Nếu mỗi người đặt mình vào hoàn cảnh của hai cô, cùng lúc phải quản lý và chăm sóc vài chục đứa trẻ bình thường và kèm thêm cháu bé bị rối loạn cảm xúc, chúng ta sẽ làm gì? Cô giáo có đáng được cảm thông?
“Nên thông cảm và đừng phê phán nữa!”
Bức ảnh “cháu bé nằm bên cửa sổ lớp học, bị buộc bởi sợi dây, ánh mắt van nài, cầu cứu” đã gây “bão” mạng xã hội suốt hai ngày qua. Nếu chỉ nhìn bức ảnh, cảm xúc giận dữ, phẫn nộ là đương nhiên. Bởi rất khó để chấp nhận việc đối xử với một đứa trẻ như vậy.
Nhưng khi hai giáo viên của Trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) tường trình lại lý do phải dùng dây cột bé trai 4 tuổi vào cửa sổ, dư luận đã chia hai phe, với nhiều tranh cãi.
Bình luận về những bài viết liên quan đến vụ việc được đăng tải trên Lao Động, độc giả cũng có ý kiến trái chiều. Một bên chia sẻ và thông cảm, thương cả cô giáo và cháu bé. Còn một bên tiếp tục lên án, cho rằng cần xử lý thật nghiêm. Bởi nếu cháu bé bị tự kỷ thì càng không đáng và không nên đối xử với cháu như vậy.
Độc giả Nguyễn Quang Học (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thông cảm cho các cô. Nhà trường, chính quyền địa phương cần quan tâm vào cuộc để vừa giúp được hai bà cháu, vừa gỡ khó cho nhà trường và các cô.
Tôi cũng mong dư luận nên thông cảm và đừng phê phán nữa. Với cháu bé có bệnh lý như vậy, khi tăng động quá, các cô không làm thế thì có thể xảy ra nguy hiểm cho những trẻ khác. Cực chẳng đã cô mới phải làm như vậy thôi”.
Trong khi đó, độc giả Phạm Văn Đạt lại có ý kiến ngược lại: “Dùng dây cột cháu bé như thế là không thể chấp nhận được, việc làm rất thiếu tình người, dù hoàn cảnh là gì đi nữa. Nếu như con cháu của các cô cũng bị đối xử như vậy, các cô sẽ nghĩ sao? Tôi nghĩ vẫn cần phải xử lý nghiêm khắc”.
“Các cô đã làm phúc phải tội”
Không ít ý kiến bạn đọc gửi đến Lao Động cho rằng trường hợp của hai giáo viên ở Trực Ninh (tỉnh Nam Định) là “làm phúc phải tội”. Cháu bé có hoàn cảnh khó khăn đã đành, các cô cũng bị rơi vào “hoàn cảnh hết sức éo le”.
Dù lúng túng vì không được đào tạo, thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ bị tự kỷ, nhưng vì thương hoàn cảnh của cháu bé – bố mất từ khi bé chưa lọt lòng, mẹ bị trầm cảm sau sinh và bỏ đi – các cô đã nhận chăm sóc để bà nội bé đi làm thuê, làm mướn lấy tiền nuôi cháu. Vì không nỡ bỏ rơi đứa trẻ dù biết bé còn nhiều khiếm khuyết, nên các cô đã tự làm khó mình.
“Nếu kinh tế gia đình có điều kiện, trẻ bị bệnh rối loạn phổ tự kỷ đã được đi học ở môi trường phù hợp hơn rồi. Vì hoàn cảnh của bé cũng như sự thương cảm của cô giáo, bé mới được học tại đây.
Mọi người nên nghĩ sâu xa cho các cô và cháu bé, kẻo cháu lại không được đến lớp, bà cháu lại có không có nơi gửi gắm để đi kiếm tôm, kiếm tép nuôi cháu được. Nhân đây cũng hy vọng có sự đóng góp của các nhà hảo tâm để giúp cháu có thể được chữa trị, sớm hòa nhập với những đứa trẻ khác” – độc giả Nguyễn Tâm Phúc (TPHCM) bình luận.
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng, dư luận và cơ quan chức năng nên có cái nhìn thấu đáo về sự việc, để có hướng xử lý hợp tình và nhân văn.
theo Lao Động