Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Tìm thấy hạnh phúc liệu có phải là đích đến cuối cùng của cuộc đời? Không phải, điều này mới thực sự là cái đích to lớn và ý nghĩa nhất đời người!

Chắc hẳn không ít người trong số chúng ta vẫn xem việc có được hạnh phúc là mục đích sống duy nhất nhưng thực ra, bản thân hạnh phúc không phải là mục tiêu mà chỉ là một sản phẩm của việc sống có ích. Sống có ích mới là mục tiêu lớn nhất, và ý nghĩa nhất mà chúng ta cần đạt được trong đời.

Trong một khoảng thời gian dài, tôi đã luôn tin rằng cuộc sống chỉ có duy nhất một mục đích, đó là tìm kiếm được hạnh phúc của đời mình, và tôi cũng chẳng phải là người duy nhất tin vào điều này. Nếu bạn chịu dành chút thời gian dõi theo những người xung quanh, bạn sẽ thấy được hầu như ai cũng đều như vậy, đều đang theo đuổi niềm hạnh phúc của riêng họ.

Đó cũng chính là lý do khiến chúng ta thường hay mua những thứ không cần thiết, hay cố gắng làm việc vất vả chỉ để có được sự công nhận của những người mà chúng ta không thích. Vậy tại sao chúng ta lại phải như vậy?

Tôi không quan tâm xem lý do chính xác là gì. Tôi chẳng phải là một nhà khoa học. Tất cả những gì tôi biết là nó có liên quan tới lịch sử, văn hóa, truyền thông, kinh tế, tâm lý, chính trị, kỷ nguyên thông tin và hàng tá những thứ khác mà bạn có thể kế tên, một danh sách dài vô tận.

Chúng ta luôn chỉ là chính chúng ta

Đa số mọi người đều thích ngồi phân tích xem tại sao người khác lại không hạnh phúc hay không thể sống một cuộc đời trọn vẹn. Thay vì chăm chăm đi tìm kiếm nguyên nhân, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc liệu chúng ta có thể thay đổi theo cách nào. Chỉ vài năm trước thôi, tôi cũng đã từng làm mọi thứ để có thể theo đuổi hạnh phúc, nhưng giờ tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình.

– Bạn mua thứ gì đó, và nghĩ việc đó khiến ban hạnh phúc.

– Bạn gặp gỡ với nhiều người, và nghĩ việc đó khiến bạn hạnh phúc.

– Bạn nhận được một công việc bạn không thích nhưng lương cao, và nghĩ việc đó khiến bạn hạnh phúc.

– Bạn hưởng thụ kỳ nghỉ của mình, và nghĩ việc đó khiến bạn hạnh phúc.

Nhưng vào cuối ngày, bạn có từng nằm trên giường (một mình hoặc bên vợ/ chồng) và nghĩ xem “Đâu sẽ là mục tiêu tiếp theo trong hành trình theo đuổi hạnh phúc bất tận này đây?” hay không?

Ảnh minh họa

Tôi có thể cho bạn biết, việc tiếp theo sẽ là bạn tiếp tục đuổi theo một điều ngẫu nhiên nào đó mà bạn tin rằng nó sẽ giúp bạn hạnh phúc. Kỳ thực, tất cả đều chỉ là một trò lừa bịp, dối trá, và chỉ là phần nổi của vấn đề mà thôi.

Aristotle từng nói: “Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, toàn bộ mục tiêu và cái kết cho sự tồn tại của con người”. Vậy liệu có phải ông đang nói dối chúng ta?

Tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét câu nói này từ một góc độ khác. Bởi khi đọc nó, bạn sẽ nghĩ ngay rằng hạnh phúc là mục tiêu chính của đời người, và là những gì mà Aristotle muốn truyền tải tới chúng ta.

Nhưng vấn đề là làm thế nào để chúng ta đạt được hạnh phúc?

Bản thân hạnh phúc không phải là một mục tiêu, vì thế, không có gì đạt được ở đây cả. Tôi cho rằng hạnh phúc chỉ đơn thuần là một sản phẩm của việc sống có ích mà thôi. Khi chia sẻ điều này với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, tôi luôn thấy khó khăn để có thể diễn tả nó bằng lời một cách trọn vẹn. Nhưng tôi sẽ thử nói về điều đó ở đây.

Hầu hết những việc mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống của mình chỉ là các hành động và trải nghiệm.

– Bạn đi nghỉ mát.

– Bạn đi làm.

– Bạn đi mua sắm.

– Bạn uống nước.

– Bạn ăn tối.

– Bạn mua một chiếc xe ô tô.

Có phải tất cả những việc đó khiến bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc? Nhưng chúng lại chẳng hề hữu ích, bởi bạn đang không tạo ra bất cứ thứ gì cả mà chỉ đơn giản là đang tiêu thụ hoặc làm gì đó thôi.

Đừng hiểu sai ý của tôi! Bản thân tôi đôi khi cũng thích đi nghỉ mát, mua sắm, nhưng kỳ thực những việc đó không phải là điều khiến cuộc sống chúng ta trở nên ý nghĩa hơn. Điều thực sự khiến tôi thấy hạnh phúc là khi bản thân tôi trở thành người có ích, khi tôi tạo ra những thứ mà người khác có thể sử dụng được, hay là lúc tôi tạo ra được những thứ mà bản thân tôi có thể dùng.

Ảnh minh họa

Trước kia, tôi thấy thật khó để có thể giải thích khái niệm của hạnh phúc và sự hữu ích. Tuy nhiên, khi đọc được câu nói của Ralph Waldo Emerson, mọi thứ đối với tôi trở nên sáng tỏ và thật dễ dàng.

Emerson nói: “Mục đích của cuộc sống không phải là hạnh phúc. Mà là sống sao cho có ích, để được tôn trọng, có lòng trắc ẩn và làm nên những điều khác biệt tuyệt vời trong cuộc đời mà bạn đang sống và sẽ sống”.

Tôi đã không thể hiểu được ý nghĩa của câu nói này cho tới khi bắt đầu ý thức được rõ hơn về những gì tôi đang làm với cuộc sống của mình. Nhũng việc đó nghe thật nặng nề và chung chung nhưng thực ra lại đơn giản lắm!

Một vấn đề khác nảy sinh: Chúng ta đang và cần làm gì để tạo nên sự khác biệt?

Bạn đã từng làm những điều hữu ích trong cuộc đời của mình chưa? Chẳng cần phải làm điều gì to tát để thay đổi thế giới đâu, chỉ cần bạn luôn có ý thức, cố gắng không ngừng, làm những điều nhỏ bé thôi nhưng lại có thể khiến mọi thứ tốt hơn mỗi ngày là đủ. Như vậy đã là sống có ích rồi!

Nếu bạn không biết phải làm sao, tôi có thể gợi ý cho bạn vài ý tưởng hay ho:

– Giúp sếp hoàn thành công việc không thuộc trách nhiệm của bạn

– Đưa mẹ đi spa

– Tự tay ghép những bức ảnh của mình với nửa kia

– Viết về những gì bạn đã học được trong cuộc sống

– Nhấc máy gọi cho bạn bè và hỏi xem liệu họ có cần bạn giúp đỡ hay không

– Mở một công ty, thuê nhân viên và đối xử tốt với họ

Đây chỉ là một vài trong số những việc mà tôi muốn làm. Bạn cũng có thể tự tạo nên danh sách những việc làm có ích của chính mình giống như vậy. Bạn có thấy không? Những việc đó, chẳng có việc gì là to tát cả, nhưng khi bạn kiên trì làm những việc có ích mỗi ngày, cuộc sống của bạn sẽ trở nên hạnh phúc, vui vẻ và tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa

Và điều cuối cùng mà tôi muốn làm chính là nằm im trên chiếc giường của mình trong những phút cuối đời và chẳng cần phải bận tâm xem liệu mình đã từng tồn tại hay không.

Gần đây, tôi đọc cuốn “Not Fade Away” của Laurence Shames and Peter Barton. Toàn bộ nội dung cuốn sách đều nói về Peter Barton, nhà sáng lập của Liberty Media – người đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về cái chết gây ra bởi căn bệnh ung thư hiểm ác.

Đó là một cuốn sách ý nghĩa vô cùng và chắc chắn sẽ khiến bạn phải bật khóc. Trong cuốn sách, ông viết về cách ông đã sống và tìm thấy tiếng gọi của cuộc đời mình. Ông cũng từng học ở trường kinh doanh nhưng đây là những gì ông nghĩ về những người bạn cùng học MBA (Master of Business Administration – Thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh) với mình:

“Điểm mấu chốt: Họ là những người có gương mặt sáng sủa nhưng không bao giờ thực sự làm bất cứ điều gì, không bao giờ chịu đóng góp cho xã hội, và sẽ chẳng để lại được gì khi chết đi. Tôi thấy thực buồn vì điều đó bởi lãng phí tài năng luôn là một điều đáng tiếc”.

Câu nói này thực sự đúng với tất cả chúng ta. Và sau khi nhận ra điều đó, ở độ tuổi 30, ông đã thành lập nên công ty của riêng mình và trở thành triệu phú.

Một người khác cũng luôn cố gắng để bản thân sống có ích mỗi ngày là Casey Neistat. Cho tới giờ, tôi đã theo dõi anh được một năm rưỡi và luôn thấy anh làm những điều mới mẻ mỗi khi vào xem kênh youtube của anh. Anh luôn chia sẻ về đam mê muốn làm, muốn sáng tạo của bản thân. Thậm chí, anh còn xăm dòng chữ “Do more” (Làm nhiều hơn!) lên cánh tay của mình.

Thế nhưng, phần đông mọi người đều nói rằng “Tại sao bạn phải làm nhiều hơn chứ?”, và rồi lại bật Netflix (Dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ) và xem phim Daredevil.

Một suy nghĩ khác biệt

Sống có ích là một cách suy nghĩ. Và giống như các suy nghĩ khác, nó cần được bắt đầu bằng một quyết định. Một ngày kia, tôi thức dậy và thầm nghĩ: Tôi đóng góp được gì cho thế giới này? Câu trả lời là chẳng có gì cả. Và cũng trong ngày hôm đó, tôi bắt đầu công việc viết lách của mình.

Với bạn, đó có thể là vẽ, tạo ra một sản phẩm, giúp đỡ người già hay là bất cứ điều gì mà bạn muốn làm. Đừng quá đặt nặng vấn đề, đừng suy nghĩ quá nhiều. Chỉ cần làm những gì hữu ích cho cuộc đời là được!

* Đây là bài chia sẻ của tác giả Darius Foroux trên trang Medium.

Theo Nguyễn Linh

Nhịp sống kinh tế/ Cafebiz

Xem thêm  9 điều vô cùng quan trọng về tình bằng hữu, hạnh phúc nhưng bạn không hề được dạy trong trường học