Ở tuổi 26, Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh) đã trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên thành công vượt qua bốn sa mạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới trong giải chạy siêu bền đa chặng quốc tế 4 Deserts Grand Slam được tổ chức năm 2016 vừa qua.
Vốn không phải là một VĐV chuyên nghiệp, việc vượt qua quãng đường 1000 km trong những điều kiện thời tiết rất thử thách càng khiến câu chuyện của Thanh Vũ trở nên đáng chú ý. Bởi cho tới nay, Thanh là 1 trong số 13 người phụ nữ trên thế giới hoàn thành được chặng đua cam go này.
Biến điều không tưởng thành có thể
Tham gia giải chạy bền 4 Deserts Grand Slam, Thanh phải hoàn thành 1000 km đường chạy qua bốn sa mạc trải dài trên bốn châu lục, bao gồm: sa mạc Sahara (sa mạc nóng nhất thế giới) được tổ chức tại Namibia (châu Phi); sa mạc Gobi (sa mạc gió nhất thế giới) tại Trung Quốc (châu Á); sa mạc Atacama (sa mạc khô nhất thế giới) tại Chile (châu Mỹ); và sa mạc Antarctica (lạnh nhất thế giới) tại Nam Cực. Mỗi giải sa mạc 250 km kéo dài 6 chặng trong 7 ngày và người tham gia chỉ được cung cấp lều và nước tại các điểm cung cấp trên đường chạy.
Không ai nghĩ một cô gái văn phòng xinh đẹp, mảnh dẻ lại có thể chịu đựng và hoàn thành được loại hình thử thách cực đại này. Sinh ra với thể chất khá yếu từ khi còn nhỏ, thậm chí còn bị chuẩn đoán là suy dinh dưỡng, chạy bền đối với Thanh Vũ lúc đầu chỉ là một môn học thể dục bắt buộc.
Tự nhận mình không phải là một người chạy giỏi và còn thuộc loại kém so với nhiều bạn bè khác, cái Thanh có không phải là một thể trạng hoàn hảo hay một loại kỹ năng đặc biệt mà là sự quyết tâm khổ luyện và tinh thần sắt thép “không có gì là không thể”. Để chuẩn bị cho những giải chạy bền, Thanh phải thường xuyên tập luyện với cường độ cao ở những môi trường khí hậu khô, loãng… tương đương với nơi diễn ra cuộc đua.
Đối với một người không hề được huấn luyện bài bản mà phải chạy ở cự ly dài, việc chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Khi đó, những suy nghĩ tiêu cực đến rất nhanh và rất nhiều. Thanh từng rơi vào trường hợp hoang mang không biết phải làm gì và gần như suy sụp. Nhưng đến cuối cùng, cô gái sinh năm 1990 vẫn gan lì chiến đấu với phương châm: dù kết quả có ra sao thì cũng cứ “cố gắng đến vạch xuất phát đã”.
Chia sẻ về động lực tinh thần để có thể kiên trì cán đích, Thanh kể: Lần tổ chức giải ở sa mạc Acatama năm 2015, một người đàn ông Hong Kong 30 tuổi đăng ký tham gia dù chỉ có một chân, nhưng vẫn quyết tâm đeo chân giả để vượt qua quãng đường dài 250 km. Trong lúc Thanh kiệt sức và dừng lại nghỉ ở giữa chặng, người này đã xuất hiện ngay sau Thanh, dù cô cho rằng khoảng cách giữa hai người phải rất xa.
Đó là thời điểm khiến Thanh thấy “mọi sự dũng cảm như truyền vào trong thân thể”. Sau này mỗi khi gặp khó khăn, Thanh lại nghĩ đến hình ảnh của người đàn ông một chân và lại có thêm động lực để bước tiếp. Không muốn lửa của mình bị tàn đi ngay khi còn trẻ
Lên đường đi du học khá sớm khi mới chỉ 14 tuổi, từng sống tại Canada và Anh, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh và được nhận vào làm tại hãng tin tức kinh tế tài chính Bloomberg – Singapore, cuộc sống của Thanh có thể nói là lý tưởng đối với khá nhiều người.Nhưng khi đã có mọi thứ trong tay, cô gái trẻ lại không cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn.
Chia sẻ về việc đi đến quyết định từ bỏ sự nghiệp ổn định, Thanh nói: Sự ổn định có thể đạt được về sau, nhưng tuổi trẻ, thời cơ và nhiệt huyết thì chỉ có hạn và phải tìm cách để duy trì. Thanh không muốn lửa nhiệt huyết tàn đi ngay khi cô còn trẻ. Những thử thách mới có thể đáng sợ nhưng lại khiến cô dũng cảm và biết ơn về cuộc sống xung quanh mình hơn.
Tham gia giải đua ở sa mạc Acatama năm 2015, Thanh không hề nghĩ rằng sẽ theo đuổi con đường này đến cùng mà chỉ coi việc chạy như để mở ra một trang mới. Khoảng thời gian làm việc tại Bloomberg giúp Thanh có một khoản tiết kiệm và cô dùng số tiền này để trang trải cho lần chạy đầu tiên.
Sau khi quyết tâm trở thành người phụ nữ châu Á chinh phục 4 sa mạc hoang dã nhất thế giới, nhờ sự gợi ý của những người đi trước, Thanh đã thử liên hệ với các nhà tài trợ như Number 1, trung tâm thể hình California, ACC, và may mắn được nhận lời hợp tác.
Thanh chia sẻ, nếu không có sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, cô khó lòng hiện thực hóa được niềm đam mê chinh phục này của mình.
Không ngừng xây dựng ước mơ
Trong năm 2017, Thanh sẽ tham gia giải The Track dài 522 km trong 9 chặng 10 ngày tại châu Úc và giải Ultra-Trail du Mont-Blanc dài 170 km tại dãy núi Alps ở châu Âu với độ dốc 9,600m. Năm 2018 sẽ là năm Thanh dự định chinh phục giải Artic Ultra dài 230 km tại Bắc Cực (5 chặng trong 5 ngày) và cuộc đua Grand to Grand dài 273 km tại Bắc Mỹ (6 chặng trong 7 ngày). Thanh nhấn mạnh vai trò là “người đầu tiên” hay “người phụ nữ đầu tiên” vì cô muốn khẳng định ước mơ không nên bị chặn lại vì chưa ai từng làm, hay do suy nghĩ rằng mục tiêu đó không phù hợp cho mọi lứa tuổi, giới tính hay hoàn cảnh.
Thanh Vũ cũng bày tỏ mong muốn tổ chức được giải Ultramarathon tại Việt Nam để giúp người Việt có thể trải nghiệm loại hình thử thách này.
Cô tâm niệm: “Tất cả mọi người đều có sức mạnh phi thường nếu họ tập trung cố gắng hết mình”.
Qua những đường chạy, cô hy vọng có thể truyền được nguồn cảm hứng và khơi gợi sức mạnh ý chí ở những người Việt trẻ, giúp họ tìm được chính mình và tạo ra cơ hội để các mầm mống tài năng tỏa sáng trong tương lai.
Hy vọng trong thời gian tới, Thanh Vũ sẽ sớm khai phá được những giới hạn mới của bản thân cũng như lan tỏa được tới cộng đồng câu chuyện về một cô gái Việt trẻ không bao giờ biết chùn bước.
Theo Baomoi