“Thì đằng nào cũng sứt quai rồi, đập một phát cho nó vỡ luôn. Em quý hơn hay cái tách uống nước chè quý hơn?”, Trang Hạ khuyên cô gái trẻ.
Có nhiều thứ xưa nay phụ nữ vẫn “đóng đinh” nghĩ rằng mọi thứ phải thế, nhưng thực tế lại không phải vậy. Từ xưa chúng ta vẫn nghĩ rằng chỉ có bố mẹ chồng có quyền “soi” nàng dâu, ngày ra mắt, chỉ các cô gái mới là người lo lắng không được lòng bố mẹ chồng tương lai. Không có mấy cô gái tự tin vào bản thân mình, đến mức cũng coi đây là cơ hội để “test” mẹ chồng, như cách Trang Hạ khuyên cô gái trẻ này.
Tất cả những phân tích của nhà văn Trang Hạ khiến cho ai đọc cũng cảm thấy thấm vô cùng. Phụ nữ sau khi đọc bài viết này thì biết nhận thức về giá trị của mình hơn là cách ngồi im chịu đựng sự phán xét của người khác. Bài viết cũng là một mũi tên, trúng nhiều đích khi các bà mẹ chồng hiện tại, hoặc những người phụ nữ làm mẹ chồng trong tương lai có cái nhìn khác đi, biết cảm thông với những nàng dâu hơn.
Bài viết của Trang Hạ khi chia sẻ đã nhận được hơn 7 ngàn like, 1 ngàn share vì câu chuyện ý nghĩa dưới góc nhìn mới đầy thuyết phục của nữ nhà văn.
Một nữ đồng nghiệp trẻ sau buổi ra mắt nhà chồng tương lai đã lỡ tay làm vỡ quai một tách trà. Cô ấy xấu hổ và lo lắng nhờ Trang Hạ tư vấn giúp xem có nên mua biếu lại nhà bạn trai một bộ ấm chén mới đẹp đẽ hơn. Nhưng thật bất ngờ, Trang Hạ đã tư vấn cho cô gái “sao em không nhân tiện đập vỡ thêm một hai cái chén nữa?”… Lý do vì sao, hãy đọc bài viết của tác giả ở phía dưới, bạn sẽ hiểu, đó không phải chỉ là một lời khuyên cho vui đâu nhé…
“Một sáng đầu tuần, cô gái trẻ trong văn phòng hẹn mình đi ăn cùng. Năm đó em hai bảy tuổi, xinh đẹp, công việc đã ổn định, hai bằng cấp, công việc nhẹ nhàng ít áp lực, đồng nghiệp dễ chịu. Em xin mình một lời khuyên khẩn cấp!
Em kể, hôm qua chủ nhật, người yêu chở em về quê ra mắt gia đình. Trong lúc mang bộ ấm chén ra rửa ngoài sân để chuẩn bị pha chè, em đã vô tình đập vỡ quai một cái tách uống trà. Em rất xấu hổ và lo sợ, sợ bố mẹ chồng chê, đánh giá vụng về, đoảng, thiếu ý tứ. Em cũng sợ bị đánh giá, bị chê, bố mẹ anh ấy không nói gì nhưng đều nhìn vào cái tách sứt.
Em định mua bộ ấm chén mới đẹp hơn đền cho nhà anh ấy. Tuần sau về quê, em mang về biếu hai bác. Em định hỏi chị, nên mua bộ thế nào, em định mua 1 bộ ấm chén của Tàu độ 500k nhưng có nên mua hẳn bộ Minh Long hơn triệu cho nó đẹp không? Nên nói thế nào khi mang về biếu, để nhà anh ấy hài lòng, bỏ qua?
Mình thấy vừa vui, vừa thương cô gái. Vui vì cô ấy đang hỏi ý mình. Và thương vì mình cũng từng trải qua cảm giác của cô ấy: Mối tình đầu, ra mắt bố mẹ anh, vụng về, lỡ sai sót gì đó, dằn vặt lo lắng, rồi tìm cách chuộc lỗi.
Mình hỏi: Em có định lấy anh này làm chồng không?
Dạ có, em cũng sắp 29 tới nơi rồi, anh ấy tốt, yêu thương, gia đình cũng có vẻ bình thường như nhà em, mọi thứ đều đang ổn, cho đến lúc em đi rửa bộ ấm chén!
Mình bảo, sao em không nhân tiện đập vỡ thêm một hai cái chén nữa?
Hả, chị bảo cái gì ạ?
Thì đằng nào cũng sứt quai rồi, đập một phát cho nó vỡ luôn. Em quý hơn hay cái tách uống nước chè quý hơn?
Ôi, sứt quai thôi em đã sợ hãi, suy nghĩ lo lắng cho tới giờ, sao em lại tự nhiên đi đập cho vỡ thêm ạ?
Thế em có muốn test thử nhà chồng tương lai của em không? Chồng thì em test lúc nào cũng được, nhưng bố mẹ chồng không test bây giờ thì em đợi bao giờ?
Mình ngồi phân tích một hồi:
Rõ ràng người thì quý hơn cốc chén, đúng không? Ai chẳng có lúc nhỡ tay? Ai chẳng có lúc lúng túng vụng về, nhỡ tay? Dâu trẻ hoặc con dâu tương lai cứ ra mắt là xông pha nhận làm, nhận rửa, nhận việc là sai! Mình là khách, mình chỉ làm đúng những gì tối đa là tương đương với chủ thôi! (Cưới rồi tính sau). Ví dụ, chủ nhà ngồi xơi nước chè, ko bao giờ con dâu tương lai cắm mặt vào bếp hoặc đống bát! Vì thế, em không việc gì phải cảm thấy áy náy! Làm là tốt, có làm có sai, sai thì sau này sửa! Vậy chị khẳng định, em không có sai sót gì phải “chuộc lỗi” khi lỡ làm sứt bộ ấm chén. Kể cả bộ ấm chén đó là đồ gia bảo, là của quý nhà anh ấy, thì lỗi là ở anh ấy và bố mẹ chồng! Đồ quý phó thác vào tay người ngoài, lỗi ở nhà họ chứ!
Nếu đồ quý thật, họ sẽ phải cùng ngồi rửa với mình, chỉ dẫn, cùng làm cùng nói chuyện, nhân tiện kể sự tích bộ ấm chén. Thế có phải là họ biết ăn ở cư xử không? Con dâu tương lai cần biết điều, thì bố mẹ chồng tương lai cũng cần biết điều!
Vậy nha! Giờ tại sao lại đập thêm? Em test cái gì ở đấy?
Em test nền tảng văn hóa của gia đình, chuẩn mực cư xử của gia đình!
Nếu họ là gia đình lịch sự, họ sẽ bỏ qua cho dù em đánh rơi nguyên cả bộ ấm chén!
Nếu họ là gia đình có bản lĩnh văn hóa, có hiểu biết, có lòng bao dung, có tình yêu thương, họ sẽ còn nói đùa vài câu cho em đỡ ngượng. Ví dụ: Ôi điềm may mắn quá, vỡ đồ sứ là điềm may mắn rồi, đám cưới còn phải đập vài cái vò, cái bát lấy may (nhiều địa phương giao thừa còn ném bát vỡ). Vỡ gương là điềm rủi còn vỡ bát, tách, đồ sứ là điềm rất may mắn! Hoặc bố mẹ anh ấy có thể nói, đúng là bạn gái thằng ABC nhà mình, giống nó y hệt! Hồi ABC nhỏ, nhà bác không có lấy một bộ ấm chén, toàn cọc cạch thôi, vì nó cứ vớ là rơi, là vỡ v.v…
Chữa ngượng không phải việc của em, là việc của bố mẹ chồng tương lai của em. Cơ hội đầu tiên họ tạo ra lòng biết ơn và cảm giác hạnh phúc trong lòng em! Cảm giác gia đình ở trong em! Không đúng sao?
Còn nếu họ cười khẩy, nói mỉa, chì chiết, nói sau lưng, nói xấu, em biết phải làm gì rồi đấy! Hãy cảm ơn một hai chiếc tách vỡ cho em thấy ngay lối sống của nhà anh ấy! Anh ấy có thể rất tuyệt, nhưng bố mẹ chồng chính là bản sao tương lai hôn nhân của em!
Tiếp theo nhé: Không phải đền! Vì em không nợ gì cả!
Em định đền bộ ấm chén mới ư? Điên à? Không đập thêm thì thôi lại định đi đền bộ mới? Chỉ có vay ai tiền thì phải trả đúng bằng tiền. Còn đây là tình, là thể diện, là sĩ diện, là tình cảm, là thiện cảm cơ mà! Em bê bộ ấm chén mới đến biếu, không nói ra, ai cũng nghĩ ngay tới cái chén sứt tuần trước! Nó đã vứt vào trong sọt rác rồi, sao em còn moi nó ra trong tâm trí cả nhà?
Vậy tuần sau em mang gì về nhà anh ấy? Mang thứ gì mà em quan sát thấy nhà anh ấy thiếu, và nhà anh ấy cần! Ví dụ nhé, một bình nước siêu tốc, một cái nồi lẩu điện nếu nhà anh thiếu, không thì một cân chè thật ngon, bảo là cháu mua cho bố cháu chè này rất ngon, nên cháu lấy thêm một cân cho nhà mình ạ, cháu biếu hai bác uống thử!
Hay là biếu một thứ đặc sản nào đó, thậm chí, một mẻ cá tôm đặc sản, bịch to trái cây đặc biệt, hay một cây hoa hồng thật đẹp mang về trồng trong vườn!
Em biết vì sao không? Vì đó là những thứ rất nhỏ bé nhưng xây nên một gia đình ấm cúng! Em mang thứ gì đó mang lại cảm giác ấm cúng! Điều đó tự nhiên và tạo thiện cảm. Trong khi, bộ ấm chén mới thì chỉ được coi là một thứ bồi thường!
Trong khi mong bố mẹ anh ấy bỏ qua lơ đễnh của em, tự em cũng phải biết bỏ qua cho bản thân em!
Mà em không thấy, mấy thứ chị nói, còn đắt hơn bộ chén Tàu 500k à? Thì lẽ thường mà, thực ra, chị cũng nghĩ nên mang về cái gì đó để đền, một món quà nào đó, (nên tất nhiên phải lớn hơn khoản tổn thất). Nhưng, món quà đó phải có rất nhiều tình yêu!
Ký ổi, ký na tốt hơn bộ chén sứ Minh Long triệu đồng nhiều lần đó cô gái!”.
Mọi góc nhìn xưa cũ không hẳn vì bao nhiêu năm qua đúng mà ngày nay vẫn đúng. Sau bài viết này, các cô gái trẻ sẽ bản lĩnh hơn, biết nhìn nhận đâu là đúng, đâu là sai; còn phụ nữ lớn tuổi sẽ biết bao dung, thấu hiểu hơn. Có lẽ với những tư tưởng mới hiện đại hơn như cách của Trang Hạ sẽ không còn cụm từ “mẹ chồng – nàng dâu” đầy kịch tính và có tính đối đầu như cách xưa cũ người ta vẫn nghĩ.
>>Chồng ngoại tình tưởng mình che giấu cao siêu, ai ngờ lại phải tự vạch mặt nhờ chiêu độc của vợ
Theo Tin tức online