Thứ năm, Tháng mười hai 5
Shadow

Tri thức đánh vần

Nếu nhìn vào những cuộc tranh luận rộn ràng về đánh vần suốt tuần qua, mà không đọc nội dung của nó, người ta dễ có cảm nhận rằng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của xã hội Việt Nam.

đánh vần

Cổng trường Thực nghiệm từng bị đạp đổ vì chen lấn và quá đông các phụ huynh muốn vào đăng ký xin học cho con

Từ các chính trị gia đến luật sư, nhà văn; rồi cả cựu giáo chức, bác sĩ, kỹ sư, cộng đồng mạng xã hội… ai ai cũng nói về nguyên tắc đánh vần sao cho đúng, theo cách nghĩ của mình. Một sự kiện giáo dục thu hút đông đảo sự quan tâm của quần chúng nhân dân như thế, lẽ ra là tín hiệu đáng mừng cho dân khí, dân trí.

Nhưng, nếu đọc nội dung của các cuộc tranh luận ấy, chúng ta rất khó tìm thấy bóng dáng của những đứa trẻ, đối tượng thụ hưởng câu chuyện giáo dục mà người ta đang tranh luận ồn ào. Thay vào đó, người ta thấy hình ảnh một ông giáo già bị truyền thông coi như kẻ tội đồ có khả năng hủy hoại học vấn của thế hệ tương lai.

Người ta hỉ hả lục lọi từ gia thế, đến sự nghiệp, sản phẩm của ông giáo nhằm tìm ra những dấu vết có thể dùng bêu riếu ông. Cho dù ông giáo già ấy, ngay cả khi có khả năng, có lợi thế, vẫn chỉ muốn thực nghiệm kết quả nghiên cứu về công nghệ giáo dục của mình trong một phạm vi hẹp, thay vì áp đặt thành một chính sách giáo dục trên diện rộng.

    Xem thêm  Làm Chủ tịch HĐQT, diễn viên Hồng Tứ không biết trụ sở công ty

    Trong suốt quá trình diễn ra cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu về một câu chuyện giáo dục, chúng ta thấy rất ít tri thức, ngược lại, có quá nhiều biểu hiện của sự vô văn hóa được thể hiện qua việc tấn công cá nhân một ông giáo già.

    Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại đúng hay sai? Điều này không dễ để đánh giá. 40 năm thực nghiệm của ông ở một ngôi trường với những cơ chế đặc biệt mà học sinh là những đứa trẻ được gia đình tự nguyện thực nghiệm có người nọ, người kia, giống như nhiều ngôi trường khác. Nhưng, đó lại là ngôi trường hiếm hoi mà người ta chen lấn, đạp đổ cả cổng trường để xin được thực nghiệm cho con em mình. Mặc dù ngay cả điều đó cũng không đủ nói lên sự thành công của giáo dục kiểu Hồ Ngọc Đại, thì công nghệ giáo dục của ông cũng không làm hại ai. Vậy tại sao người ta lại tấn công ông giáo già một cách dữ dội như thế?

    Một âm mưu nào đó đằng sau câu chuyện này để nó được thổi bùng lên trong suốt một tuần qua? Có thể. Nhưng cho dù vậy, thì vì sao người ta dễ dàng trở thành một công cụ tấn công miễn phí đến như thế? Phải chăng đó là cơn cuồng nộ hình thành từ ẩn ức của công chúng vốn luôn có nhiều bức xúc với ngành?

    đánh vần

    Nhà báo Phạm Trung Tuyến

    Nhưng tại sao nạn nhân của cơn cuồng nộ ấy lại là một ông giáo già không có bất cứ vai trò gì trong các quyết sách giáo dục của đất nước? Tại sao không phải là những tên tuổi, chức danh có trách nhiệm trong việc phê duyệt chương trình đào tạo? Bởi vì những tên tuổi ấy, những chức danh ấy lặng im trước sự cuồng nộ của công chúng. Họ có thể không thành công trong việc xây dựng được một chương trình đào tạo tốt, nhưng họ thành công trong việc né tránh, và hướng những “cơn bão” cuồng nộ của dư luận đi về phía khác.

    Xem thêm  GS Hồ Ngọc Đại: "Tôi không buồn bực, tức giận và không chấp những người thiếu hiểu biết"

    Người làm giáo dục có kỹ năng nắn dòng, né “bão” giỏi hơn làm giáo dục, hẳn nhiên sẽ luôn có khả năng đào tạo ra được những trí thức quan tâm đến việc đánh vần nhiều hơn việc trở thành những công dân có giáo dục.

    Phạm Trung Tuyến

    Theo An ninh thủ đô

    Link gốc