Có người đặt ra câu hỏi: “Cha mẹ sinh con để làm gì? Để có người nối dõi tông đường hay có người chăm sóc khi về già?” Có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng đáp án cuối cùng khiến nhiều người suy nghĩ là: “Vì để trả giá và để tận hưởng”…
Tôi là một người mẹ 57 tuổi đã nghỉ hưu, còn con trai tôi năm nay 31 tuổi. Khi tôi bắt đầu về hưu cũng là lúc con trai lập gia đình. Đối với vợ chồng tôi, nó luôn là viên ngọc quý được chúng tôi nâng niu chăm bẵm; bởi vậy khi con thành thân, một cách rất tự nhiên tôi thấy mình có trách nhiệm chăm sóc tổ ấm mới này.
Ban đầu tôi hy vọng chúng sẽ về ở với vợ chồng tôi, nhưng ông nhà lại cho rằng “hai đứa cần có không gian riêng để tự lập”. Thế nên, để tiện chăm sóc các con chúng tôi dọn tới khu dân cư gần nhà con đang sống. Và cứ đều đặn, mỗi sáng tôi chạy qua nhà giúp bọn trẻ chuẩn bị đồ ăn và dọn vệ sinh, chiều đến thì nấu bữa tối và lại đợi tới khi hai vợ chồng nó đi ngủ tôi mới về nhà mình.
Cuộc sống của tôi cứ êm đềm trôi qua như vậy, cho đến một ngày…
Hôm ấy, tôi dậy sớm đi chợ mua thức ăn mang tới nhà con, nhưng khi đến nơi lại không thể mở cửa để vào nhà. Không phải tôi mang nhầm chìa khóa, mà đơn giản là con dâu đã thay ổ khóa khác. Tôi phải gọi mãi con dâu mới ra mở cửa và giải thích: “Gần đây toà nhà xảy ra nhiều vụ trộm, nên…”
Tối hôm đó con trai qua nhà đưa cho tôi chiếc chìa khóa mới. Lúc ấy, trong tâm tôi có đôi chút khó chịu, nhất là khi con trai tôi nói nhỏ: “Mẹ đừng để vợ con biết nhé!”. Tôi hiểu rằng sự việc không còn đơn thuần như tôi nghĩ lúc trước.
Ngày hôm sau, tôi tới nhà con trai sớm hơn mọi ngày với lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống. Vừa tới cửa tôi nghe tiếng tranh luận vọng ra: “Chắc chắn là anh đưa chìa khóa cho mẹ rồi, phải không?”
Rồi một tràng những lời phàn nàn của con dâu vang lên sau cánh cửa, khiến tôi đứng mãi như trời trồng. Thật chẳng ngờ tất cả công sức và tình yêu thương mà người mẹ chồng như tôi đã dành cho chúng lại được đền đáp bằng những lời chỉ trích nặng nề như vậy. Và làm tôi thấy chua xót hơn, đó là con trai tôi chỉ biết ậm ừ rồi trả lời rằng: “Đó là mẹ anh, em bảo anh phải làm thế nào?”
Tôi lủi thủi xách túi thức ăn thẫn thờ quay trở về. Nhìn thấy ông nhà, tôi tủi thân đến mức nước mắt lưng tròng: “Ông à, sao tôi cực quá vậy? Nó là con trai duy nhất của tôi, tôi toàn tâm toàn ý lo cho chúng từ bữa ăn tới giấc ngủ, vậy mà cái tôi nhận được lại là thế này đây, tôi đã làm gì sai hả ông?”
Ông nhà chỉ bật cười rồi vỗ nhẹ vào vai tôi: “Thật là mấy đứa trẻ không hiểu chuyện, bà cứ để đó có dịp tôi sẽ nói chuyện với chúng. Mà bà này, bà thử nhìn những người bạn già của chúng ta xem, có mấy ai như bà không? Họ đều thong dong tự tại, gần thì đi thăm thú các tỉnh thành, xa thì ra nước ngoài du lịch. Còn bà cả ngày chỉ loanh quanh chợ búa, lọ mọ cơm nước cho con cái, vì chúng mà tôi với bà đã lạc hậu so với những người bằng tuổi rồi đấy”.
Ảnh minh họa. Dẫn theo samnam.vn
Từng lời của chồng như cơn mưa mùa hạ khiến tôi bừng tỉnh. Chẳng lẽ tôi lại không muốn ra ngoài du lich thăm thú đó đây hay sao? Nghĩ vậy, tôi gật đầu đồng tình với ông.
Sau đó, ông nhà sắp xếp đưa tôi tới vùng thảo nguyên rộng lớn nghỉ dưỡng vài ngày. Ông còn dẫn tôi tới thăm trang trại dê và bò sữa. Được tận mắt chứng kiến quá trình dê mẹ sinh con và cho con bú, tôi bất giác thấy xúc động nghẹn ngào.
Chồng tôi vừa nhìn vừa chỉ vào đàn dê đang gặm cỏ. “Dân du mục quanh năm đều di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác. Nếu như dê mẹ cũng giống như bà, việc gì cũng không thể buông tay thì dê con sao có thể sống nổi? Hơn nữa, có ai muốn được gả cho chú dê còn chưa cai sữa về tinh thần không?”
Tôi quay sang, thấy ông nhà cười một cách đầy ngụ ý, chỉ một câu nói của ông đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều.
Chồng tôi tiếp tục: “Tình mẫu tử chân chính là một quá trình rút lui khéo léo”, nói rồi ông mở điện thoại rồi đọc cho tôi nghe một bài viết.
“Những bậc cha mẹ không muốn tách rời khỏi con cái khi chúng đã trưởng thành. Họ lầm tưởng đó là vì yêu con, nhưng thực tế lại vô tình điều khiển con một cách toàn diện…”
Tôi liếc mắt lườm chồng: “Ý ông tôi chính là người mẹ như vậy hả?”. Chồng tôi bật cười vỗ vỗ vai tôi và nói: “Bà hả, bà thuộc loại có thể cứu vãn được!”
***
Sau chuyến du lịch trở về, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện cho con trai và nói rằng tôi muốn tới nhà nó một chuyến. Hôm ấy tôi đã chia sẻ lại hành trình ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mình, rồi nghiêm túc nói với chúng: “Mẹ chuẩn bị lui về tận hưởng hạnh phúc những năm tuổi già. Sau này, có lẽ mẹ sẽ không thường xuyên tới nhà con nữa, mà cho dù có tới thì mẹ sẽ gọi điện báo cho các con trước”.
Con trai nhìn tôi, lúng túng một hồi lâu rồi hỏi: “Mẹ, mẹ giận chúng con à?”
“Mẹ đâu có giận, chỉ là mẹ đang học cách tận hưởng tuổi già thôi con à”. Con trai ôm chầm lấy tôi làm mắt tôi ươn ướt bùi ngùi.
Có người đặt ra câu hỏi: “Cha mẹ sinh con ra để làm gì? Để có người nối dõi tông đường hay có người chăm sóc khi về già?”. Có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng câu trả lời cuối cùng khiến nhiều người suy nghĩ là: “Vì để trả giá và để tận hưởng”.
Tình mẫu tử chân chính là một quá trình rút lui khéo léo. Ảnh dẫn theo vecp.org.vn
Các bậc cha mẹ, xin đừng coi con cái là điều quan tâm duy nhất trong cuộc đời, đừng vì con cái mà khép lại cánh cửa giao tiếp với xã hội, cũng đừng vì con cái mà bỏ lỡ niềm đam mê sở thích của bản thân mình.
Có người nói: “Có một kiểu cha mẹ làm tôi vô cùng kính phục, đó là người dành cho con tình yêu thương mạnh mẽ khi con còn bé, rồi khi con lớn lên lại học cách buông tay một cách khéo léo. ‘Chăm sóc’ và ‘chia xa’ đều là nhiệm vụ mà mỗi người làm cha làm mẹ cần hoàn thành với con cái”.
Làm cha mẹ là cả một chặng hành trình dài mà phụ huynh chúng ta cần có cả lòng bao dung và trí tuệ. Không chỉ đơn thuần là nuôi dạy con, mà trong rất nhiều thời khắc của cuộc sống cần biết lúc nào nên tiến lúc nào nên lùi.
Chúng ta không mong cầu con trở nên hoàn hảo, cũng không cần chúng phải nuôi dưỡng khi về già, chỉ cần chúng có thể sống độc lập và giữ trọn lòng hiếu thuận với cha mẹ, vậy là bạn đã làm một người cha, người mẹ thành công rồi.
Theo ĐKN