Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra lên tới hơn 1.562 tỷ đồng. Trong đó, có tới 733 tỷ đồng số tiền sử dụng đất chưa nộp tại lô đất CT2 thuộc Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ và hơn 611 tỷ đồng do việc xác định các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư chưa đúng, chưa đủ và chưa nộp.
(Ảnh minh hoạ).
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng tại 38 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại tại Hà Nội giai đoạn 2002-2014 vừa hoàn thành mới đây đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án.
Tổng số tiền sai phạm hơn 1.562 tỷ đồng
Theo kết luận, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra lên tới hơn 1.562 tỷ đồng. Trong đó, có tới 733 tỷ đồng số tiền sử dụng đất chưa nộp tại lô đất CT2 thuộc Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ và hơn 611 tỷ đồng do việc xác định các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư chưa đúng, chưa đủ và chưa nộp.
Ngoài ra còn có, gần 206 tỷ đồng do các chủ đầu tư dự án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích tăng thêm; hơn 12 tỷ đồng do xác định tiền sử dụng đất của dự án không đúng vị trí quy định tại bảng giá đất.
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý và thu hồi về ngân sách thành phố số tiền hơn 509 tỷ đồng. Trong đó bao gồm số tiền sử dụng đất hơn 483 tỷ đồng do chủ đầu tư dự án lô CT2 thuộc Khu đô thị Kim Văn – Kim Lỹ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với khoản này, Vinaconex2 phải nộp hơn 340 tỷ đồng và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên phải nộp hơn 142 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu thu hồi số tiền hơn 1.053 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ đối từ những sai phạm như đã nêu ở trên.
Đồng thời, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các sai phạm tại kết luận thanh tra này.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ yêu cầu dựa vào kết quả kiểm điểm phải có “biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng được giao, đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định”.
Hàng loạt sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai
Đáng lưu ý, theo kết luận, riêng đối với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vấn đề sai phạm. Cụ thể, việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư khu nhà ở, khu đô thị không căn cứ vào Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Hầu hết các dự án ở giai đoạn này, liên ngành Hà Nội đã trình UBND thành phố khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư trong đó tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng quy định của pháp luật như: chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay ngân hàng… để giảm trừ, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu số tiền lớn, ước khoảng trên 6.000 tỷ đồng.
Trong số 38 dự án thanh tra, có 21 dự án tính chưa đúng, chưa đủ nghĩa vụ tài chính, trong đó có các dự án khu nhà ở để bán tại Sài Đồng, Long Biên do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) đầu tư, với số tiền sai phạm được xác định 22 tỷ đồng; dự án chung cư 18 tầng giai đoạn 1 tại 671 Hoàng Hoa Thám do Tổng công ty Viglacera đầu tư, với số tiền sai phạm hơn 37 tỷ đồng; dự án khu đô thị mới Việt Hưng – Long Biên do Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đầu tư với số tiền sai phạm khoảng 44 tỷ đồng… Dự án có số tiền vi phạm cao nhất là tổ hợp đa năng 28 tầng thuộc dự án làng quốc tế Thăng Long với số tiền sai phạm ước tính hơn 247 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cũng cho biết, có dự án sai mức giá quy định trong bảng giá đất ban hành hàng năm do xác định không đúng vị trí. Trong khi đó, một số dự án chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích thay đổi, gây thất thu ngân sách nhà nước với số tiền tạm xác định khoảng 205,9 tỷ đồng.
Trong số này có các dự án lớn như: dự án khu đô thị mới Dịch Vọng do CTCP phát triển đô thị Từ Liêm đầu tư; dự án nhà ở cao tầng ô đất CT2, khu đô thị mới Trung Văn do CTCP BĐS Viettel đầu tư; dự án khu đô thị Xa La do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (của ông Lê Thanh Thản) đầu tư…
Cá biệt có những dự án đã được giao đất trong thời gian dài, nhưng sở ngành không tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất nên chủ đầu tư không có cơ sở nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn đầu tư xây dựng, kinh doanh và bán căn hộ, số tiền tạm tính lên tới 733 tỷ đồng.
Nhiều dự án khi được thanh tra có sai phạm về quy hoạch làm tăng diện tích đất xây dựng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng diện tích tầng hầm, sử dụng diện tích đất thuê sai quy hoạch… nhưng chưa xác định được phần diện tích tăng thêm, chưa thu đủ tiền sử dụng đất. Danh sách gồm các dự án như: khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long; dự án khu nhà ở Trung Văn do CTCP Xây dựng 3 (Vinaconex 3) làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị mới Nghĩa Đô – Dịch Vọng do Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh phát triển nhà Hà Nội đầu tư; dự án khu đô thị TP giao lưu Từ Liêm do CTCP ĐTXD Quốc tế Vigeba đầu tư…
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp trong diện thanh tra tỏ ý không đồng tình với kết luận thanh tra khi đưa ra những yêu cầu như loại bỏ chi phí dự phòng (trong khi Bộ Tài chính có quy định hướng dẫn), yêu cầu nộp thuế sử dụng đất cả phần đất thuê làm nhà trẻ, bãi đỗ xe…Một số chủ đầu tư cho rằng, Thanh tra Chính phủ đã không tính đến những vấn đề thực tế như việc nộp 20% quỹ đất cho thành phố thì thực tế, có những thời điểm thị trường BĐS trầm lắng, doanh nghiệp có bán lại một phần số lượng căn hộ cho Thành phố Hà Nội thì cũng không được tiếp nhận.
Một số doanh nghiệp cho biết khá “bất ngờ” với nội dung thanh tra vì họ tuy là đối tượng thanh tra nhưng không hề nhận được kết luận thanh tra trên.
Theo Dân trí