Vision Transportation Group đề xuất triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối sân bay Nội Bài với khu vực Hồ Tây…
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sắp được đưa vào vận hành chạy thử.
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sáng 22/11, ông Richard Courey, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vision Transportation Group (VTG) cho biết, tập đoàn này đã tiến hành nghiên cứu kỹ và đề xuất với thành phố Hà Nội, Chính phủ, các bộ, ngành để triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối sân bay Nội Bài với khu vực hồ Tây theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Theo nghiên cứu của VTG, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị hoàn toàn khả thi về công nghệ và khả năng thu hồi vốn, bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư.
Ông Richard Courey và các cộng sự đã báo cáo sơ bộ với Phó thủ tướng về ý tưởng, phương thức, công nghệ, tiến độ đầu tư dự án, đồng thời đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ.
Ông cũng khẳng định bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, VTG “hoàn toàn có đủ năng lực chuyên môn và tài chính” để triển khai thành công dự án, đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Chính phủ Việt Nam đưa ra.
Trước đề xuất này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị VTG làm việc cụ thể với thành phố Hà Nội, các bộ, ngành của Việt Nam trước khi có báo cáo chi tiết trình Chính phủ.
Ông cũng đề nghị VTG nghiên cứu thêm các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khác, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Đến từ Canada và bao gồm 16 công ty trực thuộc, VTG hiện hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản và công nghiệp công nghệ cao.
Trong lĩnh vực đường sắt đô thị, VTG đã thực hiện các dự án tại Singapore, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất…
Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội cần tích cực triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn, bảo đảm sự gắn kết của đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông đô thị nói chung, tiện lợi nhất cho người dân, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, theo quy hoạch và đúng quy định pháp luật.
Về phương thức và nguồn vốn đầu tư, Phó thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội tập trung kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km và một tuyến nhánh. Dự án sẽ bắt đầu được đưa vào hoạt động từ 2018 với tuyến đầu tiên là tuyến 2A – Cát Linh – Hà Đông, theo sau là các tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội; tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo – Thượng Đình.
Theo Vneconomy