Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ kiện cáo, ly hôn: Lá thư nhức nhối của người mẹ

Cuộc chiến quyền lực âm ỉ suốt 3 năm qua giữa đôi vợ chồng nổi tiếng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo gần đây đã thật sự bùng nổ, với những thông tin tung ra từ cả 2 phía khiến công chúng bất ngờ. Tuy nhiên, cả hai doanh nhân dày dạn này đều biết phải làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại, doanh số tiếp tục gia tăng.

Là một phụ nữ thông minh, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khéo léo vận dụng hầu hết các phương thức lan tỏa thông tin thời hiện đại để truyền đi các thông điệp mình muốn nói. Với gương mặt sáng, giọng nói rõ ràng dễ nghe, nội dung khúc chiết, những bài trả lời phỏng vấn của bà trên các kênh truyền hình lớn nhỏ, báo mạng, báo giấy, video clip phát lên Youtube, các status trên Fanpage “Le Hoang Diep Thao – Người khởi nghiệp” đều thu hút đông đảo công chúng theo dõi.

Qua đó, hàng vạn người thấy ở bà Diệp Thảo hình ảnh và bản lĩnh của một phụ nữ trí thức hiện đại, hết lòng yêu chồng, thương con, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách, không ngừng sáng tạo trong kinh doanh và quảng bá mạnh mẽ những mặt hàng mới mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên của Việt Nam.

Sau 2 thập kỷ giữ vai trò một nội tướng kín tiếng, luôn đứng khuất sau cái bóng của chồng, cho tới khi bị bãi nhiệm chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn, bà Thảo mới lao ra thương trường, tách khỏi Tập đoàn Trung Nguyên từ tháng 7/2015. Tháng 10/2016 bà thành lập Công ty TNHH MTV TNI tại Hoa Kỳ, chuyên sản xuất các mặt hàng cà phê Việt với một tên gọi dễ đọc, dễ nhớ là King Coffee – Cà phê Vua. Bà liên tiếp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với những danh xưng tự khẳng định mạnh mẽ: “Người khởi nghiệp”, “CEO của TNI Corporation”, “Người đồng sáng lập, đồng sở hữu tập đoàn cà phê Trung Nguyên”.

Lê Hoàng Diệp Thảo
Trung Nguyên Legend trong hội chợ triển lãm lương thực thế giới 2018 tại Nga

Trả lời phỏng vấn qua email về hiệu quả của sự nỗ lực sản xuất ra những mặt hàng mới, và tiến trình quảng bá cà phê TNI Corporation ra thị trường quốc tế, nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết:

Tôi đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu King Coffee- Cà phê Vua với chiến lược “Đi quốc tế, về Việt Nam”. King Coffee ra mắt đầu tiên tại Mỹ, thị trường khó tính bậc nhất thế giới, rồi nhanh chóng có mặt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Australia, Canada, Pháp, Hà Lan, Singapore, Thái Lan,… Chỉ gần ba năm sau khi được giới thiệu lần đầu tiên, đến nay King Coffee đang được phân phối ở 61 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu. Ở Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới – chỉ sau một thời gian ngắn, King Coffee đã lọt vào Top 4 thương hiệu bán chạy nhất trên Kênh T-Mall Super Market, một trong ba website thương mại điện tử chủ chốt của Alibaba.

Bà Thảo xác nhận: Sau khi đưa King Coffee trở về Việt Nam, TNI Corporation đã xây dựng nhà máy TNI ở Nam Tân Uyên chỉ trong 5 tháng để đảm bảo nguồn hàng King Coffee đủ cung ứng liên tục. Nhằm “ưu tiên số một cho lộ trình đưa cà phê Việt ra thế giới”, dưới sự điều hành của bà, trụ sở chính của TNI Corporation đã hội tụ các chuyên gia cà phê hàng đầu Việt Nam đến làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, như R&D, Marketing, Phát triển kinh doanh, Tài chính,… để điều hành mạng lưới phân phối toàn cầu, đồng thời kết nối với văn phòng của công ty tại một số thị trường chính như Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và sắp tới đây là văn phòng tại Anh quốc.

Trong vòng xoáy kiện tụng mỗi lúc một gay cấn giữa ông bà chủ tập đoàn Trung Nguyên, với 20 năm kinh nghiệm trong ngành cà phê, bà Thảo vẫn điều hành suôn sẻ để King Coffee tung ra thị trường các mặt hàng cà phê hoà tan và rang xay đa dạng. Bà cũng lần lượt cho ra mắt chuỗi quán cà phê King Coffee, với mong muốn mở khoảng 1.000 quán trong và ngoài nước vào 2 năm tới.

Lê Hoàng Diệp Thảo
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Sự tái xuất của doanh nhân- đạo sĩ

Trong 5 năm thiền định giữa thảo nguyên M’Đrắk, Đặng Lê Nguyên Vũ đã dành nhiều thời gian đàm đạo, và cùng làm việc với một cộng sự mà ông đặc biệt tôn trọng: GS-TS kinh tế Tôn Thất Nguyễn Thiêm.

Xem thêm  Yuebao - Ví tiền trực tuyến “tự đẻ ra tiền", quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới và cuộc cách mạng tài chính của Jack Ma

Nguyên là giáo sư về kinh tế phát triển và chiến lược ngoại thương tại Đại học Tổng hợp Brussels-Bỉ, GS Thiêm là tác giả của nhiều cuốn sách lý thú không chỉ về quản trị kinh doanh. Sau cơn trọng bệnh ngỡ đã chìm vào cửa tử, GS Thiêm trở lại cuộc sống với chiêm nghiệm mới về hạnh phúc và những điều vượt thoát trên số phận con người, mà ông đã mô tả trong cuốn “Ngộ” với 4 chương “Ngộ, Thức, Sinh, Hành”, vừa thấm đẫm chất  triết đạo huyền diệu, vừa rõ ràng chỉ một lẽ: phải sống sao cho ra con người! Cảm giác đó hẳn rất gần với những gì Đặng Lê Nguyên Vũ đã trải qua sau đợt tuyệt thực đau đớn kéo dài suốt 49 ngày để “thanh lọc thân tâm”. Hai ông cùng tâm đắc biên soạn, hoàn chỉnh trọn bộ Sách Lược Tâm. Từ đó, ông Vũ  định ra kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn, nhằm vươn đến sự “Khác biệt, Đặc biệt và đi đến tính Duy nhất” cho Trung Nguyên, thương hiệu mà ông vừa gắn thêm vào tên chữ “Legend” (huyền thoại).

Công chúng ngày càng đồn thổi ồn ào chuyện doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ bị bệnh tâm thần nên ruồng rẫy vợ con, bỏ mặc tập đoàn Trung Nguyên cho một nhóm bất lương thao túng, rút ruột, trục lợi cá nhân, âm mưu chiếm đoạt.

Khi sự bài xích vây bủa tới đỉnh điểm, ông Vũ mới bất ngờ đưa ra lời mời gặp gỡ một nhóm nhỏ nhà báo tại trụ sở Trung Nguyên Lengend, trong đó có Tiền Phong, để ông thổ lộ nhiều điều gan ruột đã “tịnh khẩu” suốt 5 năm.

Trong cuộc gặp kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, từ chiều đến tối ngày 13/8, với phong thái và ngôn từ một “doanh nhân đạo sĩ”. Nội dung được ông Vũ dành nhiều thời gian nhất để giãi bày, không phải là về cuộc hôn nhân sóng gió mà ông Vũ đã thở dài gọi là “kiếp nạn”, “Nhắc tới chỉ càng thêm đau”. Điều ông mong muốn được lan tỏa rộng khắp, chính là nội hàm thiện lành của Sách Lược Tâm.

Ông Vũ cho biết: Nền tảng đầu tiên và lớn nhất của Sách Lược Tâm là tinh thần yêu thương và phụng sự cộng đồng xã hội, là kinh doanh theo phương châm “Cho là Nhận”. Tất cả động lực và giá trị cốt lõi của Trung Nguyên Legend được hình thành và phát triển là từ tình yêu thương, hướng đến việc đem lại đa lợi ích bền vững nhằm phụng sự cộng đồng. Đây không phải là điều mới mẻ. Thực chất Sách Lược Tâm chính là linh hồn, là bệ phóng khiến 22 năm qua Trung Nguyên không ngừng lớn mạnh, không ngừng truyền lửa yêu nước, niềm tự hào Đại Việt và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Bất chấp các cuộc kiện tụng giành quyền điều hành tập đoàn nổ ra giữa ông bà chủ Trung Nguyên ngày càng gay gắt, Trung Nguyên Legend vẫn tiếp tục đầu tư  mạnh vào hệ thống nhà máy chế biến hiện đại. Trong đó, nhà máy cà phê rang xay Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột sử dụng toàn thiết bị từ Châu Âu cho dây chuyền khép kín, đạt sản lượng 40.000 tấn/năm; Nhà máy sơ chế cà phê nhân Buôn Ma Thuột; Nhà máy cà phê hòa tan Bình Dương với công nghệ hàng đầu châu Á, đạt sản lượng 15.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Trung Nguyên-Sài Gòn với dây chuyền Micro Ground, sản xuất 20.000 tấn chiết xuất/năm.

Sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, được lựa chọn làm “đại sứ ngoại giao” kết nối văn hóa Việt Nam với quốc tế, được chọn phục vụ tại các Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu như APEC, ASEM, ASEAN, WEF,…

Lê Hoàng Diệp Thảo
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Tháng 11/2017, Tập đoàn Trung Nguyên Legend chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Thượng Hải (TQ), mở rộng hơn nữa tại các thị trường Nhật, Hàn, Mỹ, Canada, Nga, Thái… Năm 2018, Trung Nguyên Legend tiếp tục cho ra đời các “tuyệt phẩm” cà phê rang xay uống liền, ứng dụng siêu công nghệ Nano giữ trọn vẹn hương vị tươi ngon đặc trưng. Kèm theo đó, chuỗi quán E-coffee hình thành hệ thống bán lẻ F&B chuyên về cà phê, hợp tác nhượng quyền. Tại Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên Legend đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng dự án Thành phố Cà phê trên diện tích hơn  45 hecta, thiết kế những không gian sống xanh tươi, đẹp đẽ, thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư.

Xem thêm  Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: "Đổ vỡ là do anh Vũ thay đổi quá nhiều, không còn là anh Vũ ngày xưa"

Gạn lọc bớt những từ ngữ mà công chúng có thể dị ứng bởi chất đại ngôn, con số đã phơi bày do vụ kiện tại Trung Nguyên Legend, là lợi nhuận sau thuế từng năm, trong 4 năm gần nhất đều đạt trên 680 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này đã được xác nhận bởi Công ty kiểm toán KPMG, đảm bảo thu nhập cho hơn 5.000 người lao động là cán bộ nhân viên của Tập đoàn. Trong đó, một phần được dùng vào việc tái đầu tư, đổi mới toàn diện, phát triển mạnh mẽ những thương hiệu mới với những quyết sách thích hợp, cụ thể hóa Sách Lược Tâm, nhằm đưa Trung Nguyên Legend trở thành thương hiệu Việt toàn cầu đầu tiên trong ngành cà phê.

Lá thư nhức nhối của đấng sinh thành

Tại sao đôi doanh nhân tài giỏi, có chung 4 đứa con và khối tài sản đồ sộ lại không thể thỏa thuận chia tay một cách yên ả, lịch sự, để sau đó mạnh ai nấy tự do bước trên con đường riêng, với mục tiêu riêng của mình? Dao sắc không gọt được chuôi?

Trả lời câu hỏi về điều gì khiến bà tự hào với Trung Nguyên, với người chồng mà bà vừa nói yêu thắm thiết vừa đệ đơn ly hôn? Doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định: “Điều khiến tôi tự hào là đã góp phần khai phá sức mạnh của ngành cà phê Việt Nam, đã nhìn ra được khả năng của anh Vũ khi anh còn là một anh sinh viên nghèo… Tôi cũng tự hào vì đã dám đón lấy ước mơ và khao khát của anh Vũ khi anh còn trẻ và chưa thể thực hiện được ước mơ của mình? Tôi tự hào vì đi cùng anh Vũ suốt những năm tháng tuổi trẻ của anh, từ khi anh còn là anh sinh viên vô danh cho đến khi được báo chí thế giới xưng tụng là “Vua cà phê”, chưa khi nào vắng bước chân tôi song hành…”.

Thế nhưng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ bác bỏ việc bà Thảo “mạo nhận là người đồng sáng lập”, mà còn cho rằng chính bà Thảo đã gây thiệt hại tài sản của Trung Nguyên tới 4.200 tỷ đồng. Trong lá đơn gửi các vị lãnh đạo Chính phủ ký ngày 18/8/2017, ông Vũ viết “Những yêu cầu, đòi hỏi vượt quá giới hạn cho phép của một người vợ trong vụ án ly hôn đã gây nhiều khó khăn chồng chất cho Tập đoàn…”.

Bà Lê Thị Ước, thân mẫu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đồng ý để báo chí công khai 2 lá thư mà bà và chồng bà là ông Đặng Mơ đã đau lòng giãi bày. Thư tay ông Đặng Mơ viết gửi con dâu ngày 12/11/2015, sau khi nghe cô tuyên bố mình là người đồng sáng lập Trung Nguyên.

Trích: “Trung Nguyên là do chồng con sinh ra và ba đi đăng ký từ giữa năm 1996. Ba nhớ như in, con về làm dâu nhà ba ngày 7/11/1998 khi công ty đã khá cứng cáp và có những thành công đầu tiên. Đây là sự thật quá nhiều người biết… do vậy, con không thể đạt được điều mình mưu tính đâu con ạ”.

Thư của bà Ước viết tháng 8/2017 dài tới 5 trang, gửi một vị lãnh đạo ngành Tòa án, trích: “Là người có trách nhiệm và tự trọng, con tôi chỉ lập gia đình khi sự nghiệp và kinh tế đã vững. Với quá trình lập nghiệp như đã kể trên, làm sao có sự đồng sáng lập và sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình vợ như cô Thảo đã tuyên bố?… Cô đã dựng lên chuyện chồng mình bị bệnh tâm thần, mất khả năng hành vi dân sự. Không gì đau khổ hơn khi người mẹ phải bất đắc dĩ 2 lần đưa con mình đi giám định tâm thần. Kết quả là con trai tôi hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh…”.

Đồng sáng lập thì được gì, mà đôi bên phải nặng lòng chứng minh đến thế? Nhiều độc giả thắc mắc. Việc này khá dễ hiểu: theo quy định pháp luật, người đồng sáng lập sẽ được nhận phần sở hữu đáng kể khi phân chia tài sản, mà trong vụ kiện ly hôn của Trung Nguyên, các khối tài sản sẽ bị phân chia lên tới con số nhiều nghìn tỷ.

Cuộc ly hôn nhức nhối xé đôi Tập đoàn dẫn đầu thương hiệu cà phê Việt này chưa biết tới bao giờ mới tới hồi kết…

Theo Tiền Phong

Link gốc