Thứ năm, Tháng mười hai 5
Shadow

Tiền: Ai quản, quản ai?

Vợ quản tiền chặt chẽ chồng cũng khổ, nhưng vợ không giỏi chi tiêu thì chồng còn khổ hơn gấp vạn lần.

Tiền là vấn đề gắn liền với hôn nhân, vô cùng nhạy cảm và đôi khi khiến quan hệ vợ chồng căng thẳng. Vì là vấn đề nhạy cảm, người ta không dám đặt ra quy ước, không dám rạch ròi vì tôn trọng bạn đời, vì mong người kia tự ý thức hay vì bất cứ lý do nào khác. Kết quả là mọi thứ cứ mù mờ, người này không hiểu nỗi khổ của người kia, cho đến khi quá sức chịu đựng thì tranh cãi, bực tức, giận hờn và sau đó… vẫn theo trật tự cũ – một trật tự rất chi là trật.

quản tiền

Thông thường, các gia đình Việt theo truyền thống: chồng đi làm, cuối tháng lãnh lương và đưa hết tiền cho vợ. Người vợ có trách nhiệm tự cân đối chi phí trong gia đình và tích góp, khi được một khoản lớn thì báo cho chồng biết để cùng hoạch định cho tương lai. Công việc này đòi hỏi kỹ năng thu vén, cân đối của “thủ quỹ”. Nếu không, một cục tiền chừng 30-40 triệu đồng, khi chia nhỏ cho tiền điện, nước, gạo, mắm, đến tiền học chính, học thêm của đứa lớn, đứa bé, rồi mua sắm áo quần, rồi hiếu hỉ, tu bổ xe cộ… có khi hết sạch mà chẳng biết mình đã xài vào việc gì, chẳng sắm được món gì đáng giá.

Căng não chi tiêu sao cho đủ đã khó, hôm nào chồng hỏi đến tiền mà vợ kêu không có thì y như rằng sẽ nhận được những thắc mắc, chì chiết, như thể vợ đem tiền cho cha mẹ, anh em hoặc xài phung phí; nghe mà dễ nổi điên. Thường, các bà vợ giỏi giang sẽ gộp tiền lương của vợ chồng, rồi chia sẵn thành các khoản chi tiêu, tiết kiệm. Thế nhưng, các ông chồng lúc nào cũng nghĩ mình đi làm về “cống nạp” hết cho vợ, nên vô hình trung có tâm lý oan ức, tại sao mình đi làm bao năm mà mình không có đồng nào trong túi. Vì tâm lý đó, thỉnh thoảng các ông mặt nặng mày nhẹ, nói những câu làm phụ nữ buồn ứa nước mắt. Vợ lập sổ chi tiêu, các ông chẳng bao giờ thèm nhìn, nhưng vẫn hay ca thán.

Xem thêm  Sai lầm của cha mẹ khi dạy con 'tiền không quan trọng'

Các ông không chịu nhìn sổ, có lẽ để tỏ ra mình đàn ông, hào phóng. Nhưng nếu có dịp nhìn vào cuốn sổ nhỏ mà hết sức quan trọng ấy của vợ, sẽ hiểu rằng món chi tiêu nào trong đó cũng chính đáng và vợ không hề phung phí. Theo dõi sổ chi tiêu để thương vợ hơn và bớt nói những câu làm vợ tổn thương cũng là một biểu hiện của tình thương, tôn trọng vợ.

Các ông không hiểu rằng, tiền chung mà vợ cầm cũng là tiền của vợ chồng chứ đâu phải tiền của riêng vợ. Khoản tiền đó cũng có phần đóng của vợ chứ có phải tiền chỉ của riêng chồng. Tuy chồng không có nhiều tiền trong túi nhưng gia đình có những tài sản từ một phần số tiền chồng đưa như xe máy, xe hơi, nhà lớn nhà bé… Chồng đã không một lời cảm ơn mà thỉnh thoảng còn ghẹo vợ là “con ma giữ của”.

quản tiền

Ảnh minh họa

Vợ quản tiền chặt chẽ chồng cũng khổ, nhưng vợ không giỏi chi tiêu thì chồng còn khổ hơn gấp vạn lần. Tiền làm ra bao nhiêu đưa cho vợ cũng không đủ. Vợ tiêu xài hoang phí, bạn bè mở bán online thứ gì cũng mua ủng hộ nhiệt tình, ngay cả món chưa cần dùng tới. Mỗi lần đi siêu thị, thấy hàng khuyến mãi là lại cà thẻ điên cuồng, dù gia đình chẳng có nhu cầu gì cao. Đồ đạc mua về chất đống ở gầm cầu thang, tủ bếp, tủ chén cho đến khi hết hạn sử dụng hoặc bụi bặm bám đầy thì đem cho bà con, bạn bè. Ấy vậy mà mỗi lúc thâm thủng ngân sách, bị nhắc nhở thì các chị dằn dỗi, thấy chồng không thương mình, coi thường mình. Chồng mà còn nhắc đi nhắc lại, các chị sẽ lồng lộn lên như thể đã phải chịu đựng chồng dữ lắm.

Xem thêm  Ăn kiêng với hành tây và thứ này, cân nặng giảm siêu nhanh, da lại trắng đẹp không tỳ vết

Có vợ thuộc típ hoang phí quả là bất hạnh, bởi kiếm tiền luôn khó, mà thương vợ – muốn nàng được tiêu xài thoải mái thì cầm chắc là làm cả đời cũng không dư được cái gì. Nếu muốn có dư, chồng buộc phải quản lý tiền. Các ông chồng Việt Nam lại không muốn mang tiếng là đàn ông tính toán, cuối cùng lại rơi vào vòng luẩn quẩn: đưa hết tiền cho vợ, đến lúc có việc cần thì chẳng còn một xu; lại ca thán vợ xài phung phí, vợ lại giận rồi tới tháng lại đưa hết tiền cho vợ.

Để đảm bảo ngân sách gia đình, vợ chồng nên có quy ước góp tiền chung. Khoản tiết kiệm, hai người có thể mở sổ chung, chỉ khi có sự đồng lòng của cả hai mới rút tiền. Ngoài ra, cả hai cũng phải góp quỹ để thanh toán các chi phí trong gia đình. Phần còn lại, mỗi người được quyền tự quyết định mua sắm hoặc đầu tư theo sở thích, để cảm thấy bản thân có niềm vui riêng chứ không phải lập gia đình là chỉ có trách nhiệm và trách nhiệm.

 Nguyệt Phạm – Theo Phụ nữ online

—-

Link gốc