Thứ ba, Tháng mười hai 10
Shadow

Tin Tổng hợp: Trảm tướng đầu năm và chữa bệnh “vác va li ra Hà Nội xin xỏ”

tin tổng hợp, trảm tướng, vác vali ra hà nội

Hành động quyết liệt, nguyên tắc sắt đá của tỉ phú đô la người Việt và vua đào hầm Việt Nam, gợi lên nhiều nghĩ suy cho những ai mong mỏi đất nước thịnh vượng. 

Ông chủ số 1

Có một điều mà tỉ phú Phạm Nhật Vượng không đề cập đến chữ nào trong bài trả lời phỏng vấn lần đầu tiên của ông trên báo Thanh Niên, đó là tính đúng hẹn, đúng cam kết chất lượng.

Nhưng với tôi, đó là điều cực kỳ quan trọng dẫn tới thành công của ông chủ tập đoàn tư nhân số 1 này.

Nguyên tắc sắt đá về tiến độ và chất lượng của ông Vượng, đã có thời khiến cho những đối tác thiếu chuyên nghiệp ăn không ngon, ngủ không yên.

Mặt khác, Vingroup sẵn sàng nâng cao đơn giá, trả đậm cho đối tác vừa để đẩy nhanh tiến độ dự án vừa đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Ông Vượng sẵn sàng cho đập bỏ 52 căn biệt thự đã xây thô, chấp nhận xây lại tốn kém, khi thấy chất lượng chưa đúng với cam kết.

Trong khi nhiều dự án bị khiếu nại về tiến độ và chất lượng, thì khách hàng của Vingroup lắm khi lại nhận nhà trước dự kiến.

Trong một xã hội mà mọi thứ đều “chậm một cách phổ biến”, “chậm một cách hiển nhiên”, thì sự đúng hẹn về thời gian, sự đúng cam kết về chất lượng, đã tạo giá trị khác biệt, trở thành bệ phóng mạnh mẽ cho uy tín và tên tuổi của Vingroup.

Ông Vượng từng nói trên Forbes: “Tôi thích được nhấm nháp hạnh phúc lặng lẽ một mình”. Chắc chắn sự tin tưởng của khách hàng chiếm một chỗ quan trọng trong hạnh phúc của ông Vượng.

Ông “Vua đào hầm”

Ngày 1.1.2018, ngay trong buổi giao ban đầu tiên của năm mới, Chủ tịch một cty còn rất trẻ nhưng nhanh chóng trở thành “Vua đào hầm đường bộ” Việt Nam, đã đưa ra một quyết định sắt đá: Trảm hai tướng thuộc hai công ty Thành viên của mình.

Coi đây là quyết định “đau đớn”, nhưng ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT cty Đèo Cả và tập đoàn Hải Thạch vẫn làm để đảm bảo cả guồng máy vận hành theo phương châm “đúng hẹn”.

Xem thêm  Tin tổng hợp: Học xin lỗi và học cúi đầu

Chẳng nơi nào có thể lên chức nhanh như ở Đèo Cả, nhưng cũng không nơi nào nhân sự bị trảm nhanh như thế nếu gây ra thất thoát, tiêu cực và không làm đúng hẹn” – nhiều nhân viên Đèo Cả đã nhận xét về cty mình như vậy.

Từ lâu, “vua đào hầm” đã phát động phong trào chống thất thoát, tiêu cực trong chính công ty mình.

5 năm trước, không ai nghĩ đại dự án hầm Đèo Cả có thể thành công bởi khó khăn khủng khiếp đến từ mọi phía: Vốn, thời tiết, địa hình, thay đổi cơ chế, chính sách.

Thế nhưng thay vì trễ hẹn “một cách phổ biến” như hàng vạn công trình ở Việt Nam, bằng ý chí thép, Hồ Minh Hoàng đã khánh thành hầm Đèo Cả trước 6 tháng so với dự kiến, tiết kiệm cho xã hội gần 4.200 tỉ đồng.

Đèo Cả cũng trở thành công ty Việt Nam đầu tiên làm chủ được công nghệ hiện đại đào hầm xuyên núi, thi công với giá rẻ hơn nhiều khi thuê nước ngoài.

“Hạnh phúc thuộc về người đúng hẹn”, thành công của đại dự án này đã giúp Hồ Minh Hoàng có được những đại dự án khác: Hầm Hải Vân 2, hầm đèo Cù Mông, cao tốc Bắc Giang, Lạng Sơn… với tổng mức đầu tư tới 40.000 tỉ đồng, đồng thời nuôi dưỡng khát vọng vươn ra khu vực.

Chữa bệnh thất hứa và vấn nạn “xách va li ra Hà Nội xin xỏ”

Rất nhiều dự án treo, quy hoạch treo trên cả nước. Rất nhiều nút thắt giao thông nằm yên chỉ vì một vài căn nhà không chịu giải tỏa. Rất nhiều lời hứa có cánh chui lọt qua lỗ kim hoàng hôn nhiệm kỳ.

Ngay cả những thông báo rất khó chịu chậm giờ chuyến bay (delay) hay việc nhích từng mét trên những cung đường chật như nêm mỗi ngày, người ta cũng đang quen dần.

Theo chỉ đạo trước đây, dự án đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh sẽ phải hoàn thành năm 2016, nhưng cuối cùng thì tháng 9/2018 nó mới có thể vận hành.

Không chỉ quen với điệp khúc chậm tiến độ, với những vết nứt, vết rỉ sét của công trình, người Hà Nội còn phải quen cả với việc nó đội vốn tới hơn 250 triệu đô la.

Xem thêm  Ngoài nguyên Tổng GĐ Mobifone những ai đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ mua AVG?

Đáng lẽ dự án metro Bến Thành Suối tiên sẽ đưa vào vận hành từ 2018, nhưng người Sài Gòn vẫn phải quen với việc nó chậm lại đến 2020 cùng điệp khúc đội vốn lên hơn 30.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Quốc hội, Việt Nam không đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Sự trễ hẹn này, tất nhiên đã làm mất đi của chúng ta nhiều thời cơ bứt tốc.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ đã đưa ra một đánh giá nghiêm túc: Việt Nam có thể tăng trưởng tới 8-9% trong những năm tới thay vì loay hoay mức 6-7%, nếu tiếp tục phát huy tinh thần Chính phủ kiến tạo, cải cách thể chế, xóa bỏ xin cho.

Hôm qua, trong buổi làm việc với ĐH Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi đi thông điệp không chỉ cho ngành giáo dục: “Hôm nay, tôi kết luận và đề nghị ghi biên bản. Mọi cơ chế chính sách là công bằng, công khai, minh bạch.

Để sau này các đồng chí khỏi vác va li ra Hà Nội, đến Bộ Giáo dục Đào tạo chỗ ông Nhạ để “chạy, xin” gì cả”. 

Nếu muốn Việt Nam bật vọt khỏi vùng trũng phát triển, chắc chắn phương châm đúng cam kết chất lượng và đúng hẹn như của ông Vượng, sẽ phải trở thành câu chuyện phổ biến trong xã hội, trở thành danh dự của người đứng đầu.

Làm được điều này, bệnh thất hứa sẽ tự được chữa khỏi.

Những nhũng nhiễu tiêu cực cũng phải bị trảm quyết liệt giống cách các doanh nghiệp tư nhân như ông Hoàng trảm tướng. Làm được điều này, tất nhiên những người làm ăn chân chính sẽ “không phải chạy, xin gì cả” như thông điệp của Thủ tướng.

Con tàu đất nước không thể lướt nhanh trên đường ray phát triển nếu nó phải chở đầy những toa tàu thất hẹn về thời gian, bội bạc về chất lượng, vô cảm về lời hứa.

“Là Bộ trưởng Bộ GTVT, nhưng tôi đi chưa thấy con đường nào hài lòng”

theo Trí Thức Trẻ