Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Tôi nhận bài học về cách tiêu tiền hoang phí từ những người bạn Tây

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết nhiều sinh viên 19, 20 tuổi ở Đại học Stanford đã biết đầu tư, thậm chí đóng tiền vào quỹ lương hưu.

Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Khánh Huyền, đang theo học thạc sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo, Đại học Stanford, Mỹ.  

Mùa hè 2016, tôi làm nghiên cứu ở Đại học Edinburgh, Scotland. Rảnh rỗi, tôi đăng bài tuyển bạn trai với mục đích hài hước. Không ngờ, tôi nhận được email ứng tuyển từ một anh chàng chuyên gia tài chính. Ban đầu tôi định từ chối vì nghĩ có ở Scotland lâu dài đâu mà hẹn hò. Thế nhưng, mấy đứa bạn đọc email kêu rằng anh chàng này dễ thương quá, tôi không thể từ chối. Thế là tôi hẹn anh chàng ăn trưa như bạn bè.

Hôm đấy, tôi hỏi anh chàng về việc anh ứng dụng những gì mình học vào cuộc sống như thế nào, anh trả lời là nó giúp anh chuẩn bị một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Anh nói, tiền đầu tư của anh mang về cho anh lợi nhuận 7,3% mỗi năm và mỗi tháng anh tiết kiệm 60% thu nhập. Nếu không có gì thay đổi, anh có thể về hưu trong vòng 7 năm tới.

Lúc đấy, tôi đã bị sốc toàn tập. Tôi chưa gặp ai có thể nói về tài chính cũng như tương lai của mình một cách cụ thể như vậy. Một phần do tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nơi việc chi tiêu được thực hiện dựa vào trực giác và thói quen hơn là khoa học. Một phần khác, tài chính là một điều nhạy cảm, chẳng ai thành công về mặt tài chính tự nhiên ngồi vạch ra cách họ chi tiêu thế nào để tôi học hỏi cả.

Sau buổi nói chuyện đó, tôi bắt đầu để ý hơn về kế hoạch tài chính của những người xung quanh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra một bộ phận lớn sinh viên mới khoảng 19, 20 tuổi ở Stanford đã biết cách đầu tư, thậm chí đóng tiền vào quỹ lương hưu. Hai cậu hàng xóm của tôi đầu tư qua một robo-advisor (hệ thống quản lý các khoản đầu tư tự động, có cả chuyên gia và thuật toán giúp bạn phân bổ các khoản tiền đầu tư hợp lý nhất). Cô bạn thân của tôi mua cổ phiếu S&P 500 (cổ phiếu của 500 công ty có giá trị thị thường lớn nhất). Ai cũng có khoản tiết kiệm để mua chiếc xe đầu tiên, phòng lúc thất nghiệp hay bị ốm bất ngờ. Một số không nhỏ có kế hoạch cụ thể để về hưu ở một độ tuổi nào đó. Với họ, nghỉ hưu không phải vì họ lười làm việc, mà đó là cột mốc khi họ có đủ tiền để sống nốt quãng đời còn lại mà không phải làm việc vì tiền – có thể thoải mái làm những điều mình thích.

bài học, tiêu tiền, hoang phí, người nước ngoài

Nguyễn Khánh Huyền (hay còn gọi là Huyền Chíp) tác giả cuốn “Xách ba lô lên và đi” khá quen thuộc với bạn đọc Việt Nam.

Xem thêm  Một con bò và bài học thức tỉnh đời người: Ai cũng cần biết để sống ý nghĩa hơn

Nhận ra sự thiếu sót của bản thân, tôi lập tức đọc thêm sách về quản lý tài chính cũng như nhờ anh chàng chuyên gia tài chính kia tư vấn. Dưới đây là một số kinh nghiệm, kiến thức tôi thu thập được:

1. Không bao giờ quá sớm để nghĩ đến chuyện đầu tư

Đầu tiên, bạn phải hiểu rằng tiền mặt là tiền chết. Nếu chỉ giữ tiền mặt hay để trong tài khoản giao dịch ngân hàng, tiền sẽ dần dần mất giá. Điều này càng nguy hiểm hơn ở một quốc gia có lạm phát cao.

Người ta vẫn nói, hãy để tiền của bạn làm việc cho bạn. Khi có tiền, dù ít, hãy bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư để tiền có thể sinh lãi cho bạn.

Ngày xưa, tôi cứ nghĩ đầu tư là cái gì đó to tát lắm nhưng giờ tôi nhận ra rằng có nhiều cách để đầu tư lắm. Ở Mỹ, tôi có thể đầu tư một khoản nhỏ vài trăm đến vài ngàn đôla vào những cổ phiếu an toàn như blue-chip, S&P 500, hay sử dụng những hệ thống tư vấn tự động như Wealthfront, Betterment để họ lên danh mục đầu tư cho mình. Tôi không rõ lắm môi trường đầu tư ở Việt Nam nhưng tôi nghĩ mọi người có thể tìm hiểu về vàng, đất, chứng khoán, cũng như xin lời khuyên từ những người đi trước.

2. Có quỹ tiết kiệm cho lúc khẩn cấp

Khoản đầu tư nào hứa hẹn mang lại tiền lãi cao hơn cũng đồng nghĩa rủi ro lớn hơn. Nếu đầu tư hết tiền, chẳng may đúng lúc bạn cần tiền, giá các khoản đầu tư của bạn lại bị tụt thì bạn không trông vào đâu được. Trước khi mang tiền đi đầu tư, mình cần phải có một khoản tiền để phòng lúc những không may như khi ốm đau, tai nạn, mất trộm, thất nghiệp, hay chỉ đơn giản là muốn có thời gian theo đuổi đam mê của bản thân. Khoản tiền này nên gửi vào kênh an toàn như tài khoản tiết kiệm hay đổi sang những ngoại tệ mạnh như USD – tiền lãi rất thấp nhưng độ rủi ro hầu như là không có.

Các bạn Tây khuyên tôi, quỹ tiết kiệm nên bằng chi phí tối thiểu cho 6 tháng sinh sống. Ví dụ, nếu chi phí 5 triệu/tháng, khoản tiết kiệm sẽ là 30 triệu. Nếu bạn chưa có 30 triệu, hãy cố gắng góp nhặt để có đủ số tiền đó. Không bao giờ động vào khoản này, trừ khi bạn thực sự cần nó – đừng tự nhiên rút tiền tiết kiệm ra đi mua chiếc điện thoại xịn.

3. Bớt tiêu tiền vào những đồ xa xỉ

Tất cả những đồ gì không thực sự cần thiết đều là đồ xa xỉ. Một cốc rượu, một điếu thuốc, một lon nước ngọt cũng là đồ xa xỉ. Mua điện thoại đời mới nhất thay vì mua một chiếc điện thoại chỉ đủ xài là xa xỉ.

Tôi nhận được một bài học về sự chi tiêu hoang phí từ những người bạn bên này. Phần lớn đó đều là con nhà khá giả. Những người đã đi làm rồi thì thường làm cho các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon, một năm lương thưởng hơn 120.000 đôla (khoảng 2,7 tỷ đồng). Mỗi lần hẹn nhau đi ăn tối, các bạn chẳng bao giờ chọn quán ăn đắt tiền dù thừa tiền để trả cho bữa ăn tối đó. Hiếm khi lắm chúng tôi mới uống rượu bia vì đó được coi là thứ vừa đắt đỏ, vừa hại cho bản thân. Bạn tôi làm cho Google nhưng vẫn dùng một chiếc máy tính đã 5 năm.

Xem thêm  Sau 5 lần nhảy việc, gặp lại sếp cũ, ông nói một câu khiến tôi chết lặng: "Nhảy việc kiểu cậu, cẩn thận kẻo một phút bốc đồng, cả đời bốc cám!"

4. Có ngân sách ăn tiêu cho từng khoản hàng tháng

Hàng tháng, tôi lên ngân sách sẽ tiêu bao nhiêu vào từng khoản nào. Ví dụ, tôi giới hạn tiền ăn nhà hàng của mình vào khoảng X đôla/tháng. Hết khoản đấy rồi, tôi sẽ phải chịu khó nấu ăn ở nhà. Tôi dùng thẻ cho hầu hết mọi giao dịch mua bán, ngân hàng tháng nào cũng tính cho tôi xem mình đã chi tiêu hết bao nhiêu vào những danh mục nào. Thỉnh thoảng, tôi sẽ nhìn lại bảng ngân sách đó để xem mình đã lãng phí ra sao. Cái này quan trọng lắm, vì có đợt tôi suốt ngày đi Uber, mỗi lần hết vài đô nên không để ý, nhưng đến cuối tháng xem tài khoản nhận ra mình tiêu đến hơn 400 đôla vào Uber. Sau đó tôi phải cẩn thận hơn về việc đi lại, chịu khó tìm lịch xe buýt, đạp xe nhiều hơn, và chỉ đi Uber khi thực sự cần thiết.

Ngân sách giúp tôi nhận ra rằng sau khi đã trừ đi những khoản cố định, số còn lại chẳng đáng là bao. Nó cũng giúp tôi lên kế hoạch tiết kiệm bao nhiêu phần trăm thu nhập.

Một suy nghĩ khá nguy hiểm mà bản thân tôi hay mắc phải là cho rằng mấy đồng bạc lẻ chả đáng là bao. Những mấy đồng bạc đó khi gộp lại sẽ có giá trị rất lớn. Một ngày bạn uống bớt một cốc cà phê đi sẽ tiết kiệm 15 – 20 nghìn đồng. Một tháng, bạn tiết kiệm 450 – 600 nghìn đồng. Một năm, sẽ là 5 – 7 triệu. Bạn có thể góp số tiền đó vào quỹ tiết kiệm, mua tặng bố mẹ một món đồ gia dụng ý nghĩa, hay làm một chuyến đi du lịch ở đâu đó với người yêu.

5. Chỉ có con khi bạn đã sẵn sàng để nuôi con

Bạn bè của tôi ở Việt Nam cho rằng có con là điều tự nhiên, đến tuổi thì bố mẹ giục kết hôn rồi có con. Ở Mỹ, bạn bè tôi chỉ tính đến chuyện có con khi họ đã chắc chắn mình có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Trước khi có con, họ sẽ dành cả năm trời để chuẩn bị tài chính nuôi thêm một miệng ăn.

Nuôi con là một khoản chi phí khổng lồ cả về mặt tài chính lẫn thời gian. Vợ chồng son khi mới bắt đầu cuộc sống của riêng mình, chưa có gì mà lại phải nuôi con sẽ rất dễ phải chịu áp lực tài chính

Theo Vnexpress