Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Tập đoàn Dầu khí: Đầu tư vào OceanBank sinh lãi lớn

Trong khi Ngân hàng Nhà nước nói OceanBank thua lỗ, Tập đoàn Dầu khí nói chi 800 tỷ đồng góp vốn song thu lãi tới 200 tỷ.

Phiên xử vụ đại án OceanBank chiều nay mở đầu bằng việc TAND Hà Nội thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước. Với tập tài liệu dày ước tính hàng trăm trang và người trợ lý, vị đại diện trong những phút đầu hơi chút lúng túng.

HĐXX hỏi: Các bị cáo hôm qua khai trong năm năm chi lãi suất ngoài hợp đồng để “kéo chân” khách hàng mà cơ quan quản lý không có ý kiến gì, với vai trò của mình, Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc này?

Vị đại điện cho hay Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám sát, có ba kết luận thanh tra OceanBank vào các năm 2012, 2014, 2015, qua đó phát hiện một số sai phạm và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên ngân hàng này không thực hiện nghiêm, có biểu hiện mắc sai phạm nghiêm trọng hơn.

Trong cuộc thanh tra năm 2014, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu OceanBank cơ cấu lại và báo cáo phương án khắc phục tồn tại yếu kém đã đề cập từ năm 2012. OceanBank lúc này đang bị âm hơn 10.000 tỷ đồng. Giữa năm 2015 Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng.

“Căn cứ pháp lý nào để mua với giá 0 đồng?”, HĐXX hỏi. Vị đại diện trả lời căn cứ Luật tổ chức tín dụng và các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng nhà nước. “Nếu cần thiết chúng tôi cung cấp phụ lục các luật liên quan”, ông này nói.

Xem thêm  Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai danh sách người nhận tiền 'chăm sóc'

Ngay sau phần trả lời này, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm “xin tòa ba phút” để trình bày. Theo đó, việc OceanBank chi lãi suất ngoài hợp đồng trong thời gian dài mà “không thấy ai nhắc nhở gì”.

tập đoàn dầu khí, đầu tư, ocean bank, sinh lãi lớn

“Bị cáo khẳng định OceanBank không âm vốn như kết luận điều tra”, ông Thắm nói và cho rằng tiền của ngân hàng “không mất đi đâu cả mà vẫn có lãi”, số nợ xấu hơn 4.000 tỷ đồng cũng không bị mất đi. Hơn một năm sau khi OceanBank được Ngân hàng Nhà nước mua giá 0 đồng, bị cáo mới hay tin.

Tập đoàn Dầu khí góp 800 tỷ đồng, được chia lãi 200 tỷ đồng

Cũng trong chiều nay, lý giải sự liên quan với OceanBank, đại diện Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), ông Dũng cho biết PVN muốn thành lập ngân hàng riêng nhưng không được phép nên góp vốn vào nhà băng này với tỷ lệ 20%.

Năm 2008 OceanBank tăng vốn từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng, PVN góp tương ứng thành 400 tỷ đồng. Năm 2010, VPN đổ thêm vào 300 tỷ đồng. Lần sau cùng vào năm 2011, PVN góp thêm 100 tỷ. “Tổng cộng là 800 tỷ đồng, hiệu quả hoạt động tốt. PVN được chia cổ tức hơn 200 tỷ”, vị đại diện nói.

Ngắt lời, HĐXX công bố năm 2015 Ngân hàng Nhà nước phải mua 0 đồng và “cho rằng như vậy là hoạt động không hiệu quả”. Đáp lời, ông Dũng cho rằng PVN chỉ nhìn ở góc độ mua cổ phần, mua cổ tức.

Xem thêm  Nạn nhân bị cướp 107 triệu đồng mong công an không truy bắt hung thủ

“Hậu quả này thuộc về ai?”, một thẩm phán hỏi và ông Dũng giữ nguyên quan điểm tra lời “vẫn hoạt động hiệu quả trên góc độ tài chính”.

Trước câu hỏi “PVN góp vốn thì có đúng quy định không?”, ông Dũng cho hay hai lần đầu đúng quy định hiện hành, lần thứ ba rơi vào thời điểm khung pháp lý mới có hiệu lực nên “bị sai”. Tuy nhiên, PVN cho rằng việc góp vốn lần ba là hệ quả của lần một và lần hai nên thực tế “cũng không sai vì đã được sự cho phép của Thủ tướng”.

Theo Vnexpress