Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Thủ môn Đặng Văn Lâm tiết lộ về những năm tháng đau khổ nhưng quý giá trên đất Nga

Trước khi trở lại V.League và khoác áo CLB Hải Phòng, thủ môn Đặng Văn Lâm từng phải lăn lộn ở các giải nghiệp dư tại Nga.

Cuộc phỏng vấn do tờ Gazeta thực hiện vào năm 2017 đã hé mở rất nhiều về con đường của Đặng Văn Lâm, từ cậu bé mang tên giống “nhện đen” Lev Yashin đến thủ môn ĐT Việt Nam.

Khời đầu gian khó

“Mẹ tôi là một cựu nghệ sĩ sân khấu, bố tôi từng là nghệ sĩ múa ballet, 2 người gặp nhau tại Đại học nghệ thuật sân khấu Nga.

Tôi sinh ra ở Nga, bắt đầu chơi bóng ở địa phương từ những năm 8-9 tuổi. Nhưng sau một trận đấu với Spartak, tôi được mời đến đội bóng này. Đó là bước chân đầu tiên vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Năm 14 tuổi, tôi chuyển sang học viện của CLB Dynamo và gắn bó cho đến khi tốt nghiệp”, Đặng Văn Lâm kể lại.

Đặng Văn Lâm khi còn nhỏ.

Tại Nga, tên của Lâm “Tây” là Lev Sonovich Đặng – chữ Lev được đặt theo thủ môn huyền thoại Lev Yashin. Khi cảm thấy “đủ lông đủ cánh”, Lâm về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp. Nhưng mọi thứ không dễ dàng:

“4 năm trời, tôi bị rối loạn trong vòng quay bóng đá Việt Nam. Tôi xuống chơi ở đội trẻ rồi bị đem cho mượn ở Lào. Sự nghiệp không tiến triển, cuối cùng tôi phải về lại Moscow.

Mọi thứ thật tuyệt vọng, thật mờ mịt, với những thất bại liên tiếp. Nhưng dù thất vọng đến đâu, tôi tin rằng mình có thể thi đấu chuyên nghiệp và quyết tâm không bỏ cuộc.

Tôi tự nhủ rằng mình đã từng học ở những lò đào tạo chất lượng như Spartak hay Dynamo. Tôi tập luyện và hi vọng sẽ tìm được một CLB để thi đấu, bất kể ở thành phố hay quốc gia nào. Khi cơ hội đến, tôi sẵn sàng chơi tại giải bóng đá nghiệp dư Nga, nơi các trận đấu diễn ra trên sân 8 người”.

“Hồi sinh” nhờ giải đấu nghiệp dư

Những năm tháng phải trở lại Nga sau khởi đầu không tốt ở Việt Nam thực sự khó khăn với Đặng Văn Lâm. Có thời điểm, Lâm “Tây” phải đăng bài lên Facebook nhờ kết nối với HLV Miura để mong muốn được một lần thể hiện khả năng, nhằm tham dự SEA Games.

Thủ thành này thậm chí còn khẳng định nếu không chơi tốt thì sẽ rút lui, không dám làm phiền mọi người nữa. Nhưng cũng chính trong quãng thời gian khó khăn, Đặng Văn Lâm trui rèn được ý chí và phát triển những kỹ năng quan trọng sau này. Dưới đây là phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn trên Gazeta.

Phóng viên: Như chúng tôi được biết, bạn nhận được lời mời từ Việt Nam sau khi vô địch giải đấu sân 8 người tại Nga. Báo chí Việt Nam có viết về chuyện này không?

Đặng Văn Lâm: Sau khi vô địch, tôi có nói với CLB Duslar cũng như các phóng viên Việt Nam rằng tôi sẽ khoác áo CLB Hải Phòng. Một số hình ảnh của tôi trong màu áo Duslar cũng như các đoạn clip khi tôi thi đấu đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Xem thêm  Nghiện trà sữa, bé gái 14 tuổi bị hạt trân châu kẹt đầy bụng

PV: Cảm giác của bạn thế nào khi được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam?

Đặng Văn Lâm: Thật tuyệt khi được mọi người chú ý và chủ động chụp hình cùng. Nhưng rồi tôi cũng dần quen với điều đó.

PV: Bóng đá sân 8 người đã đem tới cho bạn nhiều điều. Bạn có thích những giải đấu nghiệp dư ở Nga không?

Đặng Văn Lâm: Về mặt kỹ thuật, tôi phải sử dụng chân khá nhiều. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên rơi vào các tình huống một chọi một nữa. Dù chỉ là giải đấu nghiệp dư, tôi luôn cố gắng chơi bóng một cách chuyên nghiệp nhất có thể.

Giải bóng đá nghiệp dư rất tuyệt. Rất nhiều cảm xúc lạc quan, những người quen, bạn bè, cuộc đua đường trường, các trận đấu cúp, trà nóng miễn phí (cười). Tôi luôn chờ đến cuối tuần, chờ những lời mời từ nhiều CLB khác nhau ở nhiều giải đấu khác nhau.

Chức vô địch nghiệp dư đầu tiên của tôi là Cúp Novoslobodsky, giải thưởng cá nhân đầu tiên là giải Thủ môn xuất sắc nhất ở Cúp Những nhà xây dựng.

Chia sẻ với phóng viên, Đặng Văn Lâm khẳng định vẫn luôn dành tình cảm lớn với những trận đấu sân 8 người tại Nga. Và nếu có thời gian, anh vẫn muốn trở về Moscow tham gia một vài trận đấu.

Quay lại với con đường tại Việt Nam, Đặng Văn Lâm kể tiếp: “Giữa năm 2015, tôi về Việt Nam khoác áo CLB Hải Phòng. Sau một năm, tôi có trận ra mắt đội bóng khi thủ môn số một không thể thi đấu.

Trận ra mắt thành công. Sau đó tôi giành được vị trí số một trong khung thành tại CLB và được gọi lên ĐTQG chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup. Năm 2016, Hải Phòng về nhì tại V.League, chỉ thua đội vô địch hiệu số bàn thắng bại”.

Đặng Văn Lâm chơi tốt trong màu áo CLB Hải Phòng.

 Thành công cùng Hải Phòng, mục tiêu tiếp theo của Lâm “Tây” là ĐTQG:

“Mùa giải 2017 bắt đầu, mục tiêu của tôi là phấn đấu để có trận ra mắt cho ĐTQG. Rất khó để CĐV Nga hình dung được về V.League. Giải đấu không có nhiều những ngôi sao từng thi đấu ở châu Âu, nhưng luôn rất sôi động và chẳng hề dễ dàng. Bạn phải rất chăm chỉ mới có thể đứng vững.

Con số ấn tượng năm 2018 của Đặng Văn Lâm:

26. CLB Hải Phòng của Văn Lâm là hàng thủ tốt nhất V.League 2018, chỉ lọt lưới 26 bàn sau 26 vòng đấu, ít hơn cả nhà vô địch Hà Nội FC.

4. Văn Lâm chỉ lọt lưới 4 bàn trong 8 trận đấu AFF Cup 2018. Anh có tên trong hầu hết đội hình tiêu biểu do các tờ báo khác nhau bầu chọn.

Xem thêm  Giải mã lý do nấm mồ chưa bao giờ xanh cỏ của Từ Hy và linh ứng đáng sợ về luật nhân quả

Trong thể thao không có từ “hôm qua”

Những bước tiến lớn trong thời gian ngắn không phải tự nhiên mà đến. Nó là sự tích lũy trong qua nhiều năm tháng, với lòng kiên nhẫn. Ở phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn, Đặng Văn Lâm tâm sự về cuộc sống bóng đá tại Việt Nam.

PV: Sự nghiệp của bạn tiến triển rất nhanh. Vượt qua những giai đoạn khó khăn và tiến bước lên ĐTQG…

Đặng Văn Lâm: Đó có thể là phần thưởng cho những nỗ lực của tôi. Tôi sẽ không dừng lại, vẫn còn nhiều mục tiêu phía trước. Trong thể thao không có từ “hôm qua”. Ai cũng cần một kết quả vào hôm nay, và vì thế không thể nghỉ ngơi.

PV: Đâu là sức mạnh của ĐT Việt Nam?

Đặng Văn Lâm: Cầu thủ Việt Nam rất chăm chỉ, có tình yêu với đất nước, không sợ hãi, bền bỉ. Điều quan trọng nhất là tất cả luôn cống hiến hết mình.

PV: Nếu bạn phải so sánh giữa Nga và Việt Nam?

Đặng Văn Lâm: Nước Nga là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhưng ở Việt Nam tôi được học tinh thần Việt Nam, lối sống Việt Nam. Đôi khi, bố tôi nói rằng tôi còn giống người Việt Nam hơn ông.

PV: Tinh thần Việt Nam? Điều đó khác gì so với Nga?

Đặng Văn Lâm: Phải cần rất nhiều thời gian để nói về điều đó. Có rất nhiều sự khác biệt. Tâm lý, thái độ người phương Đông với tôi dường như gần gũi hơn.

Lâm “Tây” cũng hào hứng kể cho phóng viên người Nga một vài chi tiết về cuộc sống tại Việt Nam:

“Người Việt Nam ngủ dậy rất sớm. Mọi người ăn trưa lúc 12 giờ, ăn tối lúc 18 giờ. Bữa sáng thường từ 5 đến 8 giờ. Nếu bạn ngủ dậy lúc 9 giờ, bạn có thể phải nhịn luôn bữa sáng.

Bữa sáng tại Việt Nam rất phong phú. Bạn có thể dễ dàng tìm được những quán phở, bánh mì ngay xung quanh nhà”.

Khoảnh khắc xúc động của Đặng Văn Lâm sau khi vô địch AFF Cup 2018.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào năm 2017. Hơn một năm sau, những mục tiêu mà Đặng Văn Lâm hướng đến đã thành công rực rỡ. Anh không chỉ ra sân cho ĐT Việt Nam mà còn tỏa sáng giúp đội tuyển vô địch AFF Cup 2018.

Còn một mục tiêu khác mà Lâm “Tây” hướng đến là chơi tại các giải VĐQG hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc. Với một chàng trai từng chấp nhận chơi bóng nghiệp dư để rồi bật lên trở thành người hùng cấp độ ĐTQG, mục tiêu trên với Đặng Văn Lâm mà nói có lẽ không hề viển vông.

Chung kết AFF Cup 2018: Việt Nam 1-0 Malaysia (Nguồn: Next Media)00:02:19

Chung kết AFF Cup 2018: Việt Nam 1-0 Malaysia (Nguồn: Next Media)

Vô địch AFF Cup 2018, Việt Nam vững vàng trong top 100 thế giới

theo Domino-Trí Thức Trẻ 

 Link