Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

VN Pharma buôn thuốc ung thư giả được Cục quản lý dược cấp giấy phép

Thực tế gần 10.000 hộp thuốc trị ung thư giả mà VN Pharma nhập khẩu là có giấy phép và giấy phép này do Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp. Cơ quan điều tra cũng phát hiện VN Pharma đã dùng cả trăm tỷ đồng để “bôi trơn” các nơi cho hoạt động kinh doanh được thuận lợi.

Thuốc giả được chính Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu

Trong phiên tòa ngày 23/8, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) cho rằng: theo quy định đối với việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp hồ sơ để Cục Quản lý Dược Bộ Y tế xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu cho lô hàng.

vn pharma, thuốc chữa ung thư giả, cục quản lý dược

Các bị cáo tại phiên tòa

Căn cứ trên hồ sơ VN Pharma cung cấp, ngày 30/12/2013, Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã cấp Giấy phép nhập khẩu cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita. Ngày 11/4/2014, VN Pharma đã nhập khẩu 9.300 hộp H-Capita qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất với giá trị 697.500 USD.

Số thuốc này về mặt pháp lý được xác định là nhập khẩu bằng con đường hợp pháp vào Việt Nam. Nay xác định hồ sơ bị giả mạo, tất nhiên phải có phần trách nhiệm của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế.

Chính Cục Quản lý Dược đã ban hành văn bản số 22113 ngày 30/12/2013 (có giá trị như giấy phép nhập khẩu), đồng ý cho VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, có giá trị 1 năm nên VN Pharma mới nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita.

Xem thêm  Bộ Y tế thừa nhận việc em chồng Bộ trưởng làm ở VN Pharma

Tại Văn bản số 41 ngày 8/1/2016, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) cho rằng các cán bộ thuộc Cục Quản lý Dược Bộ Y tế không phát hiện Cty Austin hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam. Do đó, Cục Quản lý Dược chưa làm hết trách nhiệm, để cho VN Pharma lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, cấp phép, thực hiện hành vi buôn lậu thuốc.

Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng cũng đề nghị cần bảo đảm tính khách quan của việc thành lập Hội đồng giám định thuốc, cũng như cần giải thích, làm rõ các kết luận của Hội đồng giám định chất lượng thuốc vì thành phần Hội đồng có thành viên thuộc Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, 1 đơn vị có liên quan đến vụ án. Ông yêu cầu trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định mới không có các thành viên thuộc Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế.

Dùng cả trăm tỷ đồng để “bôi trơn” nhưng không điều tra ra

Trong quá trình điều tra vụ án VN Pharma, cơ quan điều tra đã phát hiện không những trong vụ án này có chuyện “bôi trơn” cho các bệnh viện để bán thuốc mà VN Pharma còn dùng hàng trăm tỉ đồng để “bôi trơn” các nơi khác.

Do các khoản “bôi trơn” này không có hóa đơn, chứng từ, VN Pharma đã sử dụng chiêu nâng khống giá thuốc trong các hợp đồng nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc rồi chuyển tiền ra nước ngoài, sau đó lấy lại để “bôi trơn”.

Xem thêm  Vì sao Bộ Y tế không thừa nhận thuốc ung thư giả?

Theo hồ sơ vụ án, Ngô Anh Quốc, Nguyễn Trí Nhật (đều nguyên Phó giám đốc VN Pharma) và Lê Thị Vũ Phượng đều khai nhận đã nâng khống giá thuốc trên các hợp đồng mua thuốc H-Capita để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện.

Các cá nhân trong công ty VN Pharma mở sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng và chi hoa hồng thông qua tài khoản của các doanh nghiệp mà họ lập ở nước ngoài như công ty Sa Chempha ở Camphuchia; công ty Sigma Holding và công ty Auspicious ở Hong Kong. Trong đó, Ngô Anh Quốc đứng tên số tiền trên 70 tỉ đồng; Nguyễn Trí Nhật đứng tên số tiền 59 tỉ đồng; Lê Thị Vũ Phương đứng tên số tiền 27,5 tỉ đồng; Nguyễn Văn Vàng đứng tên số tiền 5 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định: “Thực chất số tiền này là tiền của VN Pharma sử dụng chi phí hoa hồng cho các bệnh viện”.

Cơ quan điều tra nhận định hành vi trên có dấu hiệu trốn thuế. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra đã lâu nên không có điều kiện điều tra.

Theo Dân trí