Thứ bảy, Tháng mười một 16
Shadow

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Cúng dâng sao giải hạn là “phản khoa học, phản nhân quả”

Giải hạn
Người dân ngồi chen chúc dưới lòng đường để dâng sao ở một ngôi chùa tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc cúng dâng sao giải hạn chỉ là hoạt động trấn an tâm lý, phản Phật giáo, phản khoa học, phản nhân quả và không phải giải pháp thoát khổ.

Xem thêm  Phàm là người thông minh, ít ai nói ra 4 câu này vì chỉ 'thêm thù bớt bạn'

“Đạo Phật coi dâng sao giải hạn là mê tín”

Những ngày đầu năm, hình ảnh hàng ngàn người dân ngồi la liệt, tràn ra lòng đường, chắp tay vái vọng vào trong một ngôi chùa ở Hà Nội để dâng sớ cúng giải hạn sao đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.

Trao đổi với PV, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, nguồn gốc của cúng dâng sao giải hạn dịp đầu năm là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão và đây được coi là điều cấm kỵ trong đạo Phật.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người Trung Hoa quan niệm, vận hạn của con người được quản lý bởi 28 vì sao chiếu mạng và các sao này thực tế là những hành tinh gắn kết với hệ mặt trời mà chúng ta đang sống, hoặc là các hệ mặt trời bên ngoài

Từ quan niệm như vậy, dẫn đến tình trạng phải cung kính, cầu mong các thần sao gia hộ, ngăn họa, ban phúc vào mỗi dịp đầu năm.

Giải hạn
Thượng tọa Thích Nhật Từ.

“Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính.

Tuy nhiên, quan điểm của Phật giáo khẳng định, điều này không giải quyết được vấn đề. Khi con người muốn chuyển họa phải gieo nhân tích đức, làm các việc nhân văn, nhân đạo có giá trị tương đương hoặc lớn hơn những hành vi xấu trong quá khứ.

Khi làm được nhiều việc phúc lành thì những họa cũ sẽ tan biến còn bản thân việc cúng sao không có giá trị gì mà chỉ giúp con người chìm sâu thêm vào mê tín, sợ hãi”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu rõ.

Vị Thượng tọa này nhấn mạnh, số phận của con người có thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi sống, nghề nghiệp sống của chính mình mà ra.

Do đó, tốt nhất mình sống hãy tôn trọng luật pháp, đạo đức, phát triển lương tâm thì không có sợ gì mà phải đi cầu khẩn các lực lượng thánh thần để trấn an tâm lý. Sống tốt và làm việc nghĩa, việc tốt thì tâm mình sẽ an, các ước mơ sẽ thành hiện thực.

“Đức Phật đã từng cảnh báo, nếu chỉ có cầu nguyện mà không nỗ lực thực hành thì sẽ rơi vào tình trạng cầu bất đắc khổ. Tức là nỗi khổ do thất vọng, bởi những điều cầu nguyện không thành”, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.

Nhà sư trụ trì chùa Giác Ngộ khẳng định, chùa của ông và đại đa số các ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh đều không tổ chức việc dâng sao giải hạn dịp đầu năm mà chỉ tổ chức các lễ cúng cầu an.

Việc cầu này gồm có 3 nội dung chính là cầu mong thế giới hòa bình, tránh chiến tranh xung đột, vũ trang; thứ hai cầu đất nước hòa bình độc lập chủ quyền thịnh vượng, phát triển; thứ ba là cầu cho mọi người, mọi gia đình đều được bình an, bớt khổ thêm vui.

Giải hạn
Người dân chen nhau đi dâng sao ở một ngôi chùa tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh bày tỏ thêm, việc dâng sao giải hạn là mê tín nên các tăng ni, phật tử đã đi theo Phật cần góp phần truyền bá các chính tín, thực tập chính đạo để được an lạc.

“Việc cúng dâng sao giải hạn chỉ là hoạt động trấn an tâm lý, phản Phật giáo, phản khoa học, phản nhân quả và không phải giải pháp thoát khổ. Như Đức Phật đã dạy giải pháp ở đây cần khoanh vùng nguyên nhân, dẫn tới chánh đạo để vượt qua các bất hạnh”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói thêm.

Dâng sao giải hạn chỉ là hình thức để con người trốn tránh tai họa do mình gây nên

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS Trung ương GHPGVN cũng cho rằng, sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm.

Theo nhà sư này, mỗi con người trồng cây quả ngọt sẽ được hưởng quả ngọt, trồng cây quả chua tất nhiên phải hưởng quả chua. Tương tự, làm việc tốt chắc chắn sẽ hưởng phúc, còn làm việc xấu sẽ chuốc tai họa.

Còn PGS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu tín ngưỡng, văn hóa dân gian cho hay, dâng sao giải hạn đầu năm không phải là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, đây chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên.

Bởi vậy, theo ông, “không có gì tốt hơn là tự tu thân, dùng trí tuệ để nhìn nhận mọi sự, mọi việc, tránh những hành động sai trái, rồi đi “hối lộ” thần linh, như vậy thì tội lỗi về mặt tâm linh sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Ông nhấn mạnh, đạo Phật là một hệ triết học vô thần, từ bi và thoát tục, dạy con người nhìn nhận về vũ trụ quan và thế giới quan một cách chân thực, khoa học, có nghĩa là bằng trí tuệ.

Do đó, việc dâng sao giải hạn không nằm trong thế giới của nhà Phật mà thường gắn với những ngôi đền, phủ.

Ông nói thêm, việc dâng sao giải hạn ngày càng phát triển ở nhà chùa, nhưng đi tìm nguyên nhân vì sao có hiện tượng này thì chưa ai có thể giải thích rõ ràng.

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link