Thứ sáu, Tháng mười hai 20
Shadow

Thái giám là những người đã bị mất năng lực đàn ông, tại sao thời cổ đại lại cần đến lực lượng lao động “không giống ai” này?

Để trở thành thái giám, người đàn ông bình thường sẽ bị làm cho mất đi năng lực của nam giới. Nhưng vì sao thời cổ đại lại cần đến lực lượng lao động “không giống ai” này?

Nói đến thái giám, chắc hẳn mọi người đều không còn xa lạ gì nữa. Chỉ cần đã xem phim cổ trang thì chắc chắn dù ít hay nhiều mọi người cũng đã hiểu về nghề “thái giám” này.

Thái giám thường là từ dùng để chỉ những người bị cắt mất bộ phận sinh dục nam, mất đi năng lực của nam giới.

Thời cổ đại, thái giám thường xuất hiện trong chốn cung đình. Không phải nam giới nào bị thiến cũng là thái giám, chỉ có những người bị thiến đạt đến cấp bậc nhất định thì mới gọi là thái giám, cũng tức là nói thái giám chính là hoạn quan cao cấp. Song, bây giờ chúng ta thường dùng chung từ “người bị thiến” để chỉ thái giám và hoạn quan.

Thái giám thực ra không phải đặc trưng riêng biệt của thời cổ đại Trung Quốc, ở các quốc gia khác cũng có thái giám.

Ví dụ như, Hi Lạp cổ, La Mã cổ, đế quốc Byzantine (đế quốc Đông La Mã), vương quốc Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ cổ…đều từng có thái giám. Chỉ khác là thái giám ở các quốc gia này không “nổi tiếng” bằng thái giám của Trung Quốc, cũng không có chế độ thái giám được hoàn thiện như ở Trung Hoa.

Trong lịch sử cổ đại nhiều năm, chế độ thái giám đã trở nên tương đối hoàn thiện. Trong các trường hợp thông thường, thái giám còn có thể gọi là hoạn quan, yêm hoạn, hoạn giả, hình thần, nội thị, trung quan, nội giám,… tôn kính hơn có thể gọi là công công.

Nguồn gốc của nghề thái giám thời cổ đại cũng khá đa dạng, có người thì tự cung (tự thiến), có người thì phạm tội bị thiến, lại có người đặc biệt vì muốn làm thái giám mà thiến.

Trong lịch sử Trung Hoa cũng từng xuất hiện không ít các nhân vật thái giám có tầm ảnh hưởng, ví dụ như nhà Tần có Triệu Cao; thời Hán có Trung Hàng Duyệt, Thái Luân, Tào Đằng; thời Đường có Cao Lực Sĩ, Lí Phụ Quốc, Câu Văn Trân, Cừu Sĩ Lương; nhà Tống có Đồng Quán; nhà Minh có Trịnh Hòa, Vương Thần, Lưu Cẩn, Ngụy Trung Hiền; nhà Thanh có Lí Liên Anh…

Ảnh minh họa.

Các triều đại như Đông Hán, nhà Đường và nhà Minh thậm chí đã xuất hiện việc hoạn quan chuyên quyền nghiêm trọng.

Vào thời Đông Hán, việc thái giám được phong Hầu diễn ra rất phổ biến, Hán Hằng Đế từng cùng một ngày phong cả 5 người là Đan Siêu, Từ Hoàng, Cụ Viện, Tả Quản, Đường Hằng làm Hầu.

Thời nhà Đường việc hoạn quan chuyên quyền còn nghiêm trọng hơn, hoạn quan có thể thay đổi quốc sách, thậm chí phế vua, giết vua.

Đường Túc Tông, Đường Hiến Tông, Đường Kính Tông đều là những vị vua nhà Đường chết trong tay thái giám, Đường Văn Tông thì chỉ như con rối trong tay thái giám.

Thái giám thời nhà Minh tuy không uy hiếp đến hoàng quyền nhưng lại hình thành lên tập đoàn thái giám lớn nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc với số lượng lên đến hơn 10 vạn người.

Thái giám là một nhóm người đặc biệt, vậy vì sao lại có sự xuất hiện của nhóm người này? Thời cổ đại tại sao lại cần có thái giám?

Chế độ chuyên chế thời phong kiến

Thái giám không phải là một người đàn ông hoàn thiện, lí do xuất hiện những người như vậy chính là do chế độ vương quyền chuyên chế thời cổ đại (hay còn gọi là hoàng quyền).

Bởi vì chế độ hoàng quyền chuyên chế đó, nên tất cả đều phải phục vụ vì vua, đứng trước mặt vua, tôn nghiêm của những người bình thường không đáng để nhắc tới.

Xem thêm  Nhiều bố mẹ Việt không có bản lĩnh: Oằn mình làm ra của cải rồi cho con hết, sợ con thua kém bạn bè, con vòi vĩnh gì cũng được đáp ứng

Trong chế độ hoàng quyền chuyên chế cần nhiều người, nhiều ngành nghề để phục vụ vua. Để đáp ứng nhu cầu của chế độ chuyên chế đó đã xuất hiện những ngành nghề khác biệt cực đoan. Cho nên trong thời đại đó, sự xuất hiện của những người như thái giám cũng không có gì kỳ lạ.

Ảnh minh họa.

Trong chế độ chuyên chế cũng ra đời rất nhiều loại hình phạt tàn khốc, trong đó phải kể đến nhục hình. Nhục hình lại bao gồm kình hình (phạt xăm lên người), nhị hình (phạt cắt mũi), nguyệt hình (phạt chặt chân) và cung hình, trong đó cung hình là hình phạt thiến với đàn ông. Bởi vì có hình phạt cung hình, cho nên đã xuất hiện những người đàn ông bị thiến, trong số đó có người trở thành thái giám.

Thái giám là để tránh dâm loạn chốn hậu cung

Thời cổ đại không chỉ có phụ quyền mà còn có mẫu quyền. Hậu cung của Hoàng đế có chế độ riêng, số lượng người trong hậu cung rất nhiều.

Lấy nhà Hán làm ví dụ, chế độ hậu cung gồm có Hoàng hậu, Phu nhân, Mỹ nhân, Lương nhân, Thất tử, Bát tử, Trường sử, Thiếu sử, Tiệp dư, Khinh nga, Dung hoa, Sung y, Chiêu nghi….. Ngoài các thân phận phi tần, hậu cung còn có rất nhiều cung nữ. Về nguyên tắc, nữ nhân trong hậu cung đều thuộc về Hoàng đế. Những người con gái này bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành vợ của Hoàng đế, cung nữ có thể trở thành phi tần cũng không ít người, ví dụ như Đường Cơ thời Hán hay Lệnh Quý phi thời Thanh…

Người trong hậu cung của Hoàng đế rất nhiều, ví dụ như thời nhà Minh có đến chín nghìn cung nữ, thời Thanh cũng đến mấy trăm người. Những phi tần, cung nữ này đều thuộc sở hữu cá nhân của Hoàng đế, chỉ có Hoàng đế mới có quyền lâm hạnh họ.

Trong cả hậu cung to lớn ấy, chỉ được có duy nhất một người đàn ông, đó là Hoàng đế. Chúng ta có thể coi như trong hậu cung chỉ có Hoàng đế là đàn ông và một đám phụ nữ cùng một đám người nửa nam nửa nữ.

Con người là “động vật” có tình cảm và dục vọng, nếu để nam nữ bình thường ở cạnh nhau một thời gian dài, khó tránh phát sinh một số chuyện, càng đừng nói tới có không ít cung nữ ở trong cung cấm cả đời.

Hoàng đế thì chỉ có một, chỉ tính riêng phi tần cũng chưa chắc đã được hưởng “ơn mưa móc” của Hoàng đế. Nếu bấy giờ trong hậu cung đều là những nam nhân bình thường, khỏe mạnh sẽ khó tránh khỏi việc dâm loạn hậu cung. Thái giám là lựa chọn tốt nhất để trường hợp này xảy không ra, tránh được chuyện dâm loạn hậu cung.

Ảnh minh họa.

Có thể bảo đảm sự thuần khiết của huyết mạch hoàng gia

Hoàng thất thời cổ đại rất chú trọng việc bảo vệ sự thuần khiết của huyết thống hoàng tộc. Để bảo vệ sự thuần khiết của huyết thống hoàng tộc, các vương triều đều có hoạn quan chuyên trách, quản lí lo liệu các việc liên quan ví dụ như ghi lại thời gian phi tần được lâm hạnh, thời gian mang thai, thời gian sinh nở…

Nếu như trong cung xuất hiện nhiều đàn ông có khả năng sinh dục, thì huyết thống hoàng tộc rất khó có thể đảm bảo tính thuần khiết, dù có có phòng ngừa tốt thế nào đi nữa cũng sẽ xảy ra chuyện “có cá lọt lưới”.

Vì vậy thay vì suốt ngày lo lắng sự thuần khiết của huyết thống hoàng gia thì tốt hơn là nên cắt đứt hậu họa từ đầu, dứt khoát để Hoàng đế là người đàn ông duy nhất có khả năng sinh dục trong cung đình.

Ở mức độ nào đó, chế độ thái giám có lợi cho việc bảo đảm tính thuần khiết của huyết mạch Hoàng gia. Hậu cung của Hoàng đế Trung Quốc cổ đại cũng rất ít khi xảy ra chuyện huyết mạch các thành viên trong hoàng thất không thuần khiết.

Xem thêm  Hàng chục học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Nguy hiểm nhất là khi sán vào não

Hoàng cung cần có lực lượng lao động

Thực ra nếu chỉ vì tránh việc dâm loạn hậu cung, bảo vệ sự thuần khiết của huyết thống hoàng tộc thì hoàn toàn có thể chỉ sử dụng cung nữ, nhưng nguyên nhân khác cần phải giữ lại thái giám chính là vì coi trọng sức lao động của thái giám.

Phụ nữ thân hình nhỏ nhắn, sức khỏe yếu ớt, có nhiều việc nặng nhọc không thể đảm đương được, thêm vào đó, phụ nữ mỗi tháng đều có ngày “tâm tình không tốt”, khiến cho cung nữ không thể đảm đương được tất cả các công việc trong hoàng cung.

Thái giám tuy rằng không có năng lực sinh dục, nhưng suy cho cùng vẫn là đàn ông, sức khỏe vẫn tốt hơn phụ nữ, lại không bị chuyện quấy rầy mỗi tháng, có thể đảm đương các việc nặng nhọc, cũng có thể làm các việc nguy hiểm.

Có nhiều chức vụ, vị trí, công việc trong hoàng cung cần đến nam giới, nhưng lại không cần đến những nam giới có khả năng sinh dục, cũng vì thế mà địa vị của thái giám được nâng lên. Thái giám vừa có thể đảm đương các công việc nặng nhọc lại vừa có thể tránh gây ra ảnh hưởng tiêu cực như việc dâm loạn hậu cung.

Ảnh minh họa.

Cung đình thời cổ đại vẫn cần duy trì một ít “nam tính” thích hợp

Quyền lực có thể kiềm chế bộc phát nhân tính nhưng không thể kìm chế việc sản sinh nhân tính. Cung nữ có thể sống cả đời trong hậu cung, có thể không có tình yêu, cũng có thể cả đời không cần cưới gả, nhưng quyền lực lại không thể ngăn cấm tình cảm của cung nữ.

Không phải cung nữ nào cũng có được may mắn được Hoàng đế sủng ái, còn phần lớn cung nữ đều chết già trong cung.

Thái giám tuy không phải người đàn ông khỏe mạnh nhưng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu khác giới của các cung nữ trong mức độ nào đó.

Trong cung đình, cung nữ và thái giám vì để giảm bớt cô đơn, để có được chút an ủi trong tâm hồn thường sẽ bí mật kết đôi với nhau, chúng ta thường gọi là “đối thực”, từ thời Hán đã tồn tại định nghĩa “đối thực” này.

Thái giám cũng là thế lực quan trọng chống đỡ Hoàng quyền

Hoàng quyền thời cổ đại không thể tồn tại độc lập mà phải do nhiều thế lực khác nhau cùng chèo chống, ví dụ như thời Đông Hán, Hoàng quyền do ngoại thích, hoạn quan cùng nhau chống đỡ.

Hoạn quan và ngoại thích không chỉ là khối u ác tính phụ thuộc vào Hoàng quyền mà còn là trụ cột quan trọng của Hoàng quyền. Sau khi ngoại thích là Hà Tiến cùng Thập Thường thị bị giết, Hoàng quyền Đông Hán chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Cũng bởi vì đặc trưng có một không hai này của Hoàng quyền, cho nên Hoàng đế cần nhờ cậy vào sự giúp đỡ của các thế lực nhất định để duy trì quyền lực, đồng thời cũng để đánh bại, dẹp yên các thế lực khác.

Một mặt, thái giám không có khả năng sinh dục nên cũng sẽ không tạo nên ảnh hưởng thực sự gì với Hoàng quyền, mặt khác, thái giám càng cần phải phụ thuộc vào Hoàng quyền nên sẽ càng trung thành hơn.

Thái giám đầu tiên chính là người hầu riêng của Hoàng đế, về sau Hoàng đế cần đến thái giám để ổn định quyền lực, và hoàn thành các nhiệm vụ khác, Hoàng đế càng thêm tin tưởng vào thái giám cho nên chế độ thái giám vẫn còn được duy trì.

Theo cùng sự diệt vong của nhà Thanh, chế độ Thái giám cũng biến mất. Từ đó về sau cũng không còn ai đi làm thái giám nữa, sau khi thái giám thời nhà Thanh lần lượt qua đời, vị trí thái giám cũng dần dần biến mất khỏi dòng chảy lịch sử.

Theo Soha