Khách đi xe ngày tết bấm bụng trả tiền. Tài xế có thu nhập khủng, mỗi ngày hơn 3 triệu còn hãng Grab thì giải thích giá tăng do “biểu giá linh hoạt”.
Grab chở khách tại TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo nhiều khách đi xe thông qua các ứng dụng gọi xe, trước tết họ chỉ được thông báo về phụ phí giá cước đối với dịch vụ GrabBike và không nghe nói gì về GrabCar hay Uber nhưng giá các dịch vụ này lại tăng đến chóng mặt, thậm chí nhảy từng phút trong những ngày cao điểm tết.
Anh Hùng, ngụ quận Tân Bình cho biết ngày thường mỗi chuyến GrabCar xuống quận 1 từ nhà anh chỉ khoảng 100.000 đồng.
Tuy nhiên ngày mùng 2 tết, khi anh đặt xe cho quãng đường tương đương thì giá cước lên đến 299.000 đồng.
Đặc biệt giá Grab tăng chóng mặt trong các khung giờ tầm trưa và chiều tối.
“Quãng đường gần 8km mà giá gần 300.000, tính ra gần 38.000 đồng/km. Giá tăng gấp 3 lần là quá đắt nên tôi đổi qua taxi dù phải đợi lâu hơn”, anh Hùng kể.
Chị Thanh, ngụ quận 12 cho biết chiều mùng 2 tết gia đình chị đặt cuốc xe sang quận Gò Vấp thăm gia đình, bạn bè. Ngày thường giá chỉ khoảng 90.000-110.000 đồng nhưng ngày tết tăng hơn gấp đôi.
“Lần đầu tôi đặt xe giá hiện lên 210.000 đồng nhưng không thành công, chỉ ít phút sau đặt lại giá cước đã vọt lên 270.000 đồng/cuốc mà vẫn không có xe. Hết đặt Uber rồi chuyển sang Grab, cuối cùng cũng “dính” được được xe với giá 285.000 đồng cho 11km. Ngày Tết bắt được xe là mừng húm nên phải chấp nhận. Trong khi đó, đặt xe taxi truyền thống dù đợi lâu nhưng giá có thể thấp hơn”, chị Thanh nói.
Ngược lại với tâm lý “phát hoảng” của khách, giới tài xe lái Grab, Uber lại có mùa tết “cực ấm”.
Anh Tiến, lái xe GrabCar khoe mình có mùa Tết bội thu, chạy suốt đến mức “chân không kịp rời khỏi xe. Có ngày tôi không kịp ăn gì, chỉ biết dùng bánh, mứt trên xe qua bữa”.
Theo anh Tiến, chỉ trong 3 ngày tết và sáng mùng 4, sau khi trừ chi phí… anh bỏ túi được hơn gần 10 triệu.
Ngày đầu năm anh chạy gần 3 triệu, vừa bỏ khách này là nhận ngay cuốc khác. Đường ngày Tết lại vắng, chạy rất “đã”, không kẹt xe gì.
Điều khiến thu nhập anh Tiến tăng đột biến là nhờ giá cước xe tăng vùn vụt.
Những ngày tết không có chuyến xe nào dưới 50.000 đồng, những chuyến gần gần, trong vòng quận này sang quận kia ở trung tâm thành phố cũng 60.000-80.000 đồng.
“Một cuốc từ quận 9 về giáp Đồng Nai ngày thường tầm 200.000 đồng thì tết lên hơn 500.000 đồng. Vừa bỏ khách lại đặt được xe chiều về giá tương tự. Hôm đó phấn chấn hẳn”, anh Tiến kể.
Giá cước xe tăng vùn vụt khiến nhiều tài xế tính phải đổi kế hoạch về quê ăn tết.
Anh Việt, một tài xế Grab cho biết dù đã lỡ báo gia đình mồng 2 sẽ về Bến Tre ăn Tết nhưng thu nhập mấy ngày Tết “khủng” quá, nên đến chiều mồng 4, khi giá cước xe giảm dần gần bằng ngày thường, anh mới quyết định đánh xe về quê.
Anh Hiền một tài xế chạy song song cả Grab lẫn Uber tiếc hùi hụi sau khi trở lại thành phố chiều mồng 3 Tết.
Theo anh Hiền, chạy xe tỉnh, tính luôn chiều về trống khách, trừ tiền xăng xe… thì cũng lời hơn 1 triệu đồng mỗi chuyến nhưng “cực hơn nhiều, không bằng chạy lòng vòng trong thành phố”.
Grab: Giá tăng do áp dụng biểu giá linh hoạt!
Trả lời về giá cước dịp Tết Nguyên đán, đại diện Grab Việt Nam cho biết giá cước một số dịch vụ như GrabCar và GrabBike tăng do hãng áp dụng biểu giá linh động tùy vào khu vực và thời điểm trong ngày nhằm “đảm bảo trải nghiệm di chuyển tốt nhất cho cả đối tác tài xế lẫn khách hàng”.
Theo đó, giá cước sẽ tăng khi nhu cầu tăng cao, và khác nhau tùy vào thời điểm cũng như địa điểm đặt xe. Nói cách khác, tại khu vực có ít xe mà nhiều người đặt xe thì giá cước sẽ tăng, ngược lại, nếu có nhiều xe mà ít người đặt thì giá cước sẽ không tăng.
Dựa vào đó, hãng sẽ áp dụng nhân giá cước khi nhu cầu khách đi tăng và mức nhân này vừa áp dụng cả giá cước theo quãng đường lẫn thời gian di chuyển.
“Giá cước hiển thị trên màn hình điện thoại khi đặt chỗ là giá cước cố định, đã bao gồm thuế, khách chỉ trả đúng số tiền đã hiển thị khi nhấn đồng ý đặt chỗ”, đại diện Grab Việt Nam giải thích thêm.
Theo Tuổi trẻ