Thứ hai, Tháng mười hai 9
Shadow

Viện kiểm sát đề nghị tuyên Grab bồi thường 41,2 tỉ cho Vinasun

Chiều 23-10, phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguyên đơn là công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng tiếp tục với việc phát biểu quan điểm của VKS.

Đại diện Vinasun (bìa trái) và đại diện Grab (bìa phải) – Ảnh: TUYẾT MAI

Đại diện VKSND TP.HCM nhận định: Về tố tụng, tòa đã thu thập tài kiệu chứng cứ, lời khai của người làm chứng theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Xét tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại.

Quan hệ tranh chấp về quyền dân sự căn cứ theo điều 4 và điều 3 Bộ luật dân sự (BLDS), luật khác có điều chỉnh quan hệ dân sự không được trái với luật nên trong trường hợp này được áp dụng.

Căn cứ theo Khoản 1,Điều 8 BLDS và Điều 14 BLDS về việc bảo vệ quyền dân sự thì nguyên đơn có quyền khởi kiện vụ án này.

Pháp luật về cạnh tranh và tố tụng không có quy định cơ quan hành chính nhà nước được phép giải quyết về bồi thường thiệt hại.

Theo Điều 5 luật trọng tài thương mại thì các bên phải có thỏa thuận giải quyết trannh chấp bằng thủ tục trọng tài thì cơ quan trọng tài mới được phép thụ lý.

Xem thêm  “Xe ôm công nghệ” của Mai Linh tung ra mức cước tương đương Uber, Grab

Trong vụ án này, nguyên đơn chứng minh bị đơn có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho nguyên đơn, chứ không phải đề án 24 gây thiệt hại cho nguyên đơn nên đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện.

Các bên là pháp nhân thương mại nên thuộc thẩm quyền của tòa kinh tế – TAND TP.HCM.

Vì đề án 24 không phải đối tượng khởi kiện nên không cần đưa Bộ GTVT vào tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng không cần thiết phải tiến hành giám định lại thiệt hại như yêu cầu của bị đơn.

Về nội dung vụ án, VKSND TP.HCM cho rằng trong đăng ký doanh nghiệp của Grab có ngành nghề kinh doanh là vận tải hành khách đường bộ, trừ vận tải bằng xe buýt.

Thực tế hoạt động khẳng định Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải. Grab đã lợi dụng đề án 24 để điều hành vận tải taxi, có hành vi xác định giá cước, tăng giảm chiết khấu, thưởng phạt, mua bảo hiểm dân sự tự nguyện cho hành khách… Đây là các hành vi mà Grab không được phép làm.

Từ đó, VKSND TP.HCM xác định Grab kinh doanh vận tải taxi, Grab đã kê khai không trung thực, có hành vi vi phạm về khuyến mãi, theo giám định thì 74% khách hàng chuyển từ Vinasun sang Grab do giá cước rẻ, doanh thu của Grab mỗi năm mỗi tăng, tốc độ tăng nhanh.

Xem thêm  Đề xuất "mất bằng lái xe phải thi lại": Không phải anh muốn ban hành cái gì cũng được!

Từ năm 2014 đến năm 2017, Grab lỗ 1.700 tỉ, chủ yếu do khuyến mãi.

Trên thực tế, giá cổ phiếu của Vinasun giảm. Cụ thể ngày 30-6-2017, giá cổ phiếu của Vinasun là 21.900 đồng/cổ phiếu (giảm 2.200 đồng/cổ phiếu), tương ứng với giá trị 149 tỉ đồng.

Từ đó, Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có cơ sở khẳng định Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỉ đồng, bồi thường 1 lần.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng đây là vụ án phức tạp nên HĐXX cần có thời gian nghị án. Tòa sẽ tuyên án vào 14h ngày 29-10.

Sau phiên tòa, ông Jerry Lim, đại diện Grab, chia sẻ Grab cảm thấy thất vọng với ý kiến của đại diện VKSND TP.HCM và mong rằng HĐXX sẽ có bản án khách quan, phù hợp.

Tuyết Mai – Theo Tuổi trẻ

Link gốc