Thứ sáu, Tháng mười 18
Shadow

Thâm nhập băng nhóm bảo kê ở chợ Long Biên: Chơi đòn bẩn với người dám tố cáo

Bị tố cáo cưỡng đoạt 710 triệu đồng trong năm 2017, Hưng “kính” bắt đầu cho 2 chiếc xe tải của công ty mình đỗ trước cửa ki-ốt của chị Nga từ tháng 1, đến giữa tháng 7/2018 thì kéo cá thối ra để tra tấn chị Nga.

Những thùng cá thối bốc mùi nồng nặc, chất thành đống cạnh chỗ ngồi của chị Nga. Những lá đơn kêu cứu không phát huy tác dụng. Những xe hoa quả từ Thái Lan nhập về bị giang hồ chặn đường. Không có chỗ hạ hàng để bán dẫn đến thối, hỏng, thiệt hại hàng chục triệu đồng/xe, mối hàng lảng tránh, người làm bỏ đi. Không ai đủ sức chịu đựng “đòn thù” của đám giang hồ bẩn.

Không chung tiền, hàng sẽ bị ế

Khi nhóm phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM vào cuộc điều tra cũng là lúc băng nhóm của Hưng “kính” thực hiện chiến dịch “thanh trừng” chị Nga rốt ráo. Thấy việc gửi đơn kêu cứu không hiệu quả, vợ chồng chị Nga buộc phải thuê Văn phòng thừa phát lại Thủ Đô lập vi bằng, ghi nhận tất cả những chứng cứ liên quan đến hành vi chèn ép của nhóm Hưng “kính”.

giang hồ long biên

Hưng “kính” thường xuyên khoe quan hệ với các sếp công an. Người đàn ông đứng bên cạnh hắn được hắn đưa đi du lịch ở Côn đảo, cũng được khoe là sếp công an, có quyền sinh quyền sát ở chợ Long Biên

Ngày 10/7, tại P.Phúc Xá, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội, tờ vi bằng số 821 đã được xác lập. Anh Hoàng Mạnh Hà (chồng chị Nga) cũng làm đơn tố cáo, gửi kèm những tài liệu liên quan tới Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Ba Đình. Trước đó, từ tháng 1/2018, anh Hà đã làm đơn tố cáo Hưng về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Biết điều này, Hưng “kính” càng chèn ép mạnh để buộc chị Nga phải rút đơn tố cáo. Mọi biểu hiện chèn ép tiểu thương của nhóm Hưng “kính” đều diễn ra về đêm nên không có ai can thiệp, giải quyết.

Nói về nguyên nhân phải gửi đơn tố cáo, anh Hoàng Mạnh Hà kể: “Ở chợ đầu mối Long Biên, thời gian giao thương, buôn bán sôi động nhất là từ 19g đến 4g sáng. Tất cả chúng tôi đều phải có chỗ đỗ xe để hạ hàng hóa xuống ki-ốt hoặc giao trực tiếp cho khách mua buôn với số lượng lớn. Trong quy định, khi tiểu thương ký hợp đồng thuê ô chỗ với ban quản lý chợ, điều kiện đầu tiên là được tạo điều kiện về chỗ đỗ xe để hạ hàng mà không mất thêm chi phí nào. Chúng tôi đã mua ô, chỗ kinh doanh đàng hoàng, có đóng thuế cho nhà nước đầy đủ nhưng vẫn bị “chăn dắt” đủ đường. Ông Đàm Đình Dũng – trưởng ban quản lý chợ – đã thông đồng với Hưng “kính”, giao cho hắn đặc quyền “thu phế” bãi đỗ xe để “ăn chặn” tiền bến bãi của chúng tôi”.

Giá Hưng “kính” áp đặt cho xe 1,4 tấn là 100 triệu đồng/năm, xe 3,5 tấn là 200 triệu đồng/năm. Khi thấy tiểu thương bán hàng tốt, Hưng vòi vĩnh bằng nhiều cách như “ép” tiểu thương mua vé đưa hắn đi du lịch. Chi phí mỗi chuyến đi trị giá gần bằng 1 năm đỗ xe. Khi cần tiếp các sếp ngành công an mà Hưng “kính” quen biết, hắn cũng đổ lên đầu tiểu thương tiền quà cáp, ăn uống trị giá cả chục triệu đồng.

Tết đến, Hưng gọi tiểu thương, ngang nhiên thông báo: “Đưa anh 100 (100 triệu đồng) để anh đi biếu sếp”. Không đưa, ngay đêm đó, tự dưng xe của tiểu thương sẽ bị tắc ở đầu cổng hoặc có chen vào được vị trí mà mình đã “mua” thì đã bị chiếc xe vô chủ nào đó chiếm chỗ, tài xế biến mất, không liên lạc được đến tận sáng hôm sau. Hậu quả là xe hàng ế, phải bán rẻ hoặc chở đi tỉnh bán đổ bán tháo.

Chiêu đánh trực tiếp vào kinh tế của tiểu thương, ép họ phải chung chi lợi nhuận được Hưng áp dụng trong nhiều năm qua. Từng có nhiều tiểu thương làm đơn tố cáo Hưng lên Cục Hình sự, Bộ Công an và Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội, nhưng tất cả đều “chìm xuồng”. Hưng vẫn tồn tại, ngày một ma lanh, tinh vi hơn. Hưng vỗ ngực nói: “Tao quen biết rất lớn với công an nên không có gì là tao không làm được. Bà Uyên, trưởng ban quản lý chợ cũ, tao còn cho bóc lịch bao lâu, khi về bà ấy vẫn còn phải bắt tay xin hòa hảo với tao, nên chả có gì ở cái chợ này mà tao không làm được cả”.

Xem thêm  24 triệu thuê bao điện thoại bị khóa tài khoản, thu hồi

giang hồ long biên

Mạnh “bồ” (người đội mũ), Hưng “kính” (áo trắng)

Có lần, liên tục có những chuyến hàng bị ép chỗ, vợ chồng anh Hà phải “lóc cóc” ôm tiền ra số 11 Hàng Đậu xin xỏ Hưng tạo điều kiện để được đậu xe lên lốt mà mình đã mua theo năm. Chị Nga khẩn khoản xin: “Dạo này lốt xe của em hay bị xe khác đỗ vào quá anh ạ”. Hưng trợn mắt quát: “Lốt, lốt cái gì? Tao cấm mày được phép nhắc đến cái từ “lốt” đấy nghe chưa? Ở cái chợ này, không có cái lốt liếc nào hết. Tất cả chỉ là bốc vác và bốc vác. Ngu lắm!”.

Chị Nga sực nhớ, Hưng “kính” thường xuyên dặn tiểu thương: nếu công an hay nhà báo có hỏi tiền hắn thu của bà con là tiền gì thì phải nói đó là tiền bốc dỡ hàng hóa, các hộ kinh doanh ký hợp đồng thỏa thuận thuê tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 thực hiện. Chị bèn khẩn khoản trình bày: “Vợ chồng em mua thêm chiếc xe nữa để làm ăn, anh tạo điều kiện giúp em đỗ lên bãi thêm một xe nữa”. Hưng “kính” gật gù: “Được. Anh cũng mừng cho vợ chồng em. Bây giờ ý em thế nào?”. Chị Nga đáp: “Dạ, chúng em xin gửi anh 100 triệu nữa”. Hưng “kính” đổi giọng, vừa nói vừa cười khẩy: “100 triệu thì anh cho vợ chồng mày luôn”.

Lúc đó, ngồi đối diện chị Nga, Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”) ra hiệu cho chị Nga là “không được”. Ra khỏi nhà Hưng “kính”, Hải “gió” nói: “Em phải đưa 200 triệu may ra mới được đấy”. Gần trưa hôm sau, Nguyễn Kim Oanh – nhân tình của Hưng “kính” – gọi điện cho chị Nga, đon đả mời đến nhà ăn cơm. Như mọi lần, chị Nga hiểu là phải đi một mình, tiền gói vào bao, lặng lẽ đặt trên bàn của Hưng “kính”. Đó là luật ngầm, không ai được phép “lệch”. Trong lúc ngồi ăn, có điện thoại gọi đến cho chị Nga, Hưng “kính” nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại xem chị Nga có thao tác gì “lạ” không, rồi hắn không ngần ngại nhắc nhở: “Tao ghét nhất là ngồi trước mặt tao mà sử dụng điện thoại đấy”.

Những người đến gặp Hưng cũng không ai được nói đến tiền; nếu có nói, Hưng “kính” sẽ trợn mắt hỏi: “Tiền gì? Tiền nào? Vớ vớ vẩn vẩn”. Chị Nga hiểu ý, ngồi nghe Hưng “kính” kể về việc hắn đã chèn ép những ai, như thế nào để mọi người phải phục tùng hắn. Dù uất ức, cay đắng vì phải đi vay lãi ngày để “đút” tiền cho Hưng “kính”, nhưng nghĩ đến xe hàng đêm nay không có chỗ đỗ sẽ lại ế ẩm, chị Nga đành cắn răng chịu đựng để được yên thân. Đấy là chuyện xảy ra trước khi chị Nga tố cáo Hưng.

Ép rút đơn tố cáo

Cái “uy” của Hưng trước ban quản lý chợ là có thật. Bị tố cáo cưỡng đoạt số tiền 710 triệu đồng trong năm 2017, Hưng “kính” bắt đầu cho 2 chiếc xe tải của công ty mình đỗ trước cửa ki-ốt của chị Nga từ tháng 1/2018. Đến giữa tháng 7/2018, Hưng bắt đầu kéo cá thối ra để tra tấn chị Nga. Cùng thời điểm này, nhóm phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã “nằm vùng” tại chợ Long Biên, ghi nhận toàn bộ những gì xảy ra. Trong quá trình Công an Q.Ba Đình giải quyết đơn tố cáo của chị Nga, Hưng “kính” dùng mọi thủ đoạn gây sức ép để chị Nga phải rút đơn tố cáo.

giang hồ long biên

Khoảng 2g sáng 25/8, khi chị Nga đang bán hàng tại ki-ốt của mình, ông Mạnh “bồ” – một đại ca có vị trí trên giang hồ, nhỉnh hơn Hưng “kính” một chút – đã đến ấn định: “Tao sẽ sắp xếp để chúng mày gặp anh Hưng “kính” xin lỗi, nói chuyện đàng hoàng”. Và cuộc gặp ấy đã diễn ra sau 2 ngày. Nhóm phóng viên phải di chuyển địa điểm liên tục theo ý chúng. Sau 3 lần chốt, cuối cùng, chúng tôi cũng có mặt tại nhà hàng Phố Xưa, số 56 phố Hàng Đậu, Q.Ba Đình.

Vừa ngồi xuống ghế, Mạnh “bồ” vào đề luôn: “Tao là người ở giữa, muốn hai anh em mày làm lành. Thực ra hôm qua, lúc anh ra chợ, nhìn thấy cảnh của Nga – Hà, thương thật. Tao ngồi được một lúc thôi mà về tới nhà, áo quần ám mùi hôi thối, kinh không chịu được. Thế mà mày (quay sang Hưng “kính”) bắt nó ngửi lâu thế, thì nó chịu thế nào được? Thôi, bỏ qua cho nhau đi em ạ”. Nói đoạn, Mạnh “bồ” quay sang nói nhỏ với chị Nga: “Thằng Hưng này, tao còn lạ gì “văn bẩn” của nó nữa. Cá thì nó để đấy để tập kết, xe đỗ ịch ra đấy thì bảo là xe hỏng, ai làm gì được nó? Bây giờ, ý em thế nào thì em nói với nó đi”.

Xem thêm  Trước 30 tuổi mà nghèo là do năng lực và vận may, nhưng sau 30 tuổi vẫn nghèo là do bạn bất tài? - 15 phép đối nhân xử thế cơ bản để sống khôn ngoan hơn

Chị Nga trả lời: “Em từng đến tận nhà anh Hưng, khóc lóc, van xin rất nhiều lần, xin anh ấy để yên cho vợ chồng em làm ăn nhưng anh Hưng không mảy may xúc động, tiếp tục chỉ đạo đàn em chèn ép vợ chồng em, gây khó khăn cho chúng em. Riêng năm 2017, em đã đóng cho anh Hưng tất cả là 710 triệu đồng rồi, vậy mà anh ấy vẫn gây khó dễ để em không thể làm ăn được”.

Nghe chị Nga nhắc đến số tiền nêu trong đơn tố cáo, Hưng “kính” vội giãy lên như đỉa phải vôi: “Mày mà đưa cho tao 710 triệu thì chứng tỏ một năm, mày kiếm ra hơn như thế rất nhiều đấy nhỉ?”. Chị Nga tức tưởi: “Đấy chính là nguyên nhân khiến bọn em không đường nào khác là làm đơn tố cáo anh. Tiền anh vẫn cầm nhiều vô tội vạ, nhưng anh vẫn gây khó khăn khiến vợ chồng em không thể kinh doanh bình thường ở chợ”.

Lúc này, mắt Hưng “kính” long lên sòng sọc: “Chúng mày đến đây là để ghi âm tao đấy à? Sao chúng mày cứ nhắc đến chuyện tiền nong thế? Tao nói cho thằng Hà nghe, hôm đấy mày đi đâu về, mày đến nhà tao, cầm chai bia, rót ra cốc, xong mày đặt đánh phịch một cái xuống bàn. Mày định tỏ thái độ với tao à? Nếu không phải vì đã biết vợ chồng mày mấy năm rồi thì tao đã cho chúng nó đánh chết mày. Mày biết chưa?”.

Chị Nga phân trần: “Anh ơi, em cũng có mặt ở đó, chồng em không có ý gì cả. Do anh tưởng tượng ra thôi. Bây giờ, ý anh là vì thái độ của chồng em như vậy, nên anh “tiêu diệt” bọn em phải không? Mới chỉ có như vậy mà anh đã triệt đường sống của bọn em, vậy thử hỏi, ở cái chợ này, muốn kinh doanh mà không đưa tiền cho anh nhiều như thế thì có tồn tại nổi không? Trường hợp không đưa cho anh 710 triệu đồng thì em có dám nói sai sự thật hay không?”.

Mạnh “bồ” đập tay xuống bàn rất mạnh, quát: “Thôi, chuyện cũ không nhắc lại nữa”. Nói đoạn, ông ta quay sang nói với Hưng “kính”: “Tháng cô hồn này, tao đã giải quyết bao nhiêu vụ việc. Riêng vụ của mày là vụ thứ tư rồi đấy. Hôm nọ, tao cũng giải quyết một việc, nói mãi chúng nó không nghe. ĐM, nói không nghe thì cho ca a-xít”. Cuộc gặp bỗng trở nên căng thẳng tột độ.

Bên cạnh anh Hà, người đàn bà được Hưng “kính” cử làm “sứ giả” cũng chêm vào: “Rút đơn đi cháu ơi, đừng dây với nó, nguy hiểm lắm. Tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

“Cào mặt ăn vạ”

Ngoài việc chặn xe trước cửa quầy, ép tiểu thương cung cấp cá thối, nhóm Hưng “kính” còn ép họ ký đơn tố vợ chồng chị Nga treo biển lấn chiếm khoảng không. Bà N. – một tiểu thương kinh doanh đồ khô – nói với chị Nga: “Khổ lắm, Hưng “kính” cho quân cầm đơn thảo sẵn xuống chợ, ép bọn chị phải ký đơn kiện vợ chồng em. Ai không ký, chúng hắt nước vào cho hỏng hết hàng. Ký xong, bọn chị vừa áy náy, vừa căm bọn nó. Từ ngày có tấm biển của em dựng lên, bọn chị được hưởng lợi rất nhiều. Nắng không đến mặt, mưa không đến đầu”.

Những vị trí trọng yếu như bể nước cứu hỏa, khoảng không gian chung, lối đi chung bị bãi đậu xe do Hưng quản lý, bảo kê lấn chiếm, mua đi bán lại bất hợp pháp, nhiều lần bị tiểu thương làm đơn tố cáo, nhưng không ai giải quyết. Trong khi đó, với đống cá thối trước ki-ốt của chị Nga, do không ai nhận là cá của mình, chị buộc phải kéo ra giữa đường xem ai đến nhận thì Hưng “kính” bỗng xuất hiện, nhận đó là hàng của công ty và ngay hôm sau, Ban Quản lý chợ Long Biên triệu tập cuộc họp để giải quyết đơn tố cáo hành vi kéo cá ra đường của chị Nga. Hưng “kính” kiện và khẳng định, đó là cá cho lợn ăn mà công ty của Hưng đang kinh doanh.

Nhưng Hưng không ngờ, tất cả mọi hành động bẩn thỉu đó của y đã lọt vào tầm ngắm của nhóm phóng viên…

(Còn tiếp)

Nhóm phóng viên phunuonline.com.vn

Link gốc