Sau nửa thế kỷ, không chỉ có các nạn nhân Việt Nam, mà nhiều người Mỹ cũng chưa thể vượt qua nỗi ám ảnh từ cuộc thảm sát Mỹ Lai.
Mike Hastie, một cựu binh và cũng là phóng viên chiến trường thời chiến tranh Việt Nam, rút trong túi ra một bức ảnh in khổ lớn.
Bức ảnh chụp đầu một chiếc trực thăng có hình chữ thập đỏ và một chữ “Why” – “Tại sao” – viết hoa phía trên. Mike đã chụp bức ảnh này ở chiến trường An Khê năm 1970. Đó là dòng chữ mà chính những người lính Mỹ đã vẽ lên chiếc trực thăng để bày tỏ sự thất vọng và giận dữ vì bị chính phủ lừa dối.
Tấm ảnh đầu trực thăng do phóng viên Mike Hastie chụp năm 1970
“Nói dối là vũ khí mạnh nhất trong chiến tranh”, Mike nói. Ông cho rằng cuộc thảm sát Mỹ Lai là ẩn dụ cho toàn bộ chiến tranh Việt Nam. Và không dừng lại ở Mỹ Lai, Chính phủ Mỹ đã gây ra nhiều Mỹ Lai khác ở Việt Nam.
“Chính sách của Mỹ không chỉ là tiêu diệt kẻ thù trong chiến trận để ngăn địch tới vùng hòa bình, mà sát hại những người dân không vũ trang để tiêu diệt ý chí và khả năng chiến đấu”, người phóng viên chiến trường phân tích.
Tròn 50 năm sau sự kiện đẫm máu, đứng trước đài tưởng niệm các nạn nhân, Mike Hastie tỏ ý trân trọng nỗ lực xây dựng quan hệ tốt để phát triển kinh tế giữa hai nước. “Nhưng tôi muốn nói với chính phủ và người dân Việt Nam rằng không vì thế mà lãng quên quá khứ”.
Cựu binh Mỹ lo ngại: “Chúng ta phải nhắc nhở thế hệ tương lai về Mỹ Lai, nếu chúng ta chôn vùi lịch sử, chúng ta sẽ vùi lấp công sức của những người đã ngã xuống vì quê hương”.
Trực thăng đổ quân xuống Mỹ Lai sáng ngày 16/3/1968
Đó là sáng 16/3/1968, giữa mùa thu hoạch khoai lang ở làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trên những con đường và gò đất ở thôn Mỹ Lai, phơi đầy khoai lang mới xắt.
Bà Hà Thị Quý hôm ấy dậy sớm, để xí chỗ phơi khoai trên mảnh đất gò. Nhà hôm ấy chỉ còn mấy người phụ nữ và trẻ con, là mẹ bà Quý, đứa con gái 17 tuổi và đứa cháu. Chồng bà đã đưa hai con trai đi lên núi chăn bò từ sáng.
7h27, trực thăng Mỹ bay tới. Sau các loạt đạn dẹp đường, 100 lính đổ bộ xuống Mỹ Lai. Bà Quý nhìn thấy lính Mỹ tiến về nhà mình, nhưng không chạy. “Vì nghĩ không có Việt Cộng thì họ bắn làm gì?” – người phụ nữ 93 tuổi vẫn nhớ rõ cảm giác hồn nhiên của mình 50 năm về trước.
Lính Mỹ không nghe bà nói. Họ đập ảng nước, lu đựng củ lang khô, rồi chĩa súng vào 4 người trong nhà, ra lệnh phải theo họ ra đồng. Cô con gái 17 tuổi bám vào tay mẹ lí nhí: “Chắc họ bắn chết mất mẹ ơi”. Bà Quý cả quyết: “Cứ đi đi con, sống chết gì cũng đến số rồi”, với niềm hy vọng ngây thơ rằng bà đã gặp lính Mỹ nhiều lần. Nhưng rồi bà bàng hoàng nhận ra: “Chưa có đội quân nào tàn bạo đến thế”.
Lính Mỹ tập hợp họ thành hàng dài bên bờ mương và bắt đầu nã đạn.
Bà Quý đã sống sót nhờ bị vùi lấp dưới xác người. Bị thương ở mông và chân phải, không thể leo lên bờ mương, bà nằm thoi thóp trong bê bết máu.
Cuối ngày hôm đó, trên các bản tin của quân đội Mỹ, “128 Việt Cộng đã bị tiêu diệt sau một ngày chiến đấu khốc liệt”. Tướng William Westmoreland, tư lệnh của lực lượng Mỹ tại miền Nam Việt Nam, có lời khen đơn vị của ông đã “làm việc kiệt xuất”.
Bà Quý vẫn xúc động khi nhớ về sự kiện 50 năm trước
Sau sự kiện Tết Mậu Thân đầu năm 1968, tình báo Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 thuộc Mặt Trận Giải phóng miền Nam đang lui về ẩn náu tại làng Mỹ Lai. Địa danh này được đánh dấu trên bản đồ quân sự là “Pinkville” (làng Hồng), nơi tình nghi có Việt Cộng ẩn náu.
Đại úy Ernest Media, chỉ huy đại đội Charlie đã ra lệnh cho quân lính nhắm vào địa điểm này với mục tiêu “giết tất cả những gì chuyển động”.
Cho đến nhiều tháng sau đó, những gì đã diễn ra tại Mỹ Lai vẫn được xem là một thắng lợi của quân đội Mỹ. Cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện vào cuối tháng 4/1968, nhưng chỉ để đưa ra kết quả rằng “hơn 20 thường dân đã vô tình bị giết trong chiến dịch”.
Vụ việc chỉ được dư luận Mỹ nhận thức, nhờ vào sự cắn rứt lương tâm của chính những người lính đang tham chiến. Sáu tháng sau, Tom Glen, một anh lính 21 tuổi của Lữ đoàn số 11, đơn vị thực hiện chiến dịch “Pinkville” viết thư cho tướng Creighton Abrams, người mới thay Westmoreland trong vai trò chỉ huy lực lượng Mỹ tại Việt Nam. Anh kể về “những sự hẹp hòi chủng tộc và không quan tâm đến cảm giác của con người”, điều mà anh tin là không chỉ tồn tại trong đơn vị của mình, mà đang là hành vi phổ quát.
Lá thư đó được giao cho một nhân vật nổi tiếng phụ trách điều tra. Colin Powell, thiếu tá, 31 tuổi, người sau này sẽ thăng tiến chóng mặt trên đường binh nghiệp để rồi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Powell phủ nhận lá thư. “Sự thật là quan hệ giữa binh sĩ Mỹ và người dân Việt Nam là rất tuyệt vời” – vị thiếu tá viết trong báo cáo của mình.
Sự thật về Mỹ Lai tiếp tục chìm vào câm lặng, cho tới một năm sau. Một người lính khác viết thỉnh nguyện thư gửi đến 30 nghị sĩ Mỹ. Anh tham gia một cuộc rà soát bằng trực thăng sau sự kiện vài ngày, và phát hiện ra thi thể của một phụ nữ Việt Nam với dấu vết của Lữ đoàn 11.
Và phải cho tới tận tháng 11/1969, nhờ sự vào cuộc của báo chí, những mảnh sự thật đầu tiên mới được phơi bày. Báo The Plain Dealer số ra ngày 20/11 năm đó đăng bức ảnh đầu tiên về cuộc thảm sát.
Trang nhất tờ The Plain Dealer ngày 20/11/1969
Bà Quý vẫn còn nhớ rõ thứ mùi lẫn lộn vào ngày hôm ấy. Mùi của cánh đồng tháng ba còn thơm hương lúa ra đòng, mùi tanh của máu, mùi củ khoai lang, mùi lúa gạo bị cháy khét trong những ngôi nhà ngùn ngụt lửa. Thứ mùi ám vào cả giấc ngủ khiến bà phải hút thuốc bổi suốt một tháng đến khi vết thương hồi phục.
Những người còn sống ở thôn Mỹ Lai, đều mang một ký ức đậm nét như thế cho dù nửa thế kỷ đã trôi qua. Và bà Quý nói, trong bà vẫn còn nguyên lòng căm thù.
Bốn tiếng được tuyên bố là một “chiến dịch thắng lợi” của quân đội Mỹ tại các thôn của Sơn Mỹ đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 người Việt Nam. Nhưng ngay cả với người Mỹ, thì sự kiện kinh hoàng ấy cũng đã tước đi của họ nhiều cuộc đời.
Chỉ có một người bị tòa án Mỹ buộc tội sau vụ thảm sát Mỹ Lai, là trung tá William Calley Jr. Tay súng này bị cáo buộc đã giết 22 người không có vũ trang trong sự kiện, và thụ án ba năm rưỡi cho đến khi được ân xá.
Nhưng có nhiều người khác chịu sự giày vò. Binh nhất Varnado Simpson là một ví dụ. 20 năm sau sự kiện, khi các nhà báo gặp lại tay súng này, ông ta đã mắc Hội chứng stress hậu chấn động (PTSD) nặng nề. Tay và chân của Simpson không ngừng run. Và trong đầu của Simpson, là một phiên tòa bất tận: ông ta thừa nhận đã “giết khoảng 25 người”.
Năm 1977, một vụ cướp cò súng đã giết chết đứa con trai 10 tuổi của Simpson. “Thằng bé chết trong tay tôi. Và khi tôi nhìn vào nó, gương mặt nó giống như một đứa trẻ mà tôi đã giết. Và tôi thốt lên: Đây là sự trừng phạt dành cho việc giết người của tôi” – Simpson nhớ lại.
Một thời gian sau, con gái của Simpson cũng qua đời vì bệnh viêm màng não. Và vào ngày 4/5/1997, ở tuổi 48, cựu binh này tự bắn vào đầu mình bằng một khẩu súng trường.
Nhân chứng tại Mỹ Lai vẫn đầy cảm xúc khi tái diễn động tác bắn súng của lính Mỹ
Thời gian không giúp nhiều người trong số họ lấy lại được cân bằng. PTSD trở thành một khái niệm quen thuộc với nhiều người Mỹ hậu chiến tranh Việt Nam, và nó xuất hiện thường xuyên bên cạnh danh từ “My Lai”.
“Con tôi gặp vấn đề với Việt Nam” – cha của Robert W. T’Souvas nói. Khi rời nước Mỹ, T’Souvas là một chàng trai đôi mươi bình thường. Trở về từ chiến tranh, bị khởi tố vì giết 2 đứa trẻ tại Mỹ Lai, dù không bị kết tội, T’Souvas giải quyết tâm lý trong 20 năm sau đó bằng ma túy và rượu. Những năm cuối cùng, T’Souvas sống lang thang chè chén cùng vợ. Năm 1988, trong một cuộc tranh luận bên chai vodka, người vợ kết thúc cuộc sống của ông này bằng một phát đạn vào đầu.
Sau khi Robert T’Souvas qua đời, luật sư của ông nói rằng trên đường ra khỏi Mỹ Lai, tay lính trẻ thấy hai đứa trẻ bị lòi ruột ra ngoài, trong một phản ứng cảm tính, T’Souvas đã dùng một khẩu M-16 giết chết cả hai để kết thúc sự đau khổ cho chúng.
Có rất ít trong số những người đã trực tiếp xả đạn ngày hôm ấy đủ can đảm để quay trở lại Việt Nam. Như Ken Schiel, người bào chữa rằng ông đi lính năm 19 tuổi, trước khi đến Việt Nam thậm chí ông không nghĩ người Việt Nam là người.
“Tôi chỉ là một người lính tuân theo mệnh lệnh”, Schiel nói khi tham quan bảo tàng Sơn Mỹ 10 năm về trước.
Gặp ông Phạm Thành Công – nguyên giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, người mất mẹ, chị gái và em trai, Schiel ngập ngừng: “Tôi là một trong những người lính đáp xuống đây từ trực thăng hôm ấy. Tôi muốn xin lỗi người dân Mỹ Lai”.
Trong cơn giận tràn lên lồng ngực, ông Công truy vấn: “Ông cảm thấy thế nào khi bắn giết những người dân thường, ông có xuống tay dễ dàng?”. Schiel không thừa nhận mình đã giết ai đó. “Điều duy nhất tôi có thể làm là mong được lượng thứ…”.
Ông Công kìm cơn giận: “Ở Việt Nam, chúng tôi có truyền thống rằng hãy cho qua chuyện quá khứ. Nhưng trong trái tim, chúng tôi không thể quên… Hãy dạy cho thế hệ trẻ, con cháu của ông, đừng lặp lại điều đó nữa. Và đừng gây chiến bất kỳ đâu trên thế giới”.
Ken Schiel không quay trở lại Mỹ Lai thêm một lần nào nữa.
Ông Đỗ Ba và ảnh của hai người lính đã cứu mạng mình ngày 16/3/1968
Quay trở lại, là những người lính không xả đạn, nhưng mang mong muốn cứu chuộc những sai lầm của nước Mỹ. Như phi công Hugh Thompson và xạ thủ Lawrence Colburn – những người lính năm ấy đã ngăn cản cuộc thảm sát.
Hai người lính Mỹ ấy đã cứu sống Đỗ Ba, và chín người dân Mỹ Lai khác khỏi họng súng của đồng đội mình. “Tôi đang nằm giữa đống xác người thì có chiếc tàu bay đậu xuống, hai ông Mỹ thấy tôi ngọ nguậy đã bế tôi lên”, ông Ba – bây giờ đã ở tuổi lục tuần – nhớ lại. Mẹ và em vừa chết dưới 3 loạt đạn tàn khốc của người Mỹ, bản năng phòng vệ khiến Ba trân người như cục đất. “Ông Mỹ” đặt cậu bé lại và tiếp tục lục tìm giữa những thi thể. Phải đến lần thứ 3 được bế lên, cậu bé Ba mới tin những người này không định giết mình. Ba được đưa lên trực thăng bay ra Chu Lai cấp cứu.
Năm ấy, Hugh Thompson và Lawrence Colburn chỉ ngoài đôi mươi. Họ bay qua bầu trời Sơn Mỹ và quyết định đáp xuống khi nhìn thấy những xác người.
Ba mươi năm sau họ mới gặp lại nhau tại sân bay Đà Nẵng, nhân một sự kiện tưởng niệm. Họ ôm nhau. Và Đỗ Ba nhận hai người lính Mỹ đã cứu mình làm “cha nuôi”. Ông không đọc được tiếng Anh, không phân biệt được “hai ông cha tui”, mà chỉ biết có một ông “cha mập” và một ông “cha ốm”.
Ông Ba bảo rằng thời gian trôi qua rồi ai cũng nguôi ngoai dần. Ông lý luận: “Không phải cả nước Mỹ giết làng Mỹ Lai này mà là một trung đội, đại đội nào đó”, rồi kết luận: “Căm thù giặc Mỹ thì đúng chứ căm thù người Mỹ thì không đúng”.
Ông Mân, gần nhà ông Ba, ngồi liệt kê hai phía nội ngoại, bà con có đến gần trăm người bị sát hại. “Hồi mới nóng hổi thấy Mỹ là tức lắm. Nhưng giờ cũng đổi mới rồi, cứ ôm mãi mối thù thì làm sao hòa nhập”.
Không phải ai trong số họ cũng có thể tha thứ. “Mỹ không bắn nó thăm chứ Mỹ bắn nó có về xin lỗi đâu?” – bà Lê vẫn khóc rấm rứt. Người phụ nữ 89 tuổi đã mất 11 người thân trong ngày 16/3 năm ấy.
Du khách từ xa tới thắp hương tại đài tưởng niệm các nạn nhân thảm sát Mỹ Lai
Nhưng không ai trong số họ cho phép mình được lãng quên sự kiện này. Hay là bất kỳ ai đã biết đến thảm sát Mỹ Lai. Những ngày tháng Ba, trước đài tưởng niệm những nạn nhân của cuộc thảm sát, vẫn là những đoàn người, là nhang khói, là hoa sen và cả những tiếng khóc của những người từ xa tới khi nghĩ về nỗi đau dân tộc mình đã phải gánh chịu.
Năm 2016, hay tin Lawren Colburn qua đời, Đỗ Ba nhờ người in tấm ảnh Colburn bắt tay Thompson để xin ông bà rước về bàn thờ. Cái bàn thờ trong căn phòng chưa đầy 20 mét vuông, thờ chung cả người mẹ đã mất trong cuộc thảm sát, cạnh một người lính từ phía bên kia.
“Tui cũng làm mâm cơm, con gà rước mấy ổng về như người Việt Nam mình thôi”, ông nói.
Bài: Phạm Linh – Đức HoàngẢnh: Phạm Linh – Mike Hastie – Ronald S. Haeberle –Christian Simonpietri – Philip Jones Griffith
Theo Vnexpress