Nhiều người dân ở khu vực vùng sâu Gia Lai, Đăk Lăk chỉ vì tin vào những thầy lang rởm, mua thuốc Nam lẫn thuốc Tây uống tùy tiện, nên gặp phải nhiều biến chứng khó lường. Thậm chí, có người phải cưa chân, bị thương tật cả đời, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc song.
Thậm chí, có người phải cưa chân, bị thương tật cả đời, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống.
Mất chân vì bệnh nhẹ mà tin bà tạp hóa
Hàng loạt người dân làng Ring Răng và các làng lân cận của xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) hết sức hoang mang trước cách chữa bệnh của bà lang Nguyễn Thị Thùy Linh.
Suốt một thời gian dài, bà Linh nhận chữa bệnh bằng nhiều thứ thuốc khác nhau, thậm chí tiêm chích khi người dân có yêu cầu, dù bà không được cấp phép, không được đào tạo về kiến thức khám chữa bệnh cả lĩnh vực Đông y lẫn Tây y.
Cách chữa bệnh của bà có được là do tự học lỏm từ người quen, học trên mạng.
Cũng như người dân khác, khi thấy triệu chứng hay đau râm ran trong xương khớp. anh Rơ Mah Binh ở làng Ring Răng nghe quảng cáo bà Linh chữa bệnh hay lắm nên đã tìm đến và được bà Linh phán: viêm đa khớp rồi, phải tiêm ngay.
Càng tiêm càng đau nặng, đến lúc chân phồng lên, anh Binh vội vã đến BVĐK tỉnh Gia Lai thăm khám thì biết mình đã bị hoại tử nặng, không thể phục hồi, phải tháo cả bàn chân khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm phần bi đát.
Thấy tình cảnh của anh Binh, ông Rơ Hảo giật mình, từ giờ có bệnh chắc phải đến cơ sở y tế thôi, không tin vào cơ sở của bà Linh nữa. Bà ấy vừa bán hàng tạp hóa vừa tiêm thuốc, kháng sinh mà chích bừa bãi thì sợ quá.
Không giấu được nỗi bức xúc, chị Trần Thị Thanh ở Ea Kha (huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk) cũng cho biết, trong một lần nghe nhiều người giới thiệu có bà lang băm tự xưng là lương y Thu Hòa hay bán dạo đủ loại thuốc lá dọc Quốc lộ 14, rất hiệu nghiệm nên đã lên mua để điều trị bệnh viêm loét dạ dày.
Mua hết cả 4 triệu đồng các loại thuốc về uống gần 2 tháng nhưng bệnh của chị không hề giảm. Uống thêm ít ngày nữa thì lên cơn đau dữ dội.
Đi khám tại cơ sở y tế thì được chẩn đoán phù nề và xuất huyết dạ dày do dùng các loại thuốc không rõ tác dụng hoặc bị tác dụng phụ từ thuốc lá.
Một số người dân ở vùng lân cận khi mua thuốc của lương y bán dạo Thu Hòa uống vào bệnh cũng nặng thêm, khi nạn nhân liên lạc với bà Hòa thì điện thoại không thể kết nối.
Cần quản lý chặt chẽ hơn
Trước tình trạng lang băm bán thuốc dạo rồi mất hút, cả những người chữa bệnh không phép gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, người dân mong mỏi ngành chức năng địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Đầu tháng 12/2018, ông Võ Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Dun thừa nhận: Đúng là bà Nguyễn Thị Thùy Linh không được đào tạo về y khoa, đã chữa bệnh và tiêm chích thuốc thời gian dài ở địa phương, có nhiều người dân đến thăm khám, chính quyền có biết.
Sự việc đau lòng đến với anh Rơ Mah Binh, xã đã nắm bắt và đang cho trưởng thôn cùng công an xã thu thập kỹ thông tin để có hướng xử lý.
Bà Linh cũng thừa nhận chữa bệnh không phép, thứ thuốc mà bà tiêm vào người anh Binh nhiều lần cho đến lúc chân anh Binh hoại tử là diclofenac 75mg.
Lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai cho biết: Ngành y tế đã quy định rõ, nghiêm cấm hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi không có chứng chỉ hành nghề. Việc của bà Linh làm là sai, cần xử lý nghiêm. Cùng với ngành y tế thì chính quyền địa phương cần rà soát, quản lý chặt chẽ với các phòng khám bệnh không phép.
Người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện hoặc phòng khám đã được cấp phép rõ ràng.
Bài, ảnh: Hà Văn Đạo, theo Sức khỏe đời song, Soha