Từ đời này qua đời khác, qua bao thế hệ, người Phú Lễ (Thạch Thất, Hà Nội) dù đi đâu về đâu cũng chẳng thể bỏ được miếng trầu đỏ môi. Cả làng từ già trẻ gái trai, tới lớp thanh niên, nhi đồng đều biết ăn trầu. Theo tục xưa, nhà trai dâng sính lễ 1.000 quả cau to mới rước được vợ.
Làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) nằm bên bờ sông Tích yên ả, được bao bọc bởi những cánh đồng lúa xanh mướt. Để vào làng, người dân băng qua cây cầu đá ngăn cách hai thôn Phú Lễ và Yên Lạc. Dù nhiều nét hiện đại len lỏi khắp thôn xóm, nhưng không thể che nổi những cây cau già vượt lên, cao ngang nóc ngôi nhà 3 tầng. Hầu như nhà nào cũng trồng cau, nhiều thì cả vườn, ít cũng một dàn cây san sát. Từ xa xưa, dân làng Phú Lễ vốn nghiện trầu cau.
Người xưa hay có câu “Phi tửu bất thành lễ”, còn với người dân nơi đây câu cửa miệng bao đời, bao thế hệ vẫn mãi vẹn nguyện, “Phi trầu bất thành lễ”. Không biết ăn trầu, không phải người làng Phú Lễ. Đi làm đồng, ngồi bán quán trước cửa chùa, hay đơn giản đang tán chuyện ở nơi nào trong làng, người Phú Lễ cũng đều có đĩa trầu, bình vôi làm bạn.
Về thăm ngôi làng ở Hà Nội có 1.000 quả cau mới cưới được vợ, người lớn trẻ nhỏ lúc nào môi cũng đỏ hồng00:01:56
Về thăm ngôi làng ở Hà Nội có 1.000 quả cau mới cưới được vợ, người lớn trẻ nhỏ lúc nào môi cũng đỏ hồng. Thực hiện: Minh Nhân
Khung cảnh bình yên tại làng quê Phú Lễ.
1.000 quả cau mới cưới được vợ
Xưa kia làng Phú Lễ có tên là Phú Hoa Thôn, ra đời từ thời vua Gia Long đầu thế kỷ XIX. Nhiều bậc lão niên trong làng coi cây cau, giàn trầu như sức khỏe của mình. Họ chăm chút cẩn thận để cây luôn xanh tốt. Thành thử, cây nào cũng cao ngút trời, giàn trầu không bám thân cây vươn lên đỉnh. Ở Phú Lễ, người làng đặc biệt rất coi trọng tình cảm và cung cách ứng xử với nhau. Mà điều đó được thể hiện rõ nét nhất qua miếng trầu cau.
Người nhiều tuổi nhất làng cũng chẳng rõ tục ăn trầu cau có từ khi nào, có thể là từ ngày có cái làng này. Với người dân Phú Lễ, sống với miếng trầu, chết cũng với miếng trầu. Trải qua hàng trăm năm, “miếng trầu là đầu câu chuyện” dần dần trở thành nếp làng, được truyền giữ qua bao đời, bao thế hệ. Họ quan niệm, ngày Tết có thể thiếu bánh chưng, thiếu đào quất, nhưng phải lo sắm cho đủ cau trầu trong ba ngày.
Người Phú Lễ ăn hai loại trầu. Một loại nhai lẫn với cau, quệt thêm một ít vôi, ăn vừa miệng bởi có vị cay của lá trầu, nồng của vôi và tươi ngọt từ hạt cau. Một loại trầu nữa ăn với thuốc lào, dễ bị say và chỉ có những cụ già ăn trầu lâu năm mới thích vì vị đậm đà. Cách ăn trầu cũng rất dung dị, không cần têm cánh phượng, đựng trong cơi son mà chỉ cần quả cau bổ bảy, xé thêm miếng lá trầu rồi nhai cả ngày. Phụ nữ làng này đi đâu cũng có một túi vải nhỏ thắt miệng, trong đựng đôi lá trầu, dăm miếng cau.
Hàng cây cau cao ngát trời, vượt qua cả hàng dây điện trong làng.
Ông Nguyễn Văn Tăng (80 tuổi) thuộc hàng “cao nhân” trong làng. Ông Tăng biết nhai trầu từ năm 11 tuổi, đến giờ cũng gần cả đời người gắn với quả cau lá trầu. Ông bày dạy, thường cau được chẻ làm 4, ai thích hạt cau bé hơn chỉ chẻ 6, vỏ tước hờ. Trầu chỉ cần rọc dài theo sống gân thành những miếng vừa, quệt lên tí vôi, bày lên đĩa thế là đã có thể mời trầu. Có chút suồng sã là thế, nhưng dân giã và ấm cúng. Dẫu là người khách khó tính nhất đi đến làng cũng khó lòng từ chối.
“Miếng trầu ở Phú Lễ không têm cầu kỳ, quét ngỏ vôi lên mặt lá để người ta biết ăn vôi nhiều hay ít. Tước vỏ cau rồi cuốn với lá trầu không, đưa vào miệng nhai. Ăn vào một chút thấy béo béo, môi đỏ chúm chím, hơi say say. Chỉ say một lúc, không phải hằng mấy tiếng đồng hồ. Nhiều thiếu nữ trong làng nhai trầu mặt đỏ ửng như đánh phấn, rất duyên dáng” – ông Tăng kể.
Trong làng hễ có đám cưới, hỏi, hay đám hiếu, cứ chung quy lại là lễ đều không thể thiếu đĩa trầu. Ngày thường ăn trầu chỉ cần lấy lá trầu quệt ít vôi quấn lại là ăn nhưng khi có đám thì cần tới cả một “đội ngũ” những người têm trầu cánh phượng.
Các công đoạn từ bổ cau, tỉa lá, quét vôi rồi cuốn trầu.
Những miếng trầu bé xinh, màu xanh mướt.
Đám cưới ở Phú Lễ, nhà gái thường thách cưới nhà trai bằng lễ vài nghìn quả cau (mà phải là loại cau to). Sau khi nhà gái thách cưới và có được số cau như mong muốn, gia đình sẽ mang cau trầu đi tất cả các hộ trong làng để chia. Nhà nào cũng có phần. Thời nay, để giảm nhẹ phần thủ tục thách, gia đình nhà gái thường chỉ yêu cầu 1.000 quả hoặc ít hơn. Họ cũng không đi chia khắp làng nữa mà mời mọi người đến nhà mình xơi trầu.
Trai gái quanh vùng xã Cần Kiệm rỉ tai nhau, đi ra ngoài thấy thanh niên còn trẻ mà răng với môi màu đỏ, nhai trầu liên tục thì đích thị người làng Phú Lễ. Nhiều anh còn tếu táo, có thể bỏ vợ nhưng không bỏ được trầu cau. Có thời, các đôi đi đăng ký kết hôn thường mang theo mấy quả cau, lá trầu.
“Trầu còn dùng làm lễ, mừng thọ, cưới xin. Người dân ăn rất nhiều, bây giờ thì giảm rồi. Ngày xưa, mỗi nhà phải cả 1.000 quả cất ăn dần. Tục ăn trầu dần trở thành thói quen, không thể bỏ được. Trai làng Phú Lễ đi lấy gái nơi khác chỉ phải mang vài trăm quả cau sính lễ cho có lệ. Nhưng trai làng khác lấy con gái Phú Lễ thì phải đủ nghìn cau trong mâm thì nhà gái mới nhận. Trai gái trong làng lấy nhau thì hai họ lo đủ hai nghìn quả cau cùng với trầu cho cả làng ăn” – ông Tăng nói.
Chung quy lại, tại làng Phú Lễ, không đủ cau trầu thì không thể nên duyên vợ chồng.
Đi từ đầu làng tới cuối làng Phú Lễ, nhà nào cũng trồng ít nhất 1 cây cau.
Trẻ nhỏ nhai trầu, ngà ngà say, đôi môi đỏ hồng
Cả làng từ già trẻ gái trai, tới lớp thanh niên, nhi đồng đều biết ăn trầu. Miếng trầu ở Phú Lễ rất được coi trọng, có khách tới nhà chủ mang trầu ra tiếp ngay. Những người già trong làng 70 đến 80 tuổi có thâm niên hơn 50 năm ăn trầu, những lớp trung niên 40-50 tuổi có người ăn từ khi mới lên 7, lên 8. Ngay cả lớp thanh niên răng trắng cũng ăn trầu. Ăn xong, họ đánh răng liền.
Có những cụ già bao đời ăn trầu đến nỗi “nghiện”. Răng có thể rụng hết nhưng tình yêu với trầu cau vẫn không thay đổi. Các cụ đâm nát lá trầu không với cau, thêm tí vôi hoà lẫn rồi đưa lên miệng. Rồi có những cụ nhờ người nhai hộ, đến khi miếng cau tan ra, mềm nhũn, họ vui vẻ nhai lại.
Những bậc “cao nhân” trong làng chia nhau miếng trầu, tâm sự hàn huyên chiều thu mát rượi.
Nhai trầu từ xưa là niềm vui, thói quen của dân làng Phú Lễ.
“Từ ngày xưa đã như vậy rồi. Nhiều cụ 90 tuổi đi đâu cũng giữ bên mình túi trầu cau. Thèm thèm lại mở ra ăn, cứ thấy ngọt ngọt, thơm thơm. Cứ phải gọi là nghiện” – cụ Đỗ Thị Liệt (72 tuổi) tâm sự.
Bọn trẻ con trong làng thấy người lớn ăn cũng nhao nhao đến xin một miếng trầu. Chúng hồn nhiên, cười đùa và quệt một ít vôi lên lá. Miếng cau được đặt vào giữa, cuộn lại. Chúng cho vào miệng nhai rều rào một cách rất tự nhiên, ngon lành. Môi bắt đầu chúm chím đỏ hồng, gương mặt ngà ngà say, chuếnh choáng.
Linh và Hậu – 2 bé gái học lớp 5 trường Tiểu học Cần Kiệm biết ăn trầu cau từ khi lên 3. Không cần ai bày, cứ thấy người lớn ăn là lũ nhỏ ăn. Đưa miếng trầu lên miệng, Linh nhai chóp chép rồi lè lưỡi khi miếng trầu đã mềm nhũn. Một màu đỏ hồng trong khoé miệng.
Mặt ngà ngà say, Linh cười, “Đầu tiên hơi chát, một lúc sau người ăn quen sẽ bắt đầu cảm thấy vị ngọt và thơm của trầu. Em khá chóng mặt mỗi khi nhai trầu, nhưng chỉ khoảng dăm ba phút là hết”.
Linh và Hậu – thế hệ trẻ em tiếp nối truyền thống ăn trầu cau tại làng Phú Lễ.
Đôi môi ửng hồng của bé Linh sau khi nhai trầu.
Một đứa trẻ trong làng ăn trầu thể hiện sự tiếp nối tập tục của quê hương. Khi lớn lên, việc dựng vợ gả chồng cũng được chấm điểm theo khả năng têm trầu, ăn trầu. Người xưa vẫn thường dạy con gái, chọn chồng phải chọn chàng trai nào ăn được nhiều trầu và không bị say. Cụ Liệt hài hước, “Ở làng Phú Lễ này, trẻ con sinh ra đã ăn trầu quen như bú mẹ, không có thì nhớ, thì thèm không chịu được”.
Từ đời này qua đời khác, qua bao thế hệ, người Phú Lễ dù đi đâu về đâu cũng chẳng thể bỏ được miếng trầu đỏ môi. Cả cụ Tăng lẫn cụ Liệt đều tin tưởng, chắc chắn nét văn hoá đẹp đẽ này sẽ trường tồn mãi mãi. Miếng trầu mang cốt cách tao nhã, vẫn là “đầu câu chuyện” trong những lễ nghi quan trọng của đời người.
Quả đúng là, miếng trầu là đầu câu chuyện.
Minh Nhân – Theo Trí thức trẻ/kenh14