm lâm sàng đều ghi nhận có phản ứng: sốt nhẹ, sốt cao, toàn thân… Tất cả các phản ứng này đều ở mức độ an toàn không gây nguy hiểm cho con người.

Là người trực tiếp nghiên cứu và sản xuất tôi cũng không dám cam kết 100% không có phản ứng sau tiêm”, GS. Vân nói.

Phản ứng sau tiêm vắc xin là không thể tránh khỏi, nhưng khi cân nhắc lợi ích cho sức khỏe giữa bị bệnh và chủ động phòng chống bệnh sẽ phải lựa chọn.

Tiêm vắc xin có phải đưa mầm bệnh vào người

Nhiều ý kiến cho rằng tiêm vắc xin là đưa mầm bệnh vào cơ thể trẻ GS. Vân giải thích như sau:

Khi con người bị nhiễm bệnh (vi rút) tự nhiên, cơ thể sẽ phản ứng lại (cơ chế tự nhiên sinh ra kháng thể). Người bệnh sẽ có kháng thể sau khi đã mắc bệnh, dựa trên nguyên lý như vậy ngành sản xuất vắc xin ra đời.

Vắc xin được tạo từ các kháng nguyên (lấy một phần từ vi khuẩn, vi rút gây bệnh) nhưng đã giảm độc tính. Kháng nguyên này không gây bệnh, nhưng vẫn giữ được khả năng miễn dịch  để cơ thể chủ động chống lại bệnh.

Xem thêm  BS nêu đích danh 7 “sát thủ” gây hại cho gan: Nhiều người đang “nuôi” chúng mà không biết

Trẻ đã được tiêm vắc xin nếu phơi nhiễm với nguồn bệnh, kháng thể sẽ được huy động bao vây kháng nguyên để trung hòa.

Trước những thông tin cho rằng việc tiêm nhiều vắc xin cho trẻ sẽ làm cho hệ miễn dịch bị ức chế tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn GS. Vân khẳng định: “Từ trước tới nay trên thế giới vẫn có trường phái là anti vắc xin chống đối lại các trường hợp tiêm vắc xin và tất cả các thứ thuốc được đưa vào người. Tuy nhiên, qua thực tế đã chứng minh một bé sau khi tiêm vắc xin bị hậu quả tự miễn là chưa có.

Thực tế hàng triệu trẻ em tiêm vẫn có khả năng bảo vệ bệnh. Trường hợp đáp ứng miễn dịch là trường hợp rất hy hữu. Nếu trẻ không tiêm vắc xin vẫn có tỷ lệ nhất định bị mắc bệnh tự miễn”.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng gồm 27 trường hợp liên quan tới các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và 3 trường hợp liên quan vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ.

Trong đó, 70% trường hợp phản vệ/phản ứng quá mẫn cảm sau tiêm, 17% chưa rõ nguyên nhân và 13% trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ.

Ngọc Minh – Trí thức trẻ

Link gốc