Tương truyền rằng, phàm là những người nhìn thấy “mặt mộc” của Lão Phật gia Thanh triều đều chẳng mấy ai có kết cục tốt đẹp.
Trong lịch sử Trung Quốc, có một người phụ nữ từng nhiều lần buông rèm nhiếp chính, thậm chí đích thân lập Hoàng đế. Đó không ai khác chính là “Lão Phật gia” khét tiếng vương triều Đại Thanh – Từ Hy Thái hậu.
Nhắc đến vị Tây Thái hậu này, hậu thế không chỉ truyền tai nhau những câu chuyện về lối sống xa xỉ và cách thâu tóm quyền lực đầy mưu mô của bà, mà còn thường xuyên nhắc tới giai thoại về nhan sắc từng làm khuynh đảo hậu cung thời kỳ Vãn Thanh của Từ Hy.
Mặc dù những người thân cận với Lão Phật gia đều ca ngợi hết lời về nhan sắc của bà dù là lúc xuân sắc hay cả khi về già. Nhưng có giai thoại lại khẳng định rằng, Từ Hy Thái hậu từng hạ lệnh chém thẳng tay những nô tỳ, thái giám vô tình nhìn thấy mặt mộc của mình.
Vậy đâu mới là sự thật về nhan sắc của người phụ nữ quyền lực nhất Đại Thanh một thời?
Chân dung Từ Hy Thái hậu. (Ảnh: Nguồn Internet).
Người phụ nữ “ăn diện” nhất Đại Thanh
Phàm là phi tần của một bậc Đế vương, diện mạo chỉn chu, xinh đẹp luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Xuất thân là thê tử của Hoàng đế Hàm Phong, ngay cả khi về già, Từ Hy vẫn luôn coi trọng quan niệm ấy.
Là một người vô cùng thích làm đẹp, Từ Hy từng để lại câu nói: “Một vị phi tử mà ngay tới ăn vận trang điểm cho mình cũng làm không tốt, thì còn có tư cách mong Hoàng đế sủng ái mình hay sao?”
Cũng chính bởi sự đam mê, thậm chí là “ám ảnh” về cái đẹp, Từ Hy chưa bao giờ chấp nhận sự thật là quy luật thời gian có thể làm mài mòn vẻ đẹp của con người. Bà tin tưởng rằng chỉ cần ăn vận, trang điểm thật mỹ lệ thì cho dù có lớn tuổi vẫn sẽ lưu lại được tới vài phần nhan sắc.
Trong cuốn hồi ức mang tên “Hình bóng hoàng triều” của mình, một người thân cận bên cạnh Từ Hy là Đức Linh Công chúa từng miêu tả: “Thái hậu […] phong tư thướt tha, đẹp như thiếu nữ, đó là điều mà người trong cung ai cũng ngưỡng mộ”.
Sử cũ cũng ghi lại, ngay cả khi về già, Từ Hy vẫn vô cùng yêu thích việc ăn vận, trang điểm. Bà sở hữu vô số đồ mỹ phẩm, trong đó có xà bông thơm, phấn hoàng cung, son, âu tử phương, ngọc dung tán, hoắc hương tán… và nhiều đồ dùng làm đẹp quý giá khác.
Về chuyện ăn mặc, mỗi năm Từ Hy sử dụng ít nhất 160 thếp vải quý. Mọi thứ từ màu sắc, họa tiết, chất liệu… đều được bà lựa chọn vô cùng cẩn thận.
Mức độ chịu chi của Từ Hy dành cho công việc làm đẹp thừa sức để bà có được danh hiệu
“Người phụ nữ ăn diện nhất Đại Thanh”.
Không chỉ chú trọng về cách trang điểm, ăn mặc, Từ Hy còn chi một khoản không nhỏ cho các loại trang sức. Ngay tới bản thân nữ quan Đức Linh khi bước vào căn phòng cất châu báu của Thái hậu cũng không khỏi sức sốt:
“Gian phòng này ba mặt đều là giá để đồ cao tới nóc nhà, ở trên bày kín những chiếc hộp gỗ tử đàn, bên trong đều là châu báu, trang sức. Mỗi chiếc hộp đều có dán một tờ giấy màu vàng nho nhỏ để ghi tên.
[…] Trong phòng này có khoảng 3000 chiếc hộp, một số khác được Thái hậu khóa kín và để riêng.”
Tâm sự về tình yêu với cái đẹp của mình, Từ Hy từng chi sẻ với Đức Linh:
“Ta lớn tuổi như thế này còn phí tâm tư cho mấy việc ăn mặc, trang điểm, chắc hẳn ngươi sẽ thấy rất buồn cười.
Thế nhưng, ta vốn thích ăn vận thật đẹp, mà cũng thích nhìn người khác trang điểm xinh đẹp. Mỗi khi nhìn thấy những cô gái diễm lệ ấy, ta đều vô cùng cao hứng, cảm thấy như mình được trẻ ra vậy!”
Cũng chính nhờ sự đam mê kỳ lạ của Từ Hy đối với cái đẹp, nhất là với vẻ ngoài của bản thân, mà thái giám khét tiếng nhà Thanh là Lý Liên Anh mới có cơ hội “phất lên như diều gặp gió” chỉ nhờ tài nghệ chải đầu, vấn tóc điêu luyện.
Giai thoại “giết người diệt khẩu” để che giấu mặt mộc
Mặc dù vô cùng coi trọng chuyện làm đẹp, nhưng Từ Hy dù sao cũng là “người trần mắt thịt”, không thể thoát khỏi quy luật của thời gian về sinh, lão, bệnh, tử. Thân thể và nhan sắc của bà chính là những thứ phản ánh rõ ràng nhất dấu vết của năm tháng.
Năm xưa khi mới nhập cung, vốn liếng về nhan sắc từng là thứ làm Từ Hy tự hào và kiêu ngạo. Sử cũ ghi lại, khi còn trẻ, bà sở hữu vóc dáng cân đối, dáng vẻ duyên dáng yêu kiều, da mặt mềm mại, trắng mịn như trứng gà bốc.
Thế nhưng khi về già, bất kể là gương mặt hay vóc dáng của Từ Hy đều đã biến đổi rất nhiều. Gương mặt của bà chảy xệ, hiện lên vô số nếp nhăn, lại thêm việc ngủ không đủ giấc khiến da xuất hiện nhiều vết đồi mồi.
Cho tới khi ý thức được rằng bản thân mình đang ngày càng già đi và xuống sắc, Từ Hy dần trở nên vô cùng nhạy cảm. Hễ có nô tài nói cố ý hay vô tình “đụng” đến dung mạo của mình, bà đều thẳng tay xử chém.
Tương truyền rằng, những người có “vận may” được chứng kiến nhan sắc thật của Lão Phật gia
chẳng mấy ai có kết cục tốt đẹp. (Ảnh minh họa).
Có giai thoại từng kể lại rằng, năm xưa chưa có một người nào thực sự nhìn thấy mặt mộc của Lão Phật gia. Bởi tất cả những người nhìn thấy đều bị Thái hậu “giết người diệt khẩu”.
Vì để người khác không nhìn thấy bộ dạng già nua xấu xí của mình, mỗi ngày sau khi thức dậy đều dành nhiều tiếng đồng hồ để trang điểm. Thế nhưng có câu “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
Một ngày kia, Từ Hy sau khi thức dậy, trong lúc mơ màng vì ngủ không đủ giấc liền quên trang điểm, truyền gọi thái giám và cung nữ vào hầu hạ mình thay y phục.
Những người này từ trước tới nay chỉ quen nhìn thấy diện mạo đã tô vẽ cẩn thận của Thái hậu, lần này nhìn thấy mặt mộc liền bị dọa đến mức giật mình, lỡ mồm kêu lên một tiếng, có kẻ thậm chí còn ngã ngồi xuống đất.
Đến lúc này, Từ Hy mới tỉnh táo trở lại, lập tức chạy đến chỗ gương soi. Nhìn qua bộ dạng của mình, bà phẫn nộ truyền gọi thị vệ: “Người đây, đem tất cả chúng ra ngoài chém đầu cho ta!”
Lúc bấy giờ, đối mặt với những tiếng cầu xin tha thứ của người dưới, Từ Hy cảm thấy mình càng bị sỉ nhục. Hơn nữa, bà cho rằng chỉ cần không có người biết chuyện, thì chuyện lớn ắt sẽ hóa nhỏ, còn chuyện nhỏ hóa thành không có, sẽ chẳng còn ai dám chê bai nhan sắc của mình.
Tới tận bây giờ, giai thoại Từ Hy chém đầu kẻ hầu người hạ vì nhìn thấy mặt mộc của mình vẫn được hậu thế lưu truyền rộng rãi.
Dù chưa biết câu chuyện ấy thực hư ra sao, nhưng chúng ta đều hiểu rõ, ai rồi cũng sẽ già đi, bất kể là thường dân bách tính hay là hoàng thân quốc thích, mà Từ Hy cũng không phải ngoại lệ.
Theo Thời Đại