Khi các bạn tôi, người mua nhà, người sắm ô tô, người đầu tư trên trời dưới biển thì tôi, sau 7 năm lăn lộn đi làm, chỉ mua được cả đống quần áo và dăm thứ phù phiếm.
“Đi làm để được nhiều tiền không?”
“Bao giờ mua ô tô?”
“Khi nào thì định mua nhà?”
… là những câu hỏi mà các bà các chị, nhị vị phụ huynh, bạn bè gần xa, bà con cuối phố luôn hỏi tôi, sau vài năm tốt nghiệp và đi làm. Hơn cả câu “Sắp lấy chồng chưa?” thì đấy là những lời nói cứa tim tôi nhất.
Tôi. Sắp 30 tuổi. Đi làm 7 năm. Người yêu sắp có, chó cũng mới cạo lông nhưng số dư tài khoản thì hoàn toàn không khả dụng.
Ba mẹ sinh tôi, trời sinh tính. Vừa vặn thế nào, lại sinh cho tôi cái tính điệu đà, ham làm đẹp và mê mệt mấy thứ phù phiếm.
Tự xét về bản thân, tôi cho rằng mình là người có gu không quá tệ. Dù không đẹp nức nở như hoa hậu minh tinh, tôi vẫn biết cách khiến cho mình chỉn chu nếu sắm đủ tủ quần áo đẹp hay mày mò mua thêm dăm món phụ kiện hợp mốt. Đẹp chẳng để vì ai, đẹp là để cho mình vui trước đã.
Thêm nữa, khi bạn đẹp, đời tự khắc cho bạn nhiều cơ hội. Không cho cơ hội đi thi nhan sắc thì cũng cho bạn cơ hội ghi điểm với người xung quanh hay khéo lại thêm nhiều cơ hội thăng tiến sự nghiệp. Phụ nữ đẹp thì luôn có quà, đơn giản mà. Xét tới xét lui, đầu tư vào ngoại hình, chỉ lãi chứ nào có lỗ. Đấy là tôi tự tâm niệm.
Và cũng chính từ thứ tâm niệm này, hai từ “tiết kiệm” với tôi còn xa vời hơn việc quay lại với người yêu cũ.
Tôi thích mua sắm, phải thú thật là như thế.
Tôi mua sắm không theo vụ theo mùa, tôi mua sắm theo đơn vị tuần, họa hoằn lắm mới theo đơn vị tháng (khi thẻ atm đã hết nhẵn còn thẻ tín dụng thì chuẩn bị chạm tới hạn mức người ta cho). Ngày cuối tuần người ta đi ăn đi chơi, tôi thì thích lang thang ở mấy trung tâm mua sắm.
Tôi mua như không có ngày mai, mua như chuẩn bị có ai cướp mất, mua như sợ chỉ 5 phút sau, hãng sẽ không sản xuất item này nữa. Vân vân và mây mây, tôi có quá nhiều động lực thôi thúc mình phải nhanh đi mua sắm. Chất đầy tủ là đống quần áo, còn chất đầy lên đầu tôi là các khoản tiền đến cuối tháng vẫn không có để chi, chỉ vì chúng đã được chuyển hoá thành đống cotton màu mè đang chất trong tủ kia.
“Bảo Anh à, xong chưa?”
“Hổng có gì để mặc hớt” – Cứ thay Bảo Anh bằng tôi đi, vì câu chuyện “không có gì để mặc này” chính xác là dành cho tôi.
Giả dụ, lương về cuối tháng, việc đầu tiên tôi làm là trích một khoản “nho nhỏ” để sắm quần áo cho bản thân như một sự ban thưởng nỗ lực làm việc của chính mình. Tháng nào lương nhiều thì 2-3 bộ, tháng bị phạt cũng mua 1, 2 bộ coi như an ủi nỗi buồn bị thất thoát kinh tế.
Mọi chuyện êm xuôi với những khoản tiết kiệm cho tới những ngày đặc biệt. Công ty có tiệc và bản thân tôi cũng muốn xuất hiện đẹp đẽ trong các dịp ấy, thế là lại phải đi sắm một bộ đồ đẹp. Bạn bè nô nức cưới xin, thế là lại phải đi mua cái áo, cái quần dành cho ngày cưới. Cá biệt có những đám cưới bạn thân khiến tôi buộc phải chi một khoản đáng kể để xuất hiện thật tuyệt vời, chứ không được xuề xoà như những đám cưới có mối dây kết nối không quá đậm sâu.
Rồi stress công việc đưa đẩy tôi vào các shop quần áo. Được lương thưởng cũng cho tôi lý do phải vùi mình vào lụa là gấm vóc.
Tôi mua sắm, không phải vì tôi “cần” mà chỉ đơn giản là vì tôi “muốn”. Để mà nói là cần thì không, tủ đồ ở nhà chẳng thiếu thốn đến mức tôi cần phải đi mua bổ sung nên nói trắng ra là tôi muốn mua sắm. Tôi thích cảm giác vùi mình trong đống quần áo, lựa tới lựa lui, mix lấy mix để và hân hoan nghĩ đến những dịp tôi sẽ mặc chúng, dù thực tế là đôi khi, tôi chẳng mặc được lần nào.
Lúc vui tôi cũng mua mà khi buồn thì tôi càng có cớ tiêu tiền hơn thế. Ngày này qua tháng nọ, số quần áo trong tủ tôi cứ cấp số nhân, đang 1 thành 10, đang 10 thành 100. Có dạo, tôi sau khi dọn tủ và soạn ra 2 túi quần áo to oạch để cho mấy đứa em họ dưới quê, thử ngồi đếm số áo mùa thu – hè đang nằm trong tủ. Vu vơ thế nào vẫn còn gần 200 cái, chưa kể áo len mùa đông, chưa kể dăm bảy loại quần loại váy…
Mà hơn nửa chỗ ấy, tôi còn chẳng nhớ mình mua lúc nào.
7 năm đi làm, người mua nhà, kẻ tậu xe còn tài sản của tôi chỉ đơn giản là đống quần áo.
Bữa nọ tôi họp lớp, bạn tôi, người hoan hỉ khoe xe, người tự hào mới xây xong căn nhà, có ông vu vơ lại thủ thỉ mới có sổ tiết kiệm tiền tỷ. Tôi nghe một hồi mà ong tai nhức óc như thể đang nghe tiếng trên sao Thủy sao Mộc chứ nào có phải tiếng quê cha đất mẹ nữa đâu. Nói đoạn, bạn hỏi tôi có gì, tôi trả lời tôi chỉ có đống quần áo…
Bạn nghe mà chỉ cười khẩy, bạn nói tôi giàu sụ mà sao cứ giấu. Tôi hỏi bạn tôi giàu sao được, bạn lại trả treo không giàu sao thấy tôi đi mua sắm suốt? Ơ kìa, chính vì “mua sắm suốt” tôi mới không giàu đấy chứ. Tài khoản thi thoảng lại âm vô cùng, sổ tiết kiệm thì chưa từng tồn tại, ô tô chẳng có, nhà lại càng không, thử hỏi tôi giàu ở đâu nhỉ?
Mẹ tôi cũng vậy, mẹ cứ đinh ninh với mức lương 15 – 20 triệu, tiêu hoang mấy tôi cũng phải dành dùm được cỡ hơn 200. Có hôm mẹ rỉ tai: “Hay là mẹ góp non nửa, còn lại mày bù nốt nhà mình mua ô tô để đi mưa đi nắng nhé?”. Một chữ nhé nhẹ như vết dao cắt vào cổ tay. Thật tuyệt.
Tiền đi xe ôm mỗi ngày còn không đủ. Không hiểu mẹ tôi lấy đâu ra logic rằng tôi có thể nuôi được một-con-xe-hơi.
Có tiếng không có miếng. Tôi mua sắm nhiều là sự thật nhưng tôi giàu sụ thì rõ là giả tưởng. Ngoại trừ rich kid bẩm sinh còn phàm là những người hay sắm sửa lại càng là những kẻ nghèo kiết xác.
Banh beo cong so – Trí thức trẻ/ Kenh14