Thứ hai, Tháng mười một 18
Shadow

Thời điểm Quan Vân Trường “quyết định vận mệnh Tam Quốc”

Tam quốc

Độc giả Tam Quốc đều biết câu chuyện Quan Vân Trường tha Tào Tháo ở Hoa Dung đạo. Có quan điểm hiện đại cho rằng, hành động của ông hoàn toàn nằm trong tính toán của Khổng Minh.

Xem thêm  Tam quốc diễn nghĩa: Tào Tháo là kẻ thù hay quý nhân của Lưu Bị?

Quan Vân Trường trượng nghĩa tha mạng Tào Tháo tại đường Hoa Dung, sau khi Tào thảm bại trong đại chiến Xích Bích (208), là một trong những câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất về nghĩa khí của Quan Công.

Người ra lệnh cho Quan Vũ chặn đường Tào Tháo chính là Gia Cát Khổng Minh, lẽ nào Khổng Minh không đoán trước được rằng Quan Công sẽ thả Tào Tháo đi?

Nhiều ý kiến cho rằng, Khổng Minh chắc chắn đã dự đoán được hành động của Vân Trường, nhưng vẫn cử ông thực hiện nhiệm vụ này.

Thậm chí, không ai khác mà chính Quan Vũ phải là người đi cản Tào Tháo, bởi việc Tào Tháo không chết có lợi cho Thục quốc về sau.

Tam quốc
Quan Công thả Tào Tháo ở Hoa Dung đạo.

Nếu Quan Vũ hạ sát Tào Tháo

Cục diện thiên hạ “hậu Xích Bích”, Tào Tháo vẫn là thế lực mạnh nhất, đứng thứ 2 chính là Tôn Quyền ở Giang Đông.

Trong khi đó, năm 208, Lưu Bị chỉ nắm trong tay 30.000 quân, tướng lĩnh chỉ có 3 người: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân.

Chưa cần xét tới 2 tập đoàn quân phiệt Ngô – Ngụy, ngay cả so sánh với Lưu Chương ở Ích Châu, Trương Lỗ ở Đông Xuyên, Công Tôn Toản ở Liêu Đông hay Hàn Toại – Mã Đằng ở Tây Lương, thì thế lực của Bị vẫn yếu kém hơn.

Nếu trong thời điểm này, Tào Tháo chết đi thì toàn bộ miền Bắc – vốn được thống nhất dưới “gót sắt” của Tào – tất loạn.

Thế lực tàn dư của Viên Thiệu sẽ có cơ hội “ngóc đầu”. Bên cạnh đó là phe bảo hoàng – ủng hộ Hán Hiến Đế – trong kinh thành, hay 2 phe đối lập ủng hộ Tào Phi – Tào Thực cũng sẽ nảy sinh xung đột.

Có quan điểm nói rằng, nếu miền Bắc do mất “trụ kình thiên” Tào Tháo mà rơi vào hỗn loạn, thì Giang Đông Tôn gia sẽ ngay lập tức có sự thay đổi chiến lược.

Lúc này, Tôn Quyền sẽ bớt được mối lo giặc phương Bắc, mà yên tâm quay sang… tranh đoạt Kinh Châu cùng Lưu Bị.

Chỉ với 30.000 quân lực, trong khi Tôn Quyền có khả năng huy động 100.000 binh, cho dù Gia Cát Lượng có thần cơ diệu toán, Lưu Bị cũng cầm chắc thất bại.

Tam quốc
Hỏa thiêu Xích Bích – trận chiến đem lại cơ hội “đổi đời” cho Lưu Bị.

Tào Tháo sống sót trở về từ Giang Đông giúp cho phương Bắc giữ được tình trạng ổn định.

Việc Tào Ngụy giữ vững vị thế nhà quân phiệt hùng mạnh nhất chính là nguyên nhân “cốt lõi” khiến Tôn Quyền phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, duy trì liên minh quân sự với Lưu Bị.

Nhờ đó, Lưu Bị mới có cơ hội “được đà lấn tới”, tranh đoạt Nam quận của Chu Du, rồi chiếm cứ Tương Dương, Kinh Châu.

Tôn Quyền cũng chỉ biết “nuốt hận” chứ không kéo đại quân trừng phạt Bị. Tất nhiên, một phần nguyên nhân cũng do 10 vạn quân của Quyền đang sa lầy trong chiến dịch Hợp Phì trước tướng Ngụy Trương Liêu.

Thậm chí về sau này, khi cục diện đã dần ổn định hơn thì Tôn Quyền cũng vẫn chỉ áp dụng những biện pháp “đấu tranh ngoại giao” chứ chưa hề động binh.

Như Trương Chiêu từng nói với Tôn Quyền – “Tào Tháo đêm ngày ôm hận Xích Bích, nhưng vì Tôn – Lưu đồng tâm mà chưa dám hưng binh đó thôi.

Nay nếu chủ công tức giận nhất thời với Lưu Bị, trở mặt thành thù thì chắc chắn Tháo sẽ thừa cơ tấn công, vận nước lâm nguy”.

Trong lúc Đông Ngô tham chiến ở Hợp Phì mà “quên” Lưu Bị, Bị đã tranh thủ “nuốt gọn” 4 quận Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc).

Từ đây, Lưu Bị chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương, chiêu mộ nhân tài, tạo tiền đề cho hàng loạt chiến dịch chiến lược chiếm Ích Châu, Hán Trung sau này – định hình cục diện “tam phân thiên hạ”.

Sách lược của Khổng Minh

Khổng Minh nắm rõ thông tin “mối giao tình” giữa Quan Vũ và Tào Tháo.

Trong giai đoạn Quan Vũ chấp nhận về dưới trướng Ngụy để bảo vệ 2 phu nhân của Lưu Bị, Tào Tháo đối đãi với Quan Công vô cùng trọng hậu, trọng thưởng hoàng kim, mỹ nữ, tặng ngựa Xích Thố.

Gia Cát Lượng hiểu rõ tác phong đối nhân xử thế cũng như nghĩa khí của Quan Vân Trường. Ông tin rằng không có khả năng Quan Công xuống tay với Tào Tháo.

Tam quốc
Năm diễn ra đại chiến Xích Bích, Khổng Minh mới 28 tuổi, về với Lưu Bị 1 năm và đang gây dựng thanh danh.

Ngay trong các mệnh lệnh của mình, Khổng Minh cũng không một lần nhắc tới “giết Tào Tháo”.

Gia Cát Lượng nói với Triệu Vân – “Đợi binh mã Tào Tháo qua nửa chừng thì phóng hỏa. Dù không đuổi tận sát tuyệt cũng phải giết một nửa”.

Lượng cũng ra lệnh Trương Phi – “Thấy khói bốc lên thì phóng hỏa trên núi. Dù không bắt được Tào Tháo thì trận này, công lao của Dực Đức cũng không nhỏ”.

Trong khi đó, nhiệm vụ của Mi Trúc, Mi Phương, Lưu Phong chỉ là “bắt tù binh, tước vũ khí”.

Sau khi quân đội lên đường, Khổng Minh mới nói với Lưu Bị – “Lượng đêm quan sát tinh tượng, thấy Tào tặc chưa tới số diệt vong.

Lưu chút nhân tình, để Vân Trường đi (cản Tào Tháo), cũng là chuyện tốt”.

Rõ ràng Gia Cát Lượng đã có sẵn toan tính sách lược đối với lực lượng Lưu Bị. “Quan sát tinh tượng” chỉ là cái cớ của Khổng Minh vậy thôi.

Năm 207, Gia Cát Lượng lần đầu gặp Lưu Bị, giúp Bị vạch ra “Long Trung đối sách” để thực hiện giấc mơ tranh đoạt thiên hạ.

Năm 208, Gia Cát Lượng vẫn được xem là một người mới trong lực lượng của Bị. Chưa kể năm đó Khổng Minh mới 28 tuổi, dù được Lưu Bị tin cẩn, nhưng ông gần như không có tiếng nói đối với các tướng cốt cán như Quan Vũ, Trương Phi.

Được Lưu Bị trao quyền trong chiến dịch Xích Bích chính là cơ hội rất lớn để Gia Cát Lượng xác lập địa vị và danh vọng của mình trong quân.

Việc “điều” Quan Vũ tới đường Hoa Dung chặn Tào Tháo được xem là một cách để ông thể hiện tầm nhìn và năng lực vượt trội của mình.

Quan Vân Trường – trong vai trò là “người nắm vận mệnh Thục Hán” lúc bấy giờ – đã không làm Khổng Minh thất vọng.

Xem thêm  Vì sao Lưu Bị thà ủy thác con cho Khổng Minh, Lý Nghiêm chứ quyết không phải là Triệu Vân?

Theo Võ Hải- Trí thức trẻ/Soha

Link