Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Vì những điều này, Tào Tháo mang tiếng oan ngàn năm, Quan Vũ, Khổng Minh cũng bị hiểu lầm

4 chi tiết hư cấu trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa dưới đây chính là nguyên nhân khiến những nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc bị hậu thế hiểu nhầm.


Ảnh minh họa.

“Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng của văn học Trung Quốc.

Cũng bởi sở hữu giá trị nghệ thuật cao, nhiều nhân vật được xây dựng trong tác phẩm văn học này đã trở thành những hình tượng kinh điển như Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Quan Vũ…

Có ý kiến đánh giá cho rằng, Tam Quốc diễn nghĩa không đơn thuần là một cuốn sách tái hiện lịch sử một cách cứng nhắc mà còn được tác giả La Quán Trung gửi gắm không ít những sáng tạo nghệ thuật mang màu sắc cá nhân.

Tuy nhiên, điều này cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều độc giả đọc khi Tam Quốc diễn nghĩa thường dễ bị nhầm lẫn chi tiết hư cấu trong tiểu thuyết với các sự kiện lịch sử ngoài đời thật.

Ví dụ tiêu biểu có thể kể tới chính là 4 lời đồn nổi tiếng xuất hiện trong Tam Quốc diễn nghĩa nhưng lại không hề có thật dưới đây. Trong số đó, lời đồn đại hư cấu cuối cùng thậm chí còn khiến Tào Tháo phải mang tiếng xấu oan ức ngàn năm.

Sự thật về điển tích “đơn đao phó hội” của Quan Vũ (Quan Vũ một mình cầm đao tới Đông Ngô dự tiệc)

“Đơn đao phó hội” là điển tích nổi tiếng gắn liền với hình tượng của Quan Vũ. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, hình tượng nhân vật Quan Vũ được xây dựng với hai phẩm chất nổi bật là vũ dũng và trung nghĩa. Nhân vật này trong lúc nhận nhiệm vụ trấn thủ Kinh Châu còn có điển cố nổi tiếng mang tên “đơn đao phó hội”.

Điển cố này được La Quán Trung xây dựng dựa trên sự kiện Quan Vũ đại diện cho Thục Hán một mình tới hội đàm với Lỗ Túc phe Tôn Ngô về vấn đề Kinh Châu.

Theo chi tiết hư cấu thì Quan Vũ không hề bị đuối lý trước Lỗ Túc mà ngược lại, ông dùng mưu trí cùng sự uy vũ của mình để thoát khỏi uy hiếp của quân Đông Ngô, bắt Lỗ Túc làm con tin, xem tướng địch như trẻ con.

Tuy nhiên trên thực tế, “đơn đao phó hội” dù có thực trong lịch sử, nhưng vai trò chủ chốt không chỉ thuộc về một mình Quan Vũ. Lỗ Túc ngoài đời thật cũng không nhu nhược như Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả.

Trong lịch sử, Lưu Bị vì mượn Kinh Châu mãi không trả nên Tôn Quyền đã phái Lã Mông tới tập kích 3 quận của khu vực này.

Tuy nhiên, Lưu Bị vốn không coi Kinh Châu là đất đi mượn, vì vậy đã đích thân thống lĩnh đại quân giao tranh với Tôn Quyền.

Xem thêm  Con trai quấy khóc đòi mua đồ, người mẹ có "chiêu độc" để con ngoan ngoãn sau 10 phút

Dưới thế cục hai bên giằng co, để duy trì mối liên minh Thục – Ngô, Lỗ Túc đã đề nghị mỗi bên cử ra một người để hội đàm. Người được Thục Hán phái ra chính là Quan Vũ, còn sứ giả đến từ phe Tôn Ngô không ai khác ngoài Lỗ Túc.

Sau một hồi thương thảo, hai bên vẫn có những bất đồng quan điểm. Buổi hội đàm vì vậy mà đã kết thúc trong một bối cảnh chẳng lấy làm vui vẻ.

Tuy nhiên lúc đó Tào Tháo tiến đánh Hán Trung, Lưu Bị không thể không rút quân. Hai bên mới vì lý do này mà đình chiến và tiếp tục liên minh.

Sự thật về việc lập đàn “mượn gió đông” của Gia Cát Lượng

Chi tiết Gia Cát Lượng “mượn gió đông” cũng là một trong những tình tiết hư cấu trong Tam Quốc diễn nghĩa. (Tranh minh họa).

Gia Cát Lượng là một nhân vật được “thần hóa” trong Tam Quốc diễn nghĩa. Một trong số những chi tiết chứng minh cho điều này là sự kiện Gia Cát Lượng lập Thất Tinh Đàn để “mượn gió đông”.

Nhân tình thế này, Chu Du cũng mượn thế gió đông để hỏa thiêu quân đội của Tào Ngụy, nhờ đó mà giành được thắng lợi trong trận Xích Bích.

Đánh giá từ góc độ khoa học, chi tiết này hoàn toàn bị coi là tình tiết hư cấu. Thế nhưng La Quán Trung xây dựng tình tiết ấy trong Tam Quốc diễn nghĩa lại có phần hợp lý.

Bởi có ý kiến cho rằng, trong đêm Chu Du hỏa thiêu Xích Bích, trận địa nơi này quả thực đã có gió Đông Nam. Thế nhưng, đây không phải là ngọn gió mà Gia Cát Lượng có thể “mượn lực trời” để tạo thành.

Nguồn gốc thực sự của kế sách này đến từ đặc điểm tự nhiên đặc thù của khu vực hồ Động Đình. Nơi đây vốn có gió địa hình, trong một số hoàn cảnh khí hậu đặc thù sẽ có gió Đông Nam thổi mỗi khi trời quang.

Chu Du vốn là người bản xứ nên mới chú ý tới điều này. Trong khi đó, Tào Tháo lại là người phương Bắc nên không thể lường trước được diệu kế “mượn gió đông”.

Xét trên một góc độ khác, người cổ đại khi xưa chưa có nhiều kiến thức khoa học về mặt khí hậu. Vì vậy, việc gió đông nổi lên khiến doanh trại quân Tào bị hỏa thiêu được giải thích bằng lý do “ý trời đã định”.

Từ đó, La Quán Trung đã mượn chi tiết trên để hư cấu nên tình tiết Gia Cát Lượng lập đàn mượn gió đông.

Tào Tháo liệu đã từng ám sát Đổng Trác?

Trong lịch sử, Tào Tháo không ám sát Đổng Trác mà ngay từ đầu ông đã từ chối phong tước của Đổng tặc ban cho mình, thay tên đổi họ, bí mật trốn khỏi thành Lạc Dương. (Tranh minh họa).

Xem thêm  Không phải Điêu Thuyền hay Đỗ thị, ai mới là phu nhân thực sự của Quan Vân Trường?

Phân đoạn Tào Tháo hành thích Đổng Trác là một trong số ít những “điểm sáng” của nhân vật này trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Tuy nhiên trên thực tế, chi tiết này cũng hoàn toàn là hư cấu. Thậm chí nếu đánh giá từ góc độ logic, độc giả hoàn toàn có thể phát hiện ra sự kỳ lạ của tình tiết ấy.

Tiểu thuyết miêu tả, Tào Tháo tiến vào phòng ngủ của Đổng Trác trong tình huống không thông báo trước. Điều này cho thấy Đổng Trác (trong tiểu thuyết) rất tín nhiệm Tào Tháo, hoặc ít nhất ngoài mặt là như vậy.

Thế nhưng khi Đại Tư đồ Vương Doãn bí mật mở tiệc chiêu đãi đại thần, những người dự tiệc bữa tiệc dù nói xấu Đổng Trác mà vẫn cho Tào Tháo tham gia. Lẽ nào họ không sợ Tào Tháo sẽ truyền lại những lời ấy tới tai Đổng tặc hay sao?

Trong lịch sử, thực tế là Tào Tháo không hành thích Đổng Trác. Bấy giờ, Đổng Trác vốn có ý muốn lôi kéo ông, Tào Tháo vì không chịu bèn trốn khỏi thành Lạc Dương.

Phía sau câu nói để đời của nhân vật “gian hùng” khét tiếng

(Ảnh minh họa).

Mặc dù La Quán Trung khi xây dựng hình tượng Tào Tháo đã cho ông một “điểm sáng” nổi bật thông qua chi tiết hành thích Đổng Trác, tuy nhiên không lâu sau đó, chính tác giả đã khiến nhân vật này phải chịu một tiếng oan ngàn đời.

Đó là chi tiết Tào Tháo cùng Trần Cung giết nhầm cả nhà Lã Bá Sa – người có mối giao tình thân thiết với cha ông và cũng đã có ơn cưu mang trong lúc ông bị truy nã.

Theo “Ngụy thư” ghi lại, Tào Tháo trên đường bỏ chạy quả thực có đi qua nhà Lã Bá Sa. Thế nhưng lúc ấy trong nhà họ Lã chỉ có con trai và khách khứa.

Nhóm người này khi ấy nổi lòng tham muốn chiếm đoạt ngựa và đồ đạc của Tào Tháo. Thế nhưng họ không ngờ Tào Tháo lại có kiếm thuật cao cường nên đã bỏ mạng dưới tay ông.

Chi tiết này khi được đưa vào Tam Quốc diễn nghĩa đã bị La Quán Trung thay đổi không ít, cũng trở thành một mối oan ức ngàn năm khó rửa đối với Tào Mạnh Đức.

Sự kiện hư cấu này cũng chính là nguồn gốc phát sinh câu nói nổi tiếng của nhân vật Tào Tháo trong tiểu thuyết: “Ta thà phụ thiên hạ chứ không để thiên hạ phụ ta”.

Ngoài những chi tiết hư cấu trên đây, Tam Quốc diễn nghĩa vẫn còn không ít những tình tiết khác do bản thân tác giả sáng tạo.

Vì vậy, tác phẩm này có thể được xem là một sáng tác văn học giàu tính nghệ thuật, tuy nhiên không thể đánh đồng với các tài liệu chính sử để tránh gây ra hiểu lầm.

Theo  Trần Quỳnh- Thời đai/Soha

Link