Trước khi thế chân vạc được thiết lập, không phải Quan Vũ hay Trương Phi, Hoắc Tuấn mới chính là võ tướng giúp Lưu Bị có tiền đề để cùng Tào Tháo – Tôn Quyền tranh thiên hạ.
Vào cuối thời Đông Hán, Hán Linh Đế đẩy mạnh chế độ phân phong châu mục. Theo đó, mỗi châu sẽ được quản lý bởi người đứng đầu, người này cũng nắm giữ toàn bộ quyền hành quân chính ở địa bàn của mình.
Cứ như vậy, các châu của Đại Hán dần hình thành các chư hầu với thế lực tương đối mạnh mẽ. Đó là chưa kể tới một số thủ lĩnh địa phương âm thầm mở rộng lực lưỡng vũ trang của mình rồi tự lập làm châu mục, thời thế vì vậy mà càng trở nên hỗn loạn vô cùng.
Trải qua nhiều năm hỗn chiến, ba thế lực của Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị không ngừng lớn mạnh, mỗi người cát cứ một phương.
Tào Tháo thống nhất phương Bắc, thành lập chính quyền Tào Ngụy. Tôn Quyền ở Hồ Bắc thành lập Đông Ngô, Lưu Bị ở Tứ Xuyên cũng có Thục Hán.
Thế nhưng nếu so với hai đối thủ nặng ký là Tào – Tôn, xuất phát điểm của Lưu Bị vốn dĩ có nhiều thua kém, thậm chí từng có lúc còn không bằng một số chư hầu nhỏ yếu khác.
Để vị quân chủ họ Lưu này có thể nhanh chóng quật khởi vài thành lập chính quyền một phương chắc chắn, yếu tố cần thiết phải kể tới chính là vai trò của không ít thuộc hạ đắc lực.
Theo một nhận định đăng trên Sina, các võ tướng thuộc tập đoàn chính trị Thục Hán đóng vai trò quyết định để thế lực này có đủ khả năng tranh thiên hạ cùng Ngụy – Ngô. Trong số đó có không ít nhân vật nổi danh vốn đã quen thuộc hậu thế như Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung, Triệu Vân…
Tuy nhiên, sự thực là trước giai đoạn thế chân vạc được hình thành, thủ hạ giúp Lưu Bị có được tiền đề vững chắc vốn không phải là ai trong các nhân vật nổi danh kể trên, mà lại là một võ tướng không mấy “tiếng tăm”. Nhân vật này chính là Hoắc Tuấn.
Vị tướng họ Hoắc từng được Lưu Bị hết lòng trọng dụng
Hoắc Tuấn từng là một trong những mãnh tướng được Lưu Bị vô cùng tin tưởng và trọng dụng. (Tranh minh họa).
Hoắc Tuấn (177 – 216), tự Trọng Mạc, vốn là người Nam Quận thuộc đất Kinh Châu xưa.
Ban đầu, Hoắc Tuấn từng thống lĩnh một nhánh quân binh ở địa phương dưới quyền Lưu Biểu. Năm 208, sau khi Lưu Biểu qua đời, ông đã dẫn quân đi theo Lưu Bị và được phong làm Trung Lang tướng.
Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, Hoắc Tuấn được La Quán Trung xây dựng với thân phận là một bồi thần dưới quyền Lưu Bị và đi theo Lưu Bị sau khi ông tiếp quản Kinh Châu.
Khi Lưu Bị nhập Xuyên, Hoắc Tuấn được cử đi theo và làm chỉ huy quân sự cho binh lính của vị quân chủ này.
Dù là trong tiểu thuyết hay trong chính sử, tên tuổi của Hoắc Tuấn vẫn gắn liền với trận chiến ở cửa ải Hà Manh.
Mặc dù không nổi danh như những trận đại chiến khác, nhưng chiến thắng của vị tướng họ Hoắc tại đây chính là một mắt xích quan trọng giúp thế lực của Lưu Bị có thể cùng Tào – Tôn chia ba thiên hạ.
Chiến thắng quyết định giúp tập đoàn Thục Hán có tiền đề để “tam phân thiên hạ”
Năm 208 sau Công nguyên, Lưu Bị cuối cùng cũng gặp được Gia Cát Lượng. Tại đất Long Trung, hai nhân vật này đã có một buổi đàm luận về thế sự thiên hạ.
Bấy giờ, Gia Cát Lượng chỉ rõ việc tiến vào Ích Châu vốn được xem là tiền đề để gây dựng thành tựu nghiệp bá. Thế nhưng Lưu Bị muốn thực hiện bước đi này vốn không phải dễ dàng, bởi đây là một trong những địa bàn của Lưu Chương.
Năm 211, Lưu Chương nghe theo đề nghị của Trương Tùng, mời Lưu Bị nhập xuyên để liên thủ chống Trương Lỗ. Nhận thấy thời cơ ngàn năm có một đã vẽ ra trước mắt, Lưu Bị vô cùng mừng rỡ, nhanh chóng dẫn quân đội của mình tới cửa ải hiểm yếu ở phía Bắc đất Ích Châu là Hà Manh.
Từ đây, Lưu Huyền Đức tuyên bố mình là tôn thất chính thống của hoàng tộc nhà Hán, cũng tỏ ra quyết tâm nhất thống thiên hạ, phục hưng Hán thất.
Thế nhưng chỉ một thời gian sau, Lưu Bị và Lưu Chương bắt đầu nảy sinh bất hòa. Trước sự căng thẳng này, Lưu Bị đã quyết định lấy Hà Manh làm gốc, đem quân đánh chiếm Ích Châu thuộc địa bàn Lưu Chương.
Năm 213, Lưu Bị trở mặt đánh Lưu Chương, đoàn quân của ông từ ải Hà Manh tiến xuống phía Nam tập kích.
Trước thế trận nóng như lửa bỏng ấy, vị tướng được ông giao cho trọng trách trấn giữ Hà Manh không ai khác ngoài Hoắc Tuấn. Hay nói cách khác, vị quân chủ họ Lưu đã giao toàn bộ an nguy của hậu phương sau lưng mình cho võ tướng ấy.
Theo sử liệu ghi lại, bấy giờ Hoắc Tuấn chỉ có trong tay vẻn vẹn vài trăm quân để trấn thủ cửa ải hiểm yếu này. Tương truyền rằng khi Trương Lỗ từ Hán Ninh sai tướng Dương Bạch dụ ông đầu hàng, ông đã trả lời vô cùng khảng khái: “Lấy được đầu ta chứ không lấy được thành đâu”.
Biết được Lưu Bị đã dẫn đại quân rời thành, mưu sĩ dưới quyền Lưu Chương cho rằng Hà Manh bấy giờ đang trống không, bèn đề nghị quân chủ của mình đem quân tấn công, từ đó tạo thành thế bao vây Lưu Bị.
Sau khi tới đây, phát hiện trong thành chỉ có một vị tướng trấn thủ cùng vài trăm tên lính, quân Lưu Chương liền phát động tổng tấn công.
Thế nhưng kết quả là đại quân cả mười ngàn người vốn không có cách nào công phá thành trì này trong suốt một năm ròng rã, thậm chí còn chuốc lấy tổn thất nghiêm trọng.
Về phần Hoắc Tuấn, ông đã dùng vài trăm binh lính ít ỏi trong tay mình để lấy một chọi mười, lấy ít địch nhiều, thành công chặn đứng thế tiến công của Lưu Chương.
Thậm chí, Hoắc Tuấn còn tranh thủ lúc quân địch đang rệu rã tinh thần, dẫn một nhánh quân phản công bất ngờ, đánh bại quân địch, chém đầu tướng địch là Hướng Tồn.
Mấy tháng sau, Thành Đô thất thủ, Lưu Chương buộc phải đầu hàng, Lưu Bị chính thức tiếp nhận chức Ích Châu mục. Cũng kể từ đây, vị quân chủ này đã có trong tay tiền đề vững chắc để cùng Ngụy – Ngô “tam phân thiên hạ”.
Năm 214, Lưu Bị hoàn thành công cuộc đánh chiếm đất Thục. Khi luận công khen thưởng, Hoắc Tuấn đã được vị quân chủ này phong làm Thái thú Tử Đồng, Tì tướng quân.
Có ý kiến cho rằng, nếu so sánh với những võ tướng cùng chiến tuyến lúc bấy giờ như Quan Vũ, Trương Phi hay Triệu Vân… Hoắc Tuấn mới đích thực là võ tướng tài giỏi nhất dưới trướng Lưu Bị. Chỉ tiếc rằng nhân tài đoản mệnh, vị tướng họ Hoắc tài ba ấy đã qua đời vào năm 216 khi sắp bước sang tuổi tứ tuần.
Sau khi tạ thế, ông được an táng tại Thành Đô. Trước sự ra đi đột ngột của trọng thần đắc lực, Lưu Bị đau đớn vô cùng, thậm chí còn đích thân dẫn quân thần tới điếu tế và ngủ lại mộ ông.
Theo Trần Quỳnh- Trí thức trẻ/Soha