Thứ sáu, Tháng Một 17
Shadow

Tào – Tôn – Lưu bán mạng 1 đời không có được thiên hạ, Tư Mã Ý dựa vào 2 chữ nên nghiệp lớn

tư mã ý

Ảnh minh họa.

2 chữ giúp Tư Mã Ý có được cả sự nghiệp mà bao người mong ước là gì?

Tư Mã Ý (179 – 251), tự Trọng Đạt, là chính trị gia, quân sự gia phục vụ cho thế lực Tào Ngụy dưới thời Tam Quốc. Ông cũng là người đặt nền móng cho Tây Tấn thay thế nhà Ngụy sau này.

Nhận định về nhân vật Tư Mã Ý, nhiều người coi ông là một cao thủ giỏi nhẫn nhịn nhất nhì trong lịch sử Trung Quốc. Thậm chí, hậu thế còn đặt cho Tư Mã Trọng Đạt một mỹ danh là “nhẫn giả chi vương” (ông vua về đức nhẫn).

Không chỉ giỏi giấu mình để chờ thời thế, nhà chính trị họ Tư Mã này còn có thể đem khả năng tùy cơ ứng biến của mình vận dụng tới trình độ xuất thần.

Nghệ thuật ẩn nhẫn của Tư Mã Ý: Chịu nhục, giả bệnh cũng không thành vấn đề!

Là mưu sĩ có tiếng trong tập đoàn chính trị của Tào Tháo năm xưa, Tư Mã Ý vốn nổi danh túc trí, đa mưu, lại rất biết thời thế. Ông cũng là một trong số những nhân vật hiếm hoi được đánh giá là nhìn thấu tâm can, hiểu được gan ruột của Gia Cát Lượng.

Dù được cho là không thực sự tài giỏi như đối thủ Khổng Minh, nhưng Tư Mã Trọng Đạt vẫn là một trong những quân sư sở hữu thành tựu đáng nể thời bấy giờ.

Ông từng đẩy lùi 5 lần Bắc Phạt của quân Thục, trở thành trọng thần phò tá đắc lực cho 4 đời quân vương của Tào Ngụy, lại là người đặt nền móng cho nhà Tấn sau này… Hết thảy những thành tựu mà Tư Mã Ý lập được trong cuộc đời đều bắt nguồn từ hai chữ – ẩn nhẫn.

tư mã ý

Luận về tài năng, Tư Mã Ý có thể không bằng được Khổng Minh, nhưng ông lại được coi là bậc thầy về Đại Nhẫn. (Ảnh minh họa).

Công nguyên năm 239, Quách Minh Đế Tào Duệ bệnh nặng, đem người con trai 8 tuổi Tào Phương phó thác lại cho Tư Mã Ý cùng Tào Sảng.

Sau khi Tào Duệ qua đời, Tào Phương trở thành người kế thừa ngai vị. Đại tướng quân Tào Sảng và Tư Mã Ý cùng nhau phụ tá tân đế.

Theo nội dung di chiếu phân phó về thứ tự của hai người phụ chính, Tào Sảng xếp trước, Tư Mã Ý xếp sau.

Vào thời điểm Tào Phương mới kế vị, dưới sự đồng tâm hiệp lực của hai nhân vật này, triều đình Tào Ngụy cũng có một giai đoạn yên bình.

Nhưng thời kỳ hợp tác hòa bình nhanh chóng qua đi, cục diện chính trị của nhà Ngụy bắt đầu nổi lên sóng gió liên quan tới hai vị đại thần phụ chính này.

Xét về tuổi tác mà nói, Tư Mã Ý hơn Tào Sảng nhiều tuổi. Nói tới lý lịch, vị đại thần họ Tư Mã này còn được xếp vào hàng lão thần.

Xem thêm  Tiết lộ về "mối hận" hơn 30 năm trong Tây du ký 1986

Bất luận về phương diện nào, Tư Mã Ý đều “ăn đứt” Tào Sảng cả về tài năng và đức hạnh. Đây là sự thật mà tất cả mọi người đều công nhận.

Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, Tào Sảng từ sớm đã đem lòng không phục, bắt đầu kết bè kéo cánh, tìm cách đối nghịch với Tư Mã Ý trên mọi mặt, thậm chí còn nhiều lần cố tình “hớt tay trên” không ít quyền lợi của vị lão thần kia.

Bấy giờ, Tư Mã Ý hiểu rõ ông vẫn chưa đủ lực để cùng Tào Sảng công khai đối kháng. Vị đại thần lão luyện này liền giả bộ mắc bệnh, lấy việc mình già cả lú lẫn làm cái cớ xin từ chức, thậm chí còn “diễn” tới mức ai cũng đều tin là thật.

tư mã ý

“Nhẫn giả chi vương” Tư Mã Ý sẵn sàng giả bệnh để tạm thời từ chức, lấy đó làm bàn đạp nhằm mục đích thâu tóm quyền lực lớn hơn về sau này. (Ảnh minh họa).

Cuộc báo thù ngoạn mục sau 10 năm nhịn nhục của “nhẫn giả chi vương”

Tới năm 249, Hoàng đế đi bái tế Tiên đế, Tào Sảng dẫn theo các thân tín cùng đại quân ngàn người đi theo hộ tống.

Tư Mã Ý biết cơ hội đã đến, liền tranh thủ thời cơ hành động. Khi đội quân của Tào Sảng vừa ra khỏi Lạc Dương, ông đã dẫn theo binh mã làm nên một cuộc chính biến, khống chế kinh thành, diệt tộc Tào Sảng. Sự kiện này chính là chính biến lăng Cao Bình nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Trong cuộc chính biến năm ấy, Tư Mã Ý tóm gọn Tào Sảng cùng những kẻ cầm đầu trong bè phái của tên này. Trước mặt Hoàng đế, ông thẳng thắn vạch ra những tội đại nghịch bất đạo của kẻ địch.

Cổ nhân có câu “quân tử báo thù 10 năm chưa muộn”, Tư Mã Ý chính là người đã bỏ ra 10 năm nhẫn nhục “nằm gai nếm mật” để chờ ngày một mẻ tóm gọn tất cả kẻ địch, quả xứng danh là cao thủ ẩn nhẫn.

Một vết nứt nhỏ có thể làm đắm cả một con thuyền lớn. Thiết nghĩ năm xưa, nếu Tư Mã Ý không nhẫn nhịn, liều chết lấy trứng chọi đá để đấu với Tào Sảng, không chừng ông mới chính là kẻ phải lên đoạn đầu đài.

Sau cuộc chính biến ngoạn mục năm 249, Tư Mã Ý đã thanh toán gọn bè lũ Tào Sảng, nắm trọn chính quyền Tào Ngụy. Kể từ đó trở đi, chức danh Hoàng đế của Ngụy quốc chỉ còn là danh nghĩa.

Vị trí quyền lực nhất triều đình này cũng được ông tiếp tục chuyển giao thành công cho hai người con trai là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu.

Xem thêm  Phim Tết chiếu rạp 2024 đáng xem nhất

Sự ẩn nhẫn của Tư Mã Ý không chỉ đổi lại quyền lực trên vạn người cho dòng họ Tư Mã, mà còn trở thành nền tảng vững chắc để cháu ruột ông là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, thành lập nhà Tấn, thống nhất Trung Hoa và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Tam Quốc.

Bài học rút ra từ chữ “nhẫn” của gia tộc Tư Mã

tư mã ý

Tư Mã Ý dù học được chữ nhẫn, nhưng lại dùng đức tính này làm bàn đạp để thôn tính quyền lực. (Ảnh minh họa)

Vương triều của gia tộc Tư Mã trị vì được 154 năm, sau đó diệt vong trong tay nhà Lưu Tống. Dù vậy, câu chuyện về sự ẩn nhẫn của Tư Mã Ý, người đặt nền móng cho nhà Tấn, vẫn không ngừng được lưu truyền như một bài học nhắc nhở cho hậu thế.

Trong cuộc sống hay trong công việc, chúng ta sẽ không tránh khỏi gặp nhiều chuyện bất công bằng. Khi những chuyện này xảy đến, điều bạn cần làm không phải là tức giận, đòi hỏi, mà cần nhẫn nại.

Tất nhiên, sự nhẫn nhịn của chúng ta cũng chỉ có mức độ. Nếu việc bạn nhẫn nhịn bị người khác coi là chuyện đương nhiên, thì chữ “nhẫn” ấy sẽ chẳng hề đổi lại được một lời cảm ơn, mà thậm chí còn đem đến cho bạn thêm nhiều uất ức.

Nhẫn nhịn, không đồng nghĩa với việc chấp nhận thua thiệt. Sự ẩn nhẫn thường đi liền với sự kiên trì và tinh thần nghị lực. Biết nhẫn để chờ thời cơ là cách giữ gìn công sức và sự tu dưỡng mà mình đã bỏ ra.

Nhưng đối với những người không biết nói lời cảm ơn, coi sự nhẫn nhịn của người khác làm chuyện đương nhiên, ta nên vận dụng tư tưởng của Nho gia để tránh xa họ, không cần thiết phải nhọc sức tranh đoạt như Tư Mã Ý.

Nếu Tư Mã Ý năm xưa một lòng ẩn nhẫn, không tranh với đời, con cháu ông tuy không thể xưng đế, nhưng nhiều đời vẫn sẽ là danh gia vọng tộc, cũng không tới nỗi bị Lưu Tống đuổi cùng giết tận.

Nhìn lại sự hưng vong của vương triều nhà Tư Mã, có thể thấy rõ một đạo lý muôn đời không đổi: Núi cao còn có núi cao hơn, người giỏi còn có người giỏi hơn, bạn biết nhẫn nhịn, ắt sẽ có những cao thủ còn có lòng ẩn nhẫn cao hơn bạn.

Sự nhẫn nhịn, suy cho cùng là một đức tính để tu dưỡng, là yếu tố để hướng tới những giá trị bền vững, chứ không phải là một là một công cụ để tranh đoạt lợi ích trước mắt.

Trần Quỳnh – Thời đại

Link