Còn nhớ đầu tháng 8-2017, Đinh Hữu Dư (Cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái) nhận nhiệm vụ vào vùng lũ quét ở Mù Cang Chải, cùng đồng nghiệp chuyển tải những thông tin thời sự về trận lũ quét nơi đây.
Chia sẻ về chuyến đi trên Nội san của ngành, em đã viết: “những vết thương do lũ để lại sẽ khó lành và nỗi ám ảnh về cơn lũ dữ sẽ còn được nhắc mãi”. Ai mà ngờ chỉ hơn hai tháng sau, một cơn lũ dữ khác đã cướp em đi mãi mãi, khi em tác nghiệp tại cầu Thia ngày 11-10 vừa qua.
Luôn nghĩ cho người khác
Chiều 13-10, lúc vừa nghe tin đã tìm thấy thi thể của Dư, cũng là lúc tôi nhận được những bức ảnh của đồng nghiệp tại cơ quan thường trú Ninh Bình gửi từ nhà Dư.
Nhìn những tấm giấy khen của Dư từ thời còn học cấp 1 đến cấp 3, tôi không cầm nổi nước mắt. Những giấy khen đã ố vàng, chuột gián cắn không còn nguyên vẹn.
Trong câu chuyện về Dư, bác gái của Dư rưng rưng: “Nhà em hoàn cảnh lắm. Ngày đi học phổ thông, có những bận em toàn ăn cơm với muối vừng. Một quả cà chua em làm thức ăn cho cả ngày. Hoàn cảnh là thế nên em lúc nào cũng cố gắng, vượt qua hoàn cảnh để học thật tốt”.
Từng xấp giấy khen cứ chồng lên nhau: Giấy khen thời tiểu học, Giải nhì môn Địa lý lớp 12 cấp tỉnh, Học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh…
Đồng nghiệp, bạn bè đến viếng Dư – Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT
“Cho đến giờ, chúng tôi – 33 thành viên tập thể lớp chuyên Văn khóa 46 niên khóa 2004- 2007 (THPT chuyên Lương Văn Tụy, thành phố Ninh Bình) vẫn chưa thể tin được chúng tôi đã mất đi một người bạn trân quý, bản lĩnh, đầy nhiệt huyết và nghị lực”, phóng viên Đinh Hoài (Cơ quan thường trú TTXVN tại Thái Bình) nghẹn ngào.
Trong ký ức của Hoài, suốt những năm học phổ thông, Dư luôn được bạn bè mến trọng. Dư học rất giỏi văn. Hầu như cuộc thi văn nào Dư cũng có giải.
Ngay từ năm lớp 10, Dư khởi xướng ý tưởng dạy học cho trẻ em nghèo, tập hợp những bạn cùng lớp tham gia. Mỗi cuối tuần, Dư cùng các bạn đạp xe khoảng 5 km đến Trung tâm bảo trợ và chăm sóc trẻ em mồ côi tỉnh Ninh Bình dạy chữ cho trẻ em ở đây.
Dư luôn kiên nhẫn ngồi hàng giờ tâm sự với bọn trẻ và uốn nắn từng nét chữ, giảng giải từng bài toán cho các em. Không ít lần Dư than thở: bọn trẻ thiệt thòi quá. Có cách nào tốt hơn nữa không?
Nhiệt huyết và dũng cảm
Năm 2016, Dư là một trong những người trúng tuyển với điểm số cao nhất trong kỳ thi tuyển phóng viên của TTXVN năm 2016 và được cử lên thường trú tại Yên Bái. Tuy nhiên, gia đình em chưa hề biết điều này.
Trong một tin nhắn với bạn, Dư bảo vẫn “bí mật” với gia đình về chuyện đi thường trú Yên Bái, dường như trong thâm tâm, em không muốn người thân phải lo lắng cho mình.
Kể từ hôm nghe tin bạn gặp nạn, mỗi lần nhắc đến Dư, nước mắt Thu Trang (Báo Tin Tức- TTXVN) cứ tuôn rơi. “Nó là cái thằng mỗi khi nhắc đến, phải luôn đi kèm từ “hâm”, một thằng hâm tử tế. Một thằng rất hay trăn trở thế sự, sẵn sàng lăn xả vào giúp đỡ người khác, thế nhưng lại luôn lầm lũi một mình…”.
Hơn 1 năm gắn bó với mảnh đất miền Tây Bắc là ngần đó thời gian để lại những ký ức đẹp đẽ trong lòng đồng nghiệp về em- một phóng viên trẻ của TTXVN đầy đam mê nghề nghiệp và dũng cảm.
Sự dấn thân của Dư trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là khi đi đưa tin tại trận lũ quét lịch sử ở huyện Mù Cang Chải đầu tháng 8-2017 đã để lại niềm cảm phục lớn với nhiều người. Gần 1 tuần tác nghiệp ở vùng lũ dữ, hơn 10 tin bài, gần 100 bức ảnh đã được gửi về kịp thời.
“Những ngày đó, liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, phóng viên phải liên tục cập nhật thông tin, mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số, bùn đất lấm lem, chân tay rã rời. Thế nhưng tất cả những điều đó không đáng kể chút nào khi phải chứng kiến sự tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên với những nỗi đau, mất mát quá lớn của đồng bào”, Dư chia sẻ trên trang Nội san Thông tấn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi vòng hoa viếng Dư – Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT
Ước nguyện còn dang dở
Trong mắt bạn bè, Dư thật kỳ lạ. Kỳ lạ không chỉ ở sự giản dị, kiệm lời mà còn ở tâm niệm “sống sao cho không hổ thẹn với lòng mình”.
Phóng viên Đinh Hoài kể: “Trong suy nghĩ của mình, Dư luôn muốn làm được điều gì có ích cho xã hội, dù là việc nhỏ”.
Ngôi nhà trước kia Dư sống ở TP. Ninh Bình. Bố mẹ đi làm trên rừng, Dư sống một mình ở đây, tự chăm lo cuộc sống, học hành – Ảnh: HÀ THANH
Phóng viên Võ Văn Dũng (Cơ quan thường trú TTXVN tại Điện Biên), người từng học chung khóa nghiệp vụ K28 cùng với Dư cũng nhòa lệ: “Em vẫn nhớ anh Dư thường mở bài hát Tiếng đàn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhạc sĩ An Thuyên. Anh bắt em mở đi mở lại bài đó. Có lần anh bảo Dũng à, anh thích nhân cách của Đại tướng. Sau này anh cũng học theo Bác, làm những điều có ích cho đất nước mình”.
Mong muốn được giúp đỡ cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn cứ đeo đuổi Dư. Trở thành phóng viên TTXVN là điều Dư ao ước. Vừa làm báo, Dư vừa ấp ủ dự định mở tủ sách cho trẻ vùng cao.
Hoài kể, ngày mới lên Yên Bái, Dư nhắn cho Hoài: “Trên này bọn trẻ khổ lắm. Tôi định lập thư viện nhỏ cho bọn trẻ để bọn trẻ có nhiều sách đọc. Có gì giúp nhé!”. Nói là làm. Dư cần mẫn xin sách khắp nơi. Mỗi lần về Hà Nội, khi khoác ba lô trở lại cơ quan thường trú, Dư lại khệ nệ vác theo sách xin được.
Căn nhà Dư ở suốt thời thơ ấu đến năm học đại học – Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT
Không riêng Hoài mà nhiều người bạn của Dư khi nghe cậu bạn nói về điều ấp ủ ấy đều ủng hộ. Những chồng sách đã được lặng lẽ xếp lại chờ Dư về mang đi. Ước mơ đẹp tưởng chừng sắp thành hiện thực bỗng dở dang.
Dư hãy yên nghỉ nhé! Những người trẻ trong cùng mái nhà Thông tấn xã Việt Nam càng cảm phục và tiếc thương cho em, càng tâm niệm sẽ noi gương em và cùng nhau viết tiếp những dự định em còn dang dở, để ước mơ của em sớm thành hiện thực trong tương lai không xa.
Phóng viên Đinh Hữu Dư – Ảnh: Facebook ĐINH HỮU DƯ
Truy tặng danh hiệu ‘Bạn đồng hành quanh tôi’ cho phóng viên Đinh Hữu Dư
Chiều 13-10, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã quyết định truy tặng danh hiệu “Bạn đồng hành quanh tôi” cho phóng viên Đinh Hữu Dư cùng khoản tiền 10 triệu đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long cho biết chiều 13-10, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư (29 tuổi) tại khu vực cầu Văn Phú (TP Yên Bái), cách hiện trường tai nạn (cầu Ngòi Thia ở thị xã Nghĩa Lộ) khoảng 100km, sau hai ngày tìm kiếm.
Trước đó khoảng 12h ngày 11-10, Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN thường trú tại Yên Bái, đã bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại cầu Ngòi Thia.
Sự cố xảy ra khi Dư đang đứng trên cầu quay phim để ghi nhận tình hình mưa lũ khiến nước sông dâng cao. Cầu bất ngờ bị sập khiến Dư và 3 người khác rơi xuống và bị dòng nước cuốn đi.
Thi thể của Dư đã được đưa về quê trong đêm. Sáng nay 14-10 tổ chức lễ viếng tại nhà riêng ở TP Ninh Bình.
Ngày 13-10, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã gửi tới lãnh đạo TTXVN và gia đình phóng viên Đinh Hữu Dư lời chia buồn sâu sắc nhất. Để tôn vinh tinh thần quả cảm, quên mình khi tác nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam quyết định truy tặng bằng khen cho phóng viên Đinh Hữu Dư. TTXVN đã thông báo chia buồn đến đồng nghiệp trong TTXVN và kêu gọi chia sẻ với gia đình PV Đinh Hữu Dư.
Chiều 13-10, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã quyết định truy tặng danh hiệu “Bạn đồng hành quanh tôi” cho phóng viên Đinh Hữu Dư cùng khoản tiền 10 triệu đồng. Danh hiệu này sẽ được trao đến gia đình Dư tại quê nhà Ninh Bình.
“Bạn đồng hành quanh tôi” là danh hiệu nhiều ý nghĩa của báo Tuổi Trẻ, nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có nhiều nỗ lực phụng sự xã hội và dấn thân vì cộng đồng.
Nghĩ về nghề
Phép mầu đã không đến. Thi thể Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN, được tìm thấy sau hơn 2 ngày bị lũ cuốn trôi. Dư hi sinh khi đang làm nhiệm vụ tại cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. Dư ra đi ở tuổi 29.
Lại nhớ Nguyễn Thị Hồng Sen 4 năm trước. Nữ phóng viên của Đài truyền thanh Đức Phổ (Quảng Ngãi) hi sinh khi làm nhiệm vụ đưa tin siêu bão Haiyan 2013. Sen ra đi ở tuổi 27.
Những đồng nghiệp như Hữu Dư, Hồng Sen nhắc nhở chúng tôi về bổn phận của mình: phải có mặt ở những nơi cần nhà báo có mặt. Dấn thân vì cộng đồng.
Trách nhiệm với từng thước phim, tấm ảnh, con chữ. Bằng mồ hôi, nước mắt. Bằng cả máu và tính mạng của mình.
Tiễn biệt Dư.
Theo ĐÀ TRANG/Tuổi trẻ