Không phải “Hàng long thập bát chưởng”, nhân vật Kiều Phong trong tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung đã khiến quần hùng phải thán phục bằng một môn võ công khác.
Khuynh đảo Tụ Hiền Trang
“Đại chiến Tụ Hiền Trang” (thuộc tác phẩm “Thiên long bát bộ”) là một trong những đoạn hấp dẫn người đọc nhất trong các tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung, người vừa mới qua đời ở tuổi 94.
Kiều Phong, nhân vật chính của bộ truyện, bị hàm oan và phải chấp nhận chiến đấu chống lại rất nhiều cao thủ và bằng hữu của mình. Dĩ nhiên, khi nhắc đến nhân vật này, độc giả đều nghĩ ngay về tuyệt học “Hàng long thập bát chưởng”.
Nhưng trong đoạn truyện, nhà văn Kim Dung đã khéo léo để Kiều Phong dùng một môn võ công khác để khiến quần hùng phải khâm phục, đó là “Thái tổ trường quyền”.
Nhân vật Kiều Phong do diễn viên Huỳnh Nhật Hoa thể hiện.
Đối mặt với nhà sư Huyền Nạn từ Thiếu Lâm Tự, Kiều Phong luôn ra chiêu chậm hơn nhưng lại đến sớm hơn. Cả 2 đều dùng các chiêu trong “Thái tổ trường quyền”. Mà chiêu thức của bộ quyền pháp này lại có tính xung khắc.
Kiều Phong dùng chiêu hóa giải chiêu của đối phương, tốc độ lại nhanh hơn, tất nhiên là giành chiến thắng. Những người đứng xem xung quanh, dù nhất quyết muốn lấy mạng cựu bang chủ Cái Bang, nhưng vẫn không khỏi buột miệng khen ngợi.
Thời điểm trận đánh diễn ra, Kiều Phong bị gán cho nhiều tội ác tày trời. Nguyên lớn trong đó vì anh là người Khiết Đan, một dân tộc đối đầu với nhà Tống.
Nếu dùng những tuyệt học khác để chiến thắng, Kiều Phong sẽ bị gọi là kẻ phá hoại uy danh của “Thái tổ trường quyền”. Nhưng dùng chính võ công này mà vẫn áp đảo hoàn toàn, Kiều Phong khiến quần hung không dám nhiếc móc thêm một lời.
Tại sao “Thái tổ trường quyền” lại được coi trọng như vậy? Bởi đây là môn võ công có thật, tương truyền được chính Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn – Hoàng đế sáng lập triều đại nhà Tống – góp phần tạo ra. Bên cạnh “Thái tổ trường quyền” còn có môn “Thái Tổ côn pháp” chuyên dùng côn chiến đấu.
Tuyệt kỹ của hoàng đế
Có nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc “Thái tổ trường quyền”. Trong câu chuyện phổ biến nhất, môn võ này do đích thân Triệu Khuông Dẫn sáng tạo ra.
Thời còn ở Thiếu Lâm Tự, vị hoàng đế tương lai tập luyện chăm chỉ và trở thành một quyền sư. Ông đúc rút kinh nghiệm và dồn tâm huyết để hình thành nên “Tam thập nhị thế trường quyền. Sau này, Triệu Khuông Dẫn trở thành hoàng đế đầu tiên của nhà Tống. Bộ quyền pháp cũng được đổi tên sang “Thái Tổ trường quyền”.
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn rất quan tâm đến võ học.
Một cách giải thích khác đến từ sự quan tâm của Triệu Khuông Dẫn với Thiếu Lâm Tự. Sau khi lên ngôi, ông yêu cầu một sự “tiêu chuẩn hóa” trong việc dạy võ tại ngôi chùa này.
Những kẻ mạo danh Thiếu Lâm bị bắt giữ. Các môn võ trong chùa được xây dựng theo một hệ thống hoàn chỉnh. Những nhà sư đều phải tập luyện và trải qua những bài kiểm tra nghiêm ngặt mới có thể được công nhận là đệ tử Thiếu Lâm.
Một trong những bộ võ công được chuẩn hóa đầu tiên được đặt tên là “Thái Tổ trường quyền” nhằm tri ân Tống Thái Tổ.
Tuy nhiên, bất kể câu chuyện nào thực sự chính xác, “Thái Tổ trường quyền” vẫn nằm trong số Thiếu Lâm Thập đại danh quyền, sánh vai với những võ công nổi tiếng như La Hán quyền, Kim Cương quyền, Mai hoa quyền…
Sinh là ra để chiến đấu, Thái Tổ trường quyền chú trọng đến các chiêu thức thực dụng, công thủ toàn diện, đi quyền nhanh như gió, xuất đòn như tia chớp.
Người học đầu tiên phải tập kỹ cơ nội dung cơ bản bao gồm “Tam hình”, “Ngũ công”. “Tam hình” là đầu, thủ (tay) và bộ(tấn), “Ngũ công” là cánh tay, cước, eo, trang và khí.
32 chiêu thức vừa bổ sung lại vừa khắc chế lẫn nhau, vì thế việc song hành giữa lý thuyết và thực tế là điều bắt buộc. Càng thuần thục, người học võ sẽ tìm ra cách vận dụng hợp lý nhất với mình.
“Thái tổ trường quyền” có ảnh hưởng sâu rộng trong võ thuật Trung Quốc. Một nghiên cứu trên tờ KKNews (Trung Quốc) cho rằng môn võ này góp phần tạo nên Trần thức Thái Cực Quyền.
Võ tướng Thích Kế Quang dựa trên “Thái tổ trường quyền” mà viết nên Quyền kinh. Trần Vương Đình nghiên cứu các loại võ thuật, lấy 29 trong 32 thức của Quyền kinh, tổng hợp thành Trần thức Thái Cực Quyền truyền lại cho con cháu.
So với huyền thoại chưa xác định rõ như Trương Tam Phong, Trần thức Thái Cực Quyền thực sự là nguồn gốc của nhiều dòng Thái Cực Quyền còn tồn tại đến ngày nay.
theo Trí Thức Trẻ