Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Vốn nổi danh với tài cầm quân, đối nhân xử thế, võ nghệ của Tào Tháo có thực sự lợi hại?

Tào Tháo

 

Mỗi khi nhắc tới Tào Tháo, hậu thế thường nhớ ngay tới tài mưu lược, thuật dùng người. Vậy nếu xét trên phương diện võ thuật, năng lực của Tào Tháo được xếp ở trình độ nào?

Xem thêm  Hoa Đà "chết vì khinh suất" trong tay Tào Tháo như thế nào?

Tào Tháo (155 – 220) là vị quân chủ nổi danh đứng đầu tập đoàn chính trị Tào Ngụy thời Tam Quốc. Sinh thời, ông được biết đến với nhiều vai trò như nhà quân sự, chính trị gia, nhà văn nổi tiếng.

Mỗi khi nhắc tới bậc kiêu hùng thời loạn ấy, có không ít người vẫn thường ca ngợi tài cầm quân, bày binh bố trận, đối nhân xử thế xuất sắc của Tào Tháo.

Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít người đặt ra câu hỏi: Ngoài những năng lực nổi bật kể trên, võ công của Tào Mạnh Đức rốt cục lợi hại tới mức nào?

Thiên phú võ thuật của thiếu niên hiệp khách trong gia tộc họ Tào

Tào Tháo

 

Nhắc đến thời trẻ của Tào Tháo, Tam Quốc chí có đoạn ghi lại: “Thái Tổ (chỉ Tào Tháo) từ bé tuy nhanh trí nhưng ham chơi, thích ngao du, không màng sự nghiệp, mọi người vì thế không cho rằng Thái Tổ sẽ làm nên tích sự gì”.

Đoạn trích dẫn “Tào Man truyện” trong “Tam Quốc Chí” còn viết thêm: “Thái Tổ từ bé thích đua chó, săn chim, ngao du tối ngày […]”.

Có nguồn sử liệu còn ghi lại, Tào Tháo sở hữu tài nghệ hơn người, nhất là tài bắn cung “bách phát bách trúng”, tay không địch mãnh thú, có lần còn từng bắn được 63 con chim trĩ trong cuộc đi săn ở Nam Bì.

Từ những dẫn chứng trên đấy, không khó để nhận thấy Tào Mạnh Đức thời trẻ có thể xem là một thiếu niên theo đuổi giấc mộng hiệp khách, thường dùng võ nghệ của mình đi ngao du khắp nơi, vì vậy mà không có công việc chính đáng.

Tuy nhiên điều này cũng chứng minh rằng, Tào Tháo ngay từ thuở thiếu thời đã sở hữu võ công ở một trình độ nhất định.

Dù có đánh giá khắt khe tới đâu thì một người có thể bôn tẩu tứ phương, lại có tài bắn chim, săn thú như Tào Mạnh Đức chắc chắn ít nhiều sẽ sở hữu võ lực hơn những thư sinh “trói gà không chặt” thời bấy giờ.

Đơn độc ám sát Trương Nhượng, Tào Mạnh Đức vẫn an toàn trở ra

Tào Tháo

 

“Tam Quốc chí” đoạn chú dẫn “Dị đồng tạp ngữ” có miêu tả: “Thái Tổ một lần lẻn vào nhà thường thị Trương Nhượng, bị Nhượng phát hiện. Thái Tổ bèn cầm thủ kích vẫn trưng ngoài sân rồi nhảy qua tường bỏ đi. Tài võ của Thái Tổ lại hơn hết mọi người, không ai hại được”.

Về võ nghệ của Tào Mạnh Đức, tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” cùng từng miêu tả xuất sắc cảnh tượng Tào Tháo dùng Thất tinh đao ám sát Đổng Trác.

Thực tế trong lịch sử, Tào Tháo quả thực đã từng ám sát qua một nhân vật “tai to mặt lớn” thời bấy giờ. Thế nhưng người này vốn không phải là Đổng Trác mà là Thường thị Trương Nhượng.

Mặc dù kế hoạch bị bại lộ, nhưng chỉ riêng việc Tào Tháo vung tay cầm kích, leo tường mà đi, an toàn trở ra từ hang ổ của địch đã cho thấy trình độ võ công lợi hại mà nhân vật này sở hữu.

Một đao giết 8 mạng, Tào Tháo “xóa sổ” cả nhà Lã Bá Xa

Tào Tháo

 

Về sự kiện Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Xa, “Tam Quốc chí” trích dẫn “Thế thuyết tân ngữ” có ghi lại: “Thái Tổ có ghé ngang, nhưng Bá Xa không có nhà, chỉ có 5 người con đang chuẩn bị lễ ‘tân khách’. Thái Tổ đang trốn Đổng Trác, đâm ra nghi ngờ, đang đêm cầm kiếm đâm chết 8 người”.

Theo nhiều nguồn sử liệu ghi lại, Lã Bá Xa vốn là một người quen của Tào Tháo. Trên đường chạy nạn, ông có ghé qua và nghỉ lại nhà họ Lã. Vì nghi ngờ người nhà Lã Bá Xa mưu đồ giết mình, Tào Tháo đã quyết tâm “thà phụ thiên hạ”, một đao giết chết cả 8 người trong nhà.

Nếu chỉ đánh giá trên phương diện võ lực, chỉ riêng chi tiết Tào Mạnh Đức có thể giết 8 người trong nhà họ Lã đã cho thấy võ công của ông tương đối mạnh. Bởi lẽ nhà Lã Bá Xa vốn chẳng phải ít người, Tào Tháo khi ra tay ít nhiều cũng sẽ gặp phải phản kháng

Thế nhưng chỉ với một người, một dao, ông đã có thể toàn thắng trong cuộc thanh trừng gần chục mạng người nhà họ Lã. Vì vậy võ nghệ của Tào Tháo chắc chắn chẳng hề tầm thường.

Dẫn quân đến Huỳnh Dương, xung phong làm gương cho quân sĩ

Tào Tháo
Mặc dù là người thống lĩnh đội quân của mình, nhưng Tào Tháo thường xuyên tiên phong đi đầu trong mỗi trận chiến để khích lệ tinh thần binh lính. (Ảnh minh họa).

“Tam Quốc chí” của Trần Thọ ghi lại: “Thái Tổ đến sống Biện Hà ở Huỳnh Dương, gặp tướng của Trác là Từ Vinh, đánh nhau gặp bất lợi, sĩ tốt chết rất nhiều. Thái Tổ bị trúng tên, con ngựa đang cưỡi cũng bị thương, người biểu đệ là Tào Hồng nhường ngựa của mình cho Thái Tổ, đêm ấy Thái Tổ trốn thoát được”.

Trước sự chần chừ của liên minh hữu danh vô thực trong trận chiến chinh phạt Đổng Trác, Tào Tháo đã quyết định thân chinh dẫn binh đến Huỳnh Dương chiến đấu. Trong trận chiến khốc liệt tại đây, Tào Mạnh Đức đã xung phong đi đầu để làm gương cho các binh sĩ.

Mặc dù bản thân ông đã bị trúng tên, nhưng chỉ riêng việc dám xông pha lên trước đã cho thấy Tào Tháo không chỉ sở hữu võ công cao mà còn tự tin với võ lực của bản thân mình. Bởi lẽ nếu không có võ nghệ ở một mức độ nhất định, liệu có mấy người chủ tướng dám tự mình đem thân xông ra nơi chiến trường?

Khi chiến mã của mình bị trúng tên, ông đã đổi ngựa cùng Tào Hồng và an toàn rút lui dù cho thế trận vô cùng hung hiểm. Chi tiết này cũng đã ngầm khẳng định, võ công của vị quân chủ họ Tào này vượt ra người bình thường rất nhiều.

Một mình giết phản binh, Tào Tháo bình định phản loạn trong nháy mắt

Tào Tháo
Cái tài của Tào Tháo không chỉ dừng ở việc bày binh bố trận hay đối nhân xử thế mà còn được bộc lộ qua cách ông tận dụng võ nghệ của mình đúng lúc đúng chỗ. (Ảnh minh họa).

 

“Tam Quốc chí” trích dẫn “Ngụy thư” có đoạn ghi rõ: “Binh sĩ toan tính làm phản, đang đêm đốt trướng của Thái Tổ, Thái Tổ vung kiếm giết chết mấy chục người, đám còn lại đều bỏ chạy nháo nhào, trốn khỏi quân doanh, đám binh sĩ không làm phản chỉ có 500 người”.

Đối diện với tình thế tập kích bất ngờ của quân phản loạn, một mình Tào Tháo có thể cầm kiếm giết chết mấy chục người, khiến những kẻ làm phản khác sợ hãi bỏ chạy.

Cũng từng đối mặt với cảnh binh sĩ phản bội, thế nhưng võ tướng được mệnh danh là “đệ nhất thiên hạ” Lữ Bố lại có cách xử sự hoàn toàn khác so với Tào Mạnh Đức.

Có nguồn sử liệu ghi lại: Tháng 6 năm 196, bộ tướng của Lữ Bố là Hách Manh nghe lời xúi giục của Viên Thuật nên làm phản, mang quân xông vào phủ Hạ Bì. Nửa đêm Lữ Bố không kịp phân biệt người phe nào, chỉ kịp kéo vợ chạy từ nhá xí vào trại của bộ tướng Cao Thuận.

Từ đó có thể thấy, ngay cả khi sở hữu võ lực ở mức thượng thừa, năng lực vận dụng và ứng phó của Lữ Bố vẫn kém xa Tào Tháo.

Ngoài những dẫn chứng nói trên, “Tam Quốc chí” còn có không ít chi tiết thể hiện võ nghệ cao cường của Tào Mạnh Đức.

Bản thân vị quân chủ này mỗi lần tác chiến vẫn thường xung phong đi đầu, cho dù có lúc thất bại, có khi bị thương, nhưng chung quy vẫn luôn an toàn rút lui.

Từ những chi tiết nói trên, có thể thấy vị kiêu hùng thời loạn như Tào Tháo chẳng những có tài cầm quân hay đối nhân xử thế mà còn sở hữu võ nghệ vô cùng xuất chúng.

Xem thêm  Hoa Đà "chết vì khinh suất" trong tay Tào Tháo như thế nào?

 Theo Trần Quỳnh- Trí thức trẻ/Soha

Link