Thứ bảy, Tháng mười hai 7
Shadow

Tài sản quý nhất của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười

Tài sản quý giá nhất mà bác Đỗ Mười để lại là gì? “Là sách, gần một vạn cuốn sách”, ông Phan Trọng Kính, trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cho biết.

Người trợ lý kề vai sát cánh gần nửa thế kỷ với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười kể, cả cuộc đời của bác Mười lúc nào cũng gắn liền với sách, ở trong nhà tù bác cũng đọc sách, đi đâu bác cũng mang sách theo đọc.

Rồi ông kể một mạch về những câu chuyện liên quan đến “gia tài quý nhất” của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Đỗ Mười Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và trợ lý, ông Phan Trọng Kính

Độc giả số 1 của NXB Chính trị quốc gia – Sự thật

Bác rất thích đọc sách. Có lần ông Vũ Khiêu đến thăm tặng bác 2 cuốn sách: Anh hùng và nghị sỹ; Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử. Hai cuốn sách này dày lắm. Thế nhưng bác dành thời gian từ 4–6h sáng hàng ngày đọc trong vòng gần 1 tháng là xong.

Khi ông Vũ Khiêu đến, bác nói: “Tôi đã đọc xong 2 cuốn sách của anh rồi đấy”. Rồi bác kể đoạn này viết thế này, đoạn kia nói thế kia làm ông Khiêu rất ngạc nhiên.

Mỗi kỳ họp QH, giờ giải lao bác lại đến khu vực trưng bày sách và chọn vài cuốn mang về, đọc luôn chứ không để lâu.

Đỗ MườiÔng Phan Trọng Kính. Ảnh Lê Anh Dũng

Phải nói là ít ai đọc nhiều sách như bác Đỗ Mười. Người ta bảo “ông Đỗ Mười là độc giả số 1 của NXB Chính trị quốc gia – Sự thật”.

‘Cái quý nhất của tôi là những giá sách’

Có cô phóng viên hãng Reuters xin được vào thăm nhà bác Đỗ Mười để tìm hiểu xem đời sống của các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như thế nào, có khác gì so với đời sống của các vị tổng thống, thủ tướng ở các nước không.

Hôm ấy là ngày chủ nhật, bác Đỗ Mười ở nhà. Cô phóng viên xin được vào gặp nguyên Tổng bí thư. Anh em bảo vệ thấy người nước ngoài liền gọi điện thoại cho tôi để xin ý kiến. Tôi liền tức tốc phóng xe về để xin ý kiến Thủ trưởng. Bác Đỗ Mười nói: “Cứ cho cô ấy vào”.

Xem thêm  Cách treo cờ rủ đúng quy định trong Lễ Quốc tang

Vào đến nhà, thấy nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đang đọc sách. Cô kính cẩn chào và có lời cảm ơn bác đã cho đến thăm. Cô là người Anh, chắc sang Việt Nam đã lâu nên nói tiếng Việt rất sõi. Có lẽ vì vậy mà cô xưng hô là bác với cháu.

Đầu tiên cô tự giới thiệu: “Cháu là phóng viên của hãng Reuters. Hôm nay cháu đến trước tiên là thăm bác, sau nữa là muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời hoạt động của bác cũng như cuộc sống đời thường của bác”.

Bác Đỗ Mười mời cô ngồi, chủ động hỏi thăm về tình hình gia đình và hoạt động báo chí của cô ở Việt Nam.

Đỗ MườiÔng Phan Trọng Kính là trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ năm 1972. Ảnh: Phạm Hải

Hôm ấy, cô phóng viên hỏi nguyên Tổng bí thư đủ thứ chuyện. Bác Đỗ Mười chăm chú nghe và trả lời từng câu hỏi bằng lời lẽ ân cần, tình cảm và đầy sức thuyết phục. Cô rất cảm động trước thái độ cởi mở, thân tình của nguyên Tổng bí thư.

Sau cùng, cô xin phép được thăm nơi ăn ở và làm việc của nguyên Tổng bí thư. Khi thăm thư viện, cô phát hiện có quyển sách của Tổng thống Bill Clinton. Cô lấy xem, thấy bên trong có nhiều trang đã gạch chân nhiều dòng bằng bút chì.

Cô lấy thêm mấy quyển sách khác trong các giá sách gần đó cũng thấy có nhiều trang như vậy. Điều đó chứng tỏ bác đã đọc kỹ rất nhiều sách.

Cô phóng viên cảm động nói: “Thưa bác, cháu thấy thế hệ các bác đã chiến đấu và gian khổ nhiều, đáng lẽ ngày nay được hưởng sung sướng nhưng thực tế cuộc sống đời thường của bác rất giản dị.

Xem thêm  Hình ảnh cỗ linh xa đưa linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang về đất Mẹ

Cháu nghĩ thế hệ của các bác là những người luôn nghĩ cho dân, cho nước, không hề nghĩ gì về mình; còn thế hệ trẻ bây giờ cháu thấy không được như các bác, họ bị ảnh hưởng nhiều lắm bác ạ!”.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nói: “Không phải đâu chị ạ, chúng tôi đã qua nhiều thế hệ đấu tranh, mỗi thế hệ mỗi khác. Các thế hệ cứ lần lượt tiến lên và trưởng thành nhanh chóng. Các thế hệ sau tiến bộ hơn nhiều so với trước. Chị nói thanh niên bây giờ họ bị ảnh hưởng nhiều. Điều đó có đúng một phần”.

Rồi bác Mười giải thích thêm, kinh tế thị trường có nhiều mặt tích cực nhưng cũng có không ít mặt tiêu cực phát sinh trong đời sống hằng ngày. Song, dù bình thường như tất cả mọi người nhưng khí chất anh hùng và tinh thần quật cường khi Tổ quốc có nguy biến thì trong con người Việt Nam ai cũng có.

“Những người lãnh đạo Việt Nam mặc dù vào sinh ra tử, có nhiều công lao đối với đất nước, nhưng trong đời tư của họ vẫn như mọi người.

Chị xem, ngôi nhà đây là của Nhà nước, mọi thứ treo trên tường đều là những tặng phẩm của bạn bè, đồng bào, đồng chí. Ngoài ra chị còn thấy những gì hơn nữa không. Cái quý nhất của tôi là những giá sách mà chị vừa xem đấy”, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nói với cô phóng viên người Anh.

Ông Phan Trọng Kính cho biết, hiện “tài sản quý giá” của bác đã được gia đình gửi tạm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Theo ý nguyện của nguyên Tổng bí thư, số sách này sẽ được gửi tặng Thư viện Quốc gia để độc giả trên cả nước có thể khai thác.

Thu Hằng- Theo VietNamNet

Link gốc