Phụ nữ sẽ không than thở, không càm ràm nếu đàn ông thực sự biết điều.
Kết thúc 365 ngày lao động vất vả, mọi người nô nức hân hoan đón chào một năm mới, tận hưởng những ngày nghỉ Tết sum vầy bên gia đình. Nhưng đấy chỉ là trong tưởng tượng, bởi với một số không ít chị em phụ nữ, Tết là ác mộng, thậm chí là “kẻ thù”, là những ám ảnh đáng sợ nhất trong năm.
Mới đây, sau khi trải qua 3 ngày Tết với cái nắng chang chang của miền Bắc, một cô vợ tâm trạng vô cùng bực dọc lên mạng trải lòng với hội chị em.
Cô tâm sự: “Các mẹ ơi, em ghét Tết, em căm thù Tết, hãy nói em không cô đơn đi. Vui như Tết, mùa đẹp nhất là mùa xuân. Vâng, chả thấy đẹp với vui ở đâu, từ 23 ông Công đến mùng 4 hóa vàng vục mặt vào bếp núc. Cả đống giò chả, măng miến xếp hàng dài trong tủ lạnh, chồng thì ươn, thiu chẳng kém gì bánh chưng gặp nồm. Có nói thì lại bảo, đã không phải ở với nhà chồng rồi, về quê ăn Tết có tuần giời cũng kêu ca. Ai chẳng biết đấy là việc không phải chỉ có mình mình phải làm, mà phụ nữ chúng ta cả năm còn khổ hơn thế ấy chứ, cũng có ai kêu gì đâu. Nhưng em chỉ cần chồng mình biết san sẻ, biết thương vợ, đừng vô tâm quá thì có phải nấu cỗ cả tháng cho cả họ nhà chồng em cũng làm được các mẹ ạ.
Hôm nay cho em nói xấu chồng tí, vì em nản lắm rồi. Ông chồng em, từ hôm về quê chả được cái việc gì. Xếp lịch ăn tất niên từ nhà nọ đến nhà kia, đi ăn hết nửa ngày, uống nhiều về nằm mất nửa ngày nữa mới tỉnh được rượu. Cho đến chiều 30 Tết em vẫn đầu bù tóc rối, 2 nách 2 con. Đã không giúp vợ được việc gì lại còn nôn ọe rồi cảm gió, em lại phải đi hầu. Chán vô cùng! Ngày thường cũng không đến nỗi nào đâu nhưng cứ Tết về quê là lại trình bày điệp khúc gặp bạn bè xa lâu ngày, không nỡ từ chối ai. Mà vợ có sai làm cái gì thì chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa, lại đổ cho ‘việc này của đàn bà con gái chứ đàn ông, đàn ang ai lại đi dọn dẹp dăm ba thứ vớ vẩn’.
Rồi đến giao thừa xong thì mệt rũ, ngủ sớm không thụ lộc bố mẹ chồng bảo dông, mà ngồi ăn lại phải chờ mọi người uống với nhau ly rượu năm mới trong khi trước đó vài tiếng vừa uống tất niên. Đến 2, 3 giờ sáng mới được rửa bát, dọn dẹp đi ngủ. Ngủ chưa đủ giấc 7 giờ sáng đã phải mò dậy giết gà, làm cơm cúng. Tiếp khách khứa xong thì quá trưa, mặc đẹp tí đi chúc Tết thì mồ hôi nhễ nhại, nhòe cả son phấn, con bé quấn chân, mới đi được vài nhà bố đã say rượu ngủ cả ở nhà người ta, mà không say thì sẽ ngồi với anh em, bạn bè làm vài ván khai xuân. Cứ ngày nọ nối tiếp ngày kia với điệp khúc ấy, chỉ với 1 lý do: năm mới mời không uống là dông. Người làm vợ như em cứ muốn chết đi sống lại các mẹ ạ. Tưởng hóa vàng đã là xong nhiệm vụ nhưng không, trong khi chồng đi họp lớp, họp nhóm chỗ nọ chỗ kia thì vợ ngày nào cũng con cái nheo nhóc, gặm đi gặm lại chỗ thức ăn dồn từ mùng 1 Tết. Rồi lại quay ra ngồi nhớ những tháng ngày tươi đẹp khi chưa lấy chồng. Chung quy tất cả cũng chỉ vì cái Tết, ước gì không có Tết”.
Hội chị em như được thể cởi bỏ nỗi lòng, có người còn kể chuyện phải lên nhà chồng ở vùng cao ăn Tết, thiếu thốn đủ mọi thứ mà vẫn phải chịu đừng. Mỗi người mỗi cảnh nhưng vì quá ám ảnh mà chị em đã vô tình “đổ oan” cho Tết.
Tết vui hay buồn, háo hức hay mệt mỏi còn tùy thuộc vào việc những người trong gia đình đối xử với nhau thế nào. Vui sao được khi mỗi nhà chồng đều cho rằng đây là dịp để cô con dâu thể hiện sự đảm đang, hào hứng sao nổi khi các ông chồng ích kỉ chỉ biết nghĩ đến những cuộc vui của mình mà quên mất cô vợ đang tất bật đằng sau.
Có những nhà, con dâu – mẹ chồng tranh luận gay gắt chỉ vì nấu món nọ món kia trong thực đơn mâm cỗ. Mẹ chồng thì bắt phải là những món truyền thống, không ai ăn cũng được, miễn là phải có. Nhưng khi con dâu đóng góp suy nghĩ hiện đại thực tế thì đều bị gạt phắt đi. Cuối cùng thì các cô vợ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình, với bất cứ lý do gì.
Còn có cặp vợ chồng, ăn xong cái Tết là lôi nhau ra tòa, nghe như chuyện hài mà lại có thật giữa đời thường. Chả có ai ngoại tình, chẳng có có kẻ thứ 3 nào chen ngang mà chỉ vì vợ thì chán chồng còn chồng đã quá mệt mỏi với những câu cằn nhằn của vợ. Nghe lý do ấy có vẻ ngớ ngẩn, người ta lại đổ cho “tại cái Tết” nhưng thực chất Tết chỉ là thời điểm đẩy cái sức chịu đựng của người phụ nữ lên mức cao trào, rồi thành “tức nước vỡ bờ”.
Ảnh minh họa
Khổ nỗi, suy nghĩ của đàn ông nó chỉ đơn giản là: “Tại sao 360 ngày đã làm cái việc ấy rồi mà không thấy kêu, có dăm ba ngày Tết cũng than thở?”. Nhưng phụ nữ chúng tôi lại không hẹp hòi như thế đâu các anh ạ! Cái họ cần là một sự san sẻ không quá to tát, những câu động viên không cần văn hoa.
Sự chu đáo, hiếu thuận của vợ các anh thể hiện với bố mẹ chồng sẽ thật sự ý nghĩa vào lúc ông bà ốm đau, cần cô ấy chăm sóc chứ không phải vài cái ngày Tết “phú quý sinh lễ nghĩa”. Mà giả dụ bố mẹ có quá cổ hủ, truyền thống thì các anh là chồng, là người đàn ông trụ cột, hà cớ gì phải để vợ 1 mình chịu ấm ức. “Em để anh nấu thử bữa cơm cúng, các cụ phù hộ cho nhiều lộc nhé”, “Anh phụ em làm cho nhanh rồi nhà mình còn đi chơi”, “Còn gì nhờ bà làm nốt rồi nhà mình sang ngoại sớm không ông bà mong”, “Hay vợ chồng mình ở với ông bà hết mùng 3 rồi đi du lịch 3 ngày mùng 7 về đi làm em nhé”..., có biết bao câu nói vẻn vẹn vài chữ cũng đủ để vợ mình như được bổ sung doping mà sao các anh không làm?
Phụ nữ không than thở, không càm ràm nếu đàn ông thực sự biết điều. Tết đáng yêu hay đáng ghét là phụ thuộc vào những ông chồng. Bởi ăn Tết nhà chồng, chỉ đàn ông tồi mới để vợ khổ!
Theo Helino/Afamily