Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Các chị trong showbiz lấy chồng không phải bằng não mà là cảm xúc!

“Showbiz dễ bị đánh giá là vi phạm đạo đức, nhưng thực tế không phải vậy. Trong showbiz cũng dễ bị ganh ghét lắm” – Tiến sĩ Lê Thẩm Dương chia sẻ.

Tối 31/10 vừa qua, tập 3 chương trình Quyền lực ghế nóng 2018 đã chính thức lên sóng, với sự xuất hiện của hai chủ trì là tiến sĩ Lê Thẩm Dương và người mẫu – diễn viên Trương Ngọc Ánh, cùng nhiều người chơi khác như người mẫu Phương Mai, Vân Hugo, nhạc sĩ Nguyễn Thành Chung, Đinh Mạnh Ninh…

Trong tập này, các khách mời sẽ cùng bàn luận về ghen trong tình yêu, ghen ghét trong cuộc sống và showbiz.

Tôi sẽ kẹp cổ người mẫu Phương Mai và nói: “Em dại lắm và em đẹp nhất ở chỗ dại ấy”

Từ lúc tham gia chương trình tới giờ tôi chưa nói xạo lần nào cả. Tôi giả định người mẫu Phương Mai là vợ tôi, tôi đang yêu Mai và Mai dùng phép thử tình cảm của tôi.

Sau khi tôi phát hiện ra mình ghen nhầm vì bị thử, tôi sẽ kẹp cổ người mẫu Phương Mai và nói: “Em dại lắm, và em đẹp nhất ở chỗ dại ấy“. Phép thử luôn tạo ra gia vị cho tình yêu vì sống lâu với nhau rồi thì rất nhạt.

Thứ nhất, cuộc đời hai đứa yêu nhau mà không ghen thì chẳng hiểu nó ra cái thể thống gì. Không ghen không gọi là yêu, nhưng ghen quá thì thà đừng lấy chồng còn hơn. Bởi vậy, ghen vừa là gia vị tình yêu, lại đúng là thuốc độc tình yêu.

Thứ hai, phải làm sao để ghen trở thành gia vị đúng mức độ. Bí quyết tuyệt đối là phải yêu nhau thật lòng. Tình yêu là xích ma của ba mặt sau: tâm hồn + tri thức + hòa quyện thể xác. Liên tục phải kiểm tra mình chứ không phải đối tác có yêu mình không.

Tình yêu mà có đủ tâm hồn, trí tuệ và thể xác thì khó kiếm lắm. Nếu chỉ thuần thể xác thì là người tình. Đây là chuyện hợp pháp nên không ai lên án cả. Ở nước ngoài không có khái niệm sở khanh. Nếu người ta yêu nhau, người ta sẽ nói luôn: “Anh đang ghen đấy nhé“.

Tâm hồn là sự chung thủy, là thuộc tính mặc định, mà không chung thủy thì không có tâm hồn. Tâm hồn là sự lãng mạn. Tâm hồn là sự giải quyết luân lí xã hội.

Tri thức là luôn phải tạo được sự ngưỡng mộ với đối phương của mình. Trí tuệ là tính cam kết còn tri thức là cách sống đàng hoàng.

Thể xác tức là mặt phải có hồn. Ngày xưa tôi ôm hôn một em mà mắt còn mở nên không tạo được cảm xúc. Tôi có hỏi vì sao hôn lại mở mắt, cô ta hồn nhiên trả lời: “Vì em sợ mất xe”.

Xem thêm  Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: "Điển hình của sống bẩn là bất nhân, không phải là người"

Tóm lại tình yêu là tổng hòa của 3 yếu tố tâm hồn, tri thức và thể xác. Khi đạt được điều đó thì ghen chỉ còn là cái đẹp.

Thứ ba, ghen thể hiện ở phần tâm hồn, cảm xúc. Nó gồm ba cấp độ, giống mì cay Hàn Quốc. Ở cấp độ 1, ghen là bảo vệ sự an toàn cho bản thân. Cấp độ 2, ghen là biểu hiện của mất tự tin, nên mới ghen bóng ghen gió, không có cũng ghen.

Khi bà mày đứng trước gương, bà mày tự thấy mình xấu nên mất tự tin, chứ đàn ông chẳng làm gì cả. Cấp độ ba, ghen là một thứ bệnh. Để đối phương không mất tự tin thì vợ phải đọc được chồng, chồng phải đọc được vợ. Đó mới là tình yêu đích thực.

Thứ tư, ghen phải có kĩ thuật ghen. Muốn được thế thì anh phải học qua một lớp về ghen, lúc đó ghen mới đã. Ghen là phải có cửa thoái, không thì ghen xong là vỡ trận chứ không phải chuyện đùa. Bởi vậy, phải tham gia một khóa về tiền hôn nhân trước khi kết hôn.

Tôi khuyên nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đừng nên kết luận gì cả. Tinh tế là phải ở cả hai bên.

Rất nhiều khán giả nhìn thấy tôi đều nói: “Nghe thằng cha này nói chỉ muốn đập vào mõm nó”

Tôi hiểu ganh ghét là phạm trù của cảm xúc. Trong gia đình không có đúng hay sai, chỉ có yêu hay ghét thôi, chứ mang đúng sai ra là vỡ tan tành. Nhưng trong showbiz, có những trường hợp mà hành vi của họ bị quyết định bởi 92% cảm xúc.

Hầu hết các chị trong showbiz lấy chồng đều không phải bằng não, mà là cảm xúc. Nguy hiểm là ở chỗ đó. Cho nên, lấy não để đè cảm xúc xuống nó mệt lắm. Trong điều kiện bình thường, cố đè thì được chứ ở hoàn cảnh khác cũng chẳng đè được đâu. Bởi thế, tôi không tin việc dùng lí trí đè cảm xúc.

Cảm xúc là sự rung cảm của con người về một hiện tượng nào đó. Khi hiện tượng thỏa mãn mình thì ta gọi là cảm xúc tích cực – tức là thích. Nếu hiện tượng trước mắt mình mà không thuộc hệ quy chiếu của mình thì sinh ra cảm xúc tiêu cực, gọi là ghét.

Ví dụ, rất nhiều khán giả nhìn thấy tôi đều nói: “Nghe thằng cha này nói chỉ muốn đập vào mõm nó“. Tôi có làm gì họ đâu?

Nhưng họ ghét vì cách nói của tôi. Dù cách nói đó không hại gì họ nhưng không hại vẫn cứ ghét. Đó là trạng thái của tâm linh.

Showbiz dễ bị đánh giá là vi phạm đạo đức, nhưng thực tế không phải vậy

Xem thêm  Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: "Vô cảm là bệnh của toàn xã hội công nghiệp này rồi"

Chuyện ganh ghét nằm ở hai phía, một phía là mình thì phải kiềm chế cảm xúc của mình lại. Nhưng ở phía đối phương thì phải nâng trình độ lên. Hãy tạo ra hành vi, hiện tượng để thỏa mãn người đối diện. Khi thỏa mãn được người đối diện, ta gọi là đắc nhân tâm – thỏa mãn lòng người. Bởi vậy, ít học là chết.

Trong mỗi con người chia làm 4 khí chất: nóng nảy, trầm tĩnh, linh hoạt, ưu tư. Khí chất là cấu tạo của não, còn tính cách là thói quen, hai cái này dễ nhầm lắm.

Ưu tư là loại khí chất hiếm. Những người lừng danh đều thuộc nhóm ưu tư. Họ có độ nhạy cao hơn người bình thường và dễ rung động, dễ cặp bồ. Những phụ nữ hay đàn ông không có khí chất này đều khó thành tài trong showbiz.

Ví dụ như tôi, bây giờ đóng phim mà bảo tôi khóc được tôi chết liền, dù có tát tôi tôi cũng không khóc. Cho nên tôi phải làm nghề khác. Cái nghề này nó mẫn cảm lắm, dùng cảm xúc từ 80 nhảy tót lên 92%.

Bởi vậy, showbiz dễ bị đánh giá là vi phạm đạo đức, nhưng thực tế không phải vậy. Trong showbiz cũng dễ bị ganh ghét lắm.

Lĩnh vực nào cũng ghen ghét và ghen ghét thì thâm hậu lắm. Nguyên tắc sống tột cùng là cứ thêm một thành công thì thêm một kẻ thù. Ai cũng muốn thành công mà muốn thành công thì phải có thêm kẻ thù, không kẻ thù thì đố có thành công.

Cho nên, lòng người là một phạm trù không đùa được. Con hổ, con beo con nào cũng kinh nhưng không kinh bằng lòng người.

Ghen ghét là một phạm trù chúng ta phải sống chung với nó, không loại bỏ nó được. Ghen ghét phụ thuộc vào nhiều biến, nhưng quan trọng nhất là biến văn hóa. Về cái này, người Việt có một cái khá trở ngại là luôn lấy mình làm chuẩn để soi kẻ khác nên thiếu tôn trọng người đối diện.

Cuối cùng phải nâng văn hóa lên bằng cách quản trị cảm xúc. Để quản trị cảm xúc được thì phải hiểu mình, hiểu nó, hiểu bối cảnh. Hãy tìm nguyên nhân để học cái họ có.

Sau đó, phải kiểm soát lại mình. Khi nào bạn thắng được chính bạn thì bạn thành công. Thắng được bản thân thì sẽ không ghét người đối diện nữa. Thắng được mình thì hết kẻ thù.

Và nên nhớ, ganh là điều tất yếu trong cuộc sống, phải có nó mới có động lực sống. Nhưng nếu ghét thì là sai trái. Cái gì cũng có hai mặt của nó.

Long Phạm – Theo Trí thức trẻ 

Link gốc