Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Vì sao Lưu Bị thà ủy thác con cho Khổng Minh, Lý Nghiêm chứ quyết không phải là Triệu Vân?

Lưu Bị

 

Dù hết mực trung thành và tài năng, nhưng Triệu Vân đã bị quân chủ “đánh trượt” khỏi danh sách đại thần được ủy thác phò trợ Lưu Thiện.

Xem thêm  Vị tướng 'ít tiếng tăm' và trận quyết định giúp Lưu Bị có tiền đề để chia 3 thiên hạ

Từ cổ chí kim, việc các đấng quân vương lựa chọn người ủy thác trước lúc qua đời vốn không phải là chuyện hiếm lạ. Mỗi khi nhắc tới những di ngôn ủy thác nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, không ít người sẽ nghĩ ngay tới lời căn dặn mang nhiều hàm ý thâm sâu của Lưu Bị – vị quân chủ Thục Hán thời Tam Quốc.

Theo sử liệu ghi lại, năm xưa Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị trước lúc lâm chung đã quyết định ủy thác con trai mình cho hai đại thần là Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm. Lựa chọn này khiến không ít người hoài nghi và thắc mắc. Hai trong số những nghi vấn gây nhiều tranh cãi nhất chính là hai vấn đề dưới đây:

– Thứ nhất, vì sao Triệu Vân nổi tiếng trung thành lại không được Lưu Bị mảy may đoái hoài trong việc phó thác con trai?

– Thứ hai, nếu Gia Cát Lượng được quân chủ hoàn toàn tin tưởng, vậy đâu là lý do khiến di ngôn của Lưu Bị lại có sự xuất hiện của một vị đại thần khác như Lý Nghiêm?

Hai lý do khiến Triệu Vân bị “đánh trượt” khỏi danh sách đại thần ủy thác

Lưu Bị

 

Theo lẽ thường mà nói, các vị quân chủ khi lựa chọn đại thần ủy thác đa số sẽ dựa theo 4 tiêu chí: Lòng trung thành, uy danh, năng lực và địa vị.

Nếu đánh giá về lòng trung thành, Triệu Vân năm xưa từng nhiều lần vào sinh ra tử vì đại nghiệp của quân chủ, có thể nói là nhân vật nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm của Lưu Bị chỉ sau Quan Vũ, Trương Phi. Vì thế, lòng trung của Triệu Tử Long đối với quân chủ và cơ nghiệp Thục Hán là điều không phải bàn cãi.

Nhìn đến khía cạnh uy danh, Triệu Vân từ lâu đã là một hổ tướng uy chấn khắp nơi, hơn nữa vừa có tài đánh trận, vừa có năng lực quản lý. Lưu Bị có thể giao việc quản lý nội cung cho Triệu Tử Long vốn là bởi vị tướng này đặc biệt nghiêm khắc, có thể trấn áp được Tôn phu nhân trẻ tuổi ngang ngược của ông.

Xét trên phương diện năng lực, bản thân Triệu Vân từng đảm nhiệm chức vụ Tư mã Kinh Châu, quản lý việc trong cung, còn từng nhậm chức Thái thú Quế Dương, Đô đốc Giang Châu… Do đó, ông được xem là trung thần văn võ song toàn hiếm có thời bấy giờ.

Cũng bởi vậy là Lý Quang Địa trong “Dung thôn ngữ lục” đã đưa ra một lời tán dương khái quát toàn bộ tài năng của nhân vật này: “Triệu Vân là vị tướng có một không hai, giải quyết mọi chuyện một cách lão luyện, sáng suất, quả thực là bậc trọng thần hiếm có”.

Cuối cùng là vấn đề địa vị, cả cuộc đời Triệu Tử Long đã từng đảm nhiệm qua rất nhiều chức vụ.

Đặc biệt vào thời điểm Lưu Bị dẫn quân đánh Tôn Quyền, vị quân chủ này đã “để Vân ở lại giữ Hán Trung”. Nói cách khác, Lưu Bị đã đem toàn bộ hậu phương và chỗ dựa sau lưng mình giao cho Triệu Vân.

Hơn nữa khi vị quân chủ này đại bại ở Hào Đình, cũng chính Triệu Vân là người thân chinh thống lĩnh đại quân chạy tới Vĩnh An tiếp ứng, nếu không Lưu Bị khó lòng toàn mạng.

Lưu Bị
Không lựa chọn Triệu Vân làm đại thần ủy thác, phải chăng Lưu Bị còn có hàm ý sâu xa nào khác? (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

 

Như vậy, Triệu Vân vốn là đại thần đáp ứng đủ cả 4 tiêu chí để phó thác. Hơn nữa vào thời điểm Lưu Bị hấp hối ở cung Vĩnh An, Triệu Tử Long cũng đang túc trực tại nơi này.

Thế nhưng Lưu Tiên chủ thà rằng cất công gọi Khổng Minh, Lý Nghiêm từ nơi khác tới cung Vĩnh An để ủy thác chứ chẳng hề mảy may đến trung thần họ Triệu bên cạnh.

Lý giải về động thái khó hiểu này của Lưu Bị, trang Sohu đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu như sau.

Nguyên nhân thứ nhất là vấn đề về tuổi tác. Mặc dù năm sinh của Triệu Vân cho tới ngày nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, tuy nhiên vị tướng này chỉ chênh lệch với Lưu Bị vài tuổi, vào lúc vị quân chủ này hấp hối, ông cũng đã không còn trẻ, thậm chí có thể xếp vào hàng lão tướng.

Theo lẽ thường, quân vương khi lựa chọn người ủy thác sẽ ưu tiên cho các nhân tài, đại thần còn trẻ tuổi hoặc đương độ tráng niên. Điều này cũng lý giải vì sao năm xưa Tào Tháo lại coi Quách Gia là người tâm phúc có thể phó thác hậu sự, đó là bởi mưu sĩ này vừa có tài năng lại vừa trẻ tuổi.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính lòng trung thành không ai có thể nghi ngờ của Triệu Vân. Có lẽ bản thân Lưu Bị hiểu rõ hơn ai hết, ngay cả khi ông không coi Triệu Tử Long làm đại thần phó thác, vị trung thần này vẫn sẽ dốc toàn tâm toàn lực để phò tá Tân đế và cơ nghiệp Thục Hán.

Đó là chưa kể tới việc bản thân Triệu Vân cũng từng có 2 lần vào sinh ra tử để cứu mạng Lưu Thiện. Vì vậy mối quan hệ của võ tướng họ Triệu với Tân đế tương lai khăng khít và gắn bó hơn quân thần bình thường.

Hàm ý sâu xa phía sau lời phó thác của Lưu Bị dành cho Gia Cát Lượng

Lưu Bị
Hậu thế luôn cho rằng mối quan hệ quân thần giữ Lưu Bị và Khổng Minh luôn khăng khít như cá với nước. Nhưng sự thực liệu có phải như vậy? (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

 

Ngoài việc không chọn Triệu Vân làm đại thần ủy thác, di ngôn của Lưu Bị còn có một lời “nhắn nhủ” đầy hàm ý đối với Gia Cát Lượng.

Theo một số nguồn sử liệu ghi lại, trước lúc lâm chung, Lưu Tiên chủ ngoài việc dặn dò hai vị đại thần Khổng Minh, Lý Nghiêm phò tá Tân đế thì còn nói riêng với Gia Cát Lượng một câu: “Tài Thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nhà nước, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi”.

Lời này của Lưu Bị đã ngầm cho Gia Cát Lượng cái quyền được tự lập làm vua. Tuy nhiên theo Sohu, nếu phân tích kỹ di ngôn ủy thác trên, có thể nói Lưu Tiên chủ từ sớm đã ngấm ngầm sắp xếp để Khổng Minh không thể lộng quyền.

Lưu Bị dù ngoài mặt vô cùng tin tưởng Gia Cát Lượng, thế nhưng thực chất di ngôn ủy thác của ông không chỉ lựa chọn một mình Khổng Minh mà còn xuất hiện thêm một nhân vật khác. Đó chính là Thượng thư Lý Nghiêm.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ Lưu Bị không lựa chọn ủy thác cho một mình Khổng Minh là vì lo sợ trọng thần tài năng này sẽ biến thành một Tào Tháo thứ hai. Vì vậy sự xuất hiện của Lý Nghiêm trong di ngôn rất có thể là một nước cờ của Lưu Tiên chủ nhằm áp chế quyền hành trong triều của Gia Cát Lượng.

Hơn nữa, Khổng Minh và Lý Nghiêm lúc sinh thời mặc dù cùng phò tá cho tập đoàn chính trị Thục Hán, nhưng thực chất lại thường phát sinh mâu thuẫn, quan hệ cũng không phải hoàn toàn hòa hợp.

Có lẽ bản thân Tân đế Lưu Thiện cũng cảm nhận được mối đe dọa từ chính vị Thừa tướng tài cao này, cho nên sau khi Khổng Minh qua đời, Lưu Thiện lập tức bãi bỏ chế độ Thừa tướng. Đây có thể xem là một động thái dập tắt mối đe dọa từ vị trí “dưới một người, trên vạn người” ấy.

Tuy nhiên, những giả thiết này vẫn chỉ là suy đoán của hậu thế, mà đáp án thực sự của hết thảy các nghi vấn trên đây từ sớm đã theo cổ nhân lùi vào dĩ vãng…

Xem thêm  5 thống soái giỏi nhất Tam Quốc: Tư Mã Ý không lọt bảng, Khổng Minh vẫn xếp sau người này

Theo Trần Quỳnh- Trí Thức Trẻ/Soha

Link