Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

“Vì sao người hiền lành vẫn gặp đau khổ?” biết câu trả lời, bạn sẽ nhận ra mình nên làm gì

Có câu “lòng không ác, ắt không khổ”, người hiền lành nhưng vẫn thấy mình khổ, vậy là cớ làm sao?

Có người Phật tử từng hỏi một vị thiền sư có đạo hạnh rất cao rằng: “Thầy ơi, vì sao người tốt như con vẫn thường đau khổ, mà những người ác ngoài kia lại có thể sống tốt đến vậy?”

Vị thiền sư ấy nhìn Phật tử bằng đôi mắt đầy tư bi và trả lời:

“Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, có nghĩa là trong tâm người ấy còn ác tâm. Nếu trong lòng một người không có ác tâm, vậy người đó sẽ không thấy thống khổ.

Dựa theo đạo lý này, nếu con cảm thấy mình vẫn khổ, cũng đồng nghĩa ác tâm vẫn tồn tại trong lòng con, con chưa phải là người lương thiện thực sự, mà những người con cho là ác cũng chưa chắc đã thật là kẻ ác. Bởi một người có thể sống vui vẻ, thì họ không phải là người ác thực sự!”

Vị Phật tử ấy không phục mà đáp lại: “Sao con có thể là người ác? Con vẫn luôn rất thiện lương mà!”

Thiền sư thong thả trả lời: “Lòng không ác, ắt không khổ. Nếu lòng con còn khổ, thì tức là con còn cái ác trong lòng. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ cho con biết ác tâm nào đang tồn tại trong con”.

Phật tử kể lại cho thầy nghe một loạt nỗi khổ của mình:

“Con khổ nhiều lắm! Có lúc con thấy lương mình quá thấp, nhà không đủ rộng. Lòng con vì vậy mà không thoải mái, chỉ hy vọng có thể nhanh chóng thay đổi những điều ấy.

Có những người chẳng học hành gì vẫn giàu có, con thấy không phục. Người trí thức có học như con đi làm lương lại ba cọc ba đồng, thực sự là quá bất công!

Đôi lúc người nhà chẳng chịu nghe lời khuyên của con, con cũng thấy rất khó chịu…”.

Thiền sư nghe xong, gật đầu mỉm cười, nhẹ nhàng giảng giải:

“Thu nhập hiện nay của con đủ để con nuôi sống bản thân và gia đình. Con cũng có nhà ở, không phải lưu lạc nơi đầu đường, chỉ là diện tích có hơi nhỏ một chút. Con hoàn toàn không phải vì những điều ấy mà đau khổ.

Thế nhưng lòng con tham tiền tài, thích nhà rộng, vậy nên mới cảm thấy khổ đau. Lòng tham cũng là cái ác. Nếu con có thể loại bỏ lòng tham, vậy con sẽ không còn thấy khổ vì những điều đó nữa”.

Ảnh minh họa.

Xem thêm  Bị lũ trẻ làm phiền, ông già toan la mắng rồi nghĩ ra diệu kế và bài học ai cũng cần đến

Nói đến đây, thiền sư nhấp một ngụm trà, từ tốn tiếp tục:

“Trong xã hội, có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại trở nên giàu có. Con cảm thấy không phục, đó là lòng đố kỵ, đây cũng là một loại ác tâm.

Con cho rằng bản thân mình có văn hóa thì nên được hưởng thu nhập cao, đây chính là lòng kiêu căng. Kiêu căng vốn cũng là một loại ác tâm.

Bởi vì có văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, mà do kiếp trước chăm cứu tế nên kiếp này mới sang giàu”.

Thấy người Phật tử có vẻ trầm tư, vị thiền sư tiếp tục đi sâu vào lý giải: “Người nhà không nghe theo lời khuyên nhủ của con, con thấy không phục, đó là thiếu lòng bao dung.

Tuy rằng đó là người thân của con, nhưng họ cũng mang tư tưởng và quan điểm của riêng mình. Vì sao con lại muốn ép họ phải tuân theo quan điểm và tư tưởng của con? Không bao dung sẽ sinh ra hẹp hòi, lòng hẹp hòi cũng tính là ác tâm”.

“Tham lam, đố kỵ, kiêu căng, hẹp hòi đều là ác tâm. Bởi lòng con tồn tại những ác tâm như vậy, nên sự đau khổ mới có chỗ đứng. Nếu con có thể loại bỏ những ác tâm ấy thì ắt mọi đau khổ kia cũng tan thành mây khói.

Hãy cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn với thu nhập cùng nhà ở của mình. Con nên biết rằng, con căn bản sẽ không chết đói, cũng chẳng chết cóng, còn những người kia tuy rằng giàu có, nhưng cũng chỉ là tránh được chết đói và chết cóng mà thôi.

Con nên biết rằng, con người có vui vẻ hay không vốn không quyết định bởi tiền tài hay vật chất, mà tùy thuộc vào thái độ sống của họ.

Nắm giữ từng phút giây của cuộc đời, thay thế cái tham lam vốn có bằng thái độ lạc quan, điềm tĩnh, bằng lòng cần cù, con sẽ dần cảm thấy vui vẻ”.

Phật tử không khỏi “vò đầu bứt tai” hỏi rằng: “Thầy ơi, vậy con nên làm thế nào?”

Thiền sư đáp: “Trong xã hội, con nên vui cho những người học vấn không cao mà vẫn giàu có, con cũng nên chúc cho họ càng sung túc hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng.

Khi nhìn thấy người khác đạt được điều gì, hãy vui như thể chính con đạt được điều ấy vậy.

Khi chứng kiến người khác mất đi thứ gì, hãy buồn như thể chính con cũng mất đi thứ đó.

Người như vậy mới là người lương thiện!

Xem thêm  Tước bằng lái tài xế dừng xe cao tốc, mở nồi cơm ăn uống

Còn con hiện tại, bất bình khi thấy người khác hơn mình, đây chính là lòng đố kỵ, là ác tâm, là thứ cần kiên quyết dứt bỏ thì mới có thể vui vẻ thay vì đố kỵ.

Con cũng cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho mình là giỏi, đây chính là kiêu căng. Người kiêu căng thì không thấy được thiếu sót của bản thân, nên mới không thể nhìn thấy đủ loại ác tâm trong lòng mình. Tính xấu ấy sẽ cản trở sự tiến bộ của bản thân, dẫn đến sự tụt hậu và tự ti.

Nên nhớ rằng, chỉ có người nuôi dưỡng đức tính khiêm tốn từ tận sâu đáy lòng, luôn đặt mình ở vị thế khiêm nhường thì mới có được sự sung túc và an vui”.

Giảng giải hết những đạo lý ấy, thiền sư nhìn Phật tử với ánh mắt đầy nhân từ.

Phật tử vô cùng xúc động, im lặng hồi lâu, sau đó cúi đầu cảm tạ thầy và nói: “Nếu không có thầy chỉ bảo, con sẽ vĩnh viễn không nhìn thấu cái ác trong lòng mình…”

Cổ nhân có câu “gieo nhân nào gặp quả nấy”, kiếp trước năng làm việc thiện mới chính là căn nguyên cho sự giàu có ở kiếp này. Chân lý ấy cũng giống như câu tục ngữ dễ hình dung của Trung Quốc: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”.

Nhưng có nhiều người vẫn chưa giác ngộ được luật nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa. Đây đích thị là biểu hiện của sự mê muội.

Chỉ người siêng năng học hỏi Phật pháp mới thực sự thấu hiểu được nhân quả của vạn vật, vạn việc, để từ đó biết thay đổi, lựa chọn hành vi, lời nói và tư tưởng của mình sao cho phù hợp.

Người như vậy mới có thể đi theo ánh sáng, hướng tới an yên.

Vốn dĩ, bầu trời có thể bao dung hết thảy cho nên mới rộng lớn vô biên. Mặt đất có thể chịu đựng tất cả cho nên mới tràn đầy sự sống.

Một người sống ở trên đời, chớ nên coi thường người khác, đối với người thân cũng không nên mang lòng cưỡng cầu, cứ để tất cả tùy duyên, tự tại, vĩnh viễn dùng tấm lòng lương thiện đối đãi với thế gian.

Nếu tâm có thể bao dung vạn vật như bầu trời, thì vạn nỗi khổ đau làm gì còn có chốn dung thân?

Trần Quỳnh – Trí thức trẻ

Link